Tái xuất màn bạc sau 15 năm: Oprah Winfrey trải nghiệm về vấn đề chủng tộc

17/08/2013 14:25 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2012, trước khi tham gia cảnh quay đầu tiên của bộ phim lịch sử The Butler (tạm dịch: Quản gia; đạo diễn Lee Daniels), “Nữ hoàng” truyền thông Oprah Winfrey đã có mặt ở Nhà Trắng để phỏng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chiến dịch tranh cử. Winfrey (năm nay 59 tuổi) coi chuyến đi tới Tòa Bạch Ốc của mình quan trọng hơn nhân vật trong phim.

Trong phim The Butler, Winfrey thủ vai vợ Cencil Gaines, nhân vật hư cấu được xây dựng theo câu chuyện có thực về Eugene Allen, từ một đứa trẻ  có thân phận gần như là một nô lệ trở thành người quản gia lâu năm trong Nhà Trắng, đã phục vụ 8 đời tổng thống, từ năm 1952 đến năm 1986.

Đóng phim vì có một kịch bản không thể từ chối

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Winfrey kể: “Khi chuẩn bị cho vai diễn này, đạo diễn hỏi: “Bà có muốn nói chuyện với một số quản gia không?”. Tôi nói: “Không, tôi muốn nói chuyện với vợ của họ”.

Winfrey xuất hiện trên màn bạc lần gần đây nhất cũng đã 15 năm. Đó là bộ phim Beloved (1998) được dàn dựng theo tiểu thuyết của Toni Morrison. Dự án điện ảnh này do Công ty Harpo Productions của Winfrey sản xuất. Kể từ đó đến nay, bà bận bịu với nhiều công việc. Chương trình truyền hình The Oprah Winfrey Show của bà đã phát triển thành một thế lực văn hóa lớn. Vậy nên, bà đành phải gác lại đam mê điện ảnh của mình. Cho đến nay, vai diễn đáng nhớ nhất của Winfrey là trong phim The Color Purple của đạo diễn Steven Spielberg. Vai diễn này đã đem về cho bà một đề cử giải Oscar.


Oprah Winfrey trong phim The Butler

“Tôi chỉ dành thời gian cho việc gì đó thực sự quan trọng và có ý nghĩa với mình. Tôi không quan tâm tới việc xuất hiện trong phim” - Winfrey thẳng thắn bày tỏ.

Tuy nhiên, đạo diễn Daniels đã rất kiên trì. Ông từng mời Winfrey thủ vai Macy Gray trong bộ phim Precious (2009), song cuối cùng Winfrey đã trở thành nhà sản xuất phim.

Kể về cuộc “chèo kéo” Winfrey, nhà làm phim Daniels cho biết: “Vô cùng khó khăn. Tôi cố tìm kiếm một dự án điện ảnh nào đó để được làm việc với Winfrey và tôi nói với bà: “Bà phải trở lại với điện ảnh” vì Winfrey đã diễn rất tuyệt trong phim The Color Purple. Tôi muốn được nhìn thấy Winfrey trên màn bạc. Tôi đã đưa cho Winfrey một kịch bản phim khiến bà không thể từ chối”.  

Vào thời điểm quay phim The Butler, Winfrey rất eo hẹp về thời gian. Lúc đó, bà dồn sức để vận hành mạng lưới truyền hình cáp của mình, OWN. Hiện nay, mạng lưới này đã hoạt động “trơn tru” hơn và bắt đầu sinh lãi, nhưng thời gian đầu quả là chông gai khi bà phải cố gắng lập được một chương trình đa dạng để làm sao thu hút được khán giả đến với kênh truyền hình mới này.

Nhớ lại thời điểm đó, Winfrey cho biết: “Khi đóng phim, bạn phải hóa thân vào nhân vật, tức là phải sống một cuộc sống khác và sau đó bạn phải trở lại là mình khi về với công việc, với cuộc sống của mình. Lúc đó, tôi gần như bị suy nhược thần kinh”.

Trở lại với công việc diễn xuất sau 15 năm đương nhiên không hề dễ dàng, kể cả đối với một người như Winfrey. Do vậy, bà phải thuê huấn luyện viên diễn xuất Susan Batson, người từng dạy diễn xuất cho Tom Cruise và Nicole Kidman, để hướng dẫn cho mình. Mặc dù liên tục bị OWN làm cho rối trí, song Winfrey vẫn say sưa diễn xuất trở lại. “Tôi cảm thấy thực sự thích thú khi hóa thân vào nhân vật trong phim” - Winfrey nói. 

Đàm luận về chủng tộc khi đóng phim

Quá trình lột tả nhân vật trong phim The Butler là một trải nghiệm thú vị và vui vẻ đối với Winfrey. Bà phải hút thuốc và uống rượu. Đôi khi là một bà nội trợ hay gắt gỏng và những “thói hư tật xấu” của bà đã khiến chồng phải mất nhiều thời gian để che đậy cuộc sống nội bộ gia đình. 

Winfrey đã quảng bá cho bộ phim này không biết mệt mỏi. Bà nói rằng, những người đàn ông như người quản gia trong phim “là nền tảng của cộng động người Mỹ gốc Phi”.

 Kể lại lịch sử của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong thế kỷ 20, phim The Butler kích thích sự đàm luận về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Trong các cuộc phỏng vấn của báo giới, nhiều người trong dàn diễn viên tham gia phim, trong đó có cả Winfrey, đã được hỏi về những trải nghiệm của họ.

Mới đây, Winfrey đã là tâm điểm của báo giới khi bà kể việc mình bị phân biệt chủng tộc ở Thụy Sĩ trong chương trình Entertainment Tonight, sau khi một cửa hàng túi xách sang trọng ở nước này từ chối cho bà xem một chiếc túi có giá 38.000 USD. Vụ việc lập tức bùng nổ trên các phương tiện truyền thông.

Tại buổi chiếu giới thiệu phim The Butler ở Los Angeles hôm đầu tuần, Winfrey nói với báo giới rằng bà “thật sự lấy làm tiếc và xin lỗi khi chuyện này lại lan rộng đến vậy. Tôi chỉ muốn đưa ra một ví dụ, dẫn chứng về một nơi mà người ta không nghĩ bạn có thể có mặt ở đó”.

Về dự định tương lai, bà nói: “Tôi không biết bao giờ mình sẽ có thể đóng phim trở lại. Vai trò của tôi trong cuộc sống là mở được trái tim mọi người. Đó là điều mà tôi đã cố gắng làm trong suốt 25 năm với chương trình Oprah Winfrey Show, thông qua những câu chuyện mà chúng tôi kể hàng ngày”.

VIỆT LÂM (theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Eugene Allen sinh ngày 14/7/1919 ở Scottsville, bang Virginia (Mỹ). Ông làm việc trong Nhà Trắng suốt 34 năm, từ năm 1952 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1986. Ông bắt đầu làm việc tại Nhà Trắng với công việc của một người dọn bát đĩa và sau nhiều năm vị thế của ông ngày càng gia tăng, trở thành tổng quản.

Ông qua đời tại bệnh viện Washington ở Maryland do bệnh thận vào ngày 31/3/2010.

Allen và những người từng phục vụ các tổng thống trong bộ phim tài liệu dài 32 phút, mang tựa đề Workers At The White House, của đạo diễn Marjorie Hunt. Phim đã được phát hành hồi năm 2009 bằng DVD.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm