Nhật kí hành trình: Từ những câu chuyện khác nhau về những người anh hùng

07/06/2012 10:16 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Trong cuốn sách của mình về trận đấu, sử gia người Anh Andy Dougham viết vắn tắt thế này ở lời nói đầu: "Buổi trưa chủ nhật 9/8/1942 ở Kiev rất nóng. Hàng nghìn khán giả là thường dân và không ít quân lính Đức đổ về sân vận động Zenit. Trận đấu phải lùi xuống 5 giờ chiều để tránh cái nóng.

Khi trời mát dần và sân bóng đã đầy chật khán giả, đám đông hồi hợp chờ đợi hai đội ra sân. Rồi họ xuất hiện. Đội Start chủ nhà mặc áo đỏ quần trắng, hệt như màu áo của đội tuyển Liên Xô. Đội Flakelf của quân Đức mặc áo trắng quần đen, như màu của đội tuyển Đức. Trận đấu diễn ra quyết liệt từ đầu đến cuối, và cuối cùng đội bóng Ukraina chiến thắng...Cuộc ăn mừng diễn ra rất ngắn ngủi. Trong vòng vài tuần, hầu hết các cầu thủ Start bị bắt và đưa đến tổng hành dinh của Gestapo (mật vụ Đức) ở trung tâm thành phố. Họ bị thẩm vấn và tra tấn trước khi được đưa đến trại tập trung ở ngoại ô Kiev. Ở đó, 4 người trong số họ bị bắn chết. Cho đến khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1945, sự thật về trận đấu có mệnh danh "Trận đấu tử thần" bắt đầu được 4 cầu thủ sống sót tiết lộ".



SVĐ Start, nơi từng diễn ra "trận đấu tử thần" năm 1942

Trận đấu ấy có thật và Start thắng 5-3. Tượng đài để ghi nhớ chiến thắng của những cầu thủ đội Start vẫn đứng sừng sững ở sân vận động Start, nơi đã từng có một tượng đài khác được dựng lên năm 1971, do nhà điêu khắc Ivan Horovyi thực hiện, nay không còn nữa. Dòng thơ trên tượng đài ngày đó viết: "Vì sự tồn tại đẹp đẽ của chúng ta/Họ đã ngã xuống trong một trận đấu/Năm tháng qua đi vinh quang của các anh không bao giờ phai mờ/Những người anh hùng-cầu thủ bất khuất". Những người sống sót kể rằng trọng tài của trận đấu là một người Romania đồng minh với Đức và hoàn toàn thiên vị các cầu thủ Đức trong trận đấu ấy.  Tạp chí Đức Der Spiegel viết: "Khi các cầu thủ Start còn trong phòng thay đồ, một sĩ quan SS tiến vào và đòi họ phải chào đối thủ theo đúng kiểu Đức. Khi ra sân, các cầu thủ Flakelf chào "Heil Hitler", nhưng đội bóng Ukraina chỉ hét lên "Da zdravstvuyet sport" (Chào thể thao). Vào giờ nghỉ giữa hiệp, một sĩ quan SS khác bước vào phòng thay đồ của Start và ra lệnh, "Chúng mày không được thắng, nếu không sẽ phải chịu hậu quả". Một cựu cầu thủ Flakelf sau này bảo rằng, họ được một sĩ quan SS ra lệnh phải thắng "để thể hiện sự vượt trội của chủng tộc Aryan". Những vụ bắt bớ và giết chóc các cầu thủ Start chiến thắng sau trận đấu, nếu thực sự diễn ra, chỉ thể hiện duy nhất một điều: quân Đức sợ những thắng lợi ấy sẽ kích thích tinh thần dân tộc của người Ukraina và làm chúng mất mặt.

Năm 2005, Viện công tố thành phố Hamburg đã đóng lại cuộc điều tra về trận đấu này sau hơn 30 năm nghiên cứu các hồ sơ. Kết luận của họ: không tìm thấy bằng chứng về việc các cầu thủ Kiev đã bị xử tử sau khi đánh bại quân Đức. Nhưng phán quyết ấy không làm giảm đi ý nghĩa lớn lao của trận đấu cũng như những cái chết, dù theo bất cứ cách nào thực tế, của những cầu thủ Kiev.

Dù người ta có xu hướng lãng mạn hóa chiến thắng và những cái chết ấy theo cách nào và để làm gì, thì không ai ở Kiev và ngoài Kiev có thể phủ nhận được một điều, là chính từ những năm tháng đau thương ấy, qua Dynamo Kiev, bóng đá đã trở thành một niềm tự hào quốc gia ở Ukraina. Và nữa, người Kiev luôn có một tâm lí căm thù mỗi khi một đội bóng Đức nào đó đến thi đấu trên bất cứ sân nào của thành phố, kể cả sân Cộng hòa, giờ là sân Olimpic, nơi sẽ diễn ra trận chung kết EURO 2012. Chính cái sân được khánh thành vào năm 1941 ấy, đã bị quân Đức biến làm nơi chứa rác thải của thành phố, ngay sau khi chúng chiếm đóng Kiev cũng năm đó.

Đến được nơi diễn ra "Trận đấu tử thần" và hít thở bầu không khí có vẻ ẩm mốc của những khán đài là một niềm hạnh phúc đối với những người làm nghề như tôi. Những gì mà Eduardo Galeano đã viết, những trang sách của cuốn "Trận đấu tử thần" do James Riordan ấn hành, những thước phim kinh điển của "Chạy trốn đến chiến thắng" trong đó tập trung cả Pele, Sylvester Stallone, Paul Van Himst, Ardilles, Deyna lẫn Michael Caine được công chiếu vào năm 1981, đã làm cả thế giới xúc động vì khắc họa một cách sinh động bóng đá trong cuộc sống và cái chết. Xét cho cùng, người ta có quyền lãng mạn hóa và xây dựng chủ nghĩa anh hùng cá nhân từ một trận đấu bóng đá, và ai cũng có những người hùng cho riêng mình. Những người đã chiến thắng trong "Trận đấu tử thần" là người hùng của rất nhiều bạn trẻ Ukraina tôi đã gặp khi họ đang vui đùa ngay ở sân Start, là người hùng của chính tôi cho đến tận bây giờ và mãi mãi.

Một bài học: đừng bao giờ để mình rơi vào tình thế bị kẹp giữa sống và chết, nhưng nếu đã không may bị như thế, hãy làm tất cả những gì có thể để sống, để rồi sau đó, nếu có chết, thì hãy chết ngẩng cao đầu.

Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm