Nhà thơ Đàm Chu Văn: Người 'Thả diều bên dòng sông quê hương'

13/04/2022 19:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1994, trong sách Thơ văn Đồng Nai- Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường, tác giả Đàm Chu Văn có tới 2 bài (Viết dưới bàn thờ mẹ, Gia tài). Ngoài việc đóng góp tác phẩm văn học với Đồng Nai, ông còn tham gia tổ chức, quan lí đời sống văn học đất này với các chức danh Phó Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, Chuyên viên Cao cấp phụ trách Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội

Là cô giáo tiểu học dạy môn mỹ thuật ở trường làng quê mình, đất Nam Bộ, nhưng Võ Diệu Thanh cũng là tác giả của hơn 20 tác phẩm đã xuất bản và 8 giải thưởng dành cho số tác phẩm ấy, đến từ cấp tỉnh, cấp miền, cấp quốc gia!

Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY

Vậy mà, khi bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của ông được in báo lại từng gây tranh cãi. Có người còn cho rằng ông đã không còn lòng tin, tình yêu với nơi ông đang sống.

Nhắc lại chuyện 10 năm trước

Bài thơ ấy mở đầu: “Tuổi ta nhiều hơn tuổi các ủy ban/ bao nhiêu lượt mùa Xuân về không nhớ nữa/ những tòa nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta/ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ/ ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá/ ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…”.

Và kết thúc: “… ta phải nghe những mặn nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn/ nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận…/ những thánh nhân bên cạnh những tầm thường/ chợt khát thèm một sớm mù sương/ không nhìn rõ mặt người/ mơ màng/ hy vọng”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Đàm Chu Văn

Có người đặt dấu hỏi, phải chăng tác giả núp bóng cây dầu để vỗ ngực ta đây, coi thường quần chúng nhân dân! Hỏi vu vơ như thế cũng khiến Đàm Chu Văn khốn đốn. Thật may, những người am hiểu chuyên môn văn chương đã kịp thời gỡ rối. Theo ông Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương) thì: “Đây là một bài thơ có tứ tốt, nhưng đôi chỗ còn hạn chế như cách đặt tên bài, cách diễn đạt chùm câu cuối, và vài chỗ trong bài dễ khiến người đọc hiểu theo hướng không có lợi” (Tuổi trẻ, ngày 14/8/2012). Căn bản là tốt, chỉ có đôi hạn chế. Cũng lúc ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã nói rõ hơn: “Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng, có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc” (Tuổi trẻ, ngày14/8/2012).

Với riêng người viết bài này, thì đây là bài thơ hay của Đàm Chu Văn! Nói chuyện trăm năm, ngàn năm mà không đao to búa lớn, chỉ cần thầm thì, xào xạc; nói chuyện phế, hưng trong lịch sử, rất sử thi nhưng lại chi tiết tới “thớ cây mạch rễ”, đồng thời cũng vẫn tạo được thế “tùng” lực lưỡng mà Nguyễn Trãi, từ thế kỷ 15 đã tạc vào Quốc âm thi tập: “Cội rễ bền dời chẳng động/ Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày”.

Chuyện xảy ra cũng đã 10 năm, xin nhắc lại để thông cảm với cái khó của giới cầm bút khi muốn thực hiện đúng chức năng văn học, đã để cái “thiện” hòa nhuần nhuyễn trong cái “đẹp”, khiến cái “chân” có tính ẩn dụ tích cực không bị hiểu nhầm thành một “biểu tượng hai mặt”, tiêu cực. Thông cảm với cái khó khi người viết bước sớm vào lĩnh vực văn học sinh thái, hướng bạn đọc tới một thiên nhiên khoáng đạt, trường tồn.

Nhắc lại cũng là để chia vui với tác giả từng gặp sóng gió năm nào, lại có bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3, bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022). Đó là bài Thả diều bên dòng sông quê hương, có đoạn: “Em buông lên cánh diều/ Sông nối dài tay gió/ Những buổi chiều thong thả/ Sông chơi diều cùng em…”.

Chú thích ảnh
Trang sách giáo khoa in bài thơ của Đàm Chu Văn

Chấm thêm màu khăn đỏ vào trời quê hương xanh ngắt

Bài thơ 3 khổ của Đàm Chu Văn được các nhà biên soạn giáo khoa dùng làm bài chính tả nghe - viết, trong tiết ôn tập học kỳ 2. Mỗi khổ đều có những âm tiết mang “vấn đề” chính tả để thầy cô giáo có thể kiểm tra trình độ học sinh của mình: Chính tả ngữ nghĩa: d-gi (diều - gió), chính tả phương ngữ vùng miền, ở phụ âm cuối c-t ( sắc - ngắt), ở cấu tạo vần ai - ay ( bay - kìa).

Dù vậy, sau khi hướng dẫn học sinh viết đúng, thầy cô giáo cũng nên chỉ ra chất thơ của bài để các em đọc hay. Chất thơ ấy chính là những phút giây người học sinh “thong thả”, “tung tăng”, tạm xa sách vở, chơi với thiên nhiên, “kiễng chân” chơi hết mình để chấm thêm màu “khăn đỏ” của mình vào “trời quê hương xanh ngắt”.

Đọc thơ Đàm Chu Văn, bạn đọc thiếu nhi được chơi với sông, với gió, với trời… như thế, để thơ thới! Các em con được chơi chữ để mở rộng hiểu biết, để biết sân khấu chèo, khi chiết tự, chỉ một tên gọi ấy: “Để nguyên: tiếng hát sân đình/ Bớt huyền: nộp lễ để mình cưới ta/ Bớt đuôi, huyền mất: mái nhà/ Bớt đầu: nghe tưởng người ta đánh mình!”.

Các em biết sâu khấu tuồng khi được quan sát chỉ một đạo cụ thôi - cây phất trần trong tay các diễn viên: “Thoắt là ngựa cưỡi/ Thoắt là giáo gươm/ Cái gì lạ vậy/ Trong sân khấu tuồng?”.

Từ sân khấu tuồng chèo, Đàm Chu Văn dẫn độc giả của mình vào rạp chiếu phim, rồi ông đố: “Không có ta, chẳng có phim/ Tìm trong khắp cảnh đố nhìn thấy ta/ Mỏng manh trang giấy là nhà/ Lặng im con chữ mà ra khóc cười?”, để các em giải đố về một thuật ngữ điện ảnh: Kịch bản!

Tập thơ Thơ câu đố, câu đố thơ (NXB Đồng Nai, 2007) của Đàm Chu Văn có hàng trăm trò chơi chữ như thế! Về tập thơ này, nhà thơ Đặng Hấn, có nhận xét: “Đúng là chơi, là giải trí mà là học… Và, nếu mỗi câu đố lại là một bài thơ nhỏ, truyền cho ta cảm xúc, đem đến cho ta khoái cảm thẩm mỹ thì quả là “nhất cử...tam tứ tiện”.

Chú thích ảnh
Tập thơ “Xao Thu” là những cảm xúc thật của một cựu chiến binh về từ chiến trường Campuchia

Những cảm xúc thật của một cựu chiến binh

Cầm bút hơn 20 năm, đến tập thơ mới nhất của mình là Xao Thu (NXB Hội Nhà văn, 2019), Đàm Chu Văn đã đủ sức bút để nén chữ nghĩa, cô đúc như thơ haiku. Ví dụ: “Sau mưa/ giọt nước trên lá/ long lanh mắt trẻ thơ”; “Đóa sen giữ mình trong trắng/ sự trong trắng/ gửi mình trong đóa sen”; “Tiếng chuông chùa/ hồn tu sĩ/ ngân nga…”.

Ông cũng đủ sức bút để đuổi theo cảm xúc, phá bung hạn chế thể loại, có thể viết câu thơ dài tới 38 âm tiết về nhà thơ Thu Bồn, với nhiều chữ lạ: “Có điều, ông sẽ không còn sức vâm váp cụi cần khuân đá đắp nền như những ngày ở bên suối Lồ Ồ uyềnh oang tiếng ễnh ương và tiếng chắc lưỡi tắc kè nuối ngược quá khứ”.

Trong tập thơ mới này, Đàm Chu Văn tự tin thể hiện những cảm xúc thật của một cựu chiến binh trở về từ chiến trường Campuchia. Người lính ấy thương mẹ, đã mất em, có thể lại mất con: “Cậu Hoan đi đánh Mỹ mãi chưa về/ Con lại đi/ giấy gọi nhập trường đại học còn để trên bàn học/ tập vở, trang sách ấm bàn tay con lật/ còn đọng ánh mắt khát khao ham hiểu biết/ quần áo con còn treo trên mắc, dây phơi/ gối vải, chõng tre còn vương hơi ấm/ lối ngõ, mảnh vườn thấp thoáng bóng hình con…/ Núm ruột của mẹ dứt ra đi/ như bao người con trai mọi nhà/ngày đêm mẹ khấn thầm, mong đợi”.

Người lính ấy làm thơ kính dâng linh hồn những đồng đội đã hy sinh tại chiến trường Campuchia, mãi lỡ hẹn với những tà áo dài:“Tà áo dài muốt trắng/ em mang đến Xiêm Riệp, Bát Tam Bang,... tìm anh/ bốn mươi năm/ chiến trường xưa/ khô nồng nắng đổ/ ngày ấy anh ra đi mang theo lời hẹn áo dài…”.

Người con gái Việt Nam bận áo dài trắng học sinh tìm người tình chiến sĩ, nhưng anh đã thành liệt sĩ: “Anh không về/ màu áo trắng để tang lời thề hẹn/ Bốn mươi năm em vẫn mang áo dài trắng tìm anh/ biết lòng mình còn trong trắng/ những người lính tình nguyện năm xưa theo hương áo tìm về”.

Trí tưởng tượng của người làm thơ đã mở đường thơm “hương áo” để anh linh liệt sĩ tìm về. Bài thơ kết như một giấc mơ đẹp về sự thủy chung, làm dịu nỗi đau mất mát. Và nếu nhìn tập thơ như một hồi ức bài nối bài về cuộc chiến giữ nước, anh linh nhập thế kia sẽ thấy những người lính trẻ đang tập trận: “Nòng pháo nghếch trời xanh/ những cặp mắt hướng theo hiệu cờ, khẩu lệnh/ Tập bắn trên sân thượng/ mặt đất ru êm bầu trời”, sẽ tin những lính trẻ hôm này, đủ đức tin và lòng dũng cảm. Và họ đã: “Một khúc quân hành hòa giọng/ Bước chân cuối đất cùng trời/ Tổ quốc trĩu vai người lính/ Vẹn tròn sông núi, biển khơi”.

Nhà thơ Đàm Chu Văn sinh năm 1958 tại Thái Bình. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP.HCM, rồi Phân viện Báo chí, Tuyên truyền. Tham gia quân đội từ 1976 đến 1983. Tác giả của 11 tác phẩm văn học đã xuất bản. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1998. Hiện sống và làm việc tại Đồng Nai.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm