Sau những vụ cháy xe: Chủ xe lãnh đủ

04/03/2012 13:00 GMT+7 | Thế giới


Những vụ cháy xe đã được giải quyết như thế nào? Hầu hết nạn nhân chịu thiệt thòi bởi nhà sản xuất xe không có trách nhiệm bồi thường (xe hết hạn bảo hành), chủ xe không mua bảo hiểm nên cũng chẳng có ai chi trả.



Chiếc Lexus bị cháy ở Hà Nội ngày 2-3 được kéo về “đắp chiếu” ở gara ôtô Trường Sơn - Ảnh: QUANG THẾ

Trong khi đó, nguyên nhân phần lớn vụ cháy xe hiện vẫn còn là dấu chấm hỏi gây hoang mang cho nhiều người.

Lỗi của người đi xe?

Công an tạm giữ ôtô bị cháy của diễn viên Lê Khánh để điều tra

Diễn viên Lê Khánh, chủ chiếc xe Nissan đã đột ngột bốc cháy trên đường Huyền Trân Công Chúa, Q.1 (TP.HCM) vào ngày 22-2 vừa qua, cho biết đã mười ngày qua kể từ thời điểm xe của cô bốc cháy, đến nay việc giám định nguyên nhân cháy vẫn chưa xong.

Hiện ôtô của Lê Khánh đang được cơ quan công an tạm giữ để làm rõ nguyên nhân. Theo Lê Khánh, chiếc xe cô mua cách đây ba năm thuộc dòng xe nhập khẩu, đến nay đã hết hạn bảo hành. Khi sử dụng xe, Lê Khánh có mua bảo hiểm vật chất của một công ty bảo hiểm. Ngay khi xe cháy, Lê Khánh đã liên hệ với công ty để yêu cầu bồi thường nhưng đến nay phía công ty cho biết phải chờ kết luận giám định nguyên nhân cháy mới xem xét giải quyết bồi thường cho khách hàng.
Ông Phan Văn Hường (ngụ Q.3, TP.HCM), chủ nhân chiếc xe gắn máy hiệu Luvias (Hãng Yamaha) bị bốc cháy trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày 25-12-2011, cho biết chiếc xe trên ông mua cho con gái đi học được khoảng bốn tháng.

Tối hôm trước con gái ông có đi đổ xăng. Sáng hôm sau em Dương Đăng Tấn (cháu gọi ông Hường bằng cậu) lấy xe chạy đi mua thuốc, vừa đến đường Lê Quang Định thì bốc cháy. Ngọn lửa đã thiêu rụi gần như toàn bộ chiếc xe.

Sau khi xe cháy, ông đã liên hệ với Hãng Yamaha và cơ quan công an cũng làm việc để xác định nguyên nhân cháy xe. Tuy nhiên, theo ông Hường: “Chẳng biết việc giám định kết quả như thế nào nhưng đại diện hãng xe nói công ty không có trách nhiệm bồi thường vì kết luận việc cháy xe là do xe bị mất nắp bình xăng khiến xăng tràn ra ngoài khi chạy, gây cháy xe”.

Theo ông Hường, gia đình ông không đồng ý với kết luận này nhưng chẳng biết khiếu nại ở đâu. Theo em Tấn, khi cháy chiếc xe phát nổ và gần như cháy rụi toàn bộ nên có thể nắp bình xăng bị văng ra ngoài, chứ không thể có chuyện xe bị mất nắp bình xăng trước đó. Con gái ông Hường cũng khẳng định nhớ rõ buổi tối hôm trước sau khi đổ xăng em đã đóng nắp bình xăng. Ông Hường buồn bã: “Chiếc xe tôi mua hơn 26 triệu đồng giờ chỉ còn trơ vài thanh sắt, tôi vứt ở góc nhà chẳng biết làm gì”.

Anh Trịnh Đức Sơn (33 tuổi, trú tại số 9, tổ 56, P.Mai Động, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), chủ nhân chiếc xe máy Loncin bị cháy hôm 26-12-2011, cho biết đến nay vẫn không biết nguyên nhân khiến chiếc xe của mình bị cháy. Theo anh Sơn, xe của anh mang nhãn hiệu Loncin của Trung Quốc nhái kiểu dáng xe Dream của Hãng Honda, được mua lại của một người trước đó khoảng một năm, sử dụng bình thường cho đến ngày xảy ra vụ việc, không có dấu hiệu gì bất thường.

Sau khi xảy ra cháy xe, công an phường có xuống nắm tình hình, hỏi han gia đình về quá trình xảy ra cháy xe nhưng không thu giữ phương tiện bị cháy để khám nghiệm, điều tra làm rõ nguyên nhân. Do đó, anh Sơn đã mang bán chiếc xe trên cho một cửa hàng thu mua sắt vụn. Liên quan đến vụ cháy chiếc xe của anh Sơn, thượng tá Trần Văn Tỉnh, trưởng Công an Q.Hoàng Mai, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an Q.Hoàng Mai tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy xe này. Trước mắt xác minh nơi mua xe, xác minh quá trình sử dụng chủ xe có thay đổi các thiết bị kỹ thuật của xe hay không, xe có bị hở, chảy xăng dầu hay không... nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Vì mua xe cũ nên anh Sơn không mua bảo hiểm xe máy. Lý giải về việc tại sao không mua bảo hiểm, anh Sơn cho biết chỉ đi loanh quanh gần nhà, đi làm bình thường nên không mua. Anh Sơn cũng không biết nếu mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì khi chiếc xe bị cháy có được bồi thường hay không.

Anh Chu Hoài Giang (trú tại P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ nhân chiếc xe Attila Elizabeth mang biển kiểm soát 30F2-7879 bị cháy hôm 28-12-2011 trên đường Trần Phú (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho biết xe của anh đang chạy bỗng nhiên bốc khói nghi ngút và phát hỏa ở gần bình xăng.

Rất may, người dân trên đường Trần Phú dùng bình chữa cháy dập tắt được ngọn lửa nên chiếc xe không bị thiêu rụi. Sau đó, anh Giang liên lạc với nơi bán xe để đưa về sửa chữa. Hãng SYM đã thanh toán toàn bộ chi phí sửa xe cho anh Giang. Còn về bảo hiểm anh Giang cho biết mình không mua bảo hiểm xe máy, nhưng anh cho rằng dù có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì khi xảy ra cháy nổ xe của mình cũng không được bảo hiểm bồi thường.

Nhiều chủ xe gắn máy tự bốc cháy khác trong thời gian gần đây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hầu hết chủ xe phải chịu thiệt thòi, xem như gặp vận rủi bị “bà hỏa” viếng tài sản mà không hề được ai đứng ra bồi thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay chưa có vụ cháy xe nào mà nhà sản xuất đứng ra nhận trách nhiệm có lỗi trong thiết kế, sản xuất để bồi thường cho người dân, cũng chưa từng có vụ việc nào có kết luận nguyên nhân phát cháy là do xăng dầu.

Một số vụ hiếm hoi có kết luận thì cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy xe là tuổi thọ xe cũ, do chập điện trong khi sử dụng. Vì thế, hầu hết những vụ cháy xe gắn máy vừa qua chủ xe đều phải chịu thiệt, gây tâm lý hoang mang thấp thỏm cho nhiều người đang sử dụng xe khác.



Chiếc Dylan 150 của “khổ chủ” Mai Quốc Hùng (Hóc Môn, TP.HCM) bị cháy hôm 2-1-2012 - Ảnh: HOÀNG LỘC

Các hãng xe thờ ơ

Không chỉ xe gắn máy mà đối với nhiều ôtô tự bốc cháy gần đây, nguyên nhân cháy chưa được kết luận rõ ràng mà thiệt hại cũng chỉ có chủ xe phải chịu. Ông Lâm Ngọc Minh, tài xế xe Kia Spectra 52V-9152 đã phát cháy vào ngày 11-2-2012 trên đường Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết sau vụ cháy, công an có đến lập biên bản, lấy mẫu xăng đi giám định nhưng đến nay gia đình ông không được thông tin gì về kết quả giám định này. Còn chiếc ôtô sau khi cháy gia đình ông phải tự đem đến gara để sửa.

Chiếc xe này gia đình ông mua năm 2003, thuộc dòng xe nhập khẩu đến nay đã hết thời hạn bảo hành từ lâu. Do xe cũ nên gia đình không mua bảo hiểm hai chiều. Chính vì vậy toàn bộ chi phí sửa chữa chiếc xe (gần chục triệu đồng) gia đình ông phải tự chịu.

Về vụ hỏa hoạn liên quan tới chiếc xe Lexus RS 350 sáng 2-3  tại Hà Nội, ông Bùi Viết Tách, chủ xe, cho biết đến cuối ngày 3-3 vẫn chưa có thông tin nào từ hãng xe hỏi thăm hoặc nắm tình hình để tìm hiểu nguyên nhân cháy xe của ông. Ông Tách cũng lấy làm ngạc nhiên vì đây là một chiếc xe đắt tiền của hãng xe có tên tuổi nhưng sự thiếu quan tâm đến sản phẩm của hãng sản xuất để phòng ngừa tình trạng tương tự đối với những chiếc xe khác là điều lạ. Còn vấn đề bồi thường hay hỗ trợ, ông Tách chưa đặt ra vì “xe của mình, mình phải bỏ tiền ra sửa, dù hết cả tỉ đồng cũng phải chịu”.

Theo ông Tách, xe của ông hết bảo hiểm cách đây vài tháng nhưng gia đình ông chưa mua bảo hiểm vì nghĩ rằng bảo hiểm thân vỏ cũng không giải quyết vấn đề gì trong khi bảo hiểm toàn phần xe thì chi phí quá cao.

Trước tình trạng nhiều xe tự bốc cháy vừa qua, nhiều người cho biết đã phải tự bảo vệ quyền lợi bằng cách mua bảo hiểm vật chất cho ôtô, xe gắn máy của mình. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, việc mua bảo hiểm này cũng chưa chắc đã yên tâm. Đối với ôtô, tùy giá trị của từng loại xe, điều kiện sử dụng xe mà các công ty đưa ra những mức phí bảo hiểm khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu khách hàng băn khoăn khi phải bỏ cả chục triệu đồng (hoặc vài chục triệu đồng nếu xe có giá trị vài tỉ) mỗi năm để mua bảo hiểm trong khi quy định về bồi thường của các công ty bảo hiểm chưa rõ ràng.

Thông thường khi cung cấp hợp đồng, các công ty bảo hiểm đều cho rằng nếu xe còn trong thời hạn bảo hành mà nguyên nhân cháy nổ do lỗi kỹ thuật thì trách nhiệm bồi thường là của hãng sản xuất xe. Theo nhiều khách hàng, mua bảo hiểm để yên tâm nhưng nếu lỡ có rủi ro cũng khốn khổ vì việc đổ qua đổ lại giữa công ty bảo hiểm và hãng sản xuất xe.

Đối với xe gắn máy, từ trước đến nay hầu hết chủ xe chỉ mua bảo hiểm bắt buộc về trách nhiệm dân sự của chủ xe chứ hiếm ai nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm vật chất cho xe gắn máy, nên hầu hết vụ cháy nổ chủ xe đều cầm chắc thiệt hại nếu không xác định được nguyên nhân là do nhà sản xuất xe hay xăng kém chất lượng. Gần đây, từ việc liên tục cháy xe, một số công ty bảo hiểm mới bắt đầu đưa ra sản phẩm bảo hiểm vật chất xe gắn máy.

Hai vụ cháy xe được bồi thường

Ông Phạm Trường Khánh, giám đốc marketing Công ty bảo hiểm Liberty, cho biết trong năm 2011 công ty đã chi trả cho hai trường hợp khách hàng mua bảo hiểm vật chất thân xe (có bao gồm cháy nổ). Theo đó, ngày 19-6-2011, một khách hàng sử dụng xe Daewoo Lacetti (sản xuất năm 2010) thông báo cho công ty xe của mình tự bốc cháy tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Công ty đã cùng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) nghiên cứu, khám nghiệm hiện trường sau đó phát hiện xe bị cháy do rơm quấn vào phía dưới động cơ gây cháy cụm dây điện và cháy một phần xe. Bảo hiểm Liberty đã đưa xe vào đại lý ủy quyền của Hãng Daewoo sửa chữa thay thế linh kiện và chi trả hơn 27 triệu đồng cho các chi phí này.

Trước đó công ty bảo hiểm này cũng chi trả toàn bộ chi phí cho ôtô BMW 530i trị giá hơn 1,44 tỉ đồng bị cháy. Khách hàng này ngày 13-6-2011 thông báo với công ty bảo hiểm xe mình bị cháy tại Thanh Hóa. Công ty bảo hiểm đã liên lạc với Viện Khoa học hình sự phối hợp khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân cháy do rơm quấn vào ống xả của xe dẫn đến cháy toàn bộ xe.

Công ty bảo hiểm Liberty sau đó đã thanh toán toàn bộ số tiền hơn 1,44 tỉ đồng cho khách hàng để mua xe mới, khung sườn xe cháy sau khi sơn sửa lại đã chuyển cho trường đại học nghiên cứu làm phương tiện giảng dạy. Theo ông Khánh, phí bảo hiểm vật chất thân xe được tính theo tỉ lệ từ 1,5% đến hơn 2% giá trị xe (tùy loại xe).

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm