Nhớ lại cơn ác mộng trong nhà hát Balaclan

23/11/2015 06:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bầu không khí bên trong nhà hát Bataclan đã trở nên nóng nực, khi ban nhạc rock Eagles of Death Metal đã chơi được nửa giờ đồng hồ. Các fan cuồng nhiệt lắc lư theo điệu nhạc, thân thể họ đẫm mồ hôi. Thế rồi đột nhiên tiếng trống bị át đi bởi những tiếc “tạch tạch” đinh tai và các chớp sáng khác lạ.

Đầu tiên fan còn tưởng ánh sáng và tiếng nổ là một phần của show diễn.

Màn can thiệp ít người biết

Thế rồi ca sĩ thủ lĩnh của ban nhạc lẩn trốn, nhiều xác người bắt đầu đổ xuống và những tiếng hô hưởng ứng màn trình diễn của ban nhạc nhanh chóng chuyển thành tiếng thét kinh hoàng.

Đó là thời điểm bắt đầu màn tàn sát tồi tệ nhất trong các vụ khủng bố ở Paris (Pháp), tổng cộng đã làm 130 người chết, hơn 300 người bị thương và khiến Tổng thống Pháp phải tuyên bố đất nước ông đang có chiến tranh với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Dưới bàn tay của ba kẻ khủng bố cầm súng AK, nhà hát lừng danh Batacan đã nhanh chóng biến thành “bể máu”. Chúng tìm tới nơi này vào 9h40 tối ngày 13/11, trên một chiếc Volkwagen Polo màu đen, sau khi 2 đội khủng bố khác đã tấn công sân vận động Stade de France và một số quán cà phê, nhà hàng trong Paris.


Thành viên Hughes của ban nhạc Eagles of Death Metal biểu diễn ngay trước khi vụ xả súng diễn ra

Ngay khi vừa bước ra, chúng liền xả đạn vào hai chàng trai trẻ vô tình đạp xe ngang qua. Họ đổ sụm xuống đất vì trúng loạt đạn quá gần. “Tận mắt nhìn thấy cảnh đó mang tới cảm giác giống như phải xem một bộ phim kinh dị khủng khiếp vậy” – nhân chứng Ludovic Mintchov kể - “Trong 10 năm nữa, tôi vẫn không thể quên nổi”.

Sau đó, chúng lao vào trong nhà hát, tiến thẳng tới sân khấu, vừa đi vừa nổ súng. Khi những kẻ khủng bố đang tàn sát người vô tội, một viên cảnh sát nghe tin báo qua máy bộ đàm đã vội tới hiện trường, trước đội đặc nhiệm. Ông lao vào trong, nổ súng bắn gục một kẻ khủng bố rồi rút ra ngoài để các đội đặc nhiệm làm việc.

Hành động can thiệp đó đã làm chậm tốc độ của cuộc tàn sát và có thể đã cứu rất nhiều mạng sống. Trong khi con số 89 nạn nhân thiệt mạng ở nhà hát Bataclan là rất lớn, phần lớn khán giả đã sống sót. Hiện viên cảnh sát anh hùng kia vẫn không muốn công khai danh tính bản thân. Ông cũng đang nghỉ ngơi vì quá sốc với vụ khủng bố.

Cuộc trò chuyện với những kẻ khủng bố

Trở lại nhà hát Bataclan, sau khi một tay súng bị bắn hạ, những kẻ còn lại bắt con tin và dùng họ làm lá chắn sống, yêu cầu cảnh sát lùi lại. Một con tin tự xưng Sebastien nói rằng anh đã phải trải qua cuộc đối mặt khó tin với những kẻ tấn công. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL, anh nói rằng những kẻ khủng bố muốn thông qua các con tin để gửi thông điệp “kháng cự” tới chính quyền Pháp, thể hiện sự phản đối của chúng với chiến dịch không kích Pháp thực hiện nhằm vào IS ở Syria.

"Chúng nói rằng đây mới chỉ là bắt đầu của cuộc chiến và chúng tới nhà hát nhân danh IS” – Sebastien kể - “Các tay súng hỏi chúng tôi có đồng tình với chúng không. Bạn có thể tưởng tượng sự im lặng xuất hiện sau đó. Những người sợ hãi thì lặng lẽ gật đầu. Những người dũng cảm thì nói có”.

Sebastien bị buộc phải tham gia một cuộc trò chuyện căng thẳng với những kẻ tấn công, kéo dài khoảng 1 giờ. Một gã hỏi rằng anh có tiền bạc giá trị gì không và bắt anh đốt sạch. Anh ngoan ngoãn làm theo chúng mà không phản kháng gì. Đã có lúc Sebastian cố gắng pha trò trong lúc nói chuyện để giảm căng thẳng. Nhưng rồi anh từ bỏ ý định ngay vì nếu những kẻ khủng bố hiểu sai câu nói đùa nào đó, anh có thể mất mạng.

Sebastien cho biết anh vẫn không hiểu những kẻ tấn công muốn gì khi chúng đàm phán với cảnh sát. Chúng nói chuyện với những người thương thuyết chừng 4 hoặc 5 lần qua điện thoại và yêu cầu duy nhất chỉ là họ phải tránh xa chúng.

Khủng bố tại Paris: Pháp cáo buộc IS và tuyên bố 3 ngày quốc tang

Khủng bố tại Paris: Pháp cáo buộc IS và tuyên bố 3 ngày quốc tang

Tổng thống Pháp Francoise Hollande cho biết Quốc hội nước này sẽ họp khẩn cấp vào ngày 16/11. Nước Pháp tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại thủ đô Paris tối 13/11.


Michel Thooris, Tổng thư ký Công đoàn cảnh sát Pháp, nói rằng dường như những kẻ khủng bố sử dụng một chiến thuật quen thuộc, đã xuất hiện trong nhiều vụ khủng bố nổi tiếng ở Pháp trong mấy năm gần đây: tự sát nhờ cảnh sát.

Đó là cụm từ được cảnh sát Pháp tạo ra để chỉ những kẻ bắt con tin chỉ đưa ra vài yêu cầu ngắn gọn, trước khi tìm cách “chết vinh quang” bằng đạn của cảnh sát – nhằm tăng tối đa ảnh hưởng của vụ khủng bố. Với những kẻ như thế, đàm phán không có tác dụng.

Khi cuộc giằng co tiếp diễn, các đội đặc nhiệm đã tăng cường hỏa lực trong các góc phố, kiểm tra bản thiết kế nhà hát Bataclan, ước tính số lượng tay súng. Cuối cùng, giám đốc cảnh sát Paris đã bật đèn xanh, cho phép vụ tấn công giải cứu con tin diễn ra.

Sebastien nói rằng bất chấp tiếng hô cảnh cáo từ những tay súng, các đội can thiệp vẫn xông vào. “Họ phá cửa và vụ đọ súng diễn ra. Gần 20 viên cảnh sát nấp sau một chiếc khiên Kevlar đã chắn hết luồng đạn bay về phía họ” – anh kể.

Vụ tấn công, bắt đầu diễn ra lúc 12h20 đêm, đã khiến một tay súng bị trúng đạn và thiệt mạng và tên còn lại tự cho nổ tung thân mình.

Những câu chuyện đau lòng

Sau khi vụ khủng bố kết thúc, người ta mới biết thêm nhiều câu chuyện đau lòng khác. Theo đó, một cặp vợ chồng người Đức sống sót cùng một nhóm người khác do cố thủ bên trong một căn phòng, bằng cách xô đổ chiếc tủ lạnh chặn cửa ra vào. Nghiệt ngã thay, vì hành động này mà một số người đã không thể vào trong căn phòng và bị bắn chết ngay tại bên ngoài cửa.

Một người sống sót khác nói rằng có 8 người may mắn giống anh ta nhờ chen chân đứng im lặng trong một phòng tắm bé xíu. Số khác thoát chết nhờ nằm yên cạnh xác các nạn nhân.

Thành viên Jesse Hughes của ban nhạc Eagles of Death Metal thì cho trang VICE biết rằng con số người chết lớn là bởi “nhiều nạn nhân không thể bỏ rơi bạn bè của họ.”

Ông cũng nói trong một đoạn video ngắn do kênh truyền hình HBO công bố gần đây, rằng các tay súng đã tiến vào phòng thay đồ của ban nhạc và giết gần như mọi nạn nhân bên trong, ngoại trừ một người đã ẩn náu dưới chiếc áo da của ông.

Một số viên cảnh sát tiến vào nhà hát sau khi vụ khủng bố chấm dứt nói rằng họ bị chấn động trước tiếng chuông vang lên không ngớt từ những chiếc điện thoại nằm rải rác trên sàn nhà hát, giữa các vũng máu và xác người. Một chiếc cho thấy cuộc gọi lỡ, từ số điện thoại của mẹ nạn nhân.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm