Novak Djokovic lần thứ 7 vô địch Paris Masters: Phong cách của Quý ngài Masters

07/11/2023 09:53 GMT+7 | Thể thao

Novak Djokovic quá xứng đáng với biệt danh Quý ngài Masters, không chỉ vì kỷ lục 40 danh hiệu Masters 1000, mà ở cái cách anh đăng quang dù không phải là phiên bản hay nhất.

Ở Bercy vừa qua là một Djokovic mệt mỏi (anh vật lộn với cái bụng đau suốt mấy ngày), chỉ đánh đúng 1 trận trong vòng 2 tháng (tại Davis Cup), và thi đấu chật vật trong 3 trận. Nhưng anh đã chiến đấu đầy bản lĩnh để lần thứ 7 vô địch Paris Masters.

Cuộc chiến của Djokovic

Ở Paris Masters, Djokovic không chỉ chiến đấu với các tay vợt, anh còn chiến đấu với cả… đám đông khán giả. Đã hơn một lần, anh bị đẩy vào thế khó khăn và có vẻ sắp thua. Đã hơn một lần anh khó chịu vì đám đông khán giả huýt sáo, cổ vũ cho đối thủ, tạo ra tiếng ồn, gây phân tâm, chụp ảnh flash. Nhưng lần lượt, Djokovic vươn lên từ bờ vực thất bại và anh lại đưa tay uốn cong tai mình như một lời thách thức: "Các người thích tôi như thế nào?".

Cho dù là tình yêu hay sự căm ghét, cảm hứng hay sự thách thức, hay một sự kết hợp của tất cả, những âm thanh từ khán đài tiếp tục kích hoạt "con quái vật" trong Djokovic, như nhiều lần trước đây. Với chiến thắng 6-4, 6-3 trước Grigor Dimitrov vào Chủ nhật, tay vợt 36 tuổi đã giành được chức vô địch thứ 7 tại Bercy, chức vô địch Masters 1000 thứ 40 trong sự nghiệp và chức vô địch thứ 97 trong sự nghiệp. Anh cũng đã nới rộng khoảng cách gần 1.490 điểm với Carlos Alcaraz trong cuộc đua ngôi số một vào cuối năm, khi chỉ còn một giải đấu nữa (ATP Finals).

Đó là những thống kê đáng kinh ngạc, nhưng ít người sẽ nhớ đến chặng đường mà Nole vô địch ở Bercy. Với tất cả những sự tôn trọng cho Dimitrov, anh không phải một đối thủ lớn của Nole. Chức vô địch Paris Masters cũng không làm tăng số lượng Grand Slam của anh. Tất nhiên, nó giúp anh củng cố ngôi số một, nhưng chẳng cần như thế thì anh vốn đã giữ kỷ lục về số tuần trên đỉnh ATP.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn lưu giữ một tuần trong sự nghiệp của Djokovic vào một hòm thời gian, để cho các fan tương lai một cái nhìn về anh ta, thì tuần vừa qua là một khoảng thời gian đáng nhớ. Djokovic chưa từng thi đấu kể từ trận thắng Davidovich Fokina ở Davis Cup hồi tháng Chín. Anh đến Paris Masters khi đang bị viêm dạ dày. Sau khi kết thúc các giải Grand Slam trong năm, anh thực sự không có động lực dài hạn để thi đấu hết mình. Và trong ba trận liên tiếp, gặp ba tay vợt kém anh ít nhất 9 tuổi, Djokovic dường như sắp bị thua.

Trong trận gặp Tallon Griekspoor, Djokovic đã thua set đầu tiên và gặp khó khăn trong set thứ hai. Trong trận gặp Holger Rune, anh trông mệt mỏi và để thua tie-break hiếm có, nhưng vẫn bền bỉ chống lại cầu thủ 20 tuổi trong set thứ ba. Ở bán kết, anh bị Andrey Rublev áp đảo từ đầu và cuối cùng có vẻ như anh cảm nhận được sức nặng của những nỗ lực trước đó. Nhưng Djokovic đã qua được những loạt tie-break căng thẳng ở set hai và set ba. Trong mỗi trận đấu, Djokovic và các fan luân phiên kích động lẫn nhau, và nó trở thành nguồn năng lượng để anh chiến thắng.

Novak Djokovic lần thứ 7 vô địch Paris Masters: Phong cách của Quý ngài Masters - Ảnh 1.

Djokovic vừa chạm mốc 40 Masters 1000

"Quan hệ với khán giả rất đặc biệt, chúng ta có thể nói vậy", Djokovic cười nói với khán giả bằng tiếng Pháp trong buổi lễ trao giải. "Cảm ơn các bạn vì với năng lượng này tôi đã ở đây".

Phong cách Djokovic

Việc Djokovic quá ổn định khiến cho những việc anh hay làm tốt lại dễ bị coi nhẹ. Những cú đánh cuối sân của anh không ai sánh kịp, anh hiếm khi gặp sai sót hơn đối thủ ở những thời khắc quan trọng. Nhưng pha giao bóng ăn điểm trực tiếp vẫn đến khi cần thiết. Và dĩ nhiên, cả sự xuất sắc trong các loạt tie-break nữa. Cú forehand chéo sân mạnh mẽ của anh là một minh chứng. Nó không phải một pha ghi điểm ấn tượng, nhưng lại buộc các đối thủ phạm sai lầm. Nole biết cách thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa tính quyết liệt và sự an toàn.

So với các giải đấu khác, Djokovic ở Paris Masters có một khác biệt khác: Sự hiện diện của Carlos Gomez-Herrera trên băng ghế huấn luyện. Là một cựu tay vợt và bạn của cậu em trai Marko Djokovic, Gomez-Herrera (33 tuổi) đóng vai trò là một người khích lệ hơn là một trợ lý HLV. Anh liên tục nói chuyện với Nole và làm mọi cách để giữ sự tập trung và hăng hái, nhất là khi HLV trưởng Goran Ivanisevic vắng mặt. Mỗi khi Novak bị tức giận hoặc niềm tin dường như suy yếu, Gomez-Herrera luôn ở đó để khích lệ và giúp anh trở lại thực tại. Và sau mỗi chiến thắng, anh luôn ở đó để khen ngợi.

Sau khi Djokovic giữ game và dẫn 5-3 ở set thứ hai của trận chung kết, Gomez-Herrera nói ngắn gọn: 'Tôi muốn anh đánh để giành chiến thắng'. Djokovic tuân thủ bằng cách gia tăng lực vào các cú đánh của mình, và nó đã thành công. Sau khi mắc một lỗi, anh đã ghi được hai điểm winner từ cú backhand và sau đó giành break quyết định. Djokovic cũng thể hiện sự thân thiện bằng cách ôm chặt Dimitrov đang rơi lệ. Đồng thời, Gomez-Herrera đi đến chúc mừng gia đình và đội ngũ của Dimitrov về hành trình của họ đến trận chung kết.

Biết khi nào nên chơi hết mình và khi nào nên chơi an toàn là một chuyện. Nhưng thực hiện điều đó ngay lập tức để vô địch một giải đấu cấp độ Masters 1000, lại là chuyện khác. Ở Bercy, "Quý ngài Masters" Novak Djokovic đã đăng quang theo đúng phong cách của anh, không lẫn vào đâu được.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm