Nhìn lại 2/3 nhiệm kỳ của Tổng thống Putin

09/05/2016 11:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - 4 năm trước, trưa ngày 7/5/2012, ông Vladimir Putin nhậm chức là người đứng đầu nhà nước Nga, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba của mình, chuyển đến Điện Kremlin từ Tòa nhà Chính phủ, nơi ông giữ cương vị Thủ tướng Nga 4 năm.

Hãng tin TASS ngày 7/5 bình luận: "Bốn năm - theo Hiến pháp cũ là vừa tròn một nhiệm kỳ tổng thống, và đáng lẽ nước Nga đã bước vào một cuộc bầu chọn "gương mặt mới" lãnh đạo đất nước từ cuối năm 2015 vừa qua. Tuy nhiên, những sửa đổi luật pháp cho phép tổng thống đương nhiệm tiếp tục cương vị này thêm 2 năm, và ông sẽ còn 2 năm nữa để chèo lái con thuyền nước Nga đi theo quỹ đạo đã vạch ra từ đầu nhiệm kỳ.

Năm 2008, Tổng thống khi đó là Dmitry Medvedev đã khởi xướng việc sửa đổi Hiến pháp, theo đó tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên thành 6 năm. Và Thủ tướng khi đó là ông Putin, đã ủng hộ quyết định này, với lập luận rằng: "Đối với một đất nước rộng lớn như LB Nga, điều đó là hoàn toàn phù hợp".


Ông Putin trong lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ngày 7/5/2012 tại Điện Kremlin.

Trong một động thái tương tự, ông Putin cũng đã từng nói hồi năm 2007 rằng quy định nhiệm kỳ tổng thống 4 năm chỉ là sự mô phỏng và dập khuôn từ thực tiễn nước Mỹ mà không tính đến điều kiện thực tế của nước Nga.

Trong Lời tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Putin khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền và độc lập của đất nước, phục vụ nhân dân. Hai phần ba nhiệm kỳ tổng thống đã trôi qua cho thấy ông Putin luôn trung thành với lời thề này.

Các cử tri Nga đã luôn đánh giá như vậy về hiệu suất công việc của nhà lãnh đạo của mình. Kết quả một cuộc thăm dò hồi tháng 4 do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga tiến hành cho thấy đa số cử tri Nga tiếp tục đặt niềm tin tưởng của mình vào Putin. Cụ thể 82% số người được hỏi tán thành các hoạt động của Tổng thống; 84% cho biết sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông. Tuy nhiên ông Putin đã phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, cho đến các vấn đề nội bộ.

Lời tuyên thệ nhậm chức của ông Putin ngày 7/5/2012 khẳng định đất nước đã sẵn sàng "đổi thay để đạt tới những thành tựu mới", và rằng "những năm tới là những năm bản lề, quyết định số phận nước Nga trong những thập kỷ tiếp theo". Dư âm lời tuyên thệ này được ví gần giống như một lời tiên tri. Bốn năm đã trôi qua và đó là một khoảng thời gian không hề êm ả đối với nước Nga và cá nhân người đứng đầu đất nước.


Tổng thống Putin bước qua cánh cửa chính Hội trường Andreyevsky trong Điện Kremlin.

Hai năm đầu của quãng thời gian này có thể dùng con số 0 khi đề cập sự phục hồi và tăng trưởng của đất nước. Nước Nga chỉ thật sự biến đổi từ năm 2014. Thậm chí giới quan sát cho rằng cần phải bổ sung vào sách giáo khoa về kỷ nguyên mới này của đất nước, khi Nga đã hồi sinh, đã thay đổi chính từ cuộc chiến trừng phạt và đáp trả trừng phạt lẫn nhau với phương Tây, kéo dài suốt 2 năm qua.

Áp lực bên ngoài, cùng với sự sụt giảm giá dầu đã đặt ra một thách thức hết sức nặng nề với một nền kinh tế mà xương sống chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và tài nguyên như Nga. Điện Kremlin đã chỉ rõ cần phải thay đổi thể chế nền kinh tế, để từng bước tháo gỡ những khó khăn.

Hai năm qua, đối mặt với lệnh trừng phạt quy mô chưa từng có từ các nước phương Tây, Nga như dày dạn hơn, và giờ đây có thể khẳng định Nga có đủ sức mạnh và năng lực để đối phó với những khó khăn. Hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Putin nói rằng nền kinh tế Nga gần như đã thoát khỏi sự căng thẳng nhất của khủng hoảng. Điều đó đang được minh chứng cùng với thời gian.

Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, liệu rằng tình hình nội bộ và các điều kiện khách quan bên ngoài có phải trải qua những thay đổi triệt để nào không là điều các chuyên gia lúc này quan tâm. Trong khi đó, rõ ràng, các cuộc tấn công thông tin nhằm vào Nga và nhà lãnh đạo của nước Nga ngày một tăng, và dường như ông Putin cũng không cảm thấy xa lạ gì với chuyện đó suốt 4 năm qua.Tổng thống Putin đã khẳng định: "Chúng ta mạnh hơn, bởi vì chúng ta đúng!".

Đúng ngày nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba cách đây 4 năm, ông Putin đã ký thông qua Chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ của mình và tài liệu này được gọi là Sắc lệnh tháng Năm, với 11 văn bản xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong những năm tới, trước hết bao gồm các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đối ngoại, dân số và an ninh.

Tổng thống luôn giám sát chặt chẽ các quá trình nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt, mỗi năm vào ngày 7/5, trong lễ kỷ niệm ngày ký Sắc lệnh tháng Năm, ông đều tổ chức cuộc họp tổng kết, đánh giá việc thực hiện các sắc lệnh này cũng như răn đe, nhắc nhở các thuộc cấp. Nhiều lãnh đạo vì không hoàn thành trọng trách thậm chí đã phải từ chức.

Tuy nhiên, năm nay cuộc họp như thông lệ hàng năm không được ông Putin triệu tập, song điều đó không có nghĩa là Tổng thống đã lơ là giám sát. Thư ký báo chí của Tổng thống, ông Dmitry Peskov cho biết sự kiểm soát của Tổng thống "luôn luôn hiện diện trong các chương trình nghị sự của cả chính phủ cũng như tại phủ Tổng thống (điện Kremlin)". Ngoài ra, ông Putin cũng hết sức sâu sát công việc của các thống đốc, và các đại diện đặc biệt của ông tại các vùng Liên bang. Ông nắm vững tất cả các thông số cần thiết.

Sau cùng, bài viết nhắc đến vai trò của Putin đã đưa được Crimea trở về đất mẹ Nga. Nếu như điều đó đẩy Nga đến với những khó khăn do phải đương đầu với các đợt trừng phạt cấm vận liên tiếp từ phương Tây, thì ở trong nước Nga, điều đó cũng không hề làm giảm uy tín của Tổng thống. Cử tri Nga đặt niềm tin vào ông. Và rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của một nhân cách nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Ông Putin, dựa trên ý chí của đa số cử tri Crimea, đã làm một việc mà lịch sử sẽ mãi còn nhắc đến.

Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm