Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại

16/03/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá

"Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất"

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, là một nghệ sĩ lãng du giữa đời, nhưng không phải để mơ mộng, mà để thực hiện những cuộc hành trình vượt thời gian (nói theo ngôn ngữ mới là "xuyên không") về với lịch sử, và xa hơn, về với cả thời còn tiền sử. Những câu chuyện quá khứ, lịch sử từ trong lòng đất, lòng biển được anh kể lại một cách minh triết và đầy sức lôi cuốn - "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về".

Trên TT&VH số thứ Năm hằng tuần, bắt đầu từ số báo này, chúng tôi sẽ bắt đầu chuyên mục "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất". Xin giới thiệu những câu chuyện kể ấy của TS Nguyễn Việt cùng một số đồng nghiệp với bạn đọc.

Ngày 26/2/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu làm hồ sơ ngay trong tháng 3 để đề nghị công nhận 2 di chỉ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di chỉ Quốc gia đặc biệt; trong năm 2023 phải lập xong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện cho nhân loại. Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại 2 di chỉ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành.

Đây là hai địa điểm khảo cổ học nổi tiếng của văn hóa Hòa Bình, đều nằm trong huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình, cách nhau đường chim bay chừng 5km. Mái đá Làng Vành đã được Madeleine Colani phát hiện và khai quật nghiên cứu từ 1929. Nội dung cuộc khai quật mới chỉ trình bày rất vắn tắt trong EFEO 1929 (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp số ra năm 1929), nhưng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong ngoài nước.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 2.

Hang làng Vành ngay sát nơi cư trú của người nguyên thủy tại Mái đá làng Vành. Trong hang có hồ nước nhỏ và nhiều dấu tích khảo cổ học của cư dân văn hóa Hòa Bình

Hang xóm Trại phát hiện năm 1975 và được khai quật nghiên cứu liên tục trong nhiều năm 1980, 1981, 1982, 1986, 2004, 2008. Cả hai địa điểm đều đã được định tuổi C14 rất tỉ mỉ và hệ thống, cho phép xác định niên đại sớm nhất là trên 20 ngàn năm cách ngày nay. Hai di tích đều đã được xếp hạng Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia.

Để phục vụ chương trình kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình, Sở VH,TT&DL Hòa Bình đã phối hợp cùng Viện Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiến hành khai quật mới hai địa điểm này. Sau đây là một số đánh giá chính dựa trên kết quả cuộc khai quật mới nhất đó kết hợp với kết quả các cuộc khai quật trước.

Nhiều phần của trầm tích văn hóa Hòa Bình còn nguyên vẹn

Trong giới nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam thường có một ý nghĩ "chụp mũ" sai lầm cho rằng Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành đã bị "đào hết" hay xáo trộn hết rồi. Tại Hang xóm Trại, cuộc đào 1981 với tổng diện tích trên 60m2 coi như đã đào hết diện tích lòng hang. Năm 1982, khi thí nghiệm sàng đất tìm tàn tích thực vật, chúng tôi đã dựa vào vách phía trong hố đào 1981 để đào 1m2, sâu 320cm. Các mẫu ốc và hạt quả cháy mang sang Berlin định tuổi cho một trật tự địa tầng rất ổn định, từ cách nay 18.000 đến 15.000 năm.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 3.

TS Nguyễn Việt nghiên cứu Mái đá khảo cổ học làng Vành

Năm 1986, chúng tôi tiến hành đào lấy mẫu lần thứ hai, đã từ hố khai quật 1 m2 năm 1982 mở rộng về phía vách hang phía tây với diện tích 6m2, tầng văn hóa rất ổn định, chỉ dốc xiên về phía trong, nơi mà sau này xác định có một hốc sụt dạng kaster đã khiến tầng văn hóa bị dốc xiên lệch về hốc sụt đó. Hơn 10 niên đại C14 đã được làm từ vỏ quả sàng được ở mỗi lớp cho trật tự niên đại tương tự năm 1981 (hình biểu đồ mặt cắt vách hố phía tây kèm vị trí mẫu và tuổi C14).

Đợt khai quật 2004 và 2008 ghi nhận những mảnh gốm muộn trôi từ trên mặt xuống, phân bố chủ yếu ở rìa vách hang, và bị xáo trộn khoảng 2m bề mặt do dân địa phương sàng lấy phân dơi trong những năm 1990. Tuy nhiên, tại mảng trầm tích rìa phía Tây ngoài cửa hang, sau khi di chuyển những khối đá rơi trên bề mặt và nhất là do sự tự dịch chuyển của khối hoa nhũ, đã xuất lộ khu vực rộng trên 15m2 trầm tích nguyên thủy nguyên vẹn.

Chính tại đây, chúng tôi đã phát hiện mộ nằm co rất cổ, còn nguyên trạng trong tư thế giải phẫu sinh lý. Chỉ có phần đầu, vai đã bị đợt đào 1981 móc phải.

Hiện nay, tầng văn hóa sâu hơn 2m vẫn còn nguyên vẹn, hơi bị dốc xiên vào trong do một hốc sụt cạnh cửa hang ngách bên cạnh. Hốc trong cùng hang có dấu hiệu bị trôi bề mặt rất rõ. Khi khai quật 1982 vẫn thường thấy tiếng trôi rất dài của ốc, đá lăn từ trên xuống. Trong cuộc đào 2004, 2008, 2022, chúng tôi đã hạ độ sâu hốc đó xuống 3m, ở một số nơi gần vách hang vẫn thấy gốm, mảnh sành lẫn với trầm tích văn hóa màu xám đen. Tuy nhiên, ở vùng lõi giữa hốc vẫn thấy cấu trúc bếp nguyên thủy khá nguyên vẹn.

Chúng tôi đã lấy một mẫu ốc làm C14 ở vùng lõi không xáo trộn này với hy vọng tuổi hiệu chỉnh trên 20 ngàn năm cách ngày nay.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 4.

TS Nguyễn Việt đang nghiên cứu địa tầng trong hố thám sát số 4 (TS4) làng Vành 2022

Ở làng Vành, sau khi tìm hiểu kỹ sơ đồ khai quật Colani để lại, chúng tôi đã mở rãnh thám sát và chọn phía ngoài rìa mái đá để mở hố chính. Rãnh thám sát cho thấy 1- 1,2 m bề mặt bị xáo trộn hoàn toàn do khai quật thời Colani và sàng lấy phân dơi trong những năm 1990. Phía rìa ngoài còn khá nguyên vẹn, nhất là phía bên dưới lớp đá bong rơi do biến đổi khí hậu khoảng hơn 10 ngàn năm trước.

Tại hố thám sát TS4 mở ngay sát vách mái đá trong vùng II theo ký hiệu của Colani, chúng tôi đã ghi nhận rất rõ phần đất 1,2m do Colani đã khai quật. Tầng văn hóa phía dưới dày khoảng 1,2m đến 1,5m vẫn còn nguyên vẹn với những vùng bếp cháy và công cụ xương, đá, mảnh tước. Khối lượng trầm tích văn hóa hoabinhian tại Làng Vành ước tính 300-500m3. Dựa vào thống kê sơ bộ hiện vật từ hố thám sát TS4 và H1 thì lượng di vật đá, xương sừng còn lại ở làng Vành lên tới hàng chục vạn tiêu bản. Đó là chưa kể hang trăm di vật hoabinhian (nền văn hóa Hòa Bình - TT&VH) trong các hang hốc xung quanh mái đá.

Mật độ di vật nhiều đến mức đáng kinh ngạc ở cả hai di tích

Có lẽ, hiếm nơi nào trên thế giới ở niên đại cuối cánh tân đầu toàn tân (từ 10.000 đến 7.000 năm cách hiện nay) những người săn bắt hái luợm tiền sử lại để lại nhiều tàn tích như Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành.

Đã có một thống kê về lượng vỏ ốc tới 44.000 tại Hang xóm Trại so sánh với 9000 con và 11.000 con trên một mét khối trầm tíchở Con Moong và Sũng Sàm. Thống kê sơ bộ số vỏ ốc ở làng Vành cũng tương tự như xóm Trại. Số lượng xương thí tính theo mảnh khoảng 500/m3. Số công cụ đá hạch cuội ở hai di tích đạt trung bình hơn 70/m3 và hơn 300 mảnh tước/m3 trầm tích. Đa số mảnh tước được tách ra để sử dụng.

Tại Xóm Trại, số lượng đá cuội bàn chế biến thức ăn và chế tác công cụ (nặng trung bình 5-10 kg) lên đến hàng ngàn. Chúng được dùng ở quanh các bếp lửa, nhiều viên còn vết màu đá khoáng hematite sắt, lưu huỳnh. Công cụ mài lưỡi nguyên thủy ở cả xóm Trại và làng Vành đều đã phát hiện hàng trăm chiếc trong đó chiếc sớm nhất ở tầng 17 ngàn năm ở Hang xóm Trại, cuộc khai quật 1986. Tại làng Vành, hai rìu đá cuội mài lưỡi tìm được ở độ sâu gấn sát sinh thổ có thể đạt tuổi trên 20 ngàn năm.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 5.

Bó công cụ đào đất hình mũi nhọn làm bằng xương ống chân sơn dương khi mới lấy lên từ lòng đất

Di vật có nguồn gốc hữu cơ như vỏ ốc, xương sừng và hạt quả cháy và héo khô được bảo tồn rất tốt ở cả hai di tích

Do môi trường hang động đá vôi và tầng văn hóa nhiều vỏ ốc nên di vật có nguồn gốc hữu cơ được bảo tồn rất bền vững. Tại xóm Trại, trong những năm 1982 và 1986 chúng tôi đã thu được hàng trăm tiêu bản là mảnh vỏ dạng hạt quả juglans-like, hạt me… cháy thành than. Tuổi C14 và AMS của các vỏ cháy này đều ở khoảng 16-23 ngàn năm trước. Xương sừng, răng động vật và người ở hai di tích này được bảo tồn rất tốt, đều ở tình trạng đã hoặc đang hóa thạch. Nhờ đó, số lượng công cụ xương thu được lên đến con số hàng trăm tiêu bản.

Đây là một lợi thế vô cùng hiếm quý giúp việc tìm hiểu về niên đại, về đời sống hoabinhian cũng như cổ khí hậu có nhiều chỗ dựa chắc chắn.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 6.

Một trong các viên đá có nét chạm khắc được phát hiện tại xóm Trại, đại diện cho những tác phẩm mỹ thuật đầu tiên của lịch sử con người chiếm cư trên đất nước ta.

Sử dụng công cụ xương sừng và mảnh tước là chính bên cạnh bộ công cụ hạch cuội và lõi hạch cuội điển hình

Chắc chắn, chúng tôi sẽ cung cấp chứng cứ và số liệu để giúp chúng ta hay đổi lớn về nhận thức công cụ trong văn hóa Hòa Bình, chí ít là ở những địa điểm mà chúng tôi đã trực tiếp khai quật và nghiên cứu, như xóm Trại, làng Vành và Đú Sáng. Đó là việc sử dụng thường xuyên hàng ngày các công cụ nhỏ như mảnh tước đá cuội và công cụ đào, khều bằng xương.

Chỉ khoảng 30% cái gọi là công cụ hạch cuội được chế ra dùng cho việc chặt đập còn lại hầu hết "công cụ hạch" trước đây thực chất là hạch cuội còn lại trong quá trình chế các công cụ mảnh tước. Việc ứng dụng các thiết bị soi phóng đại đã giúp chúng tôi xác định công cụ dựa trên các vết mòn bóng sử dụng chú không phụ thuộc vào phân định hình dáng như trước đây.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 7.

Rìu mài xương và một bó công cụ đào đất hình mũi nhọn được cư dân văn hóa Hòa Bình làm từ xương ống chân sơn dương khai quật sát bếp nguyên thủy 17 ngàn năm trước

Sử dụng đá khoáng để ăn, chữa bệnh và tô màu

Tại các di chỉ này, có bằng chứng của việc sử dụng khoáng giàu sắt và đạm dạng Hematite và Kaolilith trong dinh dưỡng, chữa bệnh và tô màu.

Đây là một điểm mới đã được chúng tôi trình bày và thảo luận ở nhiều diễn đàn trong nước (2006) và quốc tế (2009 tại Tokyo Nhật Bản, 2018 tại Penang, Malaysia, 2019 tại Wroclaw, Ba Lan…) dựa trên hàng trăm tiêu bản đá có lớp áo khoáng được sử dụng phát hiện tại xóm Trại và Đú Sáng.

Những phát hiện bất ngờ về Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại - Ảnh 8.

Toàn cảnh núi Khụ Trại trong thung lũng Mường Vang huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi có hang khảo cổ học xóm Trại nổi tiếng

Ngoài suy đoán truyền thống là chúng được dùng tạo màu, kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng và tài liệu so sánh dân tộc học cho phép kết luận: Chúng là bằng chứng của việc khai thác khoáng chất dùng trong dinh dưỡng, chữa bệnh của người Hoabinhian. Tại xóm Trại, những viên đá thổ hoàng (hematite) màu đỏ giàu sắt và màu vàng giàu lưu huỳnh dược khai thác từ hai quả đồi đất sát cạnh hang núi. Một số viên có lẽ lấy từ suối về. Cạnh đó còn có dạng viên đất bột trắng dạng Kaolilith đạm cao.

Việc sử dụng đá có vỏ bọc khoáng chất này không giống nhau ở các hang. Số lượng đá khoáng hematite tìm được ở Làng Vành thấp hơn nhiều ở Xóm Trại. Viên Kaolilith hầu như vắng bóng ở làng Vành, Đú Sáng.

Có bằng chứng sớm nhất về tư duy mỹ thuật nguyên thủy ở Việt Nam

Tại Hang xóm Trại, ngay từ cuộc đào 1982, chúng tôi đã phát hiện hai viên đá có hình khắc khác thường. Năm 2004, số lượng phát hiện nhiều hơn trong đó có một viên đá mỏng, lõi basalt bọc lớp khoáng hematite. Trên đó có rạch thành những nhóm đồ án vạch song song dạng xương cá và băng dích-dắc răng sói.

Năm 2008, phát hiện thêm một vài viên có đường khắc hình dích-dắc tương tự. Niên đại một viên đá phát hiện năm 2004 ở tầng có tuổi C14 là 17 ngàn năm trước. Chúng đại diện cho những tác phẩm mỹ thuật đầu tiên của lịch sử con người chiếm cư trên đất nước ta.

Năm 2012 hiện tượng này đã được trình bày và in trong kỷ yếu Hội nghị quốc tế về thời đại đá cũ và người Homo sapiens họp tại Tokyo. Hoạt động này gắn liền với việc rạch mài lấy bột khoáng để ăn, chữa bệnh hay tô màu.

Bằng chứng về sự cư trú ổn định

Lối sống Hoabinhian căn bản là không cố định ở một nơi mà di chuyển tùy thuộc vào nguồn cung cấp thức ăn. Khảo cứu tư liệu thức ăn có tính mùa ở đốt sống cá Động Cang, thành phần thức ăn mùa và vòng sinh trưởng ở Con Moong, Đú Sáng… cho phép kết luận tính chất cư trú theo mùa ở mỗi di tích: Con Moong chỉ ở mùa Hè (mưa), Đú Sáng cư trú mùa Đông, Động Cang cư trú mùa Hè… Riêng ở xóm Trại và làng Vành chúng ta có cơ sở để xác nhận những hoabinhian săn bắt hái lượm có điều kiện cư trú quanh năm lâu dài ở đây.

Mảnh gốm của cư dân trồng lúa hậu kỳ đá mới (khoảng 3500-4000 năm trước) mang từ những làng trồng lúa đồng bằng sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa) lên Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành

Điều kiện sống trong môi trường khí hậu, sinh khối tối ưu cho phép lối sống săn bắt hái lượm nguyên thủy định cư độc đáo. Tại xóm Trại có bằng chứng giao tiếp và chuyển đổi lối sống hoabinhian diễn ra vào khoảng 4.000 - 3.500 năm trước với sự phổ biến của loại đá basalt độ mịn cao và kỹ thuật cưa mớm trước khi ghè tách mảnh tước. Cũng khoảng đó đã tìm thấy bàn đập tapa có rãnh cưa, rìu tứ giác, rìu hai vai mài toàn thân và gốm kiểu Mán Bạc, Cồn Chân Tiên.

Những hiện vật đại diện cho quá trình đá mới hóa hay trồng lúa hóa như vậy cũng thấy ở làng Vành, tuy không đậm nét bằng xóm Trại. Hố khai quật H1 ở bên ngoài Hang xóm Trại cho thấy phân bố của "làng" đá mới hậu kỳ này chẳng những ở trong hang mà còn ở phía ngoài hang, rộng hàng ngàn mét vuông.

Nguyễn Việt - Lưu Huy Linh - Lê Hải Đăng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm