Ngoại binh V.League không là 'ông tướng'

16/01/2015 12:14 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh khó khăn, không ít đội bóng V-League mùa này chọn cách ký hợp đồng với ngoại binh trong thời gian ngắn, thậm chí giới hạn thử thách chỉ vài trận. Nếu chơi tốt họ tiếp tục được gia hạn, còn ngược lại sẵn sàng bị đẩy ra đường. Hiện tượng đó nói lên điều gì?

SLNA quyết định gia hạn hợp đồng đến nửa mùa giải 2015 với Abubakar Mahadi, vì tiền đạo này vừa có màn thể hiện xuất thần khi lập cú đúp giúp đội nhà giành chiến thắng quan trọng trước chủ nhà SHB.Đà Nẵng trên sân Chi Lăng.

Trước đó, sau thời gian thử việc, Abubakar Mahadi chỉ được ký hợp đồng đá 2 trận, và với phong độ tệ hại trong trận ra quân gặp Hải Phòng, tiền đạo da màu mang áo số 99 không còn cửa để ở lại SLNA, nếu đá đấm không ra gì ở Chi Lăng.

Chơi trò may rủi với ngoại binh

Không được may mắn như Abubakar Mahadi, cả 2 ngoại binh của HA.GL đều bị đội bóng phố núi sa thải ngay sau 2 lượt trận. Nguyên nhân, trung vệ Majit có dấu hiệu mắc bệnh tim, còn tiền đạo Lukanovic bị chê thi đấu vật vờ, không tạo ra được sự khác biệt với cầu thủ nội.

Tương tự, tại CLB Thanh Hóa, “bò mộng” Timothy Ajembe vì “cứng đầu”, và phong độ đi xuống, vừa bị đội bóng xứ Thanh đẩy ra đường, thay thế anh là một sát thủ mới đến từ Brazil, tiền đạo Patrick Da Silva.

Việc nhiều CLB ở V-League đã bắt đầu “nắm thóp” các ngoại binh, ký hợp đồng ngắn hạn, xét trên khía cạnh tích cực, có thể tránh được những rủi ro chấn thương hay mua phải hàng kém chất lượng, đồng thời kích thích tinh thần thi đấu hết mình vì đội bóng của họ.

Song, công bằng mà nói, với khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, rất khó để các ngoại binh có thể hòa nhập được với môi trường mới và thi đấu tốt lên ngay lập tức.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các CLB tiềm ẩn nguy cơ mất những “con cá to”, mà trước đó họ không có đủ kiên nhẫn để giữ lại lâu hơn.

Thực tế, V-League cũng đã từng chứng kiến việc một số đội bóng bày tỏ sự nuối tiếc vì để cầu thủ tốt ra đi. Điển hình như SLNA ở mùa giải 2012, khi họ đẩy sát thủ Abass sang Thanh Hóa, lập tức tiền đạo này tỏa sáng và trở thành người hùng ở xứ Thanh. Hiện, trong màu áo B.Bình Dương, Abass đang giữ suất đá chính trên hàng công, và là trụ cột gần như không thể thay thế của đội bóng đất Thủ.

Mạo hiểm vì kinh phí eo hẹp

Lý giải cho việc ký hợp đồng ngoại binh theo kiểu đề phòng rủi ro, ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Công ty CP bóng đá SLNA, cho biết: “Các đội bóng có nguồn kinh phí eo hẹp như SLNA không thể ký hợp đồng nhiều mùa với ngoại binh, càng không thể ký được với cầu thủ chất lượng, có tiếng tăm.

Điều này buộc chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm, chọn mặt gửi vàng, nhưng cũng phải cẩn thận đề phòng rủi ro, về phong độ, về chấn thương, về khả năng phù hợp của ngoại binh đối với đội bóng. Biết rằng làm thế thì khả năng để sổng cầu thủ tốt khá cao, nhưng trước mắt chúng tôi không còn cách nào khác”.

Hiểu theo cách giải thích của ông Nguyễn Hồng Thanh, các ngoại binh đến V-League tìm việc, để được ký hợp đồng có thời hạn kha khá, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, sức khỏe, cần thể hiện được khả năng hòa nhập nhanh chóng. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao, trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, V-League ít phát hiện được ngoại binh giỏi kiểu Merlo, Ameida, Kesley, Antonio… ngày nào.

Bất luận thế nào, cũng nên siết lại cơ chế sử dụng ngoại binh còn nhiều bất cập như thời gian qua, để họ nhận ra giá trị thực, tương xứng giữa cống hiến và được nhận, thay vì chỉ được nhắc nhiều đến việc đòi hỏi, yêu sách.

Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm