Nhật Bản bất ngờ sắm F-35 của Mỹ

23/12/2011 10:35 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sau một thời gian dài cân nhắc, lựa chọn, đầu tuần này Nhật Bản đã quyết định chọn mẫu F-35 do công ty Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, làm mẫu máy bay chiến đấu chủ lực cho tương lai của xứ mặt trời mọc. Sự kiện này đã khiến giới quan sát ngạc nhiên bởi lâu nay F-35 vẫn gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật, chi phí sản xuất và liên tục bị trì hoãn tiến độ giao hàng.

Bộ trưởng Quốc phòng Yasuo Ichikawa cho báo giới biết rằng Nhật Bản đã chọn F-35 trước các đối thủ là F/A-18 Super Hornet do Boeing sản xuất và Eurofighter Typhoon tới từ châu Âu. Tổng cộng Nhật sẽ mua 42 chiếc máy bay thế hệ 5 này, trong thương vụ trị giá hơn 7 tỉ USD.

Chiếc máy bay sáng giá

Trong số các ứng cử viên được Nhật Bản xem xét, F-35 là chiếc máy bay duy nhất thuộc thế hệ thứ 5 rất hiện đại. Chiếc máy bay này được Lockheed và các đối tác phát triển trong một dự án trị giá hơn 382 tỉ USD, khiến nó trở thành chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ.

Lockheed và các nhà thầu phụ là Northrop Grumman Corp. cùng BAE Systems đang phát triển 3 phiên bản F-35 khác nhau, gồm mẫu cất và hạ cánh thông thường (CTOL) cho Không quân, mẫu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) cho Lính thủy đánh bộ và mẫu cánh rộng cho Hải quân dùng trên tàu sân bay.

Sự hiện đại của F-35 thể hiện ngay từ vật liệu chế tạo. 42% chiếc máy bay này được làm từ vật liệu composite đời mới. Chiếc máy bay chỉ dài hơn 15 mét này có khả năng di chuyển với tốc độ nhanh hơn 1,6 lần âm thanh. Các phiên bản khác nhau của F-35 có tầm hoạt động trải dài từ 900 - 1.200 hải lý và có thể mang theo từ 6.800 - 8.000 kg vũ khí các loại.

Cộng với khả năng tàng hình và việc được trang bị những hệ thống điều khiển điện tử hiện đại, F-35 được đánh giá rất cao về khả năng chiến đấu.

Việc Nhật Bản chọn mua F-35 của Mỹ được đánh giá có các động cơ
nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ

Nhưng chưa hoàn hảo

Tuy nhiên F-35 là vũ khí gặp khá nhiều điều tiếng, liên quan tới lỗi kỹ thuật và chi phí sản xuất. Tuần trước, hãng tin AFP dẫn nguồn một báo cáo nội bộ của Lầu Năm Góc cho biết F-35 gặp rất nhiều vấn đề trong khi bay thử.

Bản báo cáo nội bộ này lần đầu được đăng tải trên trang web độc lập Project on Government Oversight, trong đó chỉ ra 5 lỗi kỹ thuật của F-35 "nơi các hậu quả nghiêm trọng do chúng gây ra đã được nhận diện" nhưng chưa được sửa chữa.

Các điểm yếu này gồm hệ thống màn hình treo trên mũ phi công có khả năng hoạt động rất tồi, một hệ thống xả nhiên liệu khiến xăng chảy ra bề mặt máy bay, hệ thống tích hợp năng lượng của máy bay làm dấy lên các vấn đề an toàn, hệ thống móc cáp để máy bay đỗ trên tàu sân bay cũng gặp vấn đề. Móc này hoạt động không tốt trong thử nghiệm diễn ra trên các tàu sân bay. 3 vấn đề kỹ thuật khác cũng có khả năng biến thành vấn đề lớn, gồm khả năng chịu lực của khung máy bay giảm đi và những rung lắc trong quá trình hoạt động.

Bản báo cáo mang tên "Quick Look Review" (tạm dịch Bản đánh giá nhanh) của chương trình F-35 có nói rằng các trở ngại kỹ thuật nói trên tạo nên "sự thiếu tin tưởng vào tính ổn định trong thiết kế của chiếc máy bay", hiện đã bắt đầu đi vào giai đoạn sản xuất. Kết quả là báo cáo kêu gọi "cân nhắc lại một cách nghiêm túc việc mua sắm và lên kế hoạch sản xuất chiếc máy bay.

Ông Della Vedova, một phát ngôn viên cho chương trình JSF xác nhận với AFP rằng các giám đốc đang xem xét giảm bớt nhịp độ sản xuất để người ta có thời gian sửa chữa các vấn đề kỹ thuật mới xuất hiện, vì cách làm hiện nay là tiến hành sản xuất chiếc máy bay  F-35 song song với việc bay thử nghiệm.

Winslow Wheeler, một người nghi ngờ hoạt động chi tiêu của Lầu Năm Góc và dự án F-35, nói rằng các vấn đề kỹ thuật này cho thấy toàn bộ cả chương trình F-35 nên bị dẹp bỏ. "Các phát hiện mới đã cho thấy có rất nhiều sự cố và nó đủ lớn để đặt dấu hỏi về việc liệu hoạt động sản xuất F-35 có nên bị tạm ngưng, nếu không muốn nói là chấm dứt hoàn toàn, hay không?"  - ông tuyên bố.

Thượng nghị sĩ John McCain, khi phát biểu hồi tuần trước, cũng kêu gọi chính phủ thương thảo và áp đặt các quy định chặt chẽ hơn với Lockheed liên quan tới lô chiến đấu cơ mới và thể hiện sự phẫn nộ của ông với việc chương trình đã có chi phí tăng vọt nhưng vẫn vấp phải nhiều trở ngại kỹ thuật. "Chương trình JSF vừa là một bê bối, vừa là thảm hoạ" - McCain nói.

Mua sắm sự đảm bảo về an ninh

Theo giới phân tích, bất chấp việc F-35 vẫn còn khiếm khuyết và rất đắt đỏ, với giá mỗi chiếc lên tới hơn 100 triệu USD,  Nhật Bản vẫn lựa chọn mua chúng bởi nước này muốn tăng cường mối quan hệ quân sự với Mỹ, để đảm bảo an ninh quốc gia trong thời điểm có nhiều diễn biến phức tạp xảy ra trong khu vực.

Quyết định của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều căng thẳng theo dõi các diễn biến ở CHDCND Triều Tiên, theo sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

Quyền lực của ông đã được chuyển lại cho ông Kim Jong-un, một nhân vật phương Tây chưa hiểu rõ. Mặc dù nắm vị trí cao trong quân đội nhưng mối quan hệ của ông Kim Jong-un với quân đội, khả năng kiểm soát quân đội và thái độ của ông với bên ngoài ra sao là điều người ta chưa biết tới. Thực tế này khiến Nhật muốn tìm kiếm một sự đảm bảo từ đồng minh lớn nhất.

"Chuyện này cho thấy sự thừa nhận của Nhật Bản ở nhiều cấp độ rằng trong thời điểm xuất hiện sự bất ổn, họ sẽ cần nhiều hơn sự can dự của Mỹ vào các vấn đề liên quan tới an ninh" - nhà nghiên cứu Brad Glosserman, giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS nhận xét.

Các nhà phân tích tin rằng việc Nhật lựa chọn F-35 sẽ khiến Hàn Quốc theo chân họ, bởi giống Tokyo, Seoul cũng cần một sự đảm bảo an ninh lớn hơn từ Mỹ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm