NSƯT Ngọc Trinh: Đam mê nghề, nhưng không bị cuốn vào ảo vọng

10/01/2022 07:22 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến NSƯT Ngọc Trinh, nhiều khán giả nhớ ngay đến vai Vy trong bộ phim truyền hình đình đám, tựa đề Mùi ngò gai, hợp tác với Hàn Quốc. Thế nhưng, chị xuất thân là diễn viên sân khấu và có rất nhiều vai diễn gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng.

Ngọc Trinh diện đầm bó sát, khoe vai trần gợi cảm

Ngọc Trinh diện đầm bó sát, khoe vai trần gợi cảm

Xuất hiện trong một sự kiện diễn ra tối qua (19/10) ở Hà Nội, Ngọc Trinh trở thành tâm điểm của truyền thông.

Tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 đang diễn ra ở TP.HCM, công ty của Ngọc Trinh tham gia vở Mưa bóng mây (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: Ngọc Hùng).

Trước đây, Ngọc Trinh từng gây ấn tượng với các vai như cô Rồi trong vở Ra Giêng anh cưới em, vai Bé Ba trong vở Đời như ý, vai Sen trong vở Tiếng giày đêm, hoặc vai A Hoàn trong vở kịch truyền hình Đi tìm con cá lặn...

Một thời gian dài, Ngọc Trinh là linh hồn, là cái tên bán vé của sân khấu Thế giới trẻ. Cuộc sống vốn là sự vận động và đổi thay, chị tìm bến đổ mới với tư cách bà bầu sân khấu. Nhưng rồi sân khấu lâm vào cảnh khó khăn, vài chuyện bất như ý xảy đến, chị trở thành nghệ sĩ tự do, không ràng buộc với bất kỳ sân khấu nào. Từ đó, chị dành phần lớn thời gian cho phim ảnh và giảng dạy diễn xuất, nhưng mỗi kỳ liên hoan kịch nói toàn quốc diễn ra, Ngọc Trinh và nhóm kịch của chị đều tham gia, vì mê được thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu.

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Trinh

Theo giấc mơ nghệ thuật vì nghèo

Thường thì nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam không thích cho con cái theo nghề xướng ca, vì sợ sự bấp bênh sẽ đẩy con vào cảnh nghèo khó. Vậy mà Ngọc Trinh dám bỏ ước mơ học trường y để theo nghệ thuật, vì gia cảnh không khá giả. Nghe qua có vẻ trái khoáy, nhưng lại rất thực tế. Khả năng tài chính của cha mẹ chị lúc ấy không đủ cho Ngọc Trinh theo đuổi ước mơ học bác sĩ, trường nghệ thuật thì không phải đóng tiền, Trinh còn đậu cao nên có học bổng.

Từ lúc nhỏ, Ngọc Trinh vừa có mơ ước trở thành nghệ sĩ, vừa muốn làm bác sĩ trị bệnh cho người nghèo. Sau cùng, định mệnh đã thúc giục chị theo cái nghề của cảm xúc, khóc cười theo từng vai diễn.

Chú thích ảnh

Thế hệ của Trinh, môi trường hoạt động nghệ thuật còn khó khăn, sinh viên chưa có cơ hội chạy show, nên chị chỉ biết dùi mài trên giảng đường. Hết năm thứ 2, Ngọc Trinh được thực tập tại Đoàn kịch Trẻ TP.HCM do nghệ sĩ Bạch Lan đảm trách. Chị đi diễn nhiều các tỉnh thành, chủ yếu ở các vùng quê. Không có nhiều tiền, nhưng Ngọc Trinh được tin tưởng giao vai chính, đã học hỏi được rất nhiều điều cần thiết cho một người nghệ sĩ.

Cuộc sống khó khăn của một người trẻ mới bước vào nghệ thuật tiếp diễn trong thời gian dài. Trinh vẫn miệt mài lao động bằng tất cả đam mê. Cuối cùng, cơ hội cũng đến. Khởi đầu, chị gây chú ý bởi những vai phụ có tính cách hài hước. Trinh phát huy tốt thể loại vai này đến mức chị được xem như một diễn viên hài, vì lối diễn tạo được nhiều tiếng cười thú vị. Ai từng xem Trinh trong vở Ra Giêng cưới em, A Hoàn trong Đi tìm con cá lặn, hoặc hàng loạt vai diễn trên sân khấu Thế giới trẻ sẽ nhớ mãi cái duyên hài của chị.

Nhưng kỹ năng hóa thân của Trinh đa dạng hơn thế. Chị đóng vai bi cũng lấy được nước mắt người xem. Bi kịch của Bé Ba trong vở Đời như ý là một trong những vai diễn sống rất lâu trong trí nhớ công chúng mê kịch tại Sài Gòn. Đương nhiên, về nghề, thì vai Vy của Mùi ngò gai là bước ngoặt giúp công chúng cả nước biết đến một Ngọc Trinh đầy cảm xúc.

Chú thích ảnh

Sau những thử thách thời tuổi trẻ, Ngọc Trinh bước vào hàng ngũ diễn viên nổi tiếng. Danh vọng ấy không quá rực rỡ, nhưng có vị trí quan trọng trong ngôi làng nghệ thuật đào thải khắc nghiệt. Nó giúp cho Trinh tồn tại vững chải với nghề, dù bao năm qua đã có xuất hiện nhiều gương mặt mới. Có lúc, Trinh muốn trở thành bà bầu để chủ động hơn trong việc triển khai tư tưởng nghệ thuật của mình. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không đơn giản, ý định này không thực hiện trọn vẹn, Trinh chọn một lối đi khác. Tập trung đóng phim, giảng dạy tại các trường và các lò đào tạo diễn xuất, rồi sáng lập nhóm kịch riêng. Dù không có sân khấu, nhưng nhóm kịch của Ngọc Trinh vẫn thường xuyên tập luyện kịch mục mới. Chị ký hợp đồng lưu diễn với tất cả các đơn vị tại Sài Gòn và các tỉnh xa gần.

Cháy hết mình tại liên hoan

Trinh có cơ hội tham gia nhiều liên hoan sân khấu kịch toàn quốc. Đối với Trinh việc được tham gia liên hoan là để được cháy hết mình, được diễn cho những khán giả chuyên môn thưởng thức.

Vở Mưa bóng mây được Trinh đầu tư kỹ lưỡng. Vở diễn chỉ có 2 nhân vật, ông lão và bà lão, sống trong nỗi cô đơn, bất hạnh của tuổi già. Câu chuyện của họ đã làm khán giả rơi lệ.

Nhà biên kịch Nguyễn Chương nhận xét: “Ngoài 2 nhân vật chính, đạo diễn Ngọc Hùng sử dụng một ê-kíp biến hình, xếp thành những đội hình cây cối, làm người này người kia, xếp thành cảnh vật theo kiểu rọi bóng sau tấm màn. Ngọc Trinh vào vai thiệt chân thật, sâu lắng, Hòa Hiệp cũng vậy. Tìm được vai để hóa thân như thế chẳng dễ chút nào”.

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Trinh (trái) và Hòa Hiệp trong vở “Mưa bóng mây”

Sau liên hoan kỳ này, Ngọc Trinh sẽ chăm chỉ hóa thân vào các nhân vật trên phim trường, sẽ tiếp tục công việc đầy ý nghĩa của một cô giáo trường nghệ thuật, tiếp tục cùng đội kịch của mình đi lưu diễn khi có lời mời. Điều đáng mừng là nghề diễn không chỉ giúp Ngọc Trinh nổi tiếng, mà đến nay, còn tạo điều kiện để chị có thể chăm lo cho gia đình. Đi qua nhiều thăng trầm, giờ Trinh thấy lòng mình tĩnh lại, ứng xử chín muồi, rất đam mê nghề, nhưng không còn bị cuốn vào các ảo vọng. Diễn kịch, theo lời chị chính là lẽ sống, một thứ thuốc tăng lực giúp chị thấy cuộc đời mình thêm ý nghĩa.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm