Claude Parent - Con khủng long cuối cùng?

20/08/2010 07:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Claude Parent có lẽ là kiến trúc sư cuối cùng đeo đuổi chủ nghĩa siêu hiện đại (supermodernism), một cố gắng bằng gạch đá của nghệ thuật xây dựng không muốn tụt hậu trong thời đại toàn cầu hóa. Ông được tôn vinh vì kiểu nhà ở mới hầu như không có đồ gỗ, bị căm thù vì tham gia thiết kế nhà máy điện nguyên tử. Ít nhất thì ông là một KTS dám đưa và đưa triết học vào xây dựng một cách thành công.

Trúc trắc

Danh từ “chủ nghĩa siêu hiện đại“ được nhà phê bình Hà Lan Hans Ibelings đặt ra để gọi phong thái kiến trúc mới trong thời đại toàn cầu hóa. Có lẽ nghệ thuật xây dựng cũng chịu khủng hoảng chu kì như kinh tế, thời trang, nghệ thuật v.v... cho nên thời kì hậu hiện đại rồi thì chủ nghĩa giải tỏa kết cấu chưa kịp trụ lâu để người tiêu dùng thuộc tên thì đã chết yểu. Trào lưu siêu hiện đại không chỉ trúc trắc khó hiểu, mà còn chẳng gợi lên hình ảnh thân thiện nào. Cái tên ấy ra đời cuối thế kỉ trước, mang kì vọng đạp đổ tư duy cổ hủ của chủ nghĩa biểu tượng (đại khái nhà sân bay thì phải có dáng đại bàng, mái bể bơi nhất định có hình sóng lượn…) và quyết không hàm chứa một thông điệp nào khiến người xem phải suy luận. Tất cả phải được bày sẵn, từ vật liệu đến nội thất và ánh sáng... chỉ quy phục mệnh lệnh duy nhất: Vui sống.


KTS Claude Parent
Mỗi luận thuyết có một giai thoại hình thành của nó và ở trường hợp Claude Parent giai thoại ấy bắt nguồn từ bãi cát bên bờ Đại Tây Dương. Trong thời gian 1942-1944 quân Đức chiếm đóng bờ Tây nước Pháp và dựng hơn 8.000 lô cốt trên một chiều dài 2.685 km để ngăn phe Đồng minh đổ bộ. Sau bao giông bão, hôm nay nhiều lô cốt đứng xiêu vẹo lô xô trong cát như những thỏi gỗ đồ chơi ném bừa bãi.

Một ngày đẹp trời hồi thập kỉ 60, KTS Claude Parent cùng triết gia Paul Virilio phóng xe Jeep giữa những cồn cát. Họ nghỉ chân bên một lô cốt chìm non nửa trong cát và mò vào trong xem. Cảnh tượng khá khôi hài: tất cả nghiêng ngả, không biết trước đó đâu là sàn và đâu là tường. Về đến Paris, Parent nhớ lại cái cảm giác loạng choạng, mất phương hướng trong không gian xiêu vẹo đó. Cho đến hôm nay ông không thể quên cảm giác chóng mặt lạ lẫm ấy.

Chúng ta ngập trong đồ gỗ

Parent ngày đó chưa đến 40 và đã có khá nhiều sở thích. Ông làm trong văn phòng của KTS thiên tài Le Corbusier, thiết kế nhà ở cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và một loạt siêu thị lớn kiểu rất Mỹ, phát minh ra một loại ô tô hình côn trùng, thử nghiệm tên lửa. Tuy nhiên ít ai biết tên ông. Tất cả thay đổi đột ngột khi ông rời cái lô cốt nọ. Parent bắt đầu xô mọi thứ khỏi tình trạng cân bằng. Ông thuyết phục khách hàng - nhà tài phiệt Gaston Drusch, xây một biệt thự có tường nghiêng 45 độ, ở ngoại ô Versailles - một phiên bản ấm cúng của lô cốt bên bờ Đại Tây Dương. Chưa đủ, thử nghiệm thứ hai của ông diễn ra và Parent lập tức thành ngôi sao của giới trí thức Paris, đồng thời cắt đứt sự nghiệp thương mại vẫn thành đạt bấy nay: Parent quyết định từ nay chỉ còn xây nền nhà nghiêng! Cùng triết gia Virilio, ông viết luận thuyết về cuộc sống trên mặt phẳng nghiêng (Vivre à l’Oblique). Cho đến hôm nay, ai gặp vị KTS 87 tuổi tại văn phòng ở Neuilly đều phải kiên nhẫn nghe ông thuyết trình về cuộc sống trên mặt phẳng nghiêng làm năng động hóa quan hệ xã hội cũng như chỉ ra các hướng mới ra sao: “Bạn thử nghĩ xem, cuộc sống trong nhà buồn tẻ ra sao. Trẻ con ngồi ở phòng riêng, ông bố trên sofa thừa kế của các cụ, bà mẹ gõ máy tính - chúng ta ngập trong đồ gỗ. Hãy biến không gian thành bãi chơi, thay vì đi lại thì ta trèo leo, trượt, nằm… Và sẽ có gì xảy ra, khi các nhóm được lập ra khác hẳn với định hình xã hội thông qua trật tự có trước của bàn, ghế, giường?”.


Sainte Bernadette: Trong nhà thờ Sainte Bernadette ở Nevers không có nền phẳng
Triết lý của nằm ăn

Parent trở thành một trong những đại diện của xu hướng xã hội không tưởng trong lịch sử kiến trúc đương đại. Ở triển lãm nghệ thuật Venice 1970 ông lắp một hệ thống mặt phẳng nghiêng trong gian hàng Pháp, vứt hết bàn ghế ra, mọi người bắt buộc phải nằm, bò, lăn lộn dưới “sàn“, thậm chí ăn trong tư thế nằm, nếu muốn.

Về khía cạnh thương mại thì cuộc “nổi loạn” của Parent là một thất bại. Những ai yêu ý tưởng “Oblique“ của ông nhất thì lại không đủ tiền mua - đó là trẻ con. Chloé, con gái ông, nhớ lại: "Tôi lôi con chó chạy lên nền nhà dốc, thả bi ve lăn xuống, bố mẹ tôi bỏ hết đồ gỗ, mọi người ngủ trong các hốc, nhà hầu như không có cửa: chỉ sau một ngày lắp sàn nghiêng, cái kì quái đã thành cái thường nhật. Bọn trẻ con thích quá, chúng tôi không còn là thành viên của lớp thị dân tiểu tư sản ưa ngồi trên đồ gỗ được cha ông để lại và ăn bên bàn có 6 ghế dựa lưng".

Parent trở thành người hùng của trường phái giải tỏa kết cấu (Deconstructivism), nhưng không mang nghĩa triệt phá hệ thống sẵn có, mà tháo ra rồi xếp mới lại như một trò chơi không xếp thứ hạng. Bất ngờ lớn: Khách hàng lớn đầu tiên là một nhà thờ ở Nevers. Bề ngoài không khác một lô cốt, bên trong lại càng giống hơn, kể cả nền nhà bị chia thành nhiều mảng nghiêng. Cuộc sống được đảo lộn một cách tươi mới, ngay cả trong chốn tôn nghiêm của đức tin.


Biệt thự “Maison Drusch” gần Versailles (Pháp)
Bụt chùa nhà

Parent là đại diện cho trường phái siêu hiện đại với tốc độ đặc thù của nó, vốn đã tặng nước Pháp trung tâm nghệ thuật Centre Pompidou, phi cơ Concorde và tàu cao tốc TGV. Ông thiết kế một loạt siêu thị của chuỗi Goulet-Turpin. “Lần đầu tiên một chuỗi siêu thị lớn không chỉ nghĩ đến lợi nhuận, mà cả vẻ đẹp kiến trúc cho công trình của mình. Thường là họ làm nhà rẻ để thuyết phục khách hàng rằng hàng mình giá rẻ“, Parent than phiền rồi cảm ơn bằng một tượng đài của văn hóa pop.

Công trình nhà máy điện nguyên tử ở Cattenom và Chooz (Pháp) dường như là bản khai tử của Perent: khắp phương Tây đang chuyển sang hành động xanh, và xu hướng đó càng mạnh mẽ hơn sau sự cố Chernobyl. Ai rủ rê Parent vào dự án này, khi ông đã kiếm cả đống tiền nhờ chuỗi siêu thị? “Xin phép trả lời ngay“, Parent hăng hái, “Không có gì nhanh hơn và mạnh hơn nguyên tử. Nó tượng trưng cho sự kì vĩ và tân tiến“. Tiếc rằng hồi ấy không ai nghĩ ngợi gì nhiều về chất thải phóng xạ. Parent bị tẩy chay, cho đến năm 2000 ông toàn nhận thiết kế mấy công trình vặt vãnh.

Thời Phục hưng của “Oblique“ tuy chưa đến, nhưng các công trình hiện đại mới như nhóm nhà cao tầng hình sườn núi của Sou Fujimoto ở Yemen hay nhà đại học tổng hợp Lausanne, Thụy Sĩ, không thể xuất hiện mà thiếu bước khai phá về lý luận của Parent. Chỉ có bụt chùa nhà là không thiêng: mới đây Parent bán biệt thự của mình ở Neuilly, và trước đó ông phải gọi thợ tháo hết các mặt phẳng nghiêng...

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm