Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế'

26/12/2022 18:37 GMT+7 | Văn hoá

Tối 22/12 tại Quảng Nam đã bế mạc Năm du lịch quốc gia 2022 "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh"; đồng thời khai mạc Năm quốc gia khởi nghiệp 2023 "Quảng Nam - Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp". Với lịch sử hơn 500 năm, lụa tơ tằm Mã Châu đã được Quảng Nam lựa chọn là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh, góp phần tích cực vào du lịch và khởi nghiệp.

Từng rơi vào cảnh bế tắc trước sự phát triển của lụa công nghiệp, lụa nước ngoài giá rẻ. Lụa Mã Châu giờ đây đang được rất nhiều thương nhân của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… bắc nhịp cầu xuất nhập khẩu số lượng lớn. Trong tín hiệu của sự hồi sinh kỳ diệu này, không thể không nhắc đến nghệ nhân Trần Hữu Phương - hậu duệ đời thứ 18 của làng lụa Mã Châu -  người đã quyết bám trụ với khung cửi để giữ gìn, khôi phục làng nghề.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Trần Hữu Phương (52 tuổi, trú khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) về những thuận lợi và khó khăn của lụa Mã Châu.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 1.

Nghệ nhân Trần Hữu Phương bên máy dệt công nghiệp mà ông dày công cải tiến. Ảnh: Phan Nguyên

* Trên thị trường hiện nay có rất nhiều lụa nội ngoại nhập, ông có thể cho biết lụa Mã Châu có những đặc điểm gì khác biệt, nhất là khi so với lụa công nghiệp và lụa Trung Quốc giá rẻ?

- Lụa Mã Châu được làm từ sợi tơ tằm tự nhiên, đây là yếu tố tiên quyết. Để phân biệt được lụa Mã Châu với những loại lụa khác thì chúng ta phải hiểu được đặc thù của sợi tơ tằm.

Sợi tơ tằm rất tốt cho sức khỏe, có thể chống độc, chống ẩm, chống hôi và có độ mềm mượt, rũ tự nhiên.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 2.

Lụa tơ tằm Mã Châu ngày nay. Ảnh: Phan Nguyên

Tằm là côn trùng cực kỳ nhạy với độc tố môi trường. Nếu cách nơi nuôi tằm xa xa mà có người phun thuốc trừ sâu, thì con tằm sẽ bệnh và chết. Nhưng khi đã nhả tơ, làm tổ, dù lúc ấy cơ thể đã hoàn toàn mất đi sức đề kháng tự nhiên, nhưng kén sẽ bảo vệ con nhộng tối đa. Dù chúng ta mang tổ kén đến nơi nóng 100 độ C, hoặc những nơi âm độ, thì con nhộng cũng không chết, phun thuốc trừ sâu trực tiếp vào kén, nó vẫn không chết.

Điều đó có nghĩa là sợi tơ tằm có tác dụng như là hàng rào bảo vệ, nhờ tổ kén bọc bên ngoài, mà nó không chết. Cho nên sợi tơ tằm tự nhiên rất tốt cho cơ thể con người, chống được phần nào độc tố môi trường, giúp điều hòa thân nhiệt.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 3.

Những thiết kế sử dụng lụa Mã Châu của Ngô Nhật Huy. Ảnh: NVCC

Nhưng khi sản xuất công nghiệp, người ta dùng chất hóa chất, hoặc dùng phương pháp cơ học chế biến sợi tơ để nó thích nghi với máy công nghiệp, thì vô tình làm cho sợi tơ tằm mất đi những đặc tính tốt vốn có.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 4.

Mẫu của NTK Lê Thanh Hoà

Sợi tơ dùng để dệt lụa Mã Châu không qua khâu sơ chế, không sử dụng phương pháp hóa học, nên vẫn giữ được những đặc trưng của tơ tằm tự nhiên. Về nhuộm màu cho vải, thì lụa Mã Châu sử dụng nhựa cây, màu tự nhiên từ những chất khoáng có sẵn trong bùn đất, đá vôi. Điều này giúp sản phẩm lụa Mã Châu truyền thống giữ được chất lượng cao với những ưu điểm vượt trội: Bền đẹp, mềm mịn, chống độc, hút ẩm tốt, thoáng mát…

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 5.

Mẫu của NTK Lê Thanh Hoà

* Với quá trình sản xuất công phu như vậy thì giá lụa Mã Châu sẽ cao và khó cạnh tranh với sản phẩm lụa công nghiệp. Vậy ông đã làm gì để giữ được nghề truyền thống mà vẫn phù hợp với xu thế của thời đại?

- Đúng vậy, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2017, Hợp tác xã lụa Mã Châu rơi vào cảnh bế tắc trước sự thay đổi của cơ chế thị trường và sự phát triển của nền công nghiệp. Sản phẩm lụa dệt thủ công mẫu mã chưa đa dạng, giá thành lại cao, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, thậm chí không bán được, không cạnh tranh lại với các mặt hàng lụa công nghiệp, lụa Trung Quốc. Bà con làng nghề không thể sống được, nên họ bỏ nghề. Hợp tác xã từ chỗ có 303 thành viên năm 2007, thì nay chỉ còn lại 5 thành viên.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 6.

Áo dài lụa Mã Châu của nhà thiết kế Ngô Nhật Huy. Ảnh: NVCC

Không thể đứng nhìn làng nghề bị "khai tử", giữa năm 2017, tôi thuyết phục 4 xã viên khác tiếp tục cùng mình gầy dựng lại nghề dệt truyền thống, thành lập Công ty TNHH Lụa Mã Châu. Từ đó tôi mày mò, nghiên cứu kỹ thuật, cải tiến máy dệt sợi công nghiệp thành máy dệt tơ tằm, nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã lụa truyền thống.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 7.

Hiện tại, xưởng đã có hơn 10 máy dệt công nghệ tự động có tích hợp kỹ thuật số CNC, hoạt động thường xuyên với công suất khoảng 600 mét vải/ngày (cao gấp 6 lần so với trước). Dù vậy, vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đặc biệt những khách hàng thượng lưu, đặt hàng với số lượng lớn.

* Vậy hiện tại sản phẩm lụa Mã Châu được tiêu thụ như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, lụa Mã Châu sản xuất chỉ đủ tiêu thụ thị trường nội địa, với số lượng nhỏ. Chúng tôi bán trực tuyến, cung cấp cho các nhà thiết kế trong nước, trong đó có nhà thiết kế Lê Thanh Hòa và Ngô Nhật Huy, những người thường xuyên sử dụng lụa Mã Châu. Họ là những nhà thiết kế xử lý lụa rất khéo, tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của lụa Mã Châu.

Ngoài ra, thông qua cuộc thi hoa hậu, các show trình diễn thời trang tại Hà Nội, TP.HCM, Thái Lan... các nhà thiết kế cũng sử dụng lụa Mã Châu. Chính các nhà thiết kế đã góp phần thiết thực vào sự bảo tồn, phát triển làng nghề lụa đã có lịch sử hơn 500 năm. Lụa Mã Châu ngày nay nên mang ơn các nhà thiết kế thời trang.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 8.

Song song với đó, thương nhân của các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… cũng gặp chúng tôi để mua với số lượng lớn. Đây là một tín hiệu tốt, nhưng tiếc là chúng tôi chưa thể đáp ứng được, vì máy móc chưa đủ năng suất, nguyên vật liệu còn thiếu nhiều. Hệ thống quản lý chất lượng cũng chưa phù hợp, nên chưa thể hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Cho nên chỉ xuất khẩu thông qua kênh thời trang với số lượng nhỏ. Các nhà thiết kế thời trang đặt hàng lụa Mã Châu rồi thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh xuất đi nước ngoài, chứ chưa thể xuất khẩu đồng bộ. Đây là điều đáng tiếc, nhưng nằm ngoài khả năng của chúng tôi.

* Vậy khó khăn hiện tại của ông là gì?

- Việc chuyển đổi cơ chế kéo theo những bất cập về thuê lại đất của hợp tác xã và nhiều vấn đề liên quan khác vẫn chưa được thông suốt, nên chúng tôi chưa thể đầu tư đồng bộ máy móc được.

Vì những máy móc này do mình tự thiết kế, tự lắp đặt, nên di chuyển rất khó khăn, gần như phải lắp đặt cố định một chỗ. Nhà xưởng và hạ tầng từ 40 chục năm trước không còn phù hợp để lắp đặt dây chuyền máy móc hiện đại. Chính vì thế, nên chúng tôi chưa dám đầu tư, chỉ sản xuất cầm chừng để giữ nghề thôi.

Dù máy móc đã được cải tiến, hỗ trợ rất nhiều về công nghệ, về tính năng tự động, nhưng để đào tạo một người thợ đứng máy này thì ít nhất người thợ đó phải trải qua 10 năm làm nghề truyền thống. Rồi sau đó mất 5-6 tháng đào tạo thì bước qua được công nghệ mới.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Hữu Phương: 'Lụa Mã Châu mang ơn các nhà thiết kế thời trang' - Ảnh 10.

Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa và chị Trần Thị Yến, con gái nghệ nhân Trần Hữu Phương. Ảnh: NVCC

Cả làng nghề này có hàng nghìn hộ sản xuất, hiện nay bỏ đi làm công nhân gần hết, nên muốn nhân rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh thì cần cả một chặng đường dài, không thể vội vàng được.

Rồi chuyện đất để trồng dâu, nuôi tằm thì cần nhiều cơ chế, chính sách hợp lý của tỉnh, của nhà nước nữa. Muốn giữ được một truyền thống hơn 500 năm, thì tất cả phải cùng cố gắng, chứ chỉ các nghệ nhân hoặc làng nghề cố gắng, thì rất khó.

Thật sự hạnh phúc khi thấy lụa Mã Châu đang dần hồi sinh, có thể thoát khỏi mai một ở trước mắt, nhưng việc đưa làng nghề trở lại hưng thịnh, dù có cơ sở thực tế, thì vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều phía.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

"Lụa Mã Châu được dệt từ sợi tơ tằm, sở hữu độ mềm mại, rũ tự nhiên, rất thích hợp để may nên những bộ áo dài hoặc những bộ cánh sang trọng, góp phần làm tôn lên những đường cong, vẻ đẹp và nét quyến rũ của người phụ nữ" - nghệ nhân Trần Hữu Phương.

Phan Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm