Nhà văn Ma Văn Kháng: Bật mí về "Phút giây huyền diệu"

07/04/2013 11:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp cuốn bút ký, tiểu luận và phê bình Phút giây huyền diệu vừa ra mắt bạn đọc, mới đây, tác giả cuốn sách – nhà văn gạo cội  Ma Văn Kháng đã có buổi giao lưu, chia sẻ chuyện văn chương với các sinh viên khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa HN).

1. Phút giây huyền diệu là những bài viết về lao động văn chương, đúc rút từ những kỷ niệm của chính bản thân nhà văn Ma Văn Kháng. “Đó là toàn bộ những gì đã kết tinh lại trong cuộc đời văn chương của tôi, đó là điều muốn nói lại với bản thân mình cũng như mọi người” - ông chia sẻ.
Nhà văn Ma Văn Kháng trong buổi nói chuyện về cuốn Phút giây huyền diệu

Nói về lý do “chuyển kênh” từ tiểu thuyết, truyện ngắn qua thể loại bút ký, tiểu luận và phê bình… và kết quả là cuốn Phút giây huyền diệu ra đời, nhà văn Ma Văn Kháng hé hộ một câu chuyện khó tin. “Nhân tố kích thích tôi “chuyển kênh” là một em nhỏ tên là Nguyễn Thị Ngọc Vân, học sinh lớp 5 ở trường Chí Linh (thị xã Phả Lại, Hải Dương). Có lần, trong buổi họp cộng tác viên ở báo Người cao tuổi, ông nội của cháu Ngọc Vân kể với tôi: “Cháu Ngọc Vân nhà tôi học lớp 5 khen bài Khát vọng về một cái đẹp của anh lắm”. Tôi kinh ngạc luôn, thẫn người ra và nghĩ trong lòng: “Trời ơi, mới lớp 5 mà đã thích lý luận thế cơ à”? Tôi về gửi ngay một bức thư cảm ơn cháu Ngọc Vân. Cháu chính là động lực để tôi chuyển sang viết bút ký, tiểu luận phê bình”.

Một điều nữa khiến nhà văn Ma Văn Kháng chuyển kênh viết, đó là: “Hiện nay chúng ta đang bị trống vắng cả về mặt đề tài, kỹ thuật viết và cả mặt lý luận, sáng tác”.

2. Tại buổi giao lưu, nhà văn Ma Văn Kháng cũng “nhắn nhủ” với các cây viết trẻ: “Nếu muốn viết tốt, trước tiên phải viết một cách vô thức, không nên ý thức quá lớn lao và rõ ràng, vì như thế sẽ rất khó viết, thậm chí không viết được. Phải viết bằng bản năng trước và không sợ hãi bất cứ điều gì, không tính toán thì mới có thể cầm bút sáng tác tốt. “Nhà văn”, nói theo ngôn ngữ của Ki-tô giáo thì “Nhà văn là đấng tự hữu, hằng hữu” - nghĩa là nhà văn bẩm sinh mà có, hằng có chứ không phải ai tạo ra”.

Nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, nhấn mạnh: “Nếu được chọn chữ nào để gói gọn lại tinh thần chung của Phút giây huyền diệu thì tôi xin chọn 3 chữ: Sống - Học - Viết”.

Hoa Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm