Nhật kí hành trình: Chuyến bay mang tên khát vọng

09/06/2010 13:35 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Tôi thầm cám ơn các thầy thể dục ngày xưa đã khắt khe với tôi trong các giờ học chạy, vì phải có đủ sức lực và tốc độ khi lao như một thằng điên trên các hành lang của sân Schipol (Amsterdam, Hà Lan) và Kenyatta (Nairobi, Kenya) để kịp làm thủ tục cho chuyến bay trong ngày 7/6. Khoảng thời gian để đổi máy bay trên hành trình từ bắc Âu xuống cực nam châu Phi dài gần 15 nghìn cây số chỉ có chưa đầy một tiếng, và cách duy nhất có thể để không nhỡ chuyến là chạy, với lỉnh kỉnh máy móc thiết bị tác nghiệp trên người, nhưng may thay, điều xấu nhất đã không xảy ra. Đấy là một chuyến đi đáng nhớ, chưa bao giờ dài và vất vả đến thế mà tôi đã từng trải qua: dậy từ 3 giờ sáng ở Roma để kịp ra sân bay lúc 4 giờ (đã thấy một hàng dài trước quầy làm thủ tục) để kịp chuyến bay lúc 6.35 sang Amsterdam, đổi máy bay ở đó để bay một chuyến gần 10 tiếng đồng hồ đến Nairobi (Kenya), đổi máy bay thêm lần nữa và hạ cánh ở Johannesburg lúc 1 giờ sáng, tiếp nối bằng một chuyến đi khác về thủ đô Pretoria cách đó 50 cây số. Gần 20 tiếng ngồi máy bay không khác gì ngồi tù và vô tích sự theo cách sang trọng nhất có thể: ăn 4 bữa trên máy bay, xem hết phim này đến phim khác, và khi về đến nơi ở tại Pretoria, mệt muốn chết.

Tác giả (áo vàng) đã có mặt ở Nam Phi

Nhưng trên chuyến bay mang tên khát vọng ấy, có nhiều người không vì sự mệt mỏi mà để lại phía sau sự hào hứng và ngọn lửa đam mê bóng đá trong mình. Chuyến bay từ Amsterdam đến Nairobi có rất ít các cổ động viên, chủ yếu là những người Hà Lan, nhưng từ Nairobi đến Johannesburg, hơn một nửa hành khách trên chuyến bay kéo dài 4 tiếng là người đến để xem World Cup. Như nhóm của Carlos, gồm 11 người mặc áo của đội tuyển Mexico, đã và đang tiến hành chuyến đi xem bóng đá dài nhất trong đời họ: từ Mexico, họ sang Madrid xem trận chung kết Champions League và rồi từ đó bắt đầu sang Nam Phi. Như nhóm của Alberto “Messi”, những người Argentina cũng đi theo hành trình đó và hát vang quốc ca nước mình ở sân bay Nairobi trong đêm. Như 2 bố con anh chàng Lewis người Singapore đến để cổ vũ cho đội tuyển Tây Ban Nha. Như cô nàng Angela người Ý đến Johannesburg rồi sau đó bắt đầu một chuyến đi trên bộ dài 1400 cây số nữa xuống Cape Town cho trận đấu đầu tiên của Italia với Paraguay hôm 14/6. Và như hai anh chàng người Hà Lan mặc áo da cam sáng rực cả một góc sân bay ba hoa với mấy cổ động viên người Đức. Tất cả đến đây không chỉ với ước vọng được chứng kiến đội tuyển của mình đi xa nhất có thể, thậm chí đoạt Cúp vàng, mà còn có một hoài bão giống tôi: khám phá đất nước xa xôi này. World Cup đã bắt đầu không phải từ Nam Phi, mà từ Kenya là như thế, với những biển quảng cáo về World Cup. Nhưng cảm giác có một giải đấu thực sự quan trọng đối với không chỉ một quốc gia, mà còn cả một châu lục sống hàng thế kỉ trong sự khinh rẻ và bóc lột của ngoại bang, chỉ xuất hiện ở khi máy bay hạ cánh ở Johannesburg, với một biển màu vàng và những khẩu hiệu cho giải đấu ở sân bay Jan Smut, nơi tôi gặp những đoàn phóng viên lớn cũng vừa hạ cánh trên các chuyến bay khác cùng ngày.

Không có cảm giác nào thích thú hơn việc một buổi chiều thức dậy ở nơi đến của mình, sau chuyến đi dài, nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời xanh ngắt và sâu thẳm thẳm không một gợn mây, một điều gợi nhớ đến bầu trời Địa Trung Hải tôi đã quen ngắm suốt 3 năm qua. Không, đây không phải nước Ý. Đây là điểm tận cùng của Châu Phi, một vùng đất xa xôi mà tưởng như trong đời thực, nếu không có World Cup và những hoài bão khát vọng, sẽ chẳng bao giờ được đặt chân đến trong đời, dù chỉ một lần ngắn ngủi. Hành trình khát vọng hôm nay sẽ bắt đầu, trong một tháng, trên những con đường Nam Phi, với ba lô trên vai và hoài bão trên đôi chân không nghỉ.
                                A.N

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm