Góc Anh Ngọc: Chỉ còn tình yêu bóng đá

22/06/2012 14:50 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Có lẽ biểu tượng duy nhất còn sống và sống khỏe ở vùng Donbass, vì được đầu tư mạnh mẽ nhằm làm đẹp hình ảnh của một cá nhân, chính là bóng đá.

1. Có một thời, vùng Donbass nổi tiếng về than và những huyền thoại liên quan đến nó, đi vào lịch sử và được người đời mãi mãi ghi nhớ. Chẳng hạn như câu chuyện về anh công nhân Aleksei Stakhanov vào năm 1935 đã khai thác được 102 tấn than trong vòng 6 tiếng đồng hồ.

Ngay sau đó, anh trở thành tấm gương lớn và được người ta nhắc đến trong những chiến dịch truyền thông để phát huy tinh thần lao động hăng say của giai cấp công nhân và nông dân Liên Xô trong những năm tháng lịch sử ấy. Vào ngày 16/12/1935, ảnh chân dung anh xuất hiện trên bìa tạp chí Time của Mỹ, và bài báo về anh được viết ra một sách sinh động với tiêu đề "Chủ nghĩa Stakhanov của Stakhanov vĩ đại".

Những năm sau đó, chính than đã biến cả vùng Donbass thành một khu mỏ lớn, với hàng triệu tấn than đá được khai thác từ đó cho đến giờ, hàng triệu công nhân thuộc nhiều thế hệ đã đến đây sống, làm việc và chết đi.

Khi "chủ nghĩa Stakhanov" không còn được ai nhắc đến nữa, thời kì đỉnh cao của ngành khai thác than sau khi hàng loạt kỉ lục được lập, Donbass rơi vào giai đoạn đình đốn.

Có một thành phố được lập ra và mang tên Stakhanov, với tượng của anh ở trung tâm. Ở Donetsk và thành phố vệ tinh Makeevka, có tượng đài những người thợ mỏ vô danh. Những khu mỏ bỏ hoang ở Makeevka thậm chí còn được cho là nơi mà chính quyền đưa vào đó những người vô gia cư và trẻ em đường phố trong dịp EURO này để du khách và các cổ động viên nước ngoài không thấy họ (chúng tôi đã tìm được một trong những khu trại như thế).


Giám đốc mỏ Oleksandr.

2. Tất cả những điều trên là những biểu tượng về một ngành công nghiệp cũ kĩ đang chết, như đã từng được chứng kiến ở nhiều nơi khác của châu Âu những năm qua. Biểu tượng duy nhất còn sống và sống khỏe, vì được đầu tư mạnh mẽ nhằm làm đẹp hình ảnh của một cá nhân, chính là bóng đá.

Tỷ phú Akhmetov, chủ của Krasnodonugol, tập đoàn khai thác than lớn nhất đất nước, đã mua lại Shaktar Donetsk và biến nó thành một thành công cỡ quốc tế với chức vô địch Europa League năm 2009. Ông cũng xây sân Donbass Arena, một tác phẩm nghệ thuật thực sự hoặc đúng hơn là một thứ đồ chơi đắt tiền mà Akhmetov đã bỏ ra cả đống tiền để từ đó đánh bóng tên tuổi mình.

Đội bóng từng một thời được mệnh danh là "CLB của thợ mỏ" giờ là đội bóng của riêng Akhmetov và những mưu đồ của riêng ông. Điều duy nhất không đổi là Shaktar vẫn được người Donbass yêu mến và không bao giờ bỏ rơi đội, kể cả khi nó không thành công như mong đợi. Biểu tượng của đội Shaktar vẫn xuất hiện ở mọi nơi trên vùng đất này.

3. Nhưng sự bấp bênh trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại, và tình yêu bóng đá có lẽ chỉ khỏa lấp được phần nào những khó khăn ở nơi mà bụi than vẫn bay lơ lửng trong không khí hàng ngày, hàng giờ, không còn đậm đặc như những thập kỉ công nghiệp phát triển như trước, nhưng vẫn đủ để gợi nhớ những năm tháng đã qua.

 Ở khu mỏ Petrovskaya, chúng tôi tặng tay giám đốc trẻ Oleksandr một chai rượu, như truyền thống của vùng này là tặng quà mỗi khi ghé qua ai đó. Oleksandr tặng lại một cục than đá để làm quà. Cục than đen nhánh, nặng không dưới 5 kg, chắc chắn không thể để hết vào trong va li vì quá to. Nhưng món quà ấy thể hiện hết tấm lòng của người Donetsk với những người đến thăm họ.

Những mỏ than như Petrovskaya có thể chết đi khi than không còn nữa, nhưng tình cảm của họ từ một nơi xa chúng ta hàng nghìn cây số vẫn còn mãi.

                   Bài và ảnh:  Anh Ngọc (từ Donetsk)




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm