Bruce Weigl: Từ cựu binh Mỹ đến “sứ giả” văn hóa Việt

13/12/2010 13:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Trở lại Việt Nam từ hôm 10/12, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl có 10 ngày làm việc dày đặc với các buổi giao lưu, ra mắt sách, tọa đàm, đọc thơ từ Hà Nội vào Quảng Trị. Trọng tâm của chuyến thăm này sẽ là đêm thơ Bruce Weigl Trở về ngôi nhà Việt của tôi và ra mắt tập sách Sau mưa thôi nã đạn tại Đại học Văn hóa (Hà Nội) vào tối 16/12 tới.


Nhà thơ Bruce Weigl

Nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl không còn xa lạ với Việt Nam trong các hoạt động giao lưu văn học và dịch thuật giữa hai nước. Nhưng ở Việt Nam, không phải ai cũng biết, người cựu binh này là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ. Tập thơ Bài hát bom na-pan gồm những bài thơ viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho Giải thưởng Pulitzer từ hơn 20 năm trước.

Tình cờ được đọc những bài thơ hầu như chưa được biết đến ở Việt Nam này, nữ sĩ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đã làm một cuộc “phát hiện lại” Bruce Weigl và “thiết kế” chương trình giao lưu kéo dài 10 ngày kể trên.

Sau mưa thôi nã đạn là tuyển tập 36 bài thơ của Bruce Weigl do Nguyễn Phan Quế Mai tuyển dịch. Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của chị về hành trình “khám phá” Bruce Weigl.

1. Khi nói chuyện lần đầu tiên với Nguyễn Thị Hạnh Weigl qua đường dây điện thoại quốc tế, tôi không thể tin được rằng cô gái 23 tuổi này đã sang Mỹ từ lúc rất nhỏ và lớn lên trong một ngôi nhà không có ai là người Việt, không ai nói thạo tiếng Việt. Cha cô, nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để giúp Hạnh duy trì tiếng mẹ đẻ “vì ngôn ngữ là văn hóa”. Thật diệu kỳ khi một người Mỹ đã từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị, từng có những trải nghiệm kinh hoàng ở Việt Nam, từng bị Hội chứng chấn thương tâm lý sau chiến tranh hành hạ trong nhiều năm trời, lại có thể trở nên gắn bó, yêu và trân trọng Việt Nam đến thế.

Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ

Viết thay cho Nguyễn Thị Hạnh Weigl
Được sinh ra trong văn hóa lúa Hà Nam
đầu tiên là đất
thứ hai là nước
thứ ba là những ngày dài còng lưng dưới mặt trời
thứ tư là thóc giống
như cuộc đời mẹ đã bắt đầu
dưới bầu trời vần vũ của chiến tranh

Rồi mẹ như cây mạ
sẵn sàng cho số phận bứng lên từ mảnh ruộng mẹ đã được gieo
để lại được cấy xuống trong hàng hàng những người sống sót
Mẹ vươn lên từ bùn, mẹ vươn lên trong bão táp.

Dậy thì khi lúa trổ đòng
bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp
Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh
tự do chảy qua những cánh đồng
rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt

Khi lúa chín, mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất của đời mình
bằng tiếng hát bằng yêu thương sâu thẳm trong tim
bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ

Nhưng - số phận chia lìa hai ngả
Mẹ lặng lẽ gặt mình thành gốc rạ
cô liêu trên đồng trống tái màu

Giờ đây mẹ trở về thóc giống
để chúng con cùng nâng niu, cất giữ, gieo trồng
để những hạt-gạo-mẹ chúng con ăn vào cơ thể lại trổ đòng
lại xanh mướt xanh


Bruce Weigl
(Lời Việt - Nguyễn Phan Quế Mai)
2. Tôi gặp Bruce Weigl lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2010, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam. Ông luôn tìm cách ngồi cạnh những nhà thơ, nhà văn Việt Nam, pha trò bằng những câu chuyện dí dỏm. Khi vốn tiếng Việt đã cạn, ông không ngần ngại sử dụng ngôn ngữ... cơ thể.

Thật khó tưởng tượng rằng, Bruce Weigl đang nỗ lực làm bạn với những người từng là kẻ thù của ông từ bên kia chiến tuyến. Từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến năm 1968, ông đã có những trải nghiệm kinh hoàng của chiến tranh. Và chính những bài thơ của Bruce Weigl đã đưa tôi vào thế giới khủng khiếp đó: “Nhưng những cành cây vẫn là dây kẽm gai/Tiếng sấm vẫn là tiếng súng cối nã đạn/Cả bây giờ cả khi nhắm mắt/Anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng/bom na-pan dính chặt cô vào máu/đôi bàn tay cô với ra phía trước/ nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt” (Bài hát bom na-pan).

Trong sự đen tối của chiến tranh, tôi đã nhìn thấy ánh sáng lấp lánh của lòng nhân văn mà Bruce Weigl, một cựu chiến binh Mỹ, đã dành cho những người Việt Nam vô tội. Thế giới thơ Bruce Weigl ám ảnh tôi không nguôi: “Tôi nghe tiếng thét của những đứa trẻ/bị bom nổ tung thành nhiều mảnh/Những quả bom được chỉ dẫn chính xác vào một căn phòng/ trong ngôi nhà bên cạnh/Ở đó có một “mục tiêu” đã sống/hoặc không sống; vậy đó” (Bộ phim). “Những đứa trẻ ngủ giấc ngủ của chiến binh mệt mỏi/bị vùi dập, bị bỏ mặc trong hư không trong những cái chết cô đơn/những cái chết đến thật chậm, rút trái tim chúng ta khô máu” (Cửa ngõ).

Tìm hiểu thêm thơ của ông, tôi biết rằng giáo sư Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ. Tập thơ Bài hát bom na-pan gồm những bài thơ viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho Giải thưởng Pulitzer. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ, Giải thưởng Thơ Paterson, Giải thưởng của Quỹ Phát triển Nghệ thuật Quốc gia và Quỹ Yaddo, Giải thưởng Pushcart và Giải thưởng văn học Lannan. Nhưng có lẽ, tình cảm của bạn đọc Việt Nam dành cho thơ ông là phần thưởng cao quý nhất. Vì thế, từ tiểu bang Ohio, Mỹ, giữa lịch trình làm việc rất bận rộn của mình, Bruce Weigl đã kiên nhẫn gửi bưu điện cho tôi hết quyển sách này đến quyển sách khác và trả lời cho tôi rất nhiều câu hỏi liên quan đến các bài thơ của ông. Làm việc với ông, tôi học được sự nghiêm túc với nghề viết: Bruce Weigl rất cẩn trọng và nâng niu từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Thơ đối với ông thật thiêng liêng, như máu thịt, như lẽ sống. Có lẽ vì ông đã phải trả giá rất đắt cho những bài thơ của mình: “Chiến tranh đã ăn ruỗng tôi/tôi không thể chạm vào ai được nữa/Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến nơi xanh thẳm/nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu/Tôi vẫn nghe tiếng họ, đêm đêm/tôi không thể trút bỏ quần áo trong ánh sáng” (Kỷ niệm ngày được tha thứ).

Tập thơ Sau mưa thôi nã đạn của Bruce Weigl (Nguyễn Phan Quế Mai chọn, dịch) và Bìa tập hồi ký nổi tiếng Vòng tròn của Hạnh của Bruce Weigl, do chính con gái nuôi người Việt dịch

3. Trong hồi ký về chiến tranh Việt Nam, Bruce Weigl đã nói “Khi rời chiến trường Việt Nam, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại. Tôi mang theo rất ít văn hóa Việt về cùng, lý do chính là bởi nền văn hóa đó đã bị ngăn cách với chúng tôi vì nó là một nền văn hóa lâu đời, giàu có. Nó bị ngăn cách với chúng tôi để chúng tôi không thể nhìn thấy con người Việt Nam như những con người thật, nhất là những con người đang chiến đấu cho miền Bắc, chống lại chúng tôi ở chiến tuyến bên kia, để chúng tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi giết họ” (Trích bài hồi ký Nước mắm của riêng tôi, tập thơ và hồi ký của Bruce Weigl Sau mưa thôi nã đạn, NXB Trẻ 2010).

Có lẽ vì thế, trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi vừa qua, tôi cảm nhận Bruce Weigl luôn nâng niu, trân trọng văn hóa và cách sống của người Việt. Hơn thế nữa, ông đã nỗ lực truyền tình yêu văn hóa Việt cho con gái của mình. Ông kể với tôi, sau khi đón bé Nguyễn Thị Hạnh Weigl, 8 tuổi, về Mỹ sống với gia đình ông từ một cô nhi viện, ông đã xác định rằng nhiệm vụ lớn nhất của ông là trở thành một người cha tốt với Hạnh, và không để Hạnh mất đi văn hóa và ngôn ngữ Việt. Cũng với tình yêu văn hóa Việt Nam tha thiết và sâu sắc, mà Bruce Weigl đã viết bài thơ Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ dựa trên hành trình sống của cây lúa, để Nguyễn Thị Hạnh khắc lên bia mộ mẹ mình.

10 ngày của Bruce Weigl tại Việt Nam

Hôm qua (12/12) Bruce Weigl đã đi thăm nghĩa trang Trường Sơn, thăm một số gia đình cựu binh ở Quảng Trị. Sáng nay, ông sẽ thăm hai trường học nghèo tại Quảng Trị và tặng sách. Tối nay, Bruce Weigl đọc thơ trong đêm thơ Bè bạn dưới chân thành cổ Quảng Trị, có sự tham gia của cựu chiến binh, các câu lạc bộ thơ. Sau chương trình thơ là hoạt động thả hoa xuống sông Thạch Hãn.

Ngày mai, 14/12, ông sẽ có buổi giao lưu với tạp chí Sông Hương (Huế). Ngày 15/12, ông có mặt tại Hà Nội để ra mắt hồi ký Vòng tròn của Hạnh. Ngày 16/12, ông có buổi nói chuyện với sinh viên viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hóa) với chủ đề Khuynh hướng cách tân thơ trong văn học Mỹ. Tối hôm đó sẽ có đêm thơ và giới thiệu sách Sau mưa thôi nã đạn.


Nguyễn Phan Quế Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm