Nhà thơ Bruce Weigl: Những cuộc trở về với “ngôi nhà Việt”

06/02/2011 13:18 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cuối năm 2010, nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl - một cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu trong Lữ đoàn Kỵ binh bay số 1 tại chiến trường Quảng Trị từ 1967 đến 1968 quay lại mảnh đất này. Mặc dù đã đến Việt Nam nhiều lần, song đây là lần đầu tiên sau 43 năm, “ông Tây nước mắm” này mới “dám” quay lại Quảng Trị, thăm nghĩa trang Trường Sơn và thắp hương cho các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây.

Trước khi quay về Mỹ cùng gia đình đón năm mới 2011, Bruce Weigl đã có cuộc trò chuyện với TT&VH về những lần trở về “ngôi nhà Việt” mà ông không thể quên.

“Những người đạp xe” và những người ngồi trên trực thăng

* Lần đầu tiên ông đến Việt Nam với tư cách lính chiến Mỹ là khi nào?

- Tôi đến Việt Nam vào năm 1967. Khi đó tôi tròn 18 tuổi. 18 tuổi, tôi đã là một tân binh trong quân đội Mỹ. Nhiều khi tôi không tin một người lính lại trẻ đến như thế.

Khi đó, tôi nhớ mình rất ngây ngô, không biết gì về con người và nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, tôi chẳng thể hiểu vì lý do gì tôi lại có mặt ở đất nước các bạn vào thời điểm đó.

Sau khi tham chiến 2 năm tại Việt Nam, lại giống như bao đồng đội còn sống khi trở về Mỹ, cuộc sống tiếp theo của tôi trong khoảng thời gian 20 năm là dằng dặc những nỗi ám ảnh rùng rợn về cuộc chiến.

Bruce Weigl thích nước mắm, hút được thuốc lào và đạp được xích lô
* Những ngày đầu tham chiến ở Việt Nam, chắc chắn đã không ít lần ông đối đầu với những con người ấy. Ông còn giữ kỷ niệm nào về họ?

- Trong những cuộc chiến đấu giữa hai bên, có nhiều điều khiến tôi không thể quên được. Nó như là một dấu khắc đã hằn lên trong tâm hồn. Một ngày chúng tôi vừa đến bãi đậu trực thăng thì từ trên cây có những phát súng lẻ tẻ bắn xuống. Chúng tôi gọi về căn cứ và người ta điều động một tiểu đội đến, bắn xối xả vào ngọn cây nơi phát ra tiếng súng. Sau đó họ rút đi và chúng tôi tiếp tục tiến lên.

Nhưng vừa tiến được một vài bước đã lại từ trên ngọn cây ấy tiếp tục bắn xuống những phát súng lẻ tẻ. Chúng tôi lại gọi về căn cứ và sau đó, người ta không cử trực thăng nữa mà cử máy bay phản lự c đến bỏ bom và san bằng tất cả cây cối. Khi chúng tôi quay lại lần nữa thì tìm thấy anh ấy. Anh ấy đã buộc chặt thân mình vào thân cây, trên người anh còn có một túi gạo và chỉ còn 5 viên đạn. Chỉ một mình anh đã chiến đấu chống lại cả một tiểu đội lính Mỹ.

Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm đó, sự dũng cảm của anh và sự hy sinh quên mình vì tổ quốc của anh.

* Và còn gì nữa…?

- Tôi có viết một bài thơ mang tên Những người đạp xe nói về một kỷ niệm khi tôi tham chiến tại Việt Nam. Một lần, tôi và đồng đội ngồi trên một chiếc trực thăng bay qua một cánh rừng. Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy một số người lính Việt Nam đang ung dung đi xe đạp chở một vài thứ vũ khí vào trong rừng. Nó như là một sự đối lập vậy vì khi đó chúng tôi đang ngồi trên một chiếc máy bay được trang bị vũ khí tối tân do quân đội Mỹ trang bị, còn họ chỉ với những chiếc xe đạp cùng với những loại vũ khí thô sơ nhưng đã chống trả và thậm chí là chiến thắng chúng tôi.

Tôi có cảm giác như mình đã thất bại và muốn được đạp xe như những người lính Việt Nam dưới những tán rừng nham nhở vì bom đạn tàn phá… Tôi nghĩ mình và đồng đội đang phung phí thời gian và cả tính mạng để phục vụ lợi ích làm giàu cho quốc gia hơn là giải phóng hay mang lại tự do cho ai trên đất nước này. Nó thật phi nghĩa. Vì thế, tôi cũng dần dần hiểu được nỗi gian khổ của dân tộc Việt Nam và muốn biến mất khỏi cuộc chiến đó.

Cha, con và “ngôi nhà Việt”

* Nguyễn Thị Hạnh Weigl - người đã dịch cuốn hồi ký Vòng tròn của Hạnh của ông ra tiếng Việt vừa được NXB Phụ nữ xuất bản và phát hành tại Việt Nam. Ông nhớ lần đầu tiên ông nhận Hạnh làm con nuôi và lần hai cha con hồi hương thăm mẹ đẻ của Hạnh chứ?

- Đó là một kỷ niệm “để đời”. Ngày tôi nhận Hạnh làm con nuôi, Hạnh mới có 8 tuổi và sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi huyện Bình Lục, Hà Nam. Trước khi đón Hạnh về Mỹ, tôi đã tìm hiểu về Hạnh và gia đình con gái tôi. Tôi biết mẹ Hạnh “chưa bao giờ được cưới chồng” và gia đình “chị ấy” rất nghèo. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến chị ấy không đủ điều kiện chăm sóc cho Hạnh và đã gửi Hạnh vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi cách nhà chỉ một vài cây số.

Trước khi về Mỹ, tôi có cam kết với trung tâm là sẽ không bao giờ để Hạnh quên đi nguồn gốc của mình, quê hương Việt Nam và tiếng mẹ đẻ.


“Ngôi nhà Việt” của mẹ đẻ Hạnh

Đầu năm 2000, tôi cùng với con gái đáp chuyến bay về Việt Nam. Sau khi máy bay hạ cánh, tôi có cảm giác bất an cho chuyến trở về Việt Nam của hai bố con. Tôi chỉ lo sẽ mất Hạnh. Cảm giác ấy thật kinh khủng. Nó xâm chiếm tôi, khiến tôi sợ hãi. Trong tôi lúc đó cứ vang lên một câu hỏi: “Con gái. Con có quay về với bố không? Chị Vẻ - mẹ Hạnh - chị có đòi Hạnh về với chị không?” Cuối cùng nỗi lo ấy đã “không thành vấn đề nghiêm trọng”. Hạnh vẫn về với tôi và chị Vẻ không đòi lại Hạnh. Chị nói với tôi rằng chị ấy hạnh phúc khi thấy con mình mạnh khỏe, xinh đẹp, mạnh mẽ và thông minh… Còn Hạnh thì vẫn quay về với tôi và bây giờ đã là một thiếu nữ, “dịch giả đầu tiên” dịch sách của tôi ra tiếng Việt…

Lạc giữa đêm Hà Nội, hút thuốc lào và nhận phúc lành

* Ông nhớ nhất điều gì về Hà Nội trong những lần “đi sứ văn học” tại Việt Nam?

- Tối đến Hà Nội lần đầu tiên từ năm 1985. Sau khi nhận Hạnh làm con nuôi tôi cũng trở về Hà Nội nhiều lần. Thành phố này đã cho tôi rất nhiều người bạn và làm cháy lên trong tôi nhiều tình cảm tốt đẹp khi nghĩ và nhớ đến nó.

Có một kỷ niệm đẹp giữa tôi với Hà Nội mà tôi không thể quên, đó là vào năm 1990, tôi trở lại thành phố này và ở lại trong một khách sạn gần hồ Tây. Một đêm, tôi đi bộ từ khách sạn để đến nhà một người bạn mới quen sống gần hồ Hoàn Kiếm. Tôi liên tục đi lạc vào những con ngõ nhỏ, hẹp và tối. Vì tôi không biết tiếng Việt nên phải xé giấy trong sổ ra vẽ lại cái biểu tượng đó để hỏi thăm. Tôi vẽ một con rùa ngậm một thanh gươm, rồi thêm vào đó một dấu chấm hỏi. Tôi nhớ có cho một chú bé xem “bức tranh” đó nhưng chú bé chau mày không hiểu. Nhìn lại bức vẽ, tôi nhận ra rằng con rùa tôi vẽ trông chẳng giống con rùa, gươm cũng chẳng giống gươm và cái hồ tôi vẽ để con rùa ngoi lên trông giống như một miệng núi lửa trên mặt trăng. Nó cười và tôi cũng cười. Nó cười tôi vì làm nó không hiểu, còn tôi cười mình vì đang đi lạc vào một nền văn hóa tôi chưa từng được khám phá kỹ càng trước khi xâm nhập.

"Chúng tôi đã trút hàng ngàn tấn bom xuống Việt Nam và hậu quả của chiến tranh vẫn còn đến ngày nay. Tôi muốn đất nước tôi chú trọng hơn nữa đến vấn đề chất độc da cam vì chúng tôi vẫn chưa làm đủ." (Tâm sự của Bruce Weigl)

Cuối cùng một người đàn ông lớn tuổi xem bức vẽ của tôi. Trong khi ông xem bức vẽ, có người đưa cho tôi chiếc điếu bát và dạy tôi cách hút thuốc lào. Tôi rít một hơi dài, mạnh và suýt “lăn quay” vì loại thuốc đáng sợ đó. Vậy mà người đàn ông bên cạnh tôi lại có thể hút một lúc mấy điếu liền. Thật kinh ngạc.

Tôi tiếp tục cầm bức vẽ rùa hồ Gươm đi theo chỉ dẫn của ông cụ. Gặp một ông cụ khác, tôi lại đưa cho ông xem. Ngay khi nhìn thấy bức vẽ, ông cụ thốt lên “Ồ, Hoàn Kiếm”, rồi ông cầm tay tôi lôi đi qua một vài ngõ nhỏ và cuối cùng tôi đã đứng trước “biểu tượng” mà tôi đã vẽ trong trang giấy. Tôi xúc động với những người tôi đã gặp và càng xúc động hơn khi bắt gặp ánh mắt của người bạn đang đợi tôi bên kia đường.

* Xin cảm ơn ông. Chúc ông và gia đình năm mới sức khỏe và hạnh phúc!

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm