Nhật kí hành trình: Đi dọc Ukraina, cùng Paustovsky

11/06/2012 09:18 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Chẳng có cảm giác nào thú vị hơn khi đi dọc Ukraina để từ Kiev xuống Donetsk với một cuốn truyện ngắn của Paustovsky trong tay.

Tôi không thích ngủ trên tàu xe trừ phi đấy là ban đêm và mắt và cái đầu cần phải nghỉ ngơi trong mấy tiếng, ở những tư thế không thực sự cảm thấy thoải mái lắm, huống hồ là con tàu đưa tôi xa Kiev vào một buổi sáng sớm nắng ùa rực rỡ và như mời gọi vào khoang tàu, trong khi lúc ấy hầu hết người Ukraina còn chưa tỉnh giấc. Vẫn nghe thấy văng vẳng tiếng nhạc disco ở công viên bên cạnh lúc rời nhà trọ ra ga. Hình như ở đây, vào buổi sáng, một số các bà các cô (vốn đã có cân nặng tỉ lệ thuận với tuổi tác) vẫn đều đặn tập thể dục...

Nhưng tại sao lại nhắc đến Paustovsky? Con người đã từng có những năm tháng học tại Kiev ấy đã từng mô tả rất sinh động và tài tình tâm trạng của một người đi tàu.

Trong "Cầu vồng trắng", anh lính Petrov trở về nhà sau chấn thương ở Vitebsk trên một con tàu đi xuyên nước Nga. Chuyến tàu ấy đã tình cờ đưa anh đến Moskva, tới một người phụ nữ anh chưa từng quen, nhưng sau đó lại có duyên với anh trong cả cuộc đời, vào một thời kì mà chiến tranh và loạn lạc làm tình cảm con người trở thành một phần thưởng lớn lao mà Thượng đế ban tặng cho cuộc sống khi khó khăn nhất.

Paustovsky tả một cách mềm mại và lắng đọng hình ảnh của con tàu rời ga trong một đêm đông vắng lặng không ai đưa tiễn người đi, trong những cơn gió lạnh dồn ứ tuyết giữa các toa xe, trong nỗi cô đơn của một người đàn ông chỉ biết lên tàu và cứ đi là đến điểm tận cùng, nơi cũng không ai đón anh. Nhưng cuối cùng, hạnh phúc cũng đến với Petrov, theo cách tả mê hoặc của nhà văn lãng mạn khi anh biết chắc, người phụ nữ không quen anh đã gặp ở sân ga mùa đông Moskva kia sẽ đến với mình, "tất cả chuyển động như một cơn lốc tuyết, làm lóa mắt, ngạt thở, biến thế giới thành chiếc cầu vồng trắng".

Đấy kết thúc có hậu sau một chuyến đi từ vô định đến vô định. Chẳng phải chuyến đi nào cũng thế, trong xổ số của cuộc đời này.

Cảm giác vô định kể trên vừa giống vừa khác với những người lang bạt trên những cung đường như tôi, chỉ có điều, chúng tôi đi có mục đích hơn và dù không có ai đưa tiễn ở sân ga vắng lặng, hay cũng không có ai nốt đón ở nơi đích đến, thì cũng không để mình rơi vào một cảm giác mơ hồ về điểm cuối của những con đường.

Nhưng xét cho cùng, điều đọng lại là nỗi cô độc khi con tàu rời bánh, và sự giải thoát cho điều ấy đôi khi đến một cách ngẫu nhiên. Petrov gặp được người phụ nữ và tình yêu ấy giúp anh thấy đời có lí do để sống. Còn tôi, trong khoang tàu hạng nhất và hiện đại nhưng vắng tanh vắng ngắt đến Donetsk này, tôi tự giải thoát nỗi cô đơn của mình bằng cách đọc Paustovsky và mở lòng mình với thế giới hai bên con đường ray đang làm cho con tàu rung lên vui vẻ.

Những cánh rừng xanh đậm lướt qua trước mắt, những cánh đồng từng là vựa lúa mì của Liên Xô trải dài, những chiếc xe Lada chờ ở chỗ chắn tàu mà thanh chắn sơn sọc trắng đỏ cũ rích, những phụ nữ gác thanh chắn già, béo và có vẻ hơi buồn ngủ, những sân ga có dăm ba người đang chờ đợi với vẻ thiếu nhẫn nại, những toa tàu hỏa đang chờ ở chỗ chuyển đường cũ rích từ thời Xô Viết, với những người lái tàu uể oải ngắm tàu tôi đi qua, những con sông bất ngờ mở ra phía trước với dăm ba đứa trẻ đang bơi phía trước, những thị trấn nhỏ và dường như khá nghèo với vài ba nóc nhà nhưng ấm cúng và gần gũi đến mức đôi khi muốn dừng lại, bước vào trong, nói dăm ba câu chuyện. Rồi đi.

Cảm giác ấy hơi khác với những gì tôi đã trải qua trên một con tàu chạy từ Johannesburg đi Cape Town ở Nam Phi hai năm trước, giữa những hoang mạc mênh mông, những khu da đen cùng đinh chạy đến hết chân trời, cả những cung đường chạy trong bình minh và hoàng hôn. Con tàu ấy khai mù, bẩn thỉu và thiếu tiện nghi, khác hẳn với con tàu hiện đại và đắt tiền mà tôi đang đi. Nhưng điểm chung cuối cùng bao giờ cũng là điểm đến: không ai đón ta ở đó, chỉ có những bài báo, các kí sự và tấm ảnh chờ đợi ta phải viết, phải chụp.

Những chuyến đi EURO và World Cup đã cho tôi đến cùng trời cuối đất, cho những cảm xúc rất con người. Xét cho cùng, bài viết hay nhất chính là bài viết còn chưa viết ra, vẫn còn ở phía trước...

Những bức ảnh chụp qua cửa sổ toa tàu



Bài và ảnh: A.N




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm