Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương'

10/04/2024 17:30 GMT+7 | Văn hoá

Nhỏ nhẹ, dịu dàng, nữ tính ở ngoài đời, đó là ấn tượng dễ nhận ra ở nhà thơ - nhà báo Lữ Mai. Còn trong công việc và sáng tác, có thể thấy một Lữ Mai không ngại "xông pha" với nhiều thể loại.

Lữ Mai là tác giả của Ngàn lời sử xanh, một bài thơ dễ thương, được giảng dạy trong sách Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

Chưa bao giờ ước mơ vào sách giáo khoa

* Viết thơ văn trường ca và nhiều thể loại báo chí, đâu là thế mạnh của Lữ Mai?

- Thực ra, tôi cũng chưa bao giờ đặt ra câu hỏi này cho mình. Trước mỗi đề tài, với "vốn liếng" mình có, cùng tư duy, cảm xúc khi tương tác mà lựa chọn thể loại phù hợp để chuyển tải. Cũng có những khi tôi lựa chọn sai và sẽ bắt đầu lại với một thể loại khác.

Nhìn chung, trong nghề viết, tôi khá linh hoạt, thích thử sức mình và không ngại chấp nhận đối diện điều chưa hợp lý, thậm chí là sai.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 1.

Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ về sáng tác văn chương

* Sáng tác thơ cho thiếu nhi khá muộn, nhưng lại có tác phẩm vào sách giáo khoa, điều này có ý nghĩa thế nào với chị?

- Tôi nhớ nguyên vẹn cảm xúc tuổi thơ mình. Thuở ấy, sách vở chưa nhiều, những đứa trẻ quê như chúng tôi chủ yếu tương tác, làm bạn với sách giáo khoa. Những cuốn sách được truyền từ anh chị đến các em, có dấu ấn của sự nâng niu, gắn bó, vẽ vời… Vừa đọc tác phẩm, tôi thường vừa nhắm mắt hình dung ra những không gian, con người, đời sống đang rộng mở.

Tôi cũng đặt ra câu hỏi tác giả là ai, họ ở đâu, họ có tuổi thơ như mình không mà cứ như thể họ đang viết cho mình; như thể mình là con, là em, là người thân nào đó trong gia đình của họ, hay là chính họ?

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 2.

Bài thơ "Ngàn lời sử xanh" trong sách "Tiếng Việt 5", tập 2, bộ Chân trời sáng tạo

Tôi chưa bao giờ dám ước mơ đến một ngày có tên trong sách giáo khoa. Nó đến thật bất ngờ, khó diễn tả cụ thể.

Giờ đây, đời sống đã có nhiều thay đổi, trẻ em được sống trong sự quan tâm và vật chất đầy đủ, nhưng không có nghĩa cánh cửa mở ra thế giới của tưởng tượng, yêu thương bị đóng lại. Tôi vẫn thật bất ngờ, vui và hy vọng. Vấn đề là, trước những thay đổi, chúng ta cần có trách nhiệm để giữ gìn, bồi đắp và đổi mới, cần giúp trẻ em có được tình yêu với văn học, với cuộc sống.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 3.

Nhà thơ Lữ Mai

* Về tác phẩm "Ngàn lời sử xanh", có thể thấy chị khéo léo gửi gắm những tình cảm với Hà Nội tới các bạn nhỏ. Chị chia sẻ thêm về những điều muốn gửi gắm tới độc giả qua tác phẩm này nhé?

- Thường các tác phẩm văn học thiếu nhi tôi hay chọn bối cảnh làng quê, bởi đó là nơi tôi sinh ra, lớn lên, ngay cả bản thảo truyện dài tôi vừa hoàn thành cũng thế. Tuy nhiên, tôi vẫn dành sự quan tâm đến bối cảnh phố phường, đến trẻ em trong thế giới hiện đại, bởi đó là thế hệ của con cháu tôi, tác động đến tôi mỗi ngày về cảm xúc.

Bài thơ này được tôi sáng tác đúng giai đoạn đại dịch Covid-19 đang hoành hành, con tôi cũng như bao trẻ em ở phố khác, phải học trực tuyến, làm bạn với đồ chơi giữa 4 bức tường. Những vẻ đẹp của thiên nhiên, con người từ cơn mưa "gieo hạt đầy cây", "chồi non mở mắt", mùa Xuân phố phường đẹp như tranh và những bước chân nhí nhảnh của trẻ thơ tung tăng phố này, phố nọ… là niềm mơ ước của tôi, là những vẻ đẹp đã từng có và ta luôn hy vọng sẽ sớm hồi sinh.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 4.

Tôi đã tưởng tượng mình trở về tuổi nhỏ, dung dăng làm bạn với những đứa trẻ để cùng khám phá vẻ đẹp thân quen của Thủ đô, chất chứa bao thăng trầm, chiều sâu của văn hóa, lịch sử.

Từ "tươi thắm" được tôi dụng ý lặp 2 lần, tuy là một tính từ quen thuộc, nhưng khi sáng tác, tôi thích trạng thái của nó, như một điều gì đó rực rỡ, bừng sáng, gọi mời trẻ thơ khám phá.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 5.

* Đây là tác phẩm được những nhà biên soạn sách chọn lọc, hay chị viết theo "đơn đặt hàng"? Chị kể về mối duyên của mình với những trang sách giáo khoa nhé?

- Tác phẩm được tôi sáng tác hoàn toàn ngẫu nhiên. Và, cuộc gặp gỡ giữa đội ngũ biên soạn với tác giả, tác phẩm cũng rất tình cờ. Qua tìm hiểu, đọc các tác phẩm của tôi, tiến sĩ Trịnh Cam Ly - thành viên trong ban biên soạn sách - đã chủ động liên lạc, kết nối và trao đổi với tôi việc muốn đề xuất đưa tác phẩm vào sách giáo khoa.

Tôi rất xúc động trước cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành và đầy tâm huyết của chị, đồng thời cũng bất ngờ, hạnh phúc, nên nhận lời. Qua quá trình tương tác công việc một cách khách quan, tôi luôn trân trọng và biết ơn một cơ duyên nào đó đã kết nối tôi với những con người cụ thể, những trang sách giáo khoa, để rồi điều tuyệt vời nhất là sách đến với các bạn nhỏ.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 6.

"Tôi nghĩ rằng, để con trẻ yêu văn chương, nghệ thuật, thì chúng ta cần tạo ra một "từ trường" cho điều đó. Bản thân ta có thể không thích, không yêu, nhưng hãy tạo điều kiện và ủng hộ" - nhà thơ Lữ Mai.

Cần tạo ra "từ trường" để trẻ yêu nghệ thuật

* Trong gia đình chị, cả bố mẹ và con đều viết văn, làm thơ. Điều này có những vui, buồn gì? Cách nào để con trẻ yêu văn chương, nghệ thuật nhỉ?

- Vui buồn trong cuộc sống vẫn luôn diễn ra, dù chúng ta là ai, ngành nghề gì… Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Khi cả nhà cùng yêu văn chương sẽ có thuận lợi là chia sẻ, đồng hành được với nhau nhiều hơn; các mối quan hệ ngoài đời sống cũng có sự trùng lặp, nên dễ dàng sắp xếp sinh hoạt, cuộc sống.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 8.

Lữ Mai tìm hiểu trò chơi dân gian để viết

Bên cạnh đó, trước khi chia sẻ tác phẩm với đội ngũ biên tập, biên soạn, các nhà xuất bản, thì chúng tôi chia sẻ cùng nhau, gợi mở hoặc góp ý cho nhau. Cũng có những điều không dễ dàng. Chẳng hạn, nhiều khi mọi người bất đồng quan điểm, tranh luận và không đi đến một kết quả chung. Con gái tôi khi 9 tuổi đã tự xóa đi một bản thảo khá dài, vì không đồng ý với cách góp ý của bố mẹ, tuy chẳng ai sửa vào bản thảo ấy, nhưng không hiểu lý do gì mà cháu chọn cách xóa đi…

Tôi nghĩ rằng, để con trẻ yêu văn chương, nghệ thuật, thì chúng ta cần tạo ra một "từ trường" cho điều đó. Bản thân ta có thể không thích, không yêu, nhưng hãy tạo điều kiện và ủng hộ. Chẳng hạn, mỗi nhà nên có giá sách, mà hãy là loại giá sách do trẻ em tự xây dựng nên, lựa chọn từ kiểu dáng đến loại sách theo tư vấn của người lớn.

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 9.

Lữ Mai trong một lần giao lưu với học sinh

Ta cũng cần làm bạn với trẻ và khích lệ thiên hướng liên quan tới cái thiện, cái đẹp, cũng như hãy lên tiếng, hãy bày tỏ bằng điều gì cụ thể. Những tác phẩm nhỏ của các em thường được bắt đầu như vậy…

* Sau 5 tập "Thơ hay dành cho bé học nói" (NXB Văn học và Linh Lan Book phát hành) - là đứa con tinh thần của chị và ông xã, nhà thơ Đoàn Văn Mật - cặp đôi này có định cùng làm thơ cho thiếu nhi nữa không?

- Chúng tôi vẫn luôn làm bạn với trẻ thơ và có những dự định, còn đi tới đâu, có tiếp tục kết hợp với nhau trong cùng tác phẩm không thì còn… tùy duyên!

Nhà thơ Lữ Mai: 'Tạo ra một 'từ trường' cho trẻ yêu văn chương' - Ảnh 11.

Tôi vừa hoàn thành xong bản thảo tập truyện dài dành cho thiếu nhi mang tựa đề Dưới khung trời ngát xanh, viết về tuổi thơ nghèo khó mà đầy thú vị, mộng mơ, nơi tôi sinh ra.

Ngoài ra, tôi cũng có những chuyến đi tới nhiều vùng miền xa xôi của tổ quốc và mong tích lũy thêm trải nghiệm, cảm xúc để hướng tới thế giới tuổi thơ ở những nơi này…

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Vài nét về Lữ Mai

Lữ Mai sinh năm 1988. Tốt nghiệp Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, báo Nhân dân. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngoài sáng tác, chị còn tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng, cảm thụ, sáng tác văn học của trung tâm Cây bút nhí.

Chị đã xuất bản 12 tác phẩm, gồm thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút… Nổi bật có thể kể đến 3 trường ca: Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020) về chủ quyền biển đảo; Chư Tan Kra mây trắng (NXB Hội Nhà văn, 2021) về chiến tranh cách mạng; Hồi sinh (NXB Hội Nhà văn, 2022) về đại dịch Covid-19.

Một số giải thưởng: Giải Ba Giải thưởng Văn học đề tài biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca Ngang qua bình minh; giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi; giải thưởng của Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam cho tác phẩm Nơi đầu sóng; giải thưởng truyện ngắn của Quỹ nhà văn Lê Lựu; giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi thơ Sống và hy vọng do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam và quán Chiêu Văn tổ chức năm 2022; giải Nhất cuộc thi Cùng giữ màu xanh của biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức năm 2022; giải Nhì cuộc thi Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ CAND của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ năm 2023; giải Ba cuộc thi thơ Huế, tạp chí Sông Hương

Võ Thu Hương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm