"Nghĩa địa trắng" trên đỉnh Everest: Mạo hiểm mạng sống để chinh phục "nóc nhà thế giới", nhiều nhà leo núi chẳng thể tìm được đường về nhà

04/01/2023 11:58 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Thi thể đông cứng ngày càng trở thành cảnh tượng quen thuộc tại đỉnh Everest khi nhiều nhà leo núi ít kinh nghiệm bất chấp cảnh báo nguy hiểm, mạo hiểm cả mạng sống để chinh phục thử thách.

"Bẫy" trên đỉnh Everest

Một nhà leo núi có kinh nghiệm đã miêu tả khung cảnh trên đỉnh Everest bằng những từ ngữ gây bàng hoàng: "chết chóc, tàn sát, hỗn loạn" – khi các nhà phiêu lưu bước qua các xác chết để chạm đến đỉnh cao nhất của thế giới.

"Tôi không thể tin vào mắt mình trước cảnh tượng ở đó", nhà leo núi Elia Saikaly và cũng là một nhà làm phim bình luận về hành trình chinh phục Everest của mình hồi năm 2019.

Anh Elia Saikaly kể lại, vào sáng sớm ngày 23/5. Đó là khi ánh bình minh làm lộ ra một cái xác vô hồn của một nhà leo núi khác. Ở độ cao này, anh và đội nhóm của mình không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục di chuyển. Trong đội của anh có cô Joyce Azzam, người phụ nữ Lebanon đầu tiên chinh phục "Bảy nóc nhà thế giới". Họ đã lên đến đỉnh núi không lâu sau đó.

"Nghĩa địa trắng" trên đỉnh Everest: Mạo hiểm mạng sống để chinh phục "nóc nhà thế giới", nhiều nhà leo núi chẳng thể tìm được đường về nhà - Ảnh 1.

Thi thể nằm an nghỉ cách đỉnh Everest khoảng 340 mét - Ảnh: Twitter/Whoacity.

"Nhiều thi thể rải rác ở khắp nơi. Xác chết trên đường đi và trong những lều trại ở Trạm 4. Những người cố gắng quay lại nhưng cuối cùng cũng bỏ mạng. Nhiều người bị kéo xuống. Bước qua xác chết mà đi. Tất cả những gì bạn đọc trong những dòng headline giật gân, đều đã xảy ra trong đêm lên đỉnh của chúng tôi", Elia Saikaly nói.

Đây là lần thứ ba Saikaly chinh phục "nóc nhà thế giới". Nhưng người đàn ông 44 tuổi khẳng định sẽ không bao giờ quay lại nơi này sau những trải nghiệm kinh hoàng trong chuyến đi gần nhất.

Cũng giống như Saikaly, Lhakpa Sherpa - người phụ nữ từng 10 lần chinh phục Everest, cho biết cô từng bắt gặp 7 thi thể trong hành trình leo lên đỉnh núi năm 2018. "Những thi thể đó nằm rất gần đỉnh núi", Sherpa nói.

Năm 2019, ít nhất 11 người chết trên Everest. Năm 2015, một trận lở tuyết đã cướp đi sinh mạng ít nhất 19 người. Mùa leo núi năm 2021, thêm ba người tử nạn trên ngọn núi này... Đó được xem là những mùa chết chóc nhất trên Everest trong ký ức gần đây.

Everest nguy hiểm nhưng vẫn đông nghẹt

Everest cao 8.848 mét, là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất so với mực nước biển. Sau trận động đất tại Nepal ngày 25/4/2015, Everest đã bị giảm độ cao 2,4 cm và dịch chuyển 3cm về phía tây nam. Đường lên đỉnh Everest là biên giới giữa Nepal và vùng Tây Tạng, Trung Quốc.

Với độ cao như vậy, quá trình đưa thi thể người xấu số từ trên đỉnh Everest xuống rất khó khăn. Chi phí vận chuyển có thể lên tới 70.000 USD, kèm theo nhiều rủi ro chết người. Năm 1984, hai nhà leo núi Nepal đã bỏ mạng khi cố gắng đưa một thi thể xuống núi. Do đó, thi thể các nạn nhân thường bị bỏ lại trên núi.

"Nghĩa địa trắng" trên đỉnh Everest: Mạo hiểm mạng sống để chinh phục "nóc nhà thế giới", nhiều nhà leo núi chẳng thể tìm được đường về nhà - Ảnh 2.

Bức ảnh ghi lại cảnh hơn 100 người đang đứng đợi, nhiều người đứng đến 12 tiếng đồng hồ để chờ đến lượt lên đỉnh núi - Ảnh: Businessinsider

Đưa thi thể ra khỏi vùng này là cực kỳ nguy hiểm. "Rất tốn kém và rủi ro, đặc biệt đối với người Sherpa chuyên dẫn đường lên đỉnh", Alan Arnette, nhà leo núi chinh phục Everest, nói với CBC. "Họ phải tiếp cận thi thể, đôi khi sẽ đặt thi thể lên xe trượt tuyết, nhưng thường thì cuốn bằng vải và buộc dây thừng, sau đó kéo xuống. Tôi không muốn cơ thể mình được xử lý theo cách đó".

Arnette cũng đã ký vào các giấy tờ yêu cầu thi thể của mình được "an giấc vĩnh hằng" trên núi trong trường hợp mất mạng trong chuyến đi.

Nhiều người cho rằng số người thiệt mạng gia tăng trên ngọn Everest một phần do tình trạng quá tải. Mùa leo núi Everest rơi vào khoảng tháng 4-5, là thời gian trên đỉnh Everest trời quang đãng, ít mây. Do đó, mọi người sẽ cố gắng leo núi trước khi mùa mưa bắt đầu vào cuối tháng.

Tháng 5/2019 chỉ có khoảng 5 ngày trời nắng đẹp và phù hợp cho việc leo núi, thay vì 7-12 ngày như mọi năm, khiến hàng trăm nhà leo núi đồng loạt xuất phát, gây tắc đường. Nhiều người quyết tâm cao đến mức mạo hiểm mạng sống, bất chấp các cảnh báo. 

"Có khoảng hơn 200 nhà leo núi cùng một lúc leo lên đỉnh", anh Saikaly nói với tờ Guardian về chặng đi lên của anh. "Tôi đi qua một nhà leo núi đã tử vong… xác của người đó gắn chặt vào một điểm neo nằm giữa hai đường dây an toàn, và tất cả mọi người muốn leo lên đỉnh đều phải bước qua con người đó".

"Nghĩa địa trắng" trên đỉnh Everest: Mạo hiểm mạng sống để chinh phục "nóc nhà thế giới", nhiều nhà leo núi chẳng thể tìm được đường về nhà - Ảnh 3.

Khi leo núi trong "Vùng tử thần", não của bạn nhận được 1/4 lượng oxy cần thiết, thậm chí nhiều nhà leo núi dùng bình oxy nhưng vẫn tử vong - Ảnh: Businessinsider

"Rất khó cho những người đang sống ở mực nước biển, những người không phải nhà leo núi, những người chưa bao giờ ở trên độ cao quá 8.000m, để hiểu được tình cảnh đặc biệt lúc ấy. Khi bạn đang ở trên Everest và đang ở Vùng Tử thần, bạn gần như không suy nghĩ được gì hết… Và sẽ là một tình huống rất phức tạp khi bạn nhận ra rằng số phận của bạn có thể cũng sẽ giống như tâm trí của bạn lúc đó. Và với một hàng người đẩy bạn lên đỉnh núi, bạn không thể làm gì hết. Bạn gần như chẳng có lựa chọn nào ngoài việc bước tiếp", anh Saikaly chia sẻ.

Jennifer Peedom, nhà làm phim kiêm đạo diễn từng 4 lần leo Everest, cho biết cảm giác ly kỳ khi chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới giờ đây không còn nữa. "Dường như những bí ẩn thảm họa xung quanh Everest đã làm tăng sức hấp dẫn của nơi này. Hiện tại Everest vô cùng đông đúc, ngày càng nhiều người hơn mỗi năm".

Thông thường, những khách du lịch sẽ chi khoảng 25-75.000 USD để hoàn thành chuyến leo núi "một lần trong đời".

Nepal tìm thấy thi thể của 3 nhà leo núi người Pháp mất tích hồi tháng 10



Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm