Không vì khán giả, đó là thứ bóng đá mất gốc!

17/09/2015 18:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - V-League 2015 dường như đã sớm khép lại dù vẫn còn 1 vòng đấu nữa, nhưng bóng đá Việt Nam thì vẫn còn quá nhiều điều dở dang. Từ tương lai của HLV Miura đến cơ hội tại VCK U23 châu Á 2016 và chiến dịch vòng loại World Cup 2018 và cả mùa giải quốc nội 2015 với rất nhiều "sạn".

Đây chính nội dung cuộc trao đổi bàn tròn với các vị khách mời của Thể thao & Văn hoá cuối tuần gồm: Nhà báo Nguyễn Nguyên (Báo Pháp Luật TP.HCM); Nhà báo Trần Hải (Báo Thể thao & Văn hóa); Cựu trợ lý HLV ĐTQG, Nguyễn Văn Sỹ và ông Trần Song Hải, đại diện Hội CĐV VFS.

HLV Miura và những tranh cãi chưa hồi kết từ... bầu Đức

Nhà báo Trần Hải: Hãy bắt đầu với "cơn bão" dư luận đang ập xuống  HLV trưởng Toshiya Miura, dù đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng 2 – 1 trước Đài Loan (Trung Quốc), qua đó nuôi tiếp giấc mộng dự VCK Asian Cup 2019 bằng cửa chính. Trong đó, những phát biểu liên quan của ông Đoàn Nguyên Đức với tư cách là Phó Chủ tịch VFF được xem là "nóng nhất". Theo các anh, đây là ý kiến chính thức của VFF, hay chỉ là vấn đề cá nhân?

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Ông Đức là Phó Chủ tịch và là 1 trong năm thành viên của Thường trực VFF nên ông cũng phải là người chịu trách nhiệm về việc thuê một HLV trưởng. Tôi nghĩ chuyện chỉ trích HLV Miura là một trong những biểu hiện sứt mẻ của bộ máy lãnh đạo Liên đoàn. Chuyện của Miura tưởng là chuyện chung nhưng chắc chắn có vấn đề riêng tư ở đấy.


HLV Miura bị chỉ trích vì lối chơi nghèo nàn của đội tuyển Việt Nam

HLV Nguyễn Văn Sỹ: Ở góc độ chuyên môn, trận đấu với Đài Loan, HLV Miura chỉ có 3-4 ngày chuẩn bị nên lực lượng và cả lối chơi là ít thuyết phục, nhưng chúng ta đã thắng để nuôi tiếp hy vọng. Tuy nhiên, những bình luận thái quá khiến cảm giác như đội bóng thắng mà như thất bại. Tôi nghĩ công và dư luận thời gian qua có phần không công bằng với HLV Miura.

Ông Trần Song Hải: Tôi nghĩ, việc bầu Đức phát biểu phát biểu thời gian qua chỉ mang tính cá nhân, do bức xúc mà thôi.

Nhà báo Trần Hải: Bầu Đức đã tuyên bố rằng nếu sa thải HLV Miura, ông sẽ thầu cả ĐTQG cho đến khi nào bóng đá Việt Nam vô địch Đông Nam Á thì thôi. Trước đó, ông cũng từng nói sẽ giúp nền bóng đá chinh phục chiến HCV SEA Games. Các anh nhận định gì về tuyên bố cũng "khá sốc" này.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Ông Đức có quan điểm của một nhà kinh tế làm bóng đá và ông “thắng thế” khi lứa U19 được ca ngợi, và quả thực là lứa cầu thủ đấy xứng đáng được ca ngợi.

Bầu Đức có quyền gặt trên thửa ruộng của mình và do mình gieo. Điều đấy không có gì là sai hay là xấu và nó sạch hơn nhiều so với những người không gieo mà gặt trong chiến dịch tranh cử lẫn chiến dịch tìm người hậu thuẫn mình. Tuy nhiên đừng nên ngộ nhận giữa việc gặt cái mình gieo và định hướng cho bóng đá Việt Nam hay bắt bóng đá Việt Nam phải chạy theo mình, theo hướng có lợi cho mình.

Tôi trân trọng bầu Đức ở chỗ ông đổ tiền làm bóng đá và hết mình với bóng đá nhưng nếu với việc đổ tiền đấy mà buộc một nền bóng đá phải chạy theo ý mình thì rất nguy hiểm, nhất là quanh bầu Đức bây giờ toàn người nghe chứ không có người giỏi về chuyên môn như ông Nguyễn Văn Vinh ngày nào.

Ông Trần Song Hải: Cổ động viên bóng đá Việt Nam tri ân bầu Đức là vì ông đã đầu tư khá lớn và bài bản để phát triển Học viện HAGL Arsenal JMG. Việc ông cho trình làng một lứa U19 thi đấu đẹp, cống hiến, lối bóng đá tấn công hiện đại đã chinh phục đông đảo giới hâm mộ. Không nghi ngờ gì nữa, ông đã mang lại niềm tin và hi vọng cho CĐV bóng đá Việt Nam về chiếc HCV SEA Games và thậm chí giấc mơ chinh phục bóng đá đỉnh cao ở tầm châu lục.

Việc ông tuyên bố đòi sa thải HLV Miura và “lo tất” cho đội tuyển quốc gia cho đến khi nào vô địch Đông Nam Á thì thôi, tôi cho rằng với tư cách chỉ là ông chủ đội bóng, ông chủ học viện, ông chủ của một doanh nghiệp lớn thì đáng hoan nghênh, nhưng phát biểu như thế với tư cách là PCT VFF thì tôi cho rằng có điều gì đó không ổn ngay ở chính Liên đoàn.

HLV Nguyễn Văn Sỹ: ĐTQG là bộ mặt nền bóng đá, là của tất cả. Chúng ta cần nhiều hơn những người như ông Đức. Nhưng vấn đề là hệ thống, là cách làm. Thái Lan gần chục năm qua không có thành tích gì cả, nhưng đấy là giai đoạn họ chuẩn bị cho việc vươn ra châu lục, chứ không phải họ thụt lùi. Bóng đá là cuộc chạy tiếp sức và chúng ta không thể mua đứt bán đoạn mãi được.


Khán giả đang mất niềm tin với V-League

Bóng đá Việt Nam đã “kịch trần”?

Nhà báo Trần Hải: Lịch sử từng chứng kiến Olympic Việt Nam đi đến vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh (năm 2007). Cũng tại năm này, HLV Riedl đã đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tứ kết Asian Cup được tổ chức trên sân nhà. Với thế hệ cầu thủ tài năng và có thể nói là có đẳng cấp, HLV Calisto được thừa hưởng, để đem về cho nền bóng đá xứ sở chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử một năm sau đó. Nhưng tôi thấy, bóng đá Việt Nam dường như vẫn “gặt lúa trời” nhiều hơn thay vì đầu tư cho các chiến lược nghiêm túc, để thành công tự nhiên sẽ tới, thưa các anh.

HLV Nguyễn Văn Sỹ: Bóng đá Việt Nam có tiềm năng, vấn đề là phát huy được nó và cộng thêm một chút may mắn tại các giải đấu. Ví dụ như năm 2010 ở Asiad ở Quảng Châu (Trung Quốc), Olympic Việt Nam đã chơi rất tốt, vào vòng đấu loại trực tiếp và nếu Chu Ngọc Anh không cầu thả phải nhận thẻ đỏ, chắc gì CHDCND Triều Tiên đã đánh bại được chúng tôi.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Bây giờ nếu hỏi chiến lược của bóng đá Việt Nam là gì thì tôi tin những nhà điều hành cấp cao cũng không trả lời được. Có thể thấy rất rõ và cụ thể qua ý kiến của Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức khi "bật mí" nghị quyết VFF lấy lứa cầu thủ trẻ U19 để thực hiện những mục tiêu tương lai nhưng nay nhìn vào thành phần đội tuyển và U23 thì có bao nhiêu cầu thủ lứa U19? Đến nghị quyết của VFF mà còn bị “lật kèo” như thế thì làm gì có chiến lược.

Ông Trần Song Hải: Đồng ý với ý kiến của nhà báo Trần Hải 100%. Bóng đá Việt Nam vẫn cứ "xây nhà từ nóc" thì việc tiếp tục cầu may hay gặt lúa trời là điều chắc chắn.  

Nhà báo Trần Hải: Bóng đá khó nói trước, nhưng với cơ thể nền bóng đá và năng lực của đội tuyển U23 Việt Nam, tôi không tin rằng chúng ta có thể làm nên bất ngờ tại VCK U23 châu Á tại Qatar vào tháng 1/2016.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Vào đến vòng đấu này là một thành công rồi. Nên xem đây là cơ hội để học hỏi và cọ xát. Vấn đề là học được gì, rút ra được gì qua những cuộc chạm trán với các đối thủ lớn. Đừng bắt họ phải thắng Jordan, Australia hay UAE khi mà ngay những nhà điều hành còn không biết được chiến lược của bóng đá Việt Nam là gì.

Thậm chí là chúng ta đang đánh mất những sở trường của lối chơi được xem là đặc sản của Việt Nam để sang lối đá thô bạo hay đá dài, thế mà những nhà điều hành cứ nói là đội tuyển đang rất ổn và đi đúng hướng…

HLV Nguyễn Văn Sỹ: Tại VCK U23 châu Á này thì khó có cơ hội rồi. Nhưng tôi muốn đề cập đến thì tương lai, khi ngoài HAGL, SLNA và Hà Nội T&T, giờ nền bóng đá có thêm PVF, Viettel…, những lò đào tạo chất lượng. Đấy là điều kiện cần để phát triển.

Ông Trần Song Hải: Đúng là hi vọng đi tiếp của chúng ta là rất thấp và chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện trước khi thi đấu mà thôi. Nhưng anh em CĐV chúng tôi sẽ có mặt tại Qatar đồng hành cùng U23 và HLV Toshiya Miura.

Nhà báo Trần Hải: Một người bạn của tôi, cựu cầu thủ Frank Van Eijs cho rằng, chúng ta đừng mải miết đi tìm các bản photo từ Nhật Bản hay Thái Lan, mà hãy dùng DNA của chính mình để đưa nền bóng đá đi lênm đúng không thưa các anh?

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Học được như bóng đá Nhật thì tốt bởi bóng đá Nhật cũng khởi đầu nhiều khó khăn như chúng ta và họ đã từng học chúng ta qua câu chuyện "chiếc giày nhỏ" thời những năm 1950. Người Nhật chịu học hỏi và sau đó họ rút ra những cái riêng cho mình để rồi giờ trở thành một cường quốc bóng đá số 1 châu Á.

Tuy nhiên không phải cứ có một ông thầy Nhật là học được bóng đá Nhật. Nhầm lẫn của những nhà làm bóng đá Việt Nam là ở chỗ đấy. Khi mà HLV Miura là người Nhật nhưng lại bị chính người Nhật cho rằng ông này ít được Nhật ủng hộ vì lối chơi đi ngược với xu hướng của bóng đá Nhật.

Ông Trần Song Hải: Đáng buồn là như vậy. Bóng đá không chỉ là một môn thể thao, nó còn là văn hóa, là lòng yêu nước đối với người Việt Nam cho nên chỉ có chúng ta mới hiểu chúng ta cần gì. Lãnh đạo VFF đã không hề phản biện cũng như mạnh mẽ góp ý kiến đối với kế hoạch huấn luyện và sự thi đấu đôi lúc thiếu tích cực của đội tuyển. CĐV chúng tôi rất buồn vì rõ ràng như vậy VFF đã mất hẳn sự tự chủ trong các quyết định của mình. Phải chăng từ ý này mà ông Đoàn Nguyên Đức đã đòi đứng ra tài trợ “tất” cho đội tuyển để lấy lại quyền tự chủ đó? Tôi không bênh ông Đức nhưng đây là việc chúng ta đáng suy nghĩ.

Một V-League rất nhiều sạn

Nhà báo Trần Hải: V-League 2015 xem như đã hạ màn khi B.Bình Dương vô đối để giữ chức vô địch ở lại đất Thủ, còn suất xuống hạng có vẻ đã trao tay Đồng Nai. Một giải đấu mà người muốn vô địch thì ít, trong khi nhóm chống xuống hạng lại đông và rất nhiệt thành… thì xem ra vai trò của các nhà tổ chức là khá mờ nhạt.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Khi VFF và VPF cứ cho là giới truyền thông đối đầu với mình và cứ chứng minh ngược lại những gì mà truyền thông và dư luận lẫn những nhà chuyên môn lên tiếng thì có nghĩa họ chấp nhận đi ngược đường và cũng có nghĩa là đi lùi. Toyota V-League 2015 về chuyên môn rõ ràng không thể bằng Eximbank V-League 2013, 2014. Vấn đề là công tác tổ chức, là thái độ của các đội. Đã 15 năm làm chuyên nghiệp mà ông Chủ tịch CLB còn lên tiếng là đội mình thua vì cầu thủ mình... thương người thì rõ ràng là bóng đá chuyên nghiệp.

Thậm chí với suy nghĩ đấy chả trách cầu thủ thiếu trách nhiệm khi ra sân và xem thường người hâm mộ. Tôi thèm V-League được như một phần của bóng đá phủi ở Hà Nội đang tổ chức mà người hâm mộ nườm nượp đến sân bất chấp cái nắng như thiêu để xem trận đấu lúc 14h00.

Ông Trần Song Hải: Vậy thì chúng ta phải điều tra thử tại sao BTC giải đã không điều tra một cách ngọn ngành và xử thẳng tay, kỷ luật một số đội nào đó? V-league 2015 có lẽ là giải đấu tai tiếng nhất từ trước đến nay. Tôi cảm ơn các cơ quan truyền thông đã không trực tiếp 2 trận đấu ảnh hưởng đến việc trụ hạng và xuống hạng của HAGL và Đồng Nai như một sự phản ứng lại thứ bóng đá “kịch sĩ”, “tình thương mến thương”.

HLV Nguyễn Văn Sỹ: Giải đấu đang hấp dẫn thì lại bất ngờ để lại nhiều điều tiếng từ khoảng 4 vòng đấu gần nhất, khiến người hâm mộ phiền lòng. CĐV Hải Phòng đã lên tận sân Mỹ Đình để làm băng-rôn, khẩu hiệu phản đối, rồi CĐV Quảng Ninh, Thanh Hoá và đặc biệt là SLNA…, cũng quay lưng với đội bóng. Không chỉ nhà tổ chức, mà bản thân các CLB cũng nên xem lại. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh Nguyễn Nguyên về vấn đề này.

Nhà báo Trần Hải: Với những trận cầu như thế, tôi sợ đến một ngày, CĐV sẽ lại quay lưng với sân chơi nội, chứ không thể “giận thì giận mà thương thì thương” mãi được. Máu như CĐV xứ Nghệ mà còn ngán ngẩm đội nhà nữa là khán giả trung lập.

Ông Trần Song Hải: Khi CĐV đã không còn có tiếng nói quyết định đối với đội bóng thì việc CĐV có quay lưng hay không đâu có ý nghĩ gì đâu các anh? Bóng đá chuyên nghiệp hiện nay là để kiếm tiền khi mà BTC không giỏi, không công tâm và thiếu quyết liệt thì “loạn” tất sẽ diễn ra.

Riêng với anh em CĐV chân chính thì vẫn luôn tâm niệm sẽ không bao giờ quay lưng với đội bóng mình yêu và luôn hi vọng rằng bình minh tươi đẹp sẽ quay lại với bóng đá Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Nguy hiểm cho bóng đá Việt Nam là cầu thủ không nghĩ khán giả là người nuôi họ. Thậm chí các ông chủ đội bóng cũng thế. Có những ông chủ miệng hô hào làm bóng đá sạch và đi đường thẳng nhưng đến lúc nguy kịch thì lại chọn đường tà như nhiều đội vẫn đi.

Khi mà những nhà điều hành bóng đá, những người làm bóng đá và cầu thủ không tôn trọng khán giả thì coi như là họ đã mất đi cái gốc căn bản, đó là ý thức nghề nghiệp. Cầu thủ và đội bóng mà mất đi khát vọng ra sân để cống hiến và phải khát vọng chiến thắng thì còn gì cái sướng của nghề?

Nhà báo Trần Hải: Xin cảm ơn các anh về cuộc trao đổi thú vị.

Nguyệt Bàn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm