Obama chiến thắng một phần nhờ giới cử tri nữ

06/11/2008 07:57 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cuộc đua vào Nhà Trắng đã chính thức kết thúc. Sau 2 năm với một cuộc chạy đua được cho là đắt đỏ nhất, kịch tính nhất và nhiều người theo dõi nhất, ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama đã giành chiến thắng về cả số phiếu đại cử tri lẫn phổ thông bầu phiếu, qua đó trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
 Gia đình Tổng thống và Phó Tổng thống tương lai nước Mỹ trong lễ mừng chiến thắng tại Chicago
Hãng tin AP cùng một số trung tâm nghiên cứu ngay sau đó đã tổng kết hoạt động thăm dò cử tri ở các điểm bỏ phiếu và kết quả cho thấy một chiến thắng dành cho Obama là tất yếu.

Cảm tình của nữ giới và thanh niên

Kết quả thăm dò cho thấy Obama giành được tình cảm của chị em nữ giới, người da màu và người Hispanic (gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ) với một tỉ lệ tuyệt đối so với John McCain. Ngược lại ông Cain giành được cảm tình của người da trắng, nhưng với tỉ lệ ủng hộ thấp hơn so với Tổng thống G.W.Bush ở cuộc bầu cử gần nhất. Sự dẫn trước của McCain ở bộ phận nữ giới da trắng đặc biệt thấp, chỉ có 5%.

Obama giành số phiếu áp đảo của những cử tri dưới 30 tuổi. Trong khi đó McCain lại được sự ủng hộ của hơn một nửa các cử tri cao tuổi. Hãng tin AP cho rằng không nên xem thường người già bởi cử tri 65 tuổi trở lên ở Mỹ rất tích cực đi bầu và là bộ phận không nhỏ so với các cử tri dưới 30 tuổi. Mỗi nhóm cử tri nói trên đều chiếm 17% tổng số cử tri đi bầu. Tuy nhiên nhóm các cử tri trẻ tuổi đã thể hiện sự ủng hộ tốt hơn khi bầu cho ông Obama với tỉ lệ 2/1.

Obama nhỉnh hơn về chủng tộc

Obama đã tạo nên những quan niệm cho rằng vấn đề quan hệ chủng tộc sẽ tốt hơn dưới thời ông nắm quyền Tổng thống. 60% cử tri ủng hộ Obama đồng tình với quan điểm này. Trong khi ấy trong giới cử tri của ông McCain lại có 60% cho rằng quan hệ chủng tộc sẽ dậm chân tại chỗ hoặc tệ đi nếu ông đắc cử.

Ở cả hai phe, cử tri đều thừa nhận chủng tộc là một yếu tố tác động tới sự lựa chọn của họ. Song không ai thừa nhận đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất.

Những cử tri đi bầu lần đầu tiên được cho là tác nhân quan trọng trong chiến thắng của ông Obama. Lớp cử tri này bầu cho ông với tỉ lệ 3/1. Chỉ khoảng 1/5 cử tri mới là người da màu. 1/5 khác là người Hispanic. Lớp cử tri này rất trẻ, với 2/3 dưới 30 tuổi. Khoảng 1/3 cho biết họ là người độc lập và chỉ 1/5 nhận mình là người Cộng hòa.

Yếu tố Sarah Palin

Jennifer Sunderlin, 25 tuổi, thổ lộ với hãng tin AP rằng cô đã phá bỏ thông lệ bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa của gia đình để ủng hộ đảng Dân chủ trong năm nay. "Đừng nói với cha tôi nhé, nhưng tôi đã bỏ phiếu cho Obama đấy" - cô gái ở New York nói. Sunderlin thừa nhận việc ông McCain chọn bà Sarah Palin vào liên danh tranh cử đã khiến cô chuyển qua ủng hộ Obama.

 Cử tri ủng hộ Obama ăn mừng chiến thắng

Không chỉ Sunderlin mới làm vậy. Khoảng 4/10 cử tri cho biết Palin là yếu tố quan trọng khiến họ quyết định bầu cho Obama. Nhưng với bộ phận các cử tri trung thành với đảng Cộng hòa, 9/10 cho biết Palin lại là lý do quan trọng để họ bầu cho ông McCain.

"Thay đổi" chiến thắng "kinh nghiệm"

 Các Mỹ hơn 8.000km, người dân Kenya, quê nội Obama, cũng nhảy múa mừng cho ứng viên da đen.
Khoảng 6/10 cử tri bầu cho Obama nói rằng họ rất thích thú muốn biết Obama sẽ làm gì khi nắm ghế Tổng thống. Phía McCain chỉ có 3/10 người có những cảm xúc tương tự. Có thể thấy hấp lực của Obama tạo ra là rất lớn. Khoảng 1/3 cử tri thừa nhận vấn đề họ quan tâm nhất là khả năng mang tới sự thay đổi của ứng viên. Đó cũng chính là tinh thần tranh cử của Obama. Chỉ 1/5 quan tâm tới khía cạnh kinh nghiệm chính trường, cũng là điểm mạnh nhất của ông McCain. Với bộ phận này, sự thiếu kinh nghiệm của Obama được xem là một vấn đề. "Tôi không nghĩ Obama biết ông ta sẽ làm gì" - Craig Burnett, một cử tri 55 tuổi tự nhận mình là đảng viên Cộng hòa nói - "Ông ta quá trẻ và thiếu kinh nghiệm".

Người Mỹ tin ông Obama sẽ làm kinh tế Mỹ sáng sủa hơn

Hôm qua thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và các khu vực khác trên thế giới đồng loạt tăng rất mạnh, điều cho thấy giới kinh tế tin tưởng dưới sự lãnh đạo của ông Obama, tình hình kinh tế Mỹ sẽ sáng sủa hơn.

Giới cử tri Mỹ dĩ nhiên cũng tin như vậy. Hơn một nửa cử tri không tán thành với cách Tổng thống G.W.Bush điều hành công việc hiện nay. Và phần lớn những cử tri tỏ ra bất mãn với chính quyền đều ngả sang phe Dân chủ, bầu cho Obama, người được xem là mạnh về các vấn đề kinh tế.

6/10 cử tri chọn kinh tế là vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ đang đương đầu (trong khi ấy không có vấn đề nào như năng lượng, Iraq, chủ nghĩa khủng bố và chăm sóc sức khỏe, vượt quá tỉ lệ 1/5 cử tri quan tâm). Ông Obama thắng cử cũng là điều cho thấy người Mỹ đặt nhiều hy vọng vào khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ, một khó khăn đang cấp thiết phải được giải quyết nhằm ngăn chặn nước Mỹ tới bờ vực suy thoái.

Ông Obama cũng xác định rõ nhiệm vụ khoa khăn này. Bởi thế, ưu tiên số một của ông trong vòng 100 ngày đầu cầm quyền sẽ là thực hiện kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ như ông đã khẳng định trong cương lĩnh tranh cử của mình. Kế hoạch này bao gồm nhiều vấn đề như mở rộng diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm đình chỉ việc tịch thu nhà thế nợ trong 90 ngày đối với những người đang sống trong chính ngôi nhà của họ và đang cố gắng thanh toán các khoản vay nợ thế chấp, giảm thuế cho các công ty để tạo ra việc làm mới và đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ, cho phép người dân rút tiền khỏi quỹ tiết kiệm hưu trí đến cuối năm 2009 mà không bị phạt 10%, với mức rút tối đa là 10.000 USD...
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm