Sốc vì nghệ thuật hay sốc vì...nuy?

15/09/2010 08:07 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Chương trình nghệ thuật trình diễn IN:ACT diễn ra tại Nhà Sàn Studio (Hà Nội) vào trung tuần tháng Tám vừa qua hiện đang để lại dư âm “sục sôi” trên một số diễn đàn, mà tâm điểm là tác phẩm Bay lên của nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà. Hiện tại, Nhà sàn Studio tuyên bố tạm ngưng các hoạt động thể nghiệm còn Diệu Hà đang phải đối mặt với nhà chức trách địa phương.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW và nghệ sĩ Trần Lương, một giám tuyển của nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại, cùng tham dự IN:ACT và trực tiếp xem tác phẩm Bay lên của nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà. Họ nói gì?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Bay lên đã lan tỏa niềm cảm thông


Lại Thị Diệu Hà với phần đầu của
cuộc trình diễn. Ảnh: Dino Trung

Nghệ thuật trình diễn (NTTD) không còn xa lạ với thế giới, nhưng ở Việt Nam, để thay đổi sự thưởng thức thị giác đòi hỏi khán giả phải có đời sống nội tâm sâu sắc mới có thể chia sẻ. Một số tác phẩm NTTD có thể xộc thẳng vào đời sống nội tâm của người thưởng thức, mang đến cho họ cảm giác đau buồn vui giận hay cảm thông. Là người trực tiếp xem Bay lên của nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà, cái tôi quan tâm không phải là hình hài của cô ấy, mà điều tác phẩm của Hà mang lại chính là những hé lộ về thân phận của một người đàn bà. Điều xoáy vào tâm trí tôi, đó là vì sao một người đàn bà gần 34 tuổi, đã là vợ, làm mẹ mà có nỗi buồn sâu đến thế, cũng như căm ghét chính cơ thể của mình đến thế khi trút bỏ toàn bộ những sự phù phiếm bày biện một cách hình thức bên ngoài cơ thể mình? Có một số ý kiến cho rằng Bay lên còn thiếu sức nặng nghệ thuật, nhưng tôi thấy sự trung thực khi bày tỏ con người mình của Hà mới là điều quan trọng. Tác phẩm của Hà lan tỏa tới công chúng niềm cảm thông và đánh thức người xem những nhu cầu đối thoại đa chiều với nghệ sĩ. Sự khỏa thân của Hà, theo tôi, cũng hết sức kín đáo. Từ ý tưởng của tác phẩm đến ngôn ngữ cơ thể đã có sự hòa điệu và bày tỏ được những gì tác giả muốn nói. Từ khắc họa đầu tiên mà cơ thể Hà đem lại cho đến khi con chim cục cựa, bay vọt ra khỏi miệng Hà, lượn trên đầu khán giả rồi bay ngoài vườn là hình ảnh đẹp. Tôi nghĩ, Bay lên là tác phẩm trình diễn đáng ghi nhận.

Với những bức ảnh chụp quá trình diễn biến tác phẩm đã đưa lên mạng và lan tràn trên nhiều website cũng chỉ là một khoảnh khắc, không thể căn cứ vào đó để đưa ra những phán xét. NTTD không thể xem qua phim ảnh, nó cần người xem phải được tiếp cận với nghệ sĩ, tác phẩm và chỉ khi tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm nghệ sĩ, trong không gian xác định, mới có được những cảm nhận chân thực.

Nghệ sĩ Trần Lương: Một tác phẩm tốt và dũng cảm

Có một số ý kiến cho rằng tác phẩm của nghệ sĩ trình diễn ta nặng tính hành xác (trói, tự làm đau…), còn Tây làm thì đĩnh đạc, hòa bình và khôn ngoan hơn… Đây chỉ là nhận biết từ phần vỏ, tôi lại nghĩ khác: tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam thường thể hiện sự chịu đựng. Cái này được truyền cảm từ Phật giáo, từ các truyền thống rèn luyện cơ thể và ý chí từ Á Đông. Sự chịu đựng thể hiện sức mạnh tiềm ẩn ở phía sau và cũng là cách thể hiện và gợi ý cho nhiều hiện trạng tâm thế cá nhân khác… Mặt khác ý kiến trên cũng không chính xác vì các nghệ sĩ thành công hiện nay ở phương Tây cũng luôn lấy việc thách thức sức bền của cơ thể để đưa ra thái độ và thông điệp của mình, và việc họ mất một vài đốt ngón tay hay phải cấp cứu khi trình diễn là chuyện thường xảy ra.

Diệu Hà là nghệ sĩ có cá tính mạnh, trung thực và rất hợp tạng với nghệ thuật trình diễn. Tác phẩm của chị đã thăng tiến và chững chạc nhiều sau chuyến tham gia festival nghệ thuật trình diễn quốc tế tại Nhật Bản hồi năm ngoái. Hoàn cảnh gia đình khá trắc trở và những vấn đề cá nhân được Hà chuyển thành tác phẩm với ngôn ngữ sáng và biểu cảm. Khi tổ chức một triển lãm trẻ tại TP.HCM cách đây 4 năm, mặc dù biết trước nội dung, nhưng tôi vẫn phải giấu những giọt nước mắt khi xem Hà trình diễn: tự khâu bản thân mình vào bức ảnh kỷ niệm gia đình mà vì một lí do nào đó cô luôn không được xuất hiện trong ảnh với bố mẹ.

Bay lên là tác phẩm dạng tự sự, là bước tiếp nối những tác phẩm trình diễn trước đó về những vấn đề tâm lí của một phụ nữ không được nhiều ưu ái trong cuộc sống và tạo hóa. Nhưng nghệ thuật đã truyền cho cô sức mạnh, đó là tác phẩm tốt và rất dũng cảm. Tôi không thích chi tiết cái lồng chim! Về thị giác, ngôn ngữ của nó văn học quá, hơi cải lương, con chim có thể xuất hiện bằng cách khác. Đó là sự non của nghệ sĩ trẻ. Còn vụ lùm xùm về màn nuy đã phản ánh đúng những quan niệm còn lệch lạc ở ta. Sự không phân biệt được rõ vẻ đẹp của cơ thể trong nghệ thuật trình diễn là vẻ đẹp và nội dung nhân văn chứ không phải vẻ đẹp giải trí (cũng phải phân biệt rõ NTTD nằm trong khuôn khổ của nghệ thuật thị giác, chứ không phải của ngành sân khấu!). Ở đây không mảy may liên quan vấn đề gợi dục. Cơ thể của một phụ nữ 34 tuổi con còn nhỏ và có một cuộc sống khá vất vả là một phần cấu tứ của tác phẩm. Việc này không thể phán xét trong khuôn khổ đạo đức tính dục. Tương tự trong cách ứng xử với các tranh Thánh trên đó đầy hình phụ nữ khỏa thân, hay lễ hội thờ sinh thực khí, phù điêu trai gái khỏa thân trêu nhau trên đình làng, hay hình người giao cấu trên quai trống đồng…

Chỉ có vài chục người trực tiếp xem Bay lên, nhưng màn trình diễn này đã được mô tả chi tiết cùng hình ảnh trên mạng internet:

Cuối cùng là màn trình diễn của Lại Thị Diệu Hà. Cô ăn mặc khắc khổ, trải một lớp lông vũ xanh biếc ra sàn. Bên cạnh có một lồng chim nhốt một con chim con, một đĩa sâu lòng đựng dung dịch (hồ dán?).

Diệu Hà cởi bỏ dần, đầu tiên là áo… kế tới là quần dài…

Rồi lần lượt rút ra những miếng độn mông.…cứ rút một miếng lại vỗ vỗ vào mông mình, miệng lẩm bẩm nhưng đủ nghe, “Tao đã dùng mày rất lâu rồi, vì mày mà tao bị ghẻ mông, ai cũng nghĩ tao mông cong, sao người gầy thế cơ chứ….” Rồi cô bắt đầu cởi thêm… cho đến khi không còn gì trên người, hoàn toàn (khán giả sững sờ), cô lấy cái đĩa… dùng dung dịch trong đĩa xoa lên người. Rồi nằm lên đống lông vũ… cô nhờ mọi người phủ lông lên toàn thân, thật nhẹ nhàng… Cho đến khi kín hết, chừa lại mỗi đầu. Đứng dậy… cô đi lại…

…bằng động tác một con chim chuẩn bị tung cánh bay. Đi ra phía lồng chim, cô tóm con chim bé nhỏ… nhét vào miệng khoảng 5, 6 giây… rồi mở miệng cho con chim bay ra.


Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm