Chuyên nghiệp trong điện ảnh: Bắt đầu từ đâu?

16/08/2008 02:09 GMT+7 | Văn hoá

Thời điểm này, điện ảnh Việt vẫn làm phim theo thời giá được duyệt từ năm 1999. Bị phim ngoại cạnh tranh sát ván, đối mặt với thực tế “hội nhập” quốc tế và sự quay lưng của khán giả, điện ảnh Việt từng ngày phơi lộ trên màn ảnh sự trì trệ, thiếu tính chuyên nghiệp ở hầu hết các công đoạn sáng tác: kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên, thiết kế mỹ thuật...

Đụng đâu cũng thấy... bán chuyên nghiệp

Thiếu kịch bản chất lượng; thiếu sáng tạo và sự đột phá trong công tác dàn dựng; thiếu đội ngũ diễn viên tài sắc; bế tắc và trì trệ trong công tác phát hành; hệ thống rạp chiếu bóng vừa thiếu, vừa yếu... hàng loạt vấn đề được xem là “nguyên nhân” khiến phim Việt ngày càng “mất giá” trong lòng khán giả đã được chính những người làm nghề đem ra mổ xẻ. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc bức xúc: “ở tuổi 50, lẽ ra điện ảnh Việt phải chuyên nghiệp lắm, vậy mà bây giờ lại tung hô những Đẻ mướn, Hồn Trương Ba da hàng thịt; Khi đàn ông có bầu - loại phim đáp ứng thị hiếu của một bộ phận người xem một cách sống sượng, thiếu bản sắc dân tộc và bất chấp tất cả những nguyên tắc về tính chuyên nghiệp trong sáng tạo điện ảnh”.

Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan thì cho rằng: “Việt Nam (VN) đang làm phim theo kiểu du kích, chụp giật, thiếu chiến lược đầu tư cho con người để có thể làm chủ thiết bị máy móc. Ở các nền điện ảnh phát triển, vai trò của nhà sản xuất phim được xem là yếu tố quyết định thành bại của một bộ phim thì ở VN lại chưa hề có chức danh này”.

Trên thực tế thì điện ảnh Việt không chỉ thiếu chức danh giám đốc sản xuất mà dường như ở nhiều chức danh khác vì nhiều lý do cũng đang bị nghiệp dư hóa một cách đáng báo động. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể rằng, khi làm phim Sống trong sợ hãi anh đã phải dùng một người làm ánh sáng cầm sào thu thanh, dùng một sinh viên quay phim phụ trách kỹ thuật hình, dùng lái xe làm trợ lý đạo diễn để rồi đích thân đạo diễn lại phải làm các công việc của trợ lý và trực tiếp ngồi dựng phim vì không có người dựng. Chia sẻ với “nỗi khổ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà quay phim Lý Thái Dũng than: “Các thiết bị hỗ trợ cho người quay phim mà ta đang có chỉ chiếm khoảng 5% trong danh mục thiết bị mà các nền điện ảnh phát triển đang sử dụng. Vì thế, chỉ một cảnh quay cuộc đối thoại giữa 2 nhân vật ngồi lái ô tô và chiếc xe đó đang chuyển động giữa cuộc sống thật, chúng tôi phải đánh vật với rất nhiều khó khăn trong việc đặt máy quay. Thông thường, các đoàn phim đều phải cắt bỏ rất nhiều công đoạn trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Nguy hiểm hơn, sau một thời gian dài, tất cả coi đó là chuyện bình thường, vì hầu hết nghệ sĩ đã thích ứng với kiểu làm việc thiếu thốn và chụp giật đó”.

Quay kỹ xảo máy bay F4 trên kính.
Cũng theo nhà quay phim Lý Thái Dũng, thì do kinh phí có hạn nên mặc dù đề tài “ruột” của điện ảnh VN là “chiến tranh” nhưng trước nay ở ta chưa hề có bộ phận nào chuyên biệt cho việc nhập khẩu những vật tư, thiết bị phục vụ cho những hiệu quả đặc biệt ở những cảnh “khói lửa”. Hầu hết các vật tư, thiết bị sử dụng trong những cảnh “đánh trận” đều chế tác trên các vật liệu dành cho tập trận và vũ khí thật của quân đội, không bảo đảm độ an toàn cho diễn viên và các thành phần trong đoàn làm phim. Lý Thái Dũng kể: “Vừa rồi tham gia quay bộ phim Đừng đốt trong đó đã có lửa (về liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm), cả hai cảnh quay nhân vật chính bị trúng đạn, hy sinh trong một trường đoạn mang tính anh hùng ca đều không sử dụng được vì kíp nổ gắn trong người diễn viên có sức công phá mạnh, khi nổ đã xé toạc vai áo diễn viên, để lộ ra một mớ dây dẫn điện kíp nổ, miếng da bò để bảo vệ diễn viên và cả túi nilông đựng máu giả. Tất cả phơi bày trên màn hình trông thật kinh khủng...”.

Cắt nghĩa nguyên nhân của những sự ‘thiếu” và “yếu” trên phim Việt, đạo diễn Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh VN dè dặt: “Hiện chúng ta vẫn đang làm phim theo thời giá được duyệt cách đây 9 năm (năm 1999)”. Đạo diễn Văn Lê thì thẳng thắn nói phim tài liệu của ta - thể loại được xem là “thế mạnh” vì đã nhiều lần giành được giải cao tại LHP khu vực, rằng “Nhạt và lắm lời... vì sợ đụng chạm nên né tránh các đề tài nóng của xã hội". Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bức xúc: “Trong lúc đang khủng hoảng thiếu kịch bản chất lượng, thì ở ta lại cứ bị níu kéo và quanh co giải quyết mối quan hệ “biên kịch - đạo diễn”. Theo Thanh Vân: “Chỉ khi nào các nhà biên kịch - đạo diễn hiểu được vai trò, vị trí và bản chất công việc của mình để không níu kéo nhau trong sáng tạo thì sự khởi đầu cho quá trình sáng tạo một bộ phim mới mang tính chuyên nghiệp”.

Nên bắt đầu nâng cao tính chuyên nghiệp từ đâu?

Câu trả lời là tất cả các khâu. Đạo diễn Lại văn Sinh cho biết, Cục đang xây dựng lại giá sản xuất phù hợp với điều kiện hiện tại. Bên cạnh đó, Cục cũng đang xây dựng đề án đào tạo đội ngũ cho điện ảnh mà đích hướng tới là đưa các nhà làm phim, các sinh viên ra nước ngoài học tập, bồi dưỡng theo các kênh khác nhau. Để nâng cao chất lượng kịch bản, song song với việc phát động các cuộc thi kịch bản, tổ chức các trại sáng tác, đầu tư chiều sâu cho những cây bút “tiềm năng”, công việc duyệt kịch bản cũng sẽ duy trì theo hướng đầu tư cho dự án, không đầu tư cho đơn vị sản xuất theo hướng “cào bằng” như các năm trước. Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan thì cho rằng điện ảnh Việt đang cần những nhà sản xuất phim giỏi làm cầu nối giữa tác phẩm và khán giả. Mặt khác, để tạo môi trường giao lưu, học hỏi và khuyến khích sự cạnh tranh, nên tổ chức các LHP khu vực và quốc tế tại VN. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc “hiến kế”, ngành điện ảnh nên cổ phần nhanh và mạnh, biến các hãng phim thành các tổng công ty hoạt động đa năng, bao gồm: sản xuất phim; kinh doanh du lịch; tổ chức hoa hậu. Nhà sản xuất phim Lưu Phước Sang thì quả quyết, cần đầu tư xây dựng hệ thống rạp đủ chuẩn ở các địa phương để có điều kiện ưu tiên chiếu phim Việt và “đánh thuế” trên vé xem phim ngoại để “tái đầu tư cho phim Việt”. Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc Trường quay Cổ Loa thì tuyên bố: “Muốn điện ảnh chuyên nghiệp thì phải có trường quay, không phải một mà nhiều trường quay, hoạt động đa năng, trên cơ sở kinh doanh trường quay để nuôi điện ảnh”...

Rất nhiều lời than, rất nhiều ý kiến “hiến kế” đẩy phim Việt lên bước “chuyên nghiệp hơn”. Nhưng bao giờ điện ảnh VN mới chuyên nghiệp, mới nâng cao chất lượng đủ sức cạnh tranh với sức tấn công dữ dội của phim ngoại? Câu trả lời là phải chờ!

Theo SK&ĐS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm