Trên những nẻo đường Nam Phi: Xanh như bầu trời Nam Phi

09/06/2010 13:06 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Nam Phi trong tiềm thức của tôi trước khi đặt chân đến đây chỉ có 2 cụm từ duy nhất: “apartheid” và “Charlize Theron”. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tàn bạo kéo dài hàng thập kỉ được mô tả bởi cụm từ đầu và vẻ đẹp của nữ diễn viên da trắng của một nước Nam Phi mới đang làm tất cả những gì có thể để những ấn tượng đen tối về apartheid tan biến đi được diễn tả trong cái tên thứ 2. Nhưng Nam Phi còn có màu xanh của bầu trời, màu xanh hy vọng.

Từ những thuộc địa đầu tiên của Hà Lan cho đến những kiến trúc sư của chủ nghĩa apartheid, từ những ông vua người Zulu cho đến những viên tướng Anh: đất nước ở cực nam của châu Phi đã từng có sự chia rẽ về màu da, lối sống và các quan hệ kinh tế-xã hội nay trở thành một đất nước “cầu vồng”, nơi có nhiều chủng tộc cùng chung sống nhưng vẫn chưa quên đi những năm tháng quá khứ đau buồn. Họ sống giữa những hy vọng đổi đời và trong những mối quan hệ xã hội và sắc tộc không thể nào san lấp nổi. Đất nước ấy có bao nhiêu tuổi, 2 nghìn năm như sử sách nói, 400 năm như khi công ty Đông Ấn của người Hà Lan đặt chân đến và xây nên những thuộc địa đầu tiên xung quanh nơi bây giờ là Cape Town, hay chỉ chưa đầy 2 thập kỉ?



CĐV bóng đá Nam Phi, ảnh Getty

Tổng giám mục Desmond Tutu, giải thưởng Nobel về hòa bình, có câu trả lời: “Tôi không lạc quan, nhưng tôi là tù nhân của hy vọng. Lịch sử châu Âu cho tôi nhiều lí do để hy vọng: ở đó đã sinh ra nạn diệt chủng người Do thái và 2 cuộc thế chiến. Nhưng người ta chờ đợi những điều kì diệu từ Nam Phi mà quên mất rằng, chúng tôi mới được tự do có 16 năm”. 16 năm ấy được tính từ ngày 26/4/1994, khi người da đen lần đầu tiên được đi bỏ phiếu trong lịch sử. Đấy là ngày được lịch sử ghi nhận như là sự khởi đầu của tự do, khi chủ nghĩa apartheid chết đi (trong tiếng afrikans, tiếng Hà Lan theo kiểu Nam Phi, từ này có nghĩa là “chia rẽ”).


Không khó hình dung cuộc sống ở đấy trong những ngày apartheid được sinh ra, phát triển mạnh mẽ và trở thành một công cụ đàn áp quyền con người một cách tàn bạo nhất, một hình thức thực dân cổ điển của người da trắng trong thế kỉ 20 trên mảnh đất mà người da đen phải trở thành nô lệ. Sự tồn tại của việc duy trì những hình thức tàn bạo ấy được phương Tây, vì sự thực dụng một cách có chủ đích, làm ngơ trong hàng thập kỉ, cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dẫn đến sự thay đổi trong các quan hệ mang tính toàn cầu. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa và những cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách thực dân của nhiều dân tộc châu Phi trong những năm 1960 có quan hệ trực tiếp đến sự duy trì và thậm chí phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa apartheid: Phương Tây ủng hộ chính phủ Pretoria, thành trì cuối cùng của người da trắng ở một lục địa đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản. Từ Nam Phi, người ta tấn công Namibia, Angola, Zambia, Rhodesia...và nhiều nơi khác dính “virus” dân tộc và cộng sản. Không ai nhắc đến bóng đá trong những năm kinh khủng ấy, dù nó vẫn tồn tại một cách thoi thóp trên những sân cỏ mọc lưa thưa toàn sỏi đá trong những khu ổ chuột của người da đen ở Soweto và xem bóng đá cũng như World Cup là một đặc quyền đối với người da trắng, vì chỉ họ được sở hữu tivi. Và nữa, ngay cả tắm biển cũng không khác xem bóng đá. Các bãi biển đẹp nhất chỉ dành riêng cho người da trắng. Tồn tại một cách hữu hình những ranh giới phân biệt màu da trên mặt đất và trong ý thức hệ.


Bây giờ, khi apartheid chỉ còn là dĩ vãng, và nhà tù trên đảo Robben ngoài khơi Cape Town, nơi giam lãnh tụ Nelson Mandela trong 27 năm trời, là bằng chứng còn lại của thời kì ấy, thì cảm giác đầu tiên của người mới đặt chân đến đây là dù những hình thức phân biệt chủng tộc ấy đã bị đẩy vào sọt rác của lịch sử, thì dường như vẫn có 2 nước Nam Phi cùng tồn tại. Đấy là Nam Phi của người da trắng, chỉ là thiểu số, nhưng nắm hầu hết nền kinh tế-điều này không khác so với trước thời apartheid, và một Nam Phi khác của người da đen, chiếm thiểu số, một Nam Phi nghèo đói (34% dân số Nam Phi sống với thu nhập dưới 2 USD/ngày), bệnh tật (5,7 triệu người nhiễm HIV/AIDS, chiếm 17% dân số-ở đây, người ta bảo đấy là âm mưu của Mỹ chống lại người da đen!) và mất an ninh (mỗi ngày có 51 vụ giết người, 100 vụ hiếp dâm). Có quá nhiều điều đáng lo ngại đối với những người đã và sẽ đến Nam Phi vào những tháng ngày này, khi trong tay họ không có súng để tự vệ, mà chỉ có máy ảnh. “La dolce vita” (cuộc sống ngọt ngào) dường như chỉ dành cho người da trắng và một thiểu số những người da đen may mắn thành công trên thương trường và chính trường. Các chính phủ do người da đen đứng đầu trong 16 năm đã làm được rất nhiều điều, nhưng những bất công xã hội vẫn tồn tại, thậm chí tiếp tục lan rộng. Bức tường ngăn trở giữa 2 màu da trắng và đen trước đây hữu hình đã bị phá đi, được thay thể bởi một bức tường vô hình giữa họ về sự giàu nghèo, lối sống và quan hệ xã hội. Nhưng như linh mục Desmond Tutu đã nói, còn nhiều việc phải làm và đừng đòi hỏi những điều thần kì với một quốc gia (đúng ra là đối với một chủng tộc) mới chỉ được tự do gần 2 thập kỉ nay. Không có gì ngạc nhiên khi một bài hát leo lên đứng đầu bảng xếp hạng ở Nam Phi, bởi vì nó nói lên được hết những gì người không có màu da trắng khát khao cháy bỏng. Bài hát ấy của Brenda Fassie có tên “Vulindlela” (Mở ra con đường) mở đầu bằng những lời nói của Thabo Mbeki, chủ tịch Đại hội dân tộc Phi (ANC), lực đẩy lớn lao của người da đen trong cuộc chiến chống apartheid: “Tôi là Thabo Mbeki, chủ tịch ANC. Tôi rất vinh dự được làm việc cùng với các bạn để thúc đẩy sự thay đổi của Nam Phi. Chúng ta biết rằng, điều đó không đơn giản”.


Bóng đá là công cụ của một thế giới rộng mở, và trước khi toàn cầu hóa lan rộng trên thế giới, một hệ quả từ sự kết thúc của những đối đầu và Chiến tranh Lạnh, trước cả internet kết nốt thế giới thành ngôi làng, bóng đá đã biến nhiều giấc mơ tự do thành hiện thực. Bây giờ, World Cup đến với châu Phi lần đầu tiên và là một cách để đưa châu Phi xích lại gần với thế giới, ít nhất là về mặt bóng đá, một sự thừa nhận thực sự đối với đất nước này từ thế giới sau khi chấm dứt apartheid. Chính vì thế, người ta chỉ nói đến Nam Phi những ngày này với những điều tích cực từ đất nước ấy, dù những điều tiêu cực vẫn tồn tại như một thách thức lớn lao. Những nhà lãnh đạo da đen lạc quan và bầu trời xanh thăm thẳm Nam Phi, đất nước nằm ở nơi nối liền 2 đại dương lớn và mũi Hảo Vọng ở Cape Town chứng kiến sự giao hòa ấy, là bằng chứng cho những hy vọng đổi đời. World Cup, do đó, không phải điểm đến, mà chỉ là điểm khởi đầu của một chặng đường mới, 16 năm sau tự do.

          
 Anh Ngọc (đặc phái viên TTXVN tại World Cup 2010, từ Pretoria)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm