Trảy hội, du xuân - văn hóa của người Việt

04/02/2014 10:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trảy hội, du xuân từ lâu đã là nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Trong không khí xuân tưng bừng của những ngày đầu năm mới, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh, thành phố trong cả nước đã đón một lượng lớn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu các phong tục đón Tết độc đáo cũng như chứng kiến các lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở khắp các các vùng, miền.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, trong 3 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đã có 31.628 hành khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.

Đây là những hành khách di chuyển từ các tuyến bay nội địa cùng du khách quốc tế, bà con Việt kiều nhập cảnh về Thủ đô Hà Nội để thăm quê hương, đất nước và hành khách xuất cảnh từ Hà Nội đi các tỉnh, thành và tới các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những hành khách quốc tế nhập cảnh vào Hà Nội trong dịp Tết này gồm nhiều quốc tịch, nhưng phần lớn là từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... và từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, riêng ngày 31/1 (tức 1 Tết Nguyên đán), có 4.851 hành khách nhập cảnh vào Hà Nội trên 47 chuyến bay và 10.231 hành khách từ Nội Bài xuất cảnh đi các tuyến bay nội địa và quốc tế.

So với thời gian này năm trước, lượng hành khách làm thủ tục xuất, nhập cảnh ở Thủ đô Hà Nội trong Tết Nguyên đán tăng khá mạnh. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Thủ đô, đất nước đồng thời cũng là số liệu thống kê thuyết phục về việc năm qua Hà Nội là điểm du lịch thú vị, hấp dẫn thứ 5 châu Á. Qua đó minh chứng rõ nét cho những hiệu quả tích cực của ngành Hải quan thành phố trong nỗ lực cải cách, phát triển, hiện đại hóa.

Trong những ngày đầu tiên năm mới, "Thành phố hoa" Đà Lạt (Lâm Đồng) với thời tiết rất thuận lợi, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C, về đêm trời se lạnh đã thu hút hàng chục ngàn du khách vui xuân trong những ngày nghỉ Tết. Tại các khu du lịch như Vườn hoa Thành phố, Thung lũng Tình yêu, Đồi Mộng Mơ, Khu du lịch Suối Vàng, Thác Prenn… đông nghịt người đến tham quan, các bãi đậu xe ô tô không còn chỗ trống trong những ngày này. Vườn hoa thành phố trong dịp Tết Giáp Ngọ mỗi ngày đón khoảng 10 nghìn lượt khách du lịch, còn các điểm du lịch Đồi Mộng Mơ, Thung lũng Tình Yêu mỗi ngày cũng đón khoảng 5 nghìn lượt khách tham quan.

Bên cạnh đó, du khách còn ghé thăm các buôn làng để thưởng thức rượu cần, chơi chiêng cùng những điệu múa bên những cô sơn nữ dưới chân núi Langbiang ở xã Lát, huyện Lạc Dương. Nhiều du khách nước ngoài lại chọn các hình thức du lịch đa dạng khác như leo núi, vượt suối tại thác Tử thần Datanla, kết hợp với nghỉ dưỡng tại các khu vực hồ Tuyền Lâm.

Khu Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã đón trên 3.000 lượt khách đầu tiên trong năm mới, trong đó có 500 lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng: Tuy con số trên chưa phải là cao nhưng dự báo đây sẽ là một năm phát triển thuận lợi của du lịch Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với chủ trương không tăng giá, chèo kéo và làm khó du khách. Dự kiến, sau ngày mùng 5 đến ngày mùng 10/2, lượng du khách đến với Phong Nha - Kẻ Bàng còn tăng mạnh hơn.

Trong 3 ngày Tết, Cao nguyên đá Đồng Văn có gần 4.500 lượt du khách đến thăm quan du lịch, với doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Nhiều điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến trong dịp Tết Nguyên đán là Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, khu du lịch dinh nhà Vương (huyện Đồng Văn); núi Cô Tiên (huyện Quản Bạ); đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc)... không chỉ độc đáo, đặc sắc về di sản địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao.

Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách được thưởng thức, chiêm ngưỡng phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Du khách còn được tận mắt chứng kiến các lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu như: lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo... Du khách được xem màn đua của những chú ngựa trên Cao nguyên đá, lễ hội chọi dê, chọi chim, chọi gà và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh sảng, đánh yến, đi cà kheo, nhảy bao bố, tung còn... mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Còn hơn chục ngày nữa mới tới ngày Khai ấn nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, khách thập phương đã tấp nập đổ về Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) để đi lễ đầu năm cầu may, cầu phúc, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Dịp Tết năm nay, thời tiết đẹp, trời nắng ấm và khô ráo, khách hành hương trong và ngoài tỉnh Nam Định đi lễ Đền Trần ngày càng đông. Ngày 3/2 (tức mùng 4 Tết Giáp Ngọ), lượng người đổ về đông hơn cả so với 3 ngày trước đó, với cả vạn người, cùng hàng trăm ôtô và cả nghìn xe máy. Để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn, lực lượng an ninh đã được triển khai với gần chục chốt bảo vệ được lập bên ngoài Đền Trần để phân luồng giao thông trên đường Trần Thừa, hướng dẫn nơi để xe và đảm bảo an toàn cho khách thập phương...

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm