Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng

09/11/2022 19:11 GMT+7 | Văn hoá

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng

Nhà giáo - nghệ sĩ Mai Ngọc Căn qua đời ngày 2/11/2022, ở tuổi 83. Ông là nghệ sĩ tận hiến đến phút cuối cùng cho nghệ thuật. Nhiều khán giả sẽ còn nhớ mãi dáng người cao gầy, điềm đạm, khiêm nhường của ông.

Mai Ngọc Căn sinh ngày 9/8/1940 tại phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), ông khởi nghiệp từ công nhân mỏ Cẩm Phả, với nghề thợ nguội và nghề sửa chữa ô tô.

Trốn làm đi thi diễn viên

"Hồi ở mỏ, tôi mê phim lắm. Cứ hết giờ làm việc, tôi lại ra xem phim của đoàn chiếu bóng lưu động. Khi được phân ca ba, tôi lại đổi sang làm ca một để tối còn đi xem phim. Xem xong đáng lý là về luôn, nhưng hôm ấy tôi nấn ná, ở lại xem thu dọn máy móc" - Mai Ngọc Căn nhớ lại.

Và cơ duyên với điện ảnh cũng từ đó: "Nhìn thấy tôi, cậu thuyết minh nói nếu thích làm diễn viên thì lên Hà Nội thử sức đi. Trên đó đang tuyển diễn viên. Trong tay có hơn 10 đồng vừa nhận, tôi giả vờ ốm, xin nghỉ và trốn lên Hà Nội, vẫn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ lao động... Rồi vào một buổi trưa, khi đang ngủ, bỗng có người gọi bảo có giấy từ Hà Nội. Giấy báo trúng tuyển...".

Ông đã thi đỗ lớp diễn viên điện ảnh khóa 1 (1959-1962) Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng các bạn học Trà Giang, Phi Nga, Lâm Tới, Minh Đức, Tuệ Minh, Lịch Du... Năm 1963, ông đóng phim Khói trắng bảo vệ tốt nghiệp.

Ngày 15/10/1963, ông nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị trinh sát đặc công Sư đoàn 350. Từ lính "quân hàm đỏ", sau một bộ phim, ông đã chuyển sang lính "quân hàm xanh"... Khi có lớp tuyển học đạo diễn ở Nga, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn đã vượt qua mọi khó khăn, chuyên tâm luyện tập và đã thi đỗ, trở thành học viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh và Âm nhạc Leningrad - Liên Xô (cũ).

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng - Ảnh 2.

Vợ chồng Mai Ngọc Căn - Tống Thị Thanh Sơn thời trẻ

Sau 7 năm tu nghiệp ở Nga (1970-1977), về nước, ông vẫn tiếp tục ở đơn vị cũ. Cuối năm 1980, chuyển ngành sang Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; rồi được điều động về Cục Sân khấu (nay là Cục Nghệ thuật Biểu diễn)... Năm 2000, ông về nghỉ hưu, từ đó, có nhiều thời gian đóng phim hơn.

Ở cương vị giảng viên, thầy Mai Ngọc Căn đã truyền lửa đam mê nghề, nhân cách nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống đẹp, tự tin, tự trọng cho các thế hệ học trò. Đã không ít lần, nhà báo viết bài "phong" ông danh là nghệ sĩ ưu tú, ông gọi điện yêu cầu sửa.

"Danh hiệu NSƯT, NSND là dành cho những người tài năng. Nhiều học trò của tôi được phong NSND, NSƯT chứng tỏ các em đã trưởng thành, trưởng thành hơn thầy. Tôi rất mừng" - ông khiêm tốn.

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng - Ảnh 3.

Gia đình của cặp nghệ sĩ Ngọc Căn - Tống Thị Thanh Sơn. Ảnh từ Facebook

Các thế hệ học trò của thầy đã thành danh như NSND Khải Hưng, NSƯT Bùi Thạc Chuyên, NSƯT Chiều Xuân, nghệ sĩ Lê Tú Oanh... rất biết ơn thầy. Nghệ sĩ Chiều Xuân - lớp diễn viên điện ảnh khóa 3 bùi ngùi nhắc nhớ bao kỷ niệm với người thầy mà các thế hệ học trò vô cùng trân kính: "Thầy Căn bình dị, gần gũi, chân chất, có vốn sống sâu rộng và đầy lòng nhân ái. Khi mới là sinh viên năm hai, Chiều Xuân kết hôn và sinh con đầu lòng. Lúc đó, tôi rất lo việc riêng ảnh hưởng đến việc học tập, tụt hậu với bạn bè. Chính lúc đó, thầy Mai Ngọc Căn đã động viên và còn tin tưởng giao cho tôi vai chính trong vở Trên mảnh đất đời người do Bùi Thạc Chuyên chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết Nga. Không chỉ là giảng viên, thầy là diễn viên xuất sắc, hóa thân đủ dạng vai. Trên màn ảnh, thầy thường gắn với các nhân vật hiền lành, đức độ. Khi ở vị trí đạo diễn, thầy mạnh mẽ, quyết đoán. Đến cuối đời, thầy vẫn mê đóng phim để mang niềm vui đến cho mọi người. Thầy là tấm gương sáng mà thế hệ chúng tôi luôn nhìn vào để tự hào và nỗ lực không ngừng...".

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng - Ảnh 4.

Mai Ngọc Căn vào vai người lính hải quân (1963) trong một vở kịch. Ảnh treo tại tư gia

Ký ức "Trên vĩ tuyến 17"

Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, Mai Ngọc Căn đã tạo ra dấu ấn phong cách riêng. Điều dễ nhận thấy ở những vai diễn của ông là sự chân chất, hiền lành, tốt bụng... như chính con người ông vốn đôn hậu, khiêm nhường. Ông đã tạo hình trong nhiều vai diễn với nét buồn, cô đơn, khắc khổ... nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp của lòng nhân ái, thuần hậu, chất phác, phẩm chất chính trực, kiên cường...

Yêu điện ảnh, từ khi còn sinh viên, ông đã cùng các bạn Trà Giang, Tuệ Minh... tham gia đóng phim Vợ chồng A Phủ, Chim vành khuyên... Từ đó, ông tham gia nhiều phim điện ảnh, như Trên vĩ tuyến 17, Lửa rừng, Bình minh trên rẻo cao...

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng - Ảnh 5.

Mai Ngọc Căn (phải) vai A Sáng trong phim “Lửa rừng”. Ảnh cắt từ phim

Trong phim truyện nhựa Trên vĩ tuyến 17 (1965), Mai Ngọc Căn đóng vai binh nhất Xuân cùng các bạn diễn Lâm Tới (vai trưởng đồn cảnh sát), Trần Phương (vai thượng sĩ Dương)... Bộ phim phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) được thực hiện rất công phu, chân thực. Cảnh quay thực hiện ở ranh giới giữa hai bờ Nam - Bắc, ngay trên sông Bến Hải.

Để lấy thực tế cho phim, các diễn viên Trần Phương, Mai Ngọc Căn đã có những lúc mặc trang phục công an nhân dân vũ trang trong các cuộc tiếp xúc với cảnh sát địch trong các buổi giao ban giữa hai bên giới tuyến. Riêng diễn viên Lâm Tới còn sang tận bờ Nam, khu vực đồn cảnh sát của chính quyền Sài Gòn để quan sát thực tế. Trong phim, binh nhất Xuân và thượng sĩ Dương có nhiệm vụ hàng ngày đi dọc bờ sông kiểm tra bảo vệ ranh giới và chuyển thương binh, thông tin thông suốt hai miền Bắc - Nam. Hàng tuần, hai bên sẽ trao đổi người để kiểm tra việc thực hiện hiệp định. Qua những lần gặp gỡ trao đổi, hai chiến sĩ Dương và Xuân đã cảm hóa được tên đồn trưởng địch (NSND Lâm Tới đóng).

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng - Ảnh 6.

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trong phim “Trên vĩ tuyến 17”

Trong quá trình làm phim, bối cảnh đồn địch được dựng trên bờ biển phía Bắc (Cửa Hội) mà bất cứ lúc nào sự nguy hiểm cũng luôn rình rập. Nếu ở bên kia địch biết sẽ bắn ngay. Cả ê-kíp làm phim thực sự là những nghệ sĩ - chiến sĩ vừa thực hiện cảnh quay, vừa phải chú ý địch để đảm bảo an toàn cho đoàn để có thể có được bộ phim chân thực nhất, phản ánh tinh thần kiên cường, bám trụ, thực hiện hiệp định của cán bộ, nhân dân giới tuyến. Vì thế, không ít lần đoàn phải buộc phá bỏ bối cảnh đang quay. Vất vả, gian nan, nguy hiểm không kể xiết.

Sự kiện không thể quên trong nền điện ảnh Việt Nam là cảnh quay ở Cửa Hội đúng cao điểm giặc bắn phá. Máy bay địch thả bom ở kho xăng Bến Thủy, cách đoàn làm phim khoảng 10km. Chưa bao giờ ê-kíp làm phim truyện mà tác nghiệp ở vùng chiến sự như quay phim tài liệu, thời sự. Bất chấp máy bay địch bắn phá, việc diễn cứ diễn, việc quay cứ quay, dập phản quang xuống tìm chỗ trú ẩn rồi lại cứ tiếp tục làm phim....

Cảm xúc làm bộ phim vẫn vẹn nguyên, Mai Ngọc Căn có lần bùi ngùi: "Bộ phim Trên vĩ tuyến 17 là phim mang tính lịch sử. Thuyền bịt kín, khoét một lỗ thò ống kính ra và diễn viên diễn. Có lần đang diễn, một xe Jeep lao xuống, mấy thằng lính địch xồ ra văng tục... nhưng mình diễn xong rồi".

Vai diễn cuối cùng

Đó là phim hài Tết Cưới đi kẻo ế (đạo diễn: NSND Khải Hưng) năm 2018, thời điểm ông biết mình mắc bệnh nan y (ung thư thận di căn). Chạy đua cùng thời gian, ông đã tận hiến đến phút giây cuối cùng cho nghệ thuật.

Vai diễn cuối cùng của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trong phim “Cưới ngay kẻo ế" (2018)

Điều đáng sợ nhất với ông là nằm chờ "bản án tử hình", nên nghệ sĩ quả quyết: "Thà chết gục trước ống kính máy quay còn hơn là nằm nhà chờ tử thần tới gọi. Có điều chỉ sợ nếu chết ở trường quay sẽ ảnh hưởng tới anh em trong đoàn thôi, chứ không sợ gì cả. Còn một ngày sống trên đời thì còn biểu diễn...".


Cả đời tận hiến cho nghệ thuật

Nghiêm túc, chỉn chu với nghề, nên ông có thói quen ghi nhật ký. Ở mỗi phim, ông đều tự nhận xét, rút kinh nghiệm cái được và điều còn hạn chế. Thế nên, lúc nào ông vẫn có điều tiêng tiếc và giá như... để thấy cách làm việc có nghề và rất cầu thị.

Rất tiếc khán giả trẻ hiện nay ít biết đến những vai diễn trong các phim truyện nhựa điện ảnh của Mai Ngọc Căn. Bởi thực tế, những phim được coi là kinh điển của điện ảnh Việt Nam thì ít khi ra rạp, mà khi ra rạp cũng nhân các kỳ cuộc liên quan. Vì thế, khán giả biết nghệ sĩ Mai Ngọc Căn chủ yếu qua những phim truyền hình như Những ngọn nến trong đêm, Mùa lá rụng trong vườn, Đất và người, Người chiếu bóng, Đường đời, Lều chõng, Nếp nhà, Chung cư rắc rối (phim sitcom)... Với Mai Ngọc Căn, nghệ thuật không quan trọng ở việc kén vai dài/ngắn, chính/ phụ, mà quan trọng diễn viên xử lý, tạo cách diễn vai đó thế nào.

Nhớ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn: 'Những ngọn nến trong đêm' cháy đến tận cùng - Ảnh 9.

Mai Ngọc Căn (phải) vai ông Trọng, trong phim “Những ngọn nến trong đêm”

Trong phim Những ngọn nến trong đêm, Mai Ngọc Căn đóng vai ông Trọng, bố của Thanh Trúc, do Mai Thu Huyền đảm nhận. Mai Thu Huyền cho biết rất ấn tượng với vai diễn của Mai Ngọc Căn, nó không chỉ lột tả xuất thần nhân vật, mà còn truyền cho cô một năng lượng diễn xuất để thăng hoa.

Tham gia hàng trăm vai diễn, đào tạo nhiều thế hệ học trò, sự nghiệp nghệ thuật của Mai Ngọc Căn cả hai lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Ông trở thành gương mặt thân quen của khán giả truyền hình bởi chính phong cách, lao động nghệ thuật rất nghiêm túc. Khán giả vẫn văng vẳng nghe câu nói của ông: "Tôi bén duyên với nghề diễn lúc 19 tuổi, nay chạm tuổi 80 vẫn đóng phim là vì mê điện ảnh và vì nghiệp...".

Tình yêu không tuổi/ Ngàn đời vẫn xanh

Công chúng ngưỡng mộ tình yêu bền bỉ hơn nửa thế kỷ của ông với người vợ tào khang - nghệ sĩ múa Tống Thị Thanh Sơn. Từ Trung Quốc về vào năm 1966, ông gặp bà khi đang ở Đoàn Văn công Công an vũ trang. Mai Ngọc Căn kể: "Chúng tôi ở sát phòng nhau trong doanh trại bộ đội. Sau một năm tìm hiểu, hai chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi tiết kiệm được khoảng chục cân đường nhờ mua 4 kg bột mì về làm bánh. Đám cưới trong chiến tranh từ sáng cho đến 9 - 10 giờ đêm, vì mỗi lần chỉ được vài người khách. Vừa tíu tít tiếp khách, rồi tất tả nhảy xuống hầm trú ẩn khi nghe tiếng còi báo động".

Cặp nghệ sĩ cùng trải bao khó khăn, vượt qua cái thời "gạo châu củi quế" để xây dựng ngôi nhà hạnh phúc với "Của để dành" là ba đứa con (hai trai, một gái) trưởng thành, hiếu kính với cha mẹ.

Ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của vợ chồng Mai Ngọc Căn – Tống Thị Thanh Sơn (2017)

Năm 2017, ông bà lập trang Facebook chung có tên Thanh Sơn - Mai Ngọc Căn, với lời phi lộ "Chào các bạn, tôi nhờ con cháu viết mấy lời lên đây. Chúng tôi cũng mới tập tành dùng mạng thôi, chứ cũng không biết làm thế nào để sử dụng, hay trả lời các bạn được. Mong các bạn trẻ thông cảm cho thân già của chúng tôi". Từng toát túa mồ côi trong giấc mơ khi bà "đi trước", trên trang Facebook chung Thanh Sơn - Mai Ngọc Căn, ông sưu tầm bài thơ Sợ vợ chết để nói nỗi niềm của mình: "Mất gì thì mất bà ơi/ Xin trời để lại còn tôi còn bà/ Nếu mà có phải đi xa/ Để tôi đi trước còn bà đi sau...". Bà viết lên trang nhắn nhủ: "Hôm trước thì ông đăng bài Sợ vợ chết. Bây giờ thì ông ốm nằm viện. Chóng khỏi ốm nhé ông ơi" khiến bao người "ghé qua nhà" cặp nghệ sĩ đều vô cùng xúc động.

Tôi thực sự ấn tượng với bộ ảnh cưới siêu lãng mạn "Thời đại thay đổi, tình yêu có đổi thay" của vợ chồng ông chụp ở phố Nhà Thờ (Hà Nội) nhân kỷ niệm 50 ngày cưới năm 2017. VTV đã thực hiện phóng sự về tình yêu của cặp nghệ sĩ rất xúc động này.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm