NSƯT Hải Phượng: 'Tôi có một tổ nghề cho riêng mình'

14/09/2023 08:02 GMT+7 | Văn hoá

Giới sân khấu sắp vào kỳ giỗ tổ thường niên (ngày 12/8 Âm lịch). Và điều đó càng khiến nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng nhớ thêm về người thầy - cố GS Trần Văn Khê - người mà chị xem như vị tổ nghề của mình.

Hải Phượng tâm sự: "Một cách nào đó, thầy Khê cũng là Tổ nghề của tụi mình, của những đứa học trò một lòng với nhạc cụ dân tộc. Trong lòng mình lúc nào cũng có thầy".

Rồi chị kể thêm: "CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, mà Hải Phượng là thành viên nòng cốt, đi diễn nơi đâu cũng đem theo hình thầy Khê, lập bàn thờ vái thầy. Mỗi khi  làm việc gì đó mà gặp khó khăn thì mình hay rủ rỉ tâm sự thầy ơi cái này con khó quá. Cứ có cảm như thầy đang lắng nghe, chỉ vẻ cho mình vậy".

Tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng năm nay có nhiều niềm vui, nhưng lớn nhất vẫn là việc cả hai mẹ con chị đều có tên trong giải thưởng Trần Văn Khê để tiếp nối con đường của thầy, ngay cả khi ông không còn nữa. Hải Phượng nhận giải thưởng mang tên Trần Văn Khê. Còn con gái chị, nghệ sĩ đàn tranh Hải Minh nhận học bổng của giải thưởng.

NSƯT Hải Phượng: 'Tôi có một tổ nghề cho riêng mình' - Ảnh 1.

Hải Phượng (trái) và thầy Trần Văn Khê lúc sinh thời

Hải Phượng bảo có hay không có giải thưởng, chị vẫn tiếp tục công việc, vì trước khi đi xa thầy Trần Văn Khê đã truyền cho mẹ chị, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, và mình sự đam mê không dứt với nhạc dân tộc.

 "Chỉ hơi tiếc một chút, mẹ mình mới là học trò chân truyền của thầy chứ không phải là tôi. Bà gặp thầy Trần Văn Khê từ những năm 1971- 1973 và là người học trò ruột của thầy. Đó là lý do vì sao từ Pháp xa xôi, thầy luôn là người đỡ đầu cho CLB âm nhạc dân tộc Tiếng hát quê hương từ những ngày đầu" - Hải Phượng thoáng chút trầm tư khi nói về giải thưởng.

* Chị có thể kể thêm về mẹ mình, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan?

- Thời mẹ dạy tôi thật ra dễ hơn tôi đi dạy các em sau này. Thời đó, chưa bao giờ tôi dám cãi mẹ một lời, không thể có chuyện nói với mẹ "con không muốn làm cái này cái kia" mà  nói gì thì làm đó. Thời ấy là vậy, ai cũng thế cả. Thêm nữa, trẻ con khi đó không có gì chơi ngoài những trò con nít quen thuộc, lại đi học chỉ có một buổi, rảnh quá, thì tập đàn thôi.

Kể bạn nghe, mỗi tối nếu làm xong tất cả công chuyện, 7 giờ tối tôi sẽ được xem chương trình Những bông hoa nhỏ đến 7h30 thì tắt ti vi, đi học bài. Tôi không có gì để chơi và chẳng có gì để phân tâm cả, chỉ biết chơi với cây đàn. Tôi không có lý do lẫn niềm đam mê gì khác để có thể thoái thác việc này. Và khi mình tập trung, thì làm cái gì cũng tiến bộ nhanh lắm.

NSƯT Hải Phượng: 'Tôi có một tổ nghề cho riêng mình' - Ảnh 2.

3 thế hệ bà - mẹ- cháu trong gia đình Hải Phượng cùng biểu diễn

Vậy chị có nghiêm khắc khi dạy con mình?  hai cái bóng quá lớn là bà và m, có là áp lực cho Hải Minh?

- Với thế hệ bây giờ, như con mình thì khác. Tôi vẫn nghiêm khắc nhưng phải khoa học nữa. Nghiêm khắc tùy lúc. Có một lần, trong một chương trình giao lưu, Hải Minh trả lời rằng, khi ở trong gia đình có nhiều thế hệ giỏi đàn tranh, Minh phải sống chung với áp lực, phải cố gắng chớ biết làm gì hơn (cười).

Thật ra, con tôi ảnh hưởng nhiều từ bà ngoại. Là người tâm huyết với đàn tranh và âm nhạc dân tộc, bà cho Hải Minh đi theo CLB Tiếng hát quê hương từ nhỏ. Rồi khi Hải Minh vào Nhạc viện, tôi mới dạy con  học thêm 6 năm nữa. (Hải Phượng là Trưởng khoa âm nhạc dân tộc - Nhạc viện TP.HCM). Mẹ con tôi có được hôm nay là nhờ bà ngoại.

"Mỗi người đến một lúc nào đó sẽ hết thích tranh giành bon chen, muốn quay về bên trong mình. Và may mắn cho người chơi nhạc dân tộc là có niềm đam mê để quay về như thế"- nghệ sĩ Hải Phượng.

* Chị luôn nói các bạn trẻ chơi nhạc dân tộc sau này sẽ có nhiều thuận lợi. Vậy khó khăn của bạn trẻ chơi nhạc dân tộc hiện nay là gì?

- Các bạn trẻ bây giờ, có nhiều cơ hội hơn, nên có nhiều chọn lựa. Các em cũng không thiếu bài để luyện, chỉ sợ không có thời gian tự học.

Để đạt đến đỉnh cao, bạn cần phải hy sinh nhiều thứ. Hy sinh giờ vào internet, mạng xã hội, để toàn tâm toàn ý cho luyện tập. Bây giờ các bạn có nhiều mối quan tâm quá, không chịu khó đi thực tế, không biểu diễn diễn không thù lao để lấy trải nghiệm thì khó có thực tế để bổ sung cho mình. Đừng nói chỉ diễn viên mới cần chất liệu của đời sống. Nghệ sĩ biểu diễn, cụ thể là ở đàn dân tộc, lại cần chất liệu hơn, bởi việc đưa ra tiếng đàn luôn khó hơn là mình nói, hát hoặc diễn tả.

NSƯT Hải Phượng: 'Tôi có một tổ nghề cho riêng mình' - Ảnh 4.

Hải Phượng trong một chuyến biểu diễn. Ảnh: Nguyễn Á, NVCC

* Còn bí kíp tập đàn giỏi, chơi đàn hay, theo chị?

- Một ngón nhấn mình có thể ngồi tập hàng giờ. Phải vượt qua giai đoạn của sự ngán ngẩm, bởi chưa gì mà đã buông rồi thì khó lắm. Đến lúc mình đánh được tiếng đàn, niềm vui từ nó sẽ đánh đổi được tất cả những chuyện khác. Thứ nữa, phải chịu khó lăn lộn ngoài đời để bồi đắp những tri thức mà mình không nhìn, cảm thấy được ngay.

 Thí dụ, khi chơi bài nhạc về vùng  đất nào đó, ta không chỉ đánh theo bài nhạc mà ngay lập tức trong đầu đã hình dung rằng vùng đất ấy như thế nào, mình đã đến, đã ngắm, đã gặp ai, đã nói chuyện hoặc chơi nhạc chung ai... Được thế, tiếng nhạc mình phát ra rất tự nhiên mà không phải cố gắng gì nhiều. Nhiều khi mình đánh đàn mà không thuộc toàn bộ bài đâu, nhưng trong đầu là hình ảnh, là vốn sống tuôn ra theo.

* Với chị, vốn sống của một người chơi nhạc cụ dân tộc có cần tới nhiều thăng trầm trong cuộc đời không?

- Có thể, nhưng ít thôi. Vì khi mình bị đặt vào hoàn cảnh không tốt thì tư duy không mở rộng, không nhẹ nhàng thanh thoát. Các thầy dạy nhạc danh tiếng thường sống thọ vì rất nhẹ nhàng thoải mái, không bon chen tranh giành. Chủ động lựa chọn cuộc sống như thế thì họ mới có thời gian chơi nhạc mỗi ngày nhiều như vậy.

* Cuối cùng, âm thanh nào trong cuộc sống khiến chị quan tâm?

-  Tùy vào thời điểm. Người chơi nhạc như mình thích nhất là được yên tĩnh, nhất là những ai liên quan đến thu âm phòng thu. Nhưng trong thời gian yên tĩnh quá lâu, như thời đại dịch, thì nghe tiếng xe rồ máy, tiếng rao bánh mì nóng, đã thấy hạnh phúc vô cùng.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Theo lời kể, vào những năm 1990, nghệ sĩ chơi đàn dân tộc như Hải Phượng có thể mua vàng để dành nhờ chăm chỉ chạy show nhà hàng hằng đêm. Còn hiện tại, chị cho biết các bạn trẻ chơi đàn bây giờ còn có thể kiếm tiền dễ hơn. Với Phượng, nghệ sĩ đàn dân tộc nếu muốn có thu nhập khá thì cứ chăm chạy show, hoặc đi dạy nhiều, là hoàn toàn được.

Lê Minh Hạ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm