Nguồn nội lực ở V-League: Bao giờ, bóng đá Việt Nam tự cường?

26/09/2015 05:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Từ việc đăng ký 5, dùng 3; rồi 3 dùng 2 và giờ là 2 dùng 2, với các suất ngoại binh/CLB ở V-League (riêng hạng Nhất 2015 sạch bóng ngoại binh), chủ ý của nhà tổ chức (VPF) và cao hơn là VFF muốn tạo điều kiện tối đa để phát triển nguồn nội lực, đặc biệt là tạo môi trường phấn đấu cho cầu thủ trẻ. Đó cũng là một cách tiết kiệm chi tiêu, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, dấu ấn của nội binh ở mùa giải 2015 vẫn chưa bật lên được. Chất lượng giải đấu có chiều hướng đi xuống và nó ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra là các ĐTQG, đấy là điều chắc chắn.

Từ B.Bình Dương đến Hà Nội T&T

B.Bình Dương tiếp tục thống trị giải đấu cao nhất xứ sở khi giữ vương miện ở lại đất Thủ mùa thứ 2 liên tiếp và là chức vô địch thứ 4 trong lịch sử ở kỷ nguyên chuyên nghiệp. Sức mạnh nội tại của họ phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tài chính dồi dào, mà theo như chia sẻ của TGĐ Cao Văn Chóng là trên dưới 50 tỷ đồng/mùa giải. Ngoài việc về đích sớm trước 2 lượt trận ở V-League 2015, chiều nay, B.Bình Dương sẽ bước vào trận chung kết Cúp QG với Hà Nội T&T để có trọn bộ sưu tập.

Dàn hảo thủ ở sân Bình Dương khiến thiên hạ phải ước ao và trong bối cảnh chất lượng ngoại binh nhìn chung là đi xuống cũng vì những khó khăn về tài chính, thì B.Bình Dương vẫn sở hữu Abass Dieng, Moses Oloya, Marko Simic và cả thủ môn nhập tịch Quốc Thiện Esele, đẳng cấp đều thuộc hàng “top”. Điều đó tạo nên sự khác biệt rất lớn với phần còn lại. So về chất lượng ngoại binh và “Tây” nhập tịch, có lẽ chỉ á quân V-League 2015 là Hà Nội T&T mới có thể bì được với đất Thủ.

Với Gonzalo, Hoàng Vũ Samson, Hector (lượt đi) và Victor…, Hà Nội T&T sở hữu vũ khí chiến thắng thượng thặng. Tuy nhiên, những lỗ hổng ở hàng phòng ngự chưa được khoả lấp, kể từ sau khi Cristiano Roland treo giầy, khiến đại diện Thủ đô mất thăng bằng ở lượt đi và đánh mất lợi thế trong cuộc đua đến ngôi vương với B.Bình Dương. Mặc dù vậy, ngôi á quân V-League và suất chơi chung kết Cúp QG mùa này vẫn được xem là thành công.

Như HLV Hoàng Anh Tuấn từng khẳng định, năng lực của một giải đấu hay nền bóng đá được đo bằng tham vọng của một đội bóng diện khi bước ra đấu trường châu lục. Ở hạng mục này, B.Bình Dương là CLB duy nhất của Việt Nam có thể chơi được ở AFC Champions League, giải đấu cao nhất châu lục cấp CLB. Trong khi đó, việc đội tuyển Việt Nam thất thế ngay tại AFF Suzuki Cup hay U23 Việt Nam thua thiệt ở các kỳ SEA Games không thể không liên đới đến V-League và giải hạng Nhất.

Và tương lai nào cho nền bóng đá?

Sau hơn 10 năm tiến lên chuyên, VFF và nhà tổ chức đã có những hoạch định lại chiến lược, để không tiếp tục thất thoát nguồn tiền chảy ra nước ngoài (quỹ lương và phí chuyển nhượng dành cho các ngoại binh cũng như “Tây” nhập tịch quá lớn, chiếm 30 – 40% ngân quỹ, nhưng lại không mang giá trị sử dụng trong màu áo các ĐTQG). Tức là việc tiết chế lại suất đăng ký ngoại binh (và “Tây” nhập tịch) không được thực hiện một cách đường đột, mà có sự chuẩn bị, có tính toán. Tuy nhiên…

Người trong cuộc vẻ như chưa đo được các hệ luỵ kèm theo, khi nguồn nội lực chưa thể đáp ứng được những đòi hỏi của bóng đá chuyên nghiệp. HAGL ở V-League 2015 là một điển hình, khi ngay cả lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng và được kỳ vọng lớn của Công Phượng đã không thể tự đứng vững. Bầu Đức sau giai đoạn 1 nói không với ngoại binh, đã phải thay đổi quan điểm, để tránh suất xuống hạng. V-League phân hoá ngày một sâu sắc, trong khi giải hạng Nhất chẳng khác phong trào là mấy.

Tại QNK Quảng Nam, Patiyo Tambwe vẫn quyết định các chiến thắng với 18 bàn thắng, đoạt danh hiệu Vua phá lưới; Nsi Amougou vẫn ghi 14 bàn thắng mùa này song vẫn không thể cứu Đồng Nai khỏi suất xuống hạng; trong khi Gonzalo, Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T), Diabate (ĐTLA), Errol Stevens (Hải Phòng), Kpenosen (Đồng Tháp), Uche (S.Khánh Hoà BVN), Abass Dieng, Moses (B.Bình Dương)… vẫn tiếp tục là rường cột, bất kể phong độ và đẳng cấp chưa phải tinh hoa.

Khi V-League ngày càng vơi đi các ngoại binh chất lượng, khó thể kích thích tính cạnh tranh cũng như sự phát triển của giải đấu, cả về chất lượng lẫn các giá trị thương mại kèm theo. Việc tiết giảm suất đăng ký ngoại binh, đồng thời vẫn quy trì được môi trường phát triển cho cầu thủ trẻ, trên thực tế, có thể thực hiện ở các giải đấu hạng thấp. Bằng cách nào đó, phải tăng số lượng đội ở hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba QG, thay vì quá èo uột; đồng thời, tạo nhiều hơn sân chơi cho bóng đá trẻ.

Chỉ khi nào nền bóng đá tạo được cái nền móng rộng và sâu, theo hình kim tự tháp, mới hy vọng tự cường được, còn nếu chỉ chăm chuốt – giải quyết phần ngọn, chúng ta vẫn mãi “xây nhà từ nóc” mà thôi!

16. Với 16 bàn thắng của Văn Thắng ở V-League 2015 (kém Patiyo 2 bàn), lần đầu tiên sau 13 năm, một chân sút nội mới lại tiệm cận được danh hiệu “vua phá lưới” ở kỷ nguyên chuyên nghiệp, sau lần duy nhất thuộc về Hồ Văn Lợi (mùa giải 2001 – 2002).

6. Dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng Công Phượng cũng chỉ ghi được vỏn vẹn 6 bàn ở mùa giải này, với một nửa trong số đó đến từ các pha đá penalty. Sự thất thế của Công Phượng và đồng đội tại V-League 2015 khiến nhiều người phải nghi ngại nguồn nội lực.

3. Trong số 10 chân sút hàng đầu tại V-League 2015 có đến 3 cầu thủ là người bản địa. Tuy nhiên, từ Văn Thắng đến Văn Quyết, rồi Đình Tùng đều không được biết đến như một tiền đạo thực thụ. Họ chơi lùi hoặc đá cánh, hưởng lợi nhiều từ các trung phong ngoại.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm