Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: 'Mong ngày tương phùng' - bài dân ca trong lòng tôi!

11/01/2024 09:34 GMT+7 | Giải trí

3 năm trước, khi đón Xuân tại Bắc Giang, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã cho ra đời ca khúc Mong ngày tương phùng chỉ trong 2 giờ đồng hồ. Nhưng đến thời điểm này, anh mới chính thức cho ra mắt tác phẩm ở dạng MV, như một món quà "nho nhỏ" dành cho công chúng nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - nhà nghiên cứu âm nhạc được mệnh danh là "nhà khảo cổ" Xẩm, đồng thời cũng là người giữ chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay"  trên báo Thể thao và Văn hóa - đã chia sẻ về những sáng tác mới của mình.

* Vào dịp sát Tết này, mọi người sẽ mong chờ ở anh một bài xẩm Xuân mới. Vậy, anh nói gì về sự ra đời của "Mong ngày tương phùng"?

- Chính tôi cũng bất ngờ vì điều này! Dù rất gắn bó với âm nhạc truyền thống dân tộc, rất yêu những câu dân ca đồng bằng Bắc bộ hay những câu quan họ duyên dáng trữ tình nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ sáng tác và giới thiệu một tác phẩm nghiêm túc dành cho thể loại ca mới và khai thác chất dân ca như thế này. Nên, ca khúc Mong ngày tương phùng viết theo lối mới, vẫn đậm đà chất liệu dân ca Bắc bộ. Tôi coi đây như một bài dân ca trong lòng tôi vậy.

Tôi có được Mong ngày tương phùng vào thời điểm Tết 2020, khi tôi cùng gia đình quyết định ăn tết ở thành phố Bắc Giang với một không khí Xuân ngập tràn trên vùng quê Kinh Bắc. Trong tâm trạng sum vầy bên những người thân yêu trong gia đình, nhưng lại có sự xa cách với người bạn tâm giao, những giai điệu cứ hiện lên trong đầu tôi và tôi đã cầm cây đàn guitar, cất lên tiếng hát và ghi lại.

Chỉ chừng 2 tiếng đồng hồ trong thời điểm ấy, tôi hoàn thành Mong ngày tương phùng. Và tới thời điểm này, tôi mới quyết định ra mắt nó như món quà Xuân dành cho mọi người. Tôi muốn tất cả mỗi chúng ta ai cũng được yêu thương và sống trong hạnh phúc bên người mình yêu thương.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: 'Mong ngày tương phùng' - bài dân ca trong lòng tôi! - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

* Việc lựa chọn hai giọng ca Minh Ngọc và Phan Thanh Cường trong sản phẩm này có khiến anh phải cân nhắc nhiều không?

- Không phải ngẫu nhiên mà tôi chọn hai ca sĩ Minh Ngọc, Phan Thanh Cường. Ngọc là giọng ca có chất quan họ, lại đang học thanh nhạc nên phù hợp với dòng ca khúc mang chất dân gian đồng bằng Bắc bộ. Giọng hát của Ngọc cũng đã được khẳng định với công chúng khi từng tham gia và là Quán quân của Tuyệt đỉnh song ca nhí 2018.

Còn Phan Thanh Cường là một người em đồng hành cùng tôi trong công việc nhiều năm qua. Cường có tố chất, có giọng hát trữ tình, mang mác buồn nhưng cũng rất phù hợp với bài hát của tôi. Ban đầu, khi tôi mời, Cường do dự nhưng rồi cũng đồng ý. Tôi mất một hai lần chỉ cho Cường cách luyến láy kiểu dân ca và Cường bắt theo rất nhanh.

MV "Mong ngày tương phùng"

* Ngoài ca khúc này, gần đây anh có nhiều sáng tác được "lên sóng". Anh đang có nhiều cảm hứng với việc sáng tác?

- Tôi gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu, lý luận và gắn bó mật thiết với âm nhạc truyền thống dân tộc. Nhưng đúng là với người nghệ sĩ, khi cảm hứng thức dậy, nếu không ghi ra, sẽ cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Mà điều này lại đến với tôi trong mật độ dày hơn ở một vài năm gần đây. Vậy là tôi phải làm thôi, làm theo thôi thúc từ trong suy nghĩ, trong tâm hồn và trong tình cảm của tôi dành cho âm nhạc, tình yêu và cuộc đời.

Vì bạn nói vậy, tôi cũng xin bật mí, cùng Xuân của năm 2020 ấy, tôi sáng tác 3 bài như một liên khúc về nội dung, cũng có thể là bài hát độc lập. Đủ cả 3 bài sẽ là: Sao đứng một mình, Em xinhMong ngày tương phùng. Mong ngày tương phùng là bài cuối, nhưng được giới thiệu đầu tiên, không do chủ đích của tôi, có thể đó là một cái duyên. Cho nên, tôi mong ước bài này sẽ có được sự đồng cảm của mọi người.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: 'Mong ngày tương phùng' - bài dân ca trong lòng tôi! - Ảnh 3.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (người ngồi bên phải) chụp ảnh cùng 2 giọng ca Minh Ngọc (thứ 3, từ trái sang) và Phan Thanh Cường (thứ 4, từ trái sang) trong MV “Mong ngày tương phùng”

* Nhìn lại, sự gắn bó của anh với xẩm diễn ra như thế nào trong năm 2023? Giữa việc sáng tác ca khúc với xẩm có mối liên hệ nào trong anh không?

- Tôi vẫn gắn bó với xẩm trong suốt gần 20 năm qua như công việc hàng ngày. Tôi đi diễn, giới thiệu xẩm cùng với nhóm Xẩm Hà Thành của mình đều đặn và cũng vẫn sáng tác những bài xẩm mới. Tôi và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhóm Xẩm Hà Thành cũng đang chuẩn bị ra mắt một bài xẩm mới viết riêng về Tết.

Dẫu thế, với những sáng tác ca khúc của tôi như Quên nhớ một người hay Mong ngày tương phùng thì hoàn toàn không có bóng dáng của xẩm. Trong ca khúc tôi thiên về màu sắc trữ tình tự sự, hoặc đúng con người của tôi nhất thì là âm nhạc mang chất liệu dân ca đồng bằng Bắc bộ, chất liệu dân ca Quan họ Bắc Ninh - nơi vùng quê tôi đã sinh ra và lớn lên.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: 'Mong ngày tương phùng' - bài dân ca trong lòng tôi! - Ảnh 4.

Minh Ngọc và Phan Thanh Cường

*Trong cuộc trò chuyện về âm nhạc vào dịp đầu năm ngoái, anh dự đoán xu hướng "mộc" theo đúng nghĩa có thể trở thành nhu cầu mạnh mẽ. Vậy theo dõi nhạc Việt trong năm 2023 nói chung cũng như trong chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay" trên TT&VH nói riêng, anh thấy có những chuyển động ra sao?

- Tôi dự đoán nên có, đúng nhưng không hoàn toàn. Âm nhạc "mộc" vẫn tiếp tục phát triển, vẫn lan tỏa ngày một rộng hơn trong cộng đồng nhưng sự bùng nổ thì chưa thấy. Dù sao nếu âm nhạc mộc được đón nhận nhiều hơn thì điều đó sẽ tốt cho khán giả vì được nghe những gì đến từ những nhạc cụ thật nhất và từ những cảm xúc thật nhất của người nhạc công, ca sĩ khi thể hiện những tác phẩm ấy.

Năm qua, âm nhạc điện tử vẫn tiếp tục ở thế thượng phong. Những giai điệu sôi động tiếp tục là cơn bão cuốn giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta thấy tư duy của các nhạc sĩ đã có sự thay đổi, tìm nhiều cách đến với công chúng hơn. Cụ thể là chúng ta chứng kiến nhạc sĩ Đức Trí, Đỗ Bảo trở lại trong những chương trình riêng rất lớn và tạo được tiếng vang hay nhạc sĩ Giáng Son đã tiếp cận khán giả bằng cách tự hát những tác phẩm của mình…

*Nhân câu chuyện sáng tác về Tết, tôi được biết anh thích Tết. Vậy không kể đến những phong tục tập quán đón Tết từ truyền thống đến hiện đại đã có nhiều thay đổi, định nghĩa Tết trong anh là gì? Và anh thích nhất làm gì vào dịp này?

- Tết trong tôi vẫn là sum vầy, hướng về tổ tiên, hướng về gia đình, ở bên mẹ bên những người thân trong gia đình. Đi thăm tết họ hàng và bạn bè. Đi lễ chùa, đền ngày đầu năm mới… Đây cũng là những yếu tố tạo nên giá trị của tết Việt, là một thành tố tạo nên nền tảng gia đình và mối quan hệ cộng đồng của người Việt nên được giữ lại trong đời sống hiện nay.

Bên cạnh đó là những tập tục tốt đẹp như chúc thọ người cao tuổi, những món ăn đặc trưng, mâm cỗ tết tôi vẫn muốn giữ những nét cổ truyền bên cạnh những yếu tố mới mang tính thời điểm được bổ sung.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Với chất liệu dân gian vùng đồng bằng Bắc ca khúc Mong ngày tương phùng vừa có sự rộn ràng của mùa Xuân Kinh Bắc với bóng dáng của các liền anh, liền chị đi trảy hội Xuân, vừa có nét trữ tình xao xuyến giữa những tâm hồn mến thương nhau, và được thể hiện với phong cách trẻ trung, nhẹ nhàng và duyên dáng qua hai giọng ca Minh Ngọc và Phan Thanh Cường.

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm