NTK Thuận Việt: "Không dùng thủ đoạn để đánh bóng mình"

30/08/2008 11:58 GMT+7 | Văn hoá

Thuận Việt - cái tên được nhắc đến nhiều với chiếc áo dài "dát vàng" tranh cãi dành cho Thùy Lâm trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008. Từ khi khởi nghiệp, nhà thiết kế trẻ này đã cho thấy anh không chỉ có "trái tim nóng" của người làm nghệ thuật mà còn phải có "cái đầu lạnh" để đứng vững trong thế giới thời trang với nhiều bon chen.

- Là người thiết kế áo dài riêng cho Thùy Lâm trong Hoa hậu Hoàn vũ, cá nhân anh đánh giá Thùy Lâm chọn trang phục đã đẹp chưa?

NTK Thuận Việt
- Đa số trang phục mà Thùy Lâm mặc đều do Văn Thành Công thiết kế. Công và Lâm đã làm việc với nhau khá lâu rồi nên hiểu được "gu" của nhau. Thùy Lâm có nét đẹp nhẹ nhàng, dễ thương nên khi thiết kế anh Công cũng giữ được những nét này của cô ấy bằng những trang phục có màu sắc trẻ trung.

Tôi không thấy hết những bộ mà Thùy Lâm đã mặc nhưng nhìn vào trang phục dạ hội của Lâm thì đó là một bộ đẹp. Thùy Lâm có thể tìm được những bộ trang phục đẹp mua ở nớc ngoài, nhưng trong cuộc thi này cô ấy muốn mặc đồ "made in Việt Nam" và lựa chọn đó là đúng đắn.

- Nhưng xem ra Thùy Lâm đã rất khó khăn trong việc di chuyển và bộ dạ hội khiến cô ấy trông thấp hơn?

- Có thể chất liệu không có độ co giãn lớn, cộng vào đó Thùy lâm không phải là một người mẫu chuyên nghiệp nên gặp khó khăn trong di chuyển.

- Còn các hoa hậu khác, anh ấn tượng với cách ăn mặc của ai?

- Tôi thích Hoa hậu Venezuela Mendoza. Tân Hoa hậu rất nổi bật với dạ hội vàng và những bộ đồ tôn vóc dáng, khiến cô ấy xuất hiện tự tin hơn.

- Sau cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, anh có kỷ niệm nào vui?

- Kết thúc cuộc thi, Hoa hậu Nga, Kazaktan, Estonia, Phần Lan có qua cửa hàng của mình để mua áo dài. Tiếp xúc với họ cũng vui lắm.

- Và anh bán với giá cả thế nào?

- Tôi bán giá hỗ trợ như một món quà cho họ, như cô Hoa hậu Nga mua hai bộ, mỗi bộ tôi lấy 100 USD.

- Bước ngoặt lớn gắn với thành công của Thuận Việt có phải chính từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đó?

- Tôi nghĩ vậy, nhưng không phải vì đó là một chương trình lớn mà vì từ cuộc thi này Thuận Việt được nhiều người biết tới hơn.

Một bước ngoặt khác với tôi diễn ra trước đó, là sau khi ban tổ chức Duyên dáng Việt Nam thấy bộ sưu tập áo dài của tôi trong cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh, họ đã để ý tới nên mời tôi tham gia.

Thực sự đây là một chương trình lớn mà tôi không dám nghĩ là mình sẽ được mời. Bởi đó là năm đầu tiên tôi cho ra mắt thương hiệu áo dài Thuận Việt.

HH Israel, HH Ấn Độ và HH Việt Nam Thùy Lâm trong tra ng phục áo dài của Thuận Việt

- Anh nghĩ vì sao mình được chọn trong khi họ có rất nhiều sự lựa chọn khác với các thương hiệu nổi tiếng hơn một Thuận Việt mới "ra ràng"?

- Thời điểm ấy thì khuynh hướng áo dài thêu tay là mới, người làm chương trình cũng muốn tìm kiếm cái gì đó khác đi. Cộng vào đó là kiểu dáng trẻ trung, sang trọng mà tôi đề xuất sẽ làm nên nên bộ sưu tập của tôi mới đến được với chông chúng rộng.

Tôi nghĩ để đánh giá năng lực của một người không gì chính xác hơn là nhìn vào sản phẩm anh ta làm ra, chứ không chỉ đựa vào tên tuổi đã có. Hơn nữa tôi cũng từng có dịp ra mắt với chiếc áo dài của Thanh Hằng đi thi Hoa hậu liên lục địa trước đó.
 
- Anh xem ra rất biết chọn "điểm rơi" để quảng bá cho mình?

- Tôi nghĩ cái gì đến thì nó sẽ tự nhiên đến. Khi trình diễn cho chương trình Sắc màu cuộc sống, sau đó 2 ngày Thanh Hằng đã đến đặt tôi may áo dài cho cô đi dự Hoa hậu liên lục địa. Lúc đó tôi mới vào nghề một tháng và chưa biết Thanh Hằng.

Tôi không thể chọn được cho mình chương trình để xuất hiện vì nó nằm ngoài khả năng của tôi. Chuyện có mặt trong một chương trình lớn như Duyên dáng Việt Nam hay được may trang phục cho Thanh Hằng, nó đến rất bất ngờ.

"Không dùng thủ đoạn để đánh bóng mình"

- Lấy áo dài làm hướng đi chính cho mình, nhưng đã có rất nhiều nhà thiết kế đã cày xới, phá cách tứ tung và thành công với nó, anh có gì mới mẻ hơn để khẳng định mình?

- Đúng là từ một hai năm trước, áo dài đã "bão hòa" trên sàn diễn; nhưng tôi nghĩ, với khuynh hướng thêu tay, ít có người theo đuổi nó lâu dài.

Có một vài người đã từng làm thêu tay nhưng họ chỉ theo được một hai bộ sưu tập, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, lại chuyển sang hướng khác. Tôi xác định mình phải đi kiên trì với nó thì mới tạo ra sự khác biệt.

Tôi cũng thuộc tuýp người kỹ tính nên khi làm, tôi bao quát tất cả các khâu, từ vẽ mẫu, chọn vải, chọn màu để nhuộm và đến khâu thêu, tự tôi đều phải kỹ càng.

Thêm nữa, áo dài là một trang phục truyền thống nhưng nó có thể ứng dụng được ở nhiều nơi như công sở, đám hỏi, dạ hội… nên về lâu về dài nó vẫn có đời sống. Cũng như các khuynh hướng thời trang chung của thế giới, nó cứ quay đi lại quay lại chứ hiếm khi đã cho ra đời một kiểu lạ, mới hoàn toàn.

- Nói đến áo dài là nói đến Thuận Việt - điều đó được xem là thành công với một nhà thiết kế còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề. Nhưng chỉ với áo dài thêu tay thì khó mà đạt được thành công như đã có...

- Bên cạnh việc thêu tay, tôi rất quan tâm đến sự chọn lọc trong chất liệu, có vậy mới làm nên những sản phẩm áo dài cao cấp. Đây sẽ là hướng đi lâu dài của tôi.

Có một nguyên tắc tôi luôn giữ đó là không phá cách quá nhiều. Áo dài vẫn có thể sẽ rất hiện đại nhưng phải giữ được cái phom dáng vốn có để định hình áo dài.

- Gia đình anh có nghề thêu tay lâu đời, đó là điểm mạnh để anh tận dụng; còn điểm yếu của anh cho đến thời điểm này là gì?

- Do đối tượng khách hàng mà tôi hướng tới là từ trung lưu trở lên nên có hạn chế là sẽ có rất nhiều người không được sử dụng áo dài Thuận Việt. Trong kinh doanh thì phải vậy, vì mỗi một nhãn hiệu đều phải có đối tượng khách hàng riêng.

- Cho đến thời điểm này, khi nhà nhà làm áo dài, Thuận Việt đang đang trong giai đoạn phải bỏ vốn ra để đầu tư hay đã thu lãi?

- Khi bắt tay làm thì tôi đã xác định mình làm áo ra để bán được chứ không phải làm ra chỉ để đi trình diễn nên công việc kinh doanh đã có lợi nhuận ngay từ khi bắt đầu.

- Nhưng đầu tư cho thời trang là đầu tư xa xỉ, anh thu lời nhanh vậy sao?

- Một chiếc áo dài thuê tay làm rất kỳ công thông thường phải mất một tháng mới xong một chiếc, cần 5 đến 6 thợ thêu. Giai đoạn đầu tôi phải bán thêm nhiều thứ cho khách như lụa tơ tằm Hà Đông, Bảo Lộc.

- Anh có "lạc quan" quá không khi mình mới có 2, 3 năm trong lĩnh vực thời trang áo dài, "vốn liếng" tích lũy chưa nhiều mà "hạn chế" chỉ có vậy?

- Tôi tự nhủ mình nên tự tin vào bản thân, phải rất tự tin thì tôi mới có được như ngày hôm nay. Khi bước chân vào lĩnh vực này tôi cũng gặp được rất nhiều may mắn. Mọi chuyện đến rất tự nhiên chứ bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ là phải dùng thủ đoạn hay biện pháp nào đó để đánh bóng mình.

- Đến giờ anh cho rằng mình đã thành công ở mức nào?

- Tôi nghĩ mình thành công được 50% so với những gì hướng tới. Tôi muốn phát triển theo nhiều hướng nữa chứ không chỉ bó hẹp như bây giờ. Chuyện thành công trong lĩnh vực thời trang bao giờ cũng cần thời gian để khẳng định.

Một thương hiệu lớn, ngoài yếu tố chất lượng thì để mọi người biết đến rộng rãi, nó cần được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong một quá trình dài.

- Nếu nói thành công lớn nhất của anh là được xếp chung với những nhà thiết kế áo dài lớn như Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung, Liên Hương... trong các chương trình lớn thì anh nghĩ sao?

- Chắc chắn đó là thành công rồi, nhưng đó là thành công về nghệ thuật. Tôi muốn mình sẽ thành công hơn trong kinh doanh, được mọi người biết tới và sử dụng áo dài do mình thiết kế nhiều hơn nữa.

"Không chạy theo sáng tạo thiếu tính ứng dụng"

- Sự hậu thuẫn của gia đình với anh trong việc gây dựng thương hiệu Thuận Việt như thế nào?

- Nhà tôi ở trên đường Đồng Khởi, lúc đó chuyên bán những đồ lưu niệm cho khách nước ngoài như áo lụa, đồ thêu thủ công. Chính cái mặc định là đồ trên đường Đồng Khởi là đồ dành cho khách nước ngoài rất đắt nên tạo nên bất lợi là khách Việt Nam không ai vào.

Rồi tới thời kỳ khủng hoảng kinh tế, dịch cúm, khách ít đi, cạnh tranh giữa các cửa hàng trở nên quyết liệt, đôi khi bán cả một cái áo Kimono mà lãi có 20.000 đồng.

Từ đó tôi nhận ra mình không nên phụ thuộc vào khách nước ngoài nhiều như vậy, vì khách qua thì bán được, không qua là lỗ dòng, có khi đến 6 tháng, không đạt được hiệu quả kinh doanh. Do vậy sự hỗ trợ về mặt kinh tế từ phía gia điình lúc ấy là không có.

Tôi đi lên từ truyền thống gia đình với nghề thêu tay do vậy tôi rất hiểu về nó. Và cũng hiểu người phụ nữ cần gì để đẹp trong chiếc áo dài. Hơn nữa trong khi làm tôi rất thực tế, không chạy theo những sáng tạo thiếu tính ứng dụng. Vì sáng tạo ra mà không bán được làm sao tồn tại được.

- Ý tưởng thì rất nhiều người có nhưng không phải ai cũng có kinh tế để thực hiện nó...?

- Thực ra đầu tư ban đầu của tôi cũng không nhiều, cửa hàng thì trả theo tháng, không phải sửa chữa gì cả, hơn nữa tôi cũng không làm số lượng nhiều mà chỉ chọn lọc nên làm ra đến đâu là bán được đến đó, do vậy đủ tiền để chi phí cho cửa hàng. Nói chung, không nhất thiết phải có chi phí lớn để mới có thể khởi đầu với một cửa hàng nhỏ đâu. Đó là kinh nghiệm khởi nghiệp của tôi.

- Xuất hiện trong các chương trình lớn, có khi nào anh phải bỏ ra một khoản chi phí cho sự xuất hiện này không?

- Công việc của tôi tạo nên nhiều mối quan hệ. Đôi khi trong các show quảng cáo hay các sự kiện, họ làm với mình lâu dài, do đó họ cũng làm luôn quảng cáo cho sản phẩm của họ và trong đó không thể không xuất hiện áo dài Thuận Việt. Còn với những chương trình lớn thì mình không thể bỏ tiền ra để mua được.

"Khởi nghiệp phải biết đi từ cái nhỏ..."

- Anh đã từng tham gia cuộc thị thiết kế thời trang nào chưa?

- Chưa bao giờ!

- Tạo sao lại không thi?

- Tôi thấy không cần thiết, mỗi người một hướng đi riêng, có thể với những người đi thi họ muốn chứng minh được năng lực và thực lực của mình bằng cách đoạt giải nhưng tôi có cách để chứng minh mình khác họ.

- Với riêng anh, sự tranh giữa các nhà thiết kế có quyết liệt không?

- Về khách hàng thì chỉ có chút gì đó thôi bởi vì mỗi một nhà thiết kế đều có "gu" riêng của mình và khách hàng đến với họ cũng có chung cái "gu" đó nên chuyện tranh khách của nhau rất hiếm xảy ra.

Về chương trình thì mỗi chương trình có một êkíp riêng nên show nào thì dùng nhà thiết kế của êkíp đó. Chuyện cạnh tranh tôi không quan tâm vì nó không mang lại gì hết, cái mình cần quan tâm là làm sao có nhiều khách hàng đến với mình.

Giờ thì kinh tế ngày một phát triển, người tiêu dùng cũng tinh hơn trước đây, không thể dùng những chiêu PR mà dễ gì dẫn dụ được họ đến mua sản phẩm của mình. Quan trọng vẫn phải là thực lực.

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cho người ta lựa chọn, nếu mình không làm họ ưng thì ngay lập tức họ có sản phẩm khác để thay thế ngay.

- Anh có cách nào để mình không dẫm phải chân của người khác khiến họ phải... cáu?

- Trong công việc không thể tránh được những trường hợp đó, tôi không thể bắt tất cả mọi người phải thích tôi nên khi làm chương trình nào tôi cũng thường hỏi họ để xem những nhà thiết kế nào sẽ xuất hiện cùng mình để làm đồ tránh trùng nhau về ý tưởng.

- Là một nhà thiết kế trẻ thì anh có bài học nào thực sự thấm thía sau hơn 3 năm làm nghề?

- Lúc mình làm thì mình phải tự tin vào thẩm mỹ của mình, kiểu dáng và màu sắc mà mình chọn. Nhưng không phải với ai nó cũng là đẹp, có khi cái mình rất thích nhưng người tới mua lại không cho nó là đẹp.

Ngày xưa tôi cứ bị băn khoăn bởi câu hỏi: tại sao bộ ấy đẹp mà họ lại không thích? Nhiều lúc mắc cười vì sở thích của khách lắm, nhưng có phải ai cũng có chung góc nhìn thẩm mỹ đâu! Tôi từng thấy buồn phiền về chuyện ấy, nhưng nay hiểu đó là chuyện thường tình nên tôi có tâm lý thoải mái hơn khi phục vụ khách.

Đối với nhà thiết kế thì mình cần có thời gian để đi lên, ngay khi diễn Duyên dáng Việt Nam, tôi cũng chỉ là người diễn lót cho chương trình thôi. Lúc đó chương trình đã có hai người thiết kế chính là Công Trí và Sỹ Hoàng. Tôi chỉ được xuất hiện có hơn một phút với 30 chục bộ áo dài, vậy thì không thể gọi là diễn được.

Khi đó cũng thấy buồn vì mình cũng chăm chút mà xuất hiện có bấy nhiêu, lại diễn cuối, mọi người bắt đầu ra về rồi thì mình mới được xuất hiện.

Tôi thấy một chút gì đó tự ái và buồn nhưng sau về nghĩ lại thì thấy ai khi mới khởi nghiệp cũng phải đi từ cái nhỏ như vậy đi lên, chứ đâu phải riêng mình. Nói vậy là để thấy suy nghĩ của tôi đã thay đổi hàng ngày.

- Thất bại lớn nhất của anh từ khi bắt đầu làm nghề tới giờ?

- Thất bại thì tôi nghĩ là mình chưa gặp nhưng sự cố ngoài ý muốn thì có, nhưng tôi cũng đã vượt qua được.

Trong chương trình bầu chọn Người mẫu Việt Nam tôi được ban tổ chức cho hai đêm 14 và 16 và cho tôi chọn. Và như mọi người sẽ chọn, tôi nhắm đến đêm 16, đêm chung kết có truyền hình trực tiếp.

Nhưng không có một sự tôn trọng ở đây, vì cho đến cận ngày họ cũng không nói cho mình biết là mình sẽ được diễn vào đêm nào. Có thể lúc đó mình mới vào nghề nên chưa có tiếng nói.

Hỏi đạo diễn thì bào không biết hỏi biên tập đi, hỏi biên tập thì cũng được câu trả lời tương tự. Tôi cảm thấy mình như là đồ thừa trong chương trình, biết mình bị ép. Cuối cùng tôi bỏ diễn luôn. Khó khăn này khiến tôi có động lực hơn trong những bước về sau.

- Cảm ơn NTK Thuận Việt!
Theo Netlife

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm