Sập biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội: Thảm họa từ 'di sản biệt thự' đã được báo trước

23/09/2015 14:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Với 2 người tử vong và nhiều người bị thương nặng, vụ sập biệt thự cổ ở Hà Nội vào trưa hôm qua 22/9 không đơn thuần là một tai nạn, khi mà sự xuống cấp của những kiến trúc Pháp cổ trên dưới trăm tuổi đã được nhắc tới từ lâu, thậm chí có hẳn văn bản khuyến cáo từ Pháp gửi sang.

Cụ thể, vào 13h trưa 22/9, ngôi biệt thự cổ 3 tầng tại 107 Trần Hưng Đạo đã sập xuống và chôn vùi nhiều người trong đống đổ nát. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị đang quản lý tòa nhà), tai nạn đến từ việc tòa nhà đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Đặc biệt, do trời mưa, hệ thống kiến trúc này bị ngấm nước mạnh và giảm hẳn khả năng chịu lực.

Vừa "già", vừa quá tải

Được biết, biệt thự này nằm trong nhóm 382 biệt thự Pháp cổ thuộc loại 2, được chính quyền tiếp quản sau 1954. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, hầu hết các biệt thự tại phố Trần Hưng Đạo đều được người Pháp xây khá sớm, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX.


Hình ảnh biệt thự cổ sau vụ sập đổ kinh hoàng. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

"Phố Boulevard Gambetta (tên cũ của Trần Hưng Đạo) được hình thành ngay từ năm 1888, sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa. Đó là con phố đầu tiên nằm trong kế hoạch mở rộng khu vực sinh sống của người Pháp về phía Nam thành phố" - ông Tiến cho biết - "Cùng với các công trình hành chính, những biệt thự cũng sớm được xây dựng rải rác tại đây. Do đó, có nhiều cơ sở để tin rằng biệt thự bị sập là một trong những tòa nhà Pháp cổ có tuổi đời cao nhất".

Và, cũng với cách quản lý của người Pháp, ngoại trừ một số "công thự" thuộc sở hữu của chính quyền, hầu hết các biệt thự đều thuộc về sở hữu tư nhân. Sau 1954, trong điều kiện thiếu thốn nhà ở, hầu hết các biệt thự này trở thành này trụ sở của các cơ quan nhà nước, hoặc thành các "khu tập thể mini" cho nhiều hộ dân cư ngụ.

"Người Pháp khi xưa xây dựng không sử dụng kết cấu bê tông đổ liền như hiện nay. Rất nhiều biệt thự chỉ có tường gạch, kết hợp với với thanh sắt chữ Y làm trụ cài" – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm. "Kết cấu này là hợp lý với giá trị sử dụng khi đó. Còn cách khai thác sau này lại đặt các biệt thự vào tình trạng quá tải về công năng và nhanh xuống cấp theo thời gian".

Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, việc sửa chữa, cơi nới để tăng hệ số sử dụng tại các biệt thự cũng là lý do ảnh hưởng tới tính an toàn của công trình.

Đơn cử, chỉ riêng về thoát nước, rất nhiều biệt thự rơi vào tình trạng cùng lúc bị "thấm xuôi" và "thấm ngược". Theo đó, "thấm xuôi" diễn ra từ trên cao xuống, là hệ quả của việc xây thêm công trình phụ, bể nước, đường ống. "Thấm ngược" lại đi từ dưới lên, khi việc thoát nước ngầm bị ảnh hưởng trong quá trình tôn đường, cải tạo nền. Do vậy, các biệt thự Pháp cổ thường có một đặc trưng: tường và các công trình chịu lực rất mau bở, mủn và chịu tải kém".


Nét hoa văn biệt thự Pháp cổ còn lại. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Những cơ hội bị... bỏ qua

Những năm qua, tình trạng xuống cấp của các biệt thự Pháp cổ là câu chuyện thường xuyên được  ngành kiến trúc và xây dựng nhắc tới. Và không chỉ có vậy, vào năm 2012, một thông tin đặc biệt được đưa ra quanh vấn đề này: chủ nhân của nhiều biệt thự cổ tại Hà Nội nhận được văn bản từ Pháp gửi sang, với đại ý khuyến cáo về việc các công trình thuộc loại này đã hết niên hạn sử dụng nếu đối chiếu theo thời điểm xây dựng.

Trong quá trình viết cuốn Song xưa phố cũ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã có dịp tìm hiểu thông tin trên. "Chủ nhân các ngôi nhà rất cảm động trước động thái từ phía Pháp. Nhưng khi tôi hỏi về việc tìm hướng xử lý, thì chủ nhà cũng chỉ biết... cười trừ. Các biệt thự đều được chia nhỏ cho nhiều hộ gia đình, nên việc tu sửa vô cùng phức tạp. Còn nếu tự di dời thì lại là không tưởng, bởi các biệt thự đều nằm trên những trục phố chính nên và có giá trị cực lớn trong bối cảnh hiện nay" – ông Thế cho biết.

Thậm chí, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, vào đầu những năm 1990, ngành địa chính Hà Nội đã từng đề xuất dự án chỉnh trang, cải tạo các biệt thự có kiến trúc châu Âu cổ điển. Theo dự án này, các hộ dân đang chia năm, xẻ bảy biệt thự sẽ được bố trí quỹ đất để di dời. Đồng thời, các biệt thự cũ nát, xuống cấp cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo lại để bán, cho thuê hoặc sử dụng vào mục đích văn hóa.

"Đây là một dự án vừa có giá trị bảo tồn, vừa hợp lý về kinh tế. Vẫn biết, số vốn bỏ ra khá lớn. Nhưng tôi tin, nếu quyết tâm làm, Hà Nội vẫn có thể triển khai, và dần thu lại nguồn kinh phí đủ để cân bằng. Rất tiếc, điều này không trở thành hiện thực" - ông Tiến nói.

Không còn dừng ở những vấn đề về giá trị kiến trúc và mỹ quan đô thị, các biệt thự cổ Hà Nội đã chính thức trở thành một câu hỏi về tính an toàn khi sử dụng, sau vụ sập nhà vừa qua.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 1.586 biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong đó có 562 biệt thự tư nhân đang sử dụng, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó, rất biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, bị cơi nới, lấn chiếm và biến dạng.

Cúc Đường - Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm