Pháp nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo loạn

04/07/2023 14:27 GMT+7 | Tin tức 24h

Sau một tuần rơi vào khủng hoảng liên quan đến vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gốc Phi, hiện tình hình bạo loạn ở Pháp đã bớt căng thẳng hơn. Chính phủ Pháp đang có những biện pháp để lập lại trật tự, không để căng thẳng có thể lan nhanh hơn.

Bạo loạn sau vụ cảnh sát nổ súng làm một thiếu niên tử vong

Biểu tình bạo loạn trong những ngày qua ở Pháp đã bùng lên từ sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi vào sáng ngày 27/6/2023. Người thanh niên này tên là Nahel M, người gốc Bắc Phi, sinh sống ở thành phố Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris, nơi đa số cư dân thuộc tầng lớp lao động. Nahel M bị bắn vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, vụ việc trên đã ngay lập tức làm dấy lên tranh cãi ở Pháp về nghiệp vụ của cảnh sát cũng như chỉ trích về hành xử của cảnh sát đối với người dân ở khu vực thu nhập thấp, đặc biệt đối với cộng đồng thiểu số.

Ngay sau khi tin tức về vụ việc trên được đưa ra, biểu tình dẫn tới bạo động đã diễn ra trên các đường phố ở thành phố Nanterre và nhiều nơi khác ở Pháp nhằm phản đối hành động của cảnh sát.

Pháp nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo loạn - Ảnh 1.

Cảnh sát gác tại Đại lộ Champs-Elysees ở Paris, Pháp, ngày 2/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến ngày 4/7, tình trạng bạo loạn và cướp bóc đã kéo dài qua đêm thứ 6 liên tiếp. Có tới 45 nghìn cảnh sát được triển khai trên cả nước, trong đó có 7 nghìn cảnh sát tập trung tại thành phố Paris và các vùng ngoại ô, bao gồm địa danh du lịch nổi tiếng đại lộ Champs Elysees, sau khi nhiều người trên mạng xã hội kêu gọi biểu tình tại trung tâm thủ đô của Pháp. Lực lượng an ninh cũng được điều đến các điểm nóng biểu tình của những ngày trước đó như Lyon, Grenoble và Marseille.

Tuy nhiên, bất chấp sự có mặt của lực lượng an ninh, các hành động cướp phá vẫn diễn ra ở các thành phố Lyon, Marseille and Grenoble. Những đối tượng quá khích xông vào cướp phá các cửa hàng, đốt các ô tô và thùng rác. Thậm chí, tình trạng cướp phá còn diễn ra ngay cả ban ngày nhằm vào một số cửa hàng ở thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp. Tại nhiều thành phố ở ngoại ô Paris và các vùng trên khắp nước Pháp, một số công sở đã bị đốt phá. Người biểu tình quá khích đã gây ra hàng loạt vụ đụng độ với cảnh sát… Thậm chí những đối tượng gây bạo loạn còn lái ô tô đâm vào nhà riêng của Thị trưởng L'Hay-les-Roses, ông Vincent Jeanbrun, khiến vợ và 1 người con của ông bị thương, sau đó phóng hỏa nhà của ông. Các công tố viên cho biết đang điều tra vụ việc theo hướng cố ý giết người…

Một số thành phố ở ngoại ô thủ đô Paris đã quyết định ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trong vùng Paris, từ 9 giờ tối ngày 29/6, hệ thống xe bus và tramway đã phải ngừng hoạt động.

Không những vậy, tình trạng biểu tình bạo loạn từ Pháp đang có nguy cơ lan sang các nước khác. Ngày 2/7, cảnh sát Thụy Sĩ cho biết do bị kích động trước các cuộc biểu tình bạo lực tại Pháp, hơn 100 thanh thiếu niên ở Thụy Sĩ đã tập trung tại trung tâm thành phố Lausanne và phá hoại nhiều cơ sở kinh doanh. Bạo lực bắt đầu nổ ra tại thành phố nói tiếng Pháp này vào đêm ngày 1/7 sau một số lời kêu gọi trên mạng xã hội.

Cảnh sát Thụy Sĩ cho biết đã bắt giữ 7 người sau khi bạo loạn xảy ra ban đêm tại thành phố Lausanne nước này. Đáng chú ý, 6 người trong số đó là trẻ vị thành niên, nằm trong độ tuổi từ 15-17 gồm 3 nữ gốc Bồ Đào Nha, Bosnia và Somalia, cùng 3 nam gốc Gruzia, Serbia và Thụy Sĩ. Người trưởng thành duy nhất trong số những người bị bắt hiện 24 tuổi là công dân Thụy Sĩ. Khoảng 50 sĩ quan cảnh sát Thụy Sĩ đã được triển khai và không ghi nhận thương vong. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.

Pháp nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo loạn - Ảnh 2.

Cảnh sát Pháp bắt giữ người biểu tình bạo loạn tại Paris, tối 2/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nỗ lực lập lại trật tự

Theo Bộ Nội vụ Pháp, tính đến ngày 3/7, các cuộc biểu tình bạo loạn những ngày qua đã khiến hàng chục cảnh sát bị thương, 577 phương tiện bị đốt cháy, 74 tòa nhà bị phóng hỏa và 871 đám cháy trên đường phố cũng như các khu vực công cộng khác. Bộ Tài chính Pháp thì cho biết ít nhất 10 trung tâm mua sắm, hơn 200 siêu thị, 250 cửa hàng thuốc lá và rất nhiều cửa hàng quần áo và thể thao bị cướp bóc.

Trong đêm ngày 3/7, đêm thứ 6 liên tiếp, tình hình bạo loạn ở Pháp đã có phần bớt căng thẳng hơn. Bộ nội vụ Pháp cho biết, trong ngày 3/7, các lực lượng an ninh chỉ bắt giữ 158 người, so với con số 773 người bị bắt vào hôm 1/7 và hơn 1.300 người của ngày 30/6. Như vậy tính từ ngày 27/6 đến 3/7, cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 3.350 người.

Trong ngày 3/7, Tòa án thành phố Grenoble, Đông Nam nước Pháp, cũng đã đưa ra những bản án đầu tiên dành cho các đối tượng tham gia bạo loạn những ngày qua tại nước này, theo đó 3 người bị kết án tù từ 3 đến 4 tháng vì tội cướp bóc trong các vụ bạo loạn. Khoảng 30 đối tượng khác cũng sẽ bị xét xử ở Grenoble. Hầu hết trong số này là những người đã bị giam giữ với cáo buộc có hành vi cướp bóc trong đêm ngày 1/7.

Về phía chính quyền Pháp, phản ứng trước các hành động bạo loạn, cướp bóc những ngày qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án và cho rằng cái chết của Nahel đã được dùng làm cớ để biện minh cho các hành động bạo lực - và gọi đó là "sự khai thác không thể chấp nhận được đối với cái chết của trẻ vị thành niên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải sớm rời Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 30/6 để trở về nước chủ trì cuộc họp này. Ông cũng đã phải hoãn chuyến thăm Đức dự kiến bắt đầu vào ngày 2/7 do tình hình trong nước.

Phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo loạn hôm 30/6, Tổng thống Macron nhận định cho rằng các nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử đã góp phần thổi bùng bạo loạn trên khắp đất nước trong những ngày gần đây.

Pháp nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo loạn - Ảnh 3.

Xe buýt bị đốt cháy tại Aubervilliers, phía bắc thủ đô Paris, Pháp, ngày 30/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Macron cũng cho biết Chính phủ Pháp sẽ làm việc với các trang truyền thông xã hội để "gỡ bỏ các nội dung nhạy cảm nhất" và xác định những người dùng "kêu gọi bạo loạn hoặc làm trầm trọng thêm bạo lực".

Hầu hết các quan chức an ninh Pháp cũng đều chỉ ra vai trò của các nền tảng truyền thông trực tuyến. Ứng dụng Telegram và trên hết là Snapchat, phổ biến nhất với giới trẻ, có hơn 20 triệu người dùng trong hoạt động hằng ngày ở Pháp.

Nhận thức được tác động và hậu quả của sự lan truyền này, chính phủ Pháp đã triệu tập đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội chính như Meta, Twitter, Snapchat, TikTok hôm 30/6 để yêu cầu họ "cam kết tích cực thu hồi những tin nhắn được báo cáo và xác định người sử dụng mạng xã hội tham gia thực hiện tội phạm".

Bộ trưởng Tư pháp Pháp Eric Dupond-Moretti thì cho rằng cần có một phản ứng cứng rắn đối với những người tham gia bạo loạn, gây mất trật tự an ninh xã hội tại nhiều thành phố trên toàn quốc. Chính phủ Pháp hiện cũng đang cân nhắc các biện pháp để trấn áp các cuộc bạo loạn những ngày qua.

Ngày 3/7, các thị trưởng Pháp cũng đã kêu gọi người dân và quan chức được bầu tập trung tại các tòa thị chính trên khắp cả nước để phản đối các cuộc biểu tình bạo loạn kéo dài gần một tuần qua.

Hiện sỹ quan cảnh sát có liên quan đến vụ việc ngày 27/6 đã thừa nhận bắn một phát súng chết người. Về phía công tố viên đã nói với các nhà điều tra rằng sỹ quan cảnh sát này muốn ngăn chặn một cuộc rượt đuổi nguy hiểm của cảnh sát. Còn luật sư Laurent-Frank Lienard của sỹ quan này thì nói rằng anh ta không cố ý giết chết cô gái 17 tuổi này. Trong khi đó, bà của Nahel M, được truyền thông Pháp xác định là Nadia, cho biết những kẻ bạo loạn đang lợi dụng cái chết của cô gái 17 tuổi như một cái cớ để gây ra sự bạo loạn.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ, cái chết của cô gái 17 tuổi Nahel M đã thổi bùng lên làn sóng bất mãn vốn đã âm ỉ từ lâu trong nhiều tầng lớp người dân Pháp về nạn phân biệt đối xử, bạo lực của cảnh sát cũng như nạn phân biệt chủng tộc trong các cơ quan thực thi pháp luật. Đây là một thách thức cần Tổng thống Macron phải sớm tìm ra lời giải.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm