Những VĐV kỳ lạ tại Olympic Sochi: Hoàng tử, nghệ sĩ, và... tu sĩ

10/02/2014 06:55 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Thế vận hội mùa Đông Sochi là nơi tranh tài của những VĐV tài năng nhất trên thế giới và cũng là nơi có những câu chuyện khác thường.

Không chỉ có cạnh tranh danh hiệu, được bước ra giữa bầu trời đầy tuyết ở một sự kiện thể thao lớn đã là niềm mơ ước của nhiều người. Bởi thế, có những VĐV gây bất ngờ với mục đích tới Olympic. Từ Hoàng tử Mexico cho tới người đàn ông thay đổi tên của mình để kiếm tiền.

1. “Hoàng tử” Hubertus von Hohenlohe

Hubertus von Hohenlohe được truyền thông thế giới coi là “VĐV ấn tượng nhất Olympic Sochi 2014” và được chú ý từ khi giải đấu còn chưa khai mạc. Cha của Hubertus là người Đức, mẹ là người Italy, sinh ra ở Mexico và có thời gian sống ở Tây Ban Nha và hiện tại ở Áo nhưng lựa chọn quốc tịch Mexico bởi cho rằng “cha mẹ tôi có yêu Mexico mới chọn đó là nơi để sinh ra tôi”.

Hubertus đam mê trượt tuyết từ khi còn học tập ở Áo và năm 1981, ông tự mình thành lập Liên đoàn trượt tuyết Mexico, một quốc gia nắng ấm quanh năm, và luôn một mình đại diện cho nước này đi dự thi các giải đấu quốc tế từ đó.

Hubertus còn có dòng dõi Hoàng gia. Ông chính là cháu nội của vua Franz đệ nhị, vị Hoàng đế cuối cùng của đế chế Holy Roma, và thường được gọi là “Hoàng tử Hubertus”. Đi thi ở tuổi 55, Hubertus trở thành VĐV cao tuổi thứ 2 tham dự Olympic, sau VĐV huyền thoại người Thụy Điển, Carl August Kronlund. Ngoài trượt tuyết, ông còn khởi nghiệp ca sĩ, nhiếp ảnh gia và làm MC truyền hình.

2. Nghệ sĩ vĩ cầm Vanessa Mae

Vanessa Mae là một trong những nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng trên thế giới. Năm 2006, Vanessa-Mae là một trong những người trẻ tuổi giàu nhất nước Anh với tài sản khoảng 64 triệu USD nhờ bán được hơn 10 triệu bản thu âm cũng như thu nhập từ những buổi tham gia hòa nhạc. Dù vậy, Mae vẫn muốn thử sức với niềm đam mê mà cô đã theo đuổi từ năm lên 4, trượt tuyết đổ đèo. Tại Sochi, cô sẽ đại diện cho thể thao Thái Lan tham dự nội dung này dưới tên Vanessa Vanakorn.

3. Vợ chồng nhà Di Silvestri

Nhà Di Silvestri là một trong những gia tộc giàu có sống ở Mỹ. Thế nhưng, họ lại đại diện cho CH Dominica tham dự Olympic Sochi. Tại sao lại có chuyện lạ lùng này?

Gary di Silvestri và vợ là Angelica Morrone di Silvestri, sau khi đạt được những thành công rực rỡ trong ngành tài chính đã quyết định chuyển tới nước CH Dominica để thực hiện những dự án nhân đạo.

Họ được ưu ái nhập quốc tịch Dominica và đã trở thành những người đầu tiên trong lịch sử quốc gia Trung Mỹ này tham dự một kỳ Olympic mùa Đông.

4. Bruno Banani

Bruno Banani thực sự không phải là tên thật của VĐV đại diện cho Tonga, một quốc đảo ở Thái Bình Dương, tham dự Olympic Sochi. Chàng trai đó được sinh ra với cái tên Fuahea Semi. Năm 2008, chính phủ Tonga hợp tác với một công ty marketing của Mỹ tổ chức cuộc thi chọn đại diện đi dự Olympic mùa đông.

Fuahea Semi chiến thắng và được đưa tới Đức để tập môn đua xe trên băng. Để bù đắp chi phí, công ty Mỹ đã đề xuất đổi tên cho Semi thành Bruno Banani với hy vọng thu hút tiền tài trợ thương hiệu từ một hãng đồ lót của Đức cùng tên. Chính phủ Tonga đồng ý với đề xuất này và toàn bộ giấy tờ của Semi đã được thay tên đổi họ.

5. Dachhiri Sherpa

Dachhiri Sherpa là một VĐV có lý lịch khá đặc biệt của Nepal. Sinh ra trong một ngôi làng dưới đỉnh Everest, Sherpa được đưa lên một tu viện và đến năm 33 tuổi mới được dạy trượt tuyết bởi một khách du lịch người Hà Lan.

Sherpa sau đó chuyển tới Thụy Sĩ tập luyện và ra mắt lần đầu tiên với tư cách VĐV chuyên nghiệp tại Đại hội Thể thao Mùa đông châu Á 2003 tại Nhật Bản. Gần1 thập kỷ sau, ông mới leo lên đến vị trí thứ 92 tại Thế vận hội Vancouver 2010. “Đây sẽ là Olympic cuối cùng của tôi, tôi cần phải tìm kiếm một tài năng trẻ” - Sherpa bộc bạch khi đó nhưng cho tới bây giờ, ông vẫn đang dự thi.

Cẩm Oanh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm