Pháp đối mặt làn sóng đình công phản đối cải cách lương hưu

02/02/2023 08:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Kế hoạch cải cách lương hưu do Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy hiện đang vấp phải các cuộc đình công với quy mô lớn. Các cuộc đình công này được ví như phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát đối với Tổng thống Macron.

Đình công chưa có dấu hiệu dừng lại

Cuộc đình công quy mô lớn đầu tiên nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Macron với hơn 1 triệu người lao động tham gia nổ ra hôm 19/1/2023 trên toàn nước Pháp khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn. Các tổ chức công đoàn cảnh báo 19/1 sẽ là ngày khởi đầu của nhiều cuộc đình công và biểu tình nối tiếp. Đây cũng là cuộc đình công quy mô lớn lần đầu tiên trong 12 năm qua - kể từ khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh từ 60 lên 62 tuổi - có sự tham gia của tất cả các công đoàn tại Pháp.

Sau cuộc đình công hôm 19/1, Chính phủ Pháp đã phát đi tín hiệu cho thấy có thể điều chỉnh một số biện pháp, bao gồm các ưu đãi đặc biệt dành cho những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ, tăng hỗ trợ dành cho những bà mẹ phải nghỉ việc để chăm con hoặc những người mong muốn nâng cao trình độ học vấn. Tuy nhiên, điều khoản về nâng độ tuổi nghỉ hưu không được đưa ra thảo luận. Mặc dù hoan nghênh sự cởi mở của chính phủ trong quá trình đàm phán về các điều khoản của kế hoạch cải cách trên, song các nghiệp đoàn đều phản đối đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, cho rằng cải cách này là "không công bằng". Tám nghiệp đoàn lớn tại Pháp đã lên kế hoạch cho cuộc đình công mới vào ngày 31/1.

Pháp đối mặt làn sóng đình công phản đối cải cách lương hưu - Ảnh 1.

Đình công trên toàn quốc lần thứ 2 phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ tại Strasbourg, miền Đông Pháp ngày 31/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc đình công lần thứ hai trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron diễn ra ngày 31/1 với sự tham gia của khoảng 2,8 triệu người (theo nghiệp đoàn CGT). Sự kiện này đã gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động giao thông công cộng, trường học cũng như giao hàng của nhà máy lọc dầu ở Pháp. Các nghiệp đoàn cho biết thách thức hiện nay của họ sẽ là duy trì phong trào đình công vào thời điểm lạm phát cao đang làm giảm tiền lương.

Cũng trong ngày 31/1, các nghiệp đoàn ở Pháp đã đưa ra lời kêu gọi chung về việc tổ chức hai ngày đình công và biểu tình tiếp theo, được ấn định vào các ngày 7/2 và 11/2/2023 tới. Phát biểu tại cuộc họp báo chung giữa các nghiệp đoàn, đại diện nghiệp đoàn Force Ouvriere tuyên bố: "Chính phủ phải lắng nghe ý kiến phản đối ở quy mô lớn đối với chương trình này và phải rút lại nó".

Về phía chính phủ Pháp, người phát ngôn chính phủ Oliver Veran cho biết nội các sẽ giữ quan điểm "bình tĩnh và cương quyết" trước các cuộc đình công, đồng thời vẫn kêu gọi người lao động nên tránh để hoạt động chung bị gián đoạn trên diện rộng.

Phép thử đối với Tổng thống Macron

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số cử tri Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ Tổng thống Macron. Kế hoạch này đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, cũng như tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.

Pháp đối mặt làn sóng đình công phản đối cải cách lương hưu - Ảnh 2.

Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Lao động Pháp ước tính, việc tăng giới hạn độ tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm và kéo dài thời gian trả lương sẽ mang lại cho nước này thêm 17,7 tỷ euro (19,18 tỷ USD) đóng góp lương hưu hàng năm. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn lập luận rằng chính phủ có thể lựa chọn những cách thức khác để tăng doanh thu, như đánh thuế người siêu giàu hoặc yêu cầu người sử dụng lao động hoặc người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống hưu trí.

Các cuộc đình công lần này tại Pháp đối với Tổng thống Macron, như nhận định của giới phân tích, giống như phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, đối với các tổ chức công đoàn, cuộc đình công cũng mang ý nghĩa quan trọng khi được kỳ vọng sẽ giúp gây ảnh hưởng và dẫn đến những điều chỉnh, trong bối cảnh điều kiện công việc và lương hưu không theo kịp tác động lạm phát.

Việc điều chỉnh hệ thống trợ cấp hưu trí là trọng tâm trong chương trình cải cách của Tổng thống Macron khi ông lên nắm quyền vào năm 2017. Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã tạm hoãn thúc đẩy kế hoạch này vào năm 2020 khi Pháp phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp trong nhóm các nước công nghiệp, Pháp đang chi gần 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào trợ cấp lương hưu, nhiều hơn phần lớn những nước khác.

Làn sóng đình công diễn ra trong bối cảnh Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - đang phải vật lộn với các tác động của giá năng lượng tăng cao, vốn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại toàn cầu. Ngân hàng trung ương Pháp tháng 12/2022 dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm xuống còn 0,3% trong năm 2023 so với mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022.

Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm