Những cầu thủ 'trẻ mãi không già'

08/11/2014 14:48 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) – Tuổi trên giấy tờ của Nwankwo Kanu là 37 nhưng thực chất anh đã 45. Obafemi Martins năm nay đã 36 thay vì 29 như trong hộ chiếu. Còn tiền đạo Chelsea, Samuel Eto’o đã đón sinh nhật thứ 39 thay vì 32...

Tiết lộ trên của các blogger và tình cũ của các danh thủ một lần nữa làm dấy lên vấn đề gian lận tuổi trong bóng đá chuyên nghiệp.

Vài giờ cho “tiến trình trẻ hóa”

Trên thế giới, châu Phi là nơi sản sinh ra những cầu thủ có lý lịch “mờ ảo” nhất. 24 năm trước, bê bối tuổi tác bao trùm làng bóng đá Nigeria. FIFA sau khi phát hiện ngày sinh của 3 cầu thủ Nigeria tham dự Thế vận hội năm 1988 khác hoàn toàn với ngày mà họ đã khai khi tham dự những giải khác, đã quyết định cấm ĐTQG Nigeria tham dự tất cả các giải đấu quốc tế ở mọi cấp độ trong 2 năm.

Một năm sau án cấm của FIFA, Pele khi chứng kiến những cầu thủ U17 của Nigeria vô địch World Cup và lọt tới trận chung kết của giải đấu dành cho lứa tuổi U20, đã tuyên bố đầy tự tin rằng: “Một đội bóng châu Phi sẽ vô địch World Cup trước những năm 2000”. Chuyện đó đến nay vẫn chưa xảy ra bởi Pele khi dự đoán chắc không nghĩ đến thực tế rằng các tài năng trẻ đầy hứa hẹn của Nigeria có... truyền thống sa sút tệ hại chỉ ít năm sau khi nổi danh.

Phillip Osondu từng là Cầu thủ xuất sắc nhất giải World Cup U17 năm 1987. Từ màn trình diễn đó, anh nhận được sự quan tâm của CLB Anderlecht nhưng rồi dần biến mất khỏi các trận cầu để làm công việc trông nom nhà cửa. Femi Opabunmi, ngôi sao của Nigeria tại giải U17 năm 2001 đã trở thành cầu thủ trẻ thứ 3 hiện diện tại World Cup trong trận hòa 0-0 với tuyển Anh năm 2002. Thế nhưng, chỉ 4 năm sau đó, Femi Opabunmi chỉ còn là một chân sút vô danh, chơi bán thời gian cho một đội bóng thuộc giải hạng thấp của Pháp. Tiềm năng biến mất một cách bí ẩn này làm dấy lên câu hỏi liệu tuổi tác có phải là nguyên do?

Dạo qua các blog bàn về bóng đá châu Phi có thể thấy nhiều điều hay ho. “Một người bạn của tôi từng chơi bóng ở giải VĐQG Nigieria bảo rằng tuổi thực của cậu ấy là 34 nhưng tuổi giấy tờ mới 21 thôi”, một blogger có tên Onmonya tiết lộ. Cơ chế đổi tuổi, thậm chí đổi tên họ quá dễ dàng ở các quốc gia châu Phi đã góp phần cho nạn “đội” tuổi trong bóng đá ngày càng gia tăng. Chỉ cần mất chút thời gian làm giả giấy tờ, thay đổi tên tuổi và đến cơ quan di trú nộp số tiền 10,000 (hơn 60 USD) thay vì 5.500 naira như quy định là có thể “trẻ hóa” bản thân.

“Tệ nạn” ở châu Phi

Tại sao việc đội tuổi lại bùng nổ ở bóng đá châu Phi đến vậy?

Nguyên do hàng đầu là áp lực thành tích. Các giải đấu quan trọng liên quan tới ĐTQG như U17, U20 và Thế vận hội có giới hạn tuổi tác cho những cầu thủ tham dự. Một cầu thủ lớn tuổi sẽ có lợi thế về thể chất cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm trên sân cỏ. Thế nên, các đội trẻ của ĐTQG sẵn sàng đổi tuổi của các cầu thủ, trẻ hóa họ 3, 5 hay thậm chí là cả 10 tuổi so với thực tế để có thể mang thành tích về cho đất nước. Một cựu HLV của một CLB tại Nigeria từng tiết lộ với tờ Guardian rằng tại những giải đấu như CAN, nhiều cầu thủ chơi đúng tuổi không thể ngăn cản được bước chạy của đối thủ.

Nhà báo chuyên viết về thể thao châu Phi, Oluwashina Okeleji, viện dẫn một lý do khác: giấc mơ châu Âu. Các CLB châu Âu nhìn nhận cầu thủ châu Phi có thể lực tốt và kỹ thuật điêu luyện và giá rẻ để mua (sẽ mang lại lợi nhuận cao một khi họ được bán trong tương lai). Còn với cá nhân các cầu thủ, trở thành một cầu thủ chơi ở giải chuyên nghiệp châu Âu hứa hẹn một cuộc sống tốt hơn cho bản thân ở nước ngoài và có thể chu cấp cho gia đình. Bởi thế, nhiều cầu thủ sẵn sàng ăn gian tuổi để có thời gian thi đấu nhiều hơn, mong một ngày sẽ lọt vào tầm ngắm của các “đại gia” bên kia đại dương.

Tình trạng này xảy ra phổ biến như vậy nhưng khó có thể truy tìm được sự thật đằng sau tuổi tác của cầu thủ. Ông Junior Binyam, Giám đốc truyền thông của Liên đoàn bóng đá châu Phi, gọi đổi tuổi là một “tệ nạn” ở châu Phi bởi cơ quan chức năng không có cơ sở dữ liệu tin cậy để xác minh tuổi của cầu thủ.

35: Để đối phó với tình trạng này, FIFA đã áp dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI) tại World Cup U17 để xác định các cầu thủ quá tuổi so với thực tế. Thống kê tại các giải World Cup U17 năm 2003, 2005 và 2007 cho thấy có đến 35% cầu thủ quá tuổi so với giấy khai sinh.


Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm