Mỹ và cuộc chiến... đơn vị đo lường

25/09/2014 15:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ai có dịp ghé nước Mỹ, ắt không tránh khỏi nhức đầu bởi vô vàn đại lượng như từ một thế giới khác. Máy định vị toàn cầu trên ô-tô nhắc “ba phần tư dặm nữa rẽ phải”, cây xăng chỉ bán nhiên liệu đo theo gallon nên không rõ mỗi lít giá bao nhiêu, nhiệt kế trong phòng chỉ 90 độ (may mà là Fahrenheit chứ không phải Celcius)...

Mỹ là một trong những quốc gia cuối cùng trên quả đất còn ham hố bám vào một hệ thống đơn vị đo lường bị dự định bãi bỏ nhiều lần. Du khách ngoại quốc khổ sở vì inch, foot, yard, mile, fluid ounce, pint, gallon... Cuộc chiến khổ sở ấy bắt đầu từ năm 1784.

Đế chế Anh và hệ lụy

“Hệ đơn vị thập phân là phản tinh thần Hoa Kỳ và tinh thần ái quốc!”, người phát biểu câu đó là một chàng cựu diễn viên chuyên thủ vai cưỡi ngựa bắn súng đùng đoàng, nhưng ít nhất cũng leo được lên ngôi Tổng thống Mỹ, Ronald Reagan. Rất có thể chàng cao bồi màn bạc ấy ít đọc sử và quên mất rằng một tiền nhiệm khả kính của mình - Thomas Jefferson, vị tổng thống lập quốc và người viết những phần chính yếu của bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng - đã từng phấn khích quảng bá hệ đơn vị thập phân sau nhiệm kỳ công tác tại London.


Văn bản hướng dẫn cách tính theo đơn vị cũ và mới của nhà chức trách Mỹ

Dễ đoán là hệ đo lường đó có nguồn gốc từ nước Anh Trung cổ, vốn được phổ biến trong bán kính ảnh hưởng của đế chế Anh quốc thời oanh liệt. Đó không phải là một hệ thống kín hay trọn vẹn, nó có nhiều dị bản và cơ bản nhất là không họ hàng gì với hệ thập phân quen thuộc ở phần còn lại của thế giới. Ngay cả hôm nay, hệ thống Anh - Mỹ cũng không được coi là có hệ thống đơn vị độc lập. Quy chế Mendenhall Order ra đời 1893 ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho thấy xuất phát điểm của nó là đơn vị cân đo pound và yard. Với quy định dùng hệ “yard quốc tế” từ 1959, tất cả các quốc gia (trừ Anh) đồng tâm đổi sang hệ thập phân.

Phải 4 năm sau người Anh mới bỏ được tính bảo thủ đặc trưng của mình để đưa ra một luật mới mang tên Weights And Measures Act, quy định đơn vị đo lường, nhưng cũng chỉ từ 1973 nước Anh mới “Âu hóa” triệt để lĩnh vực này. Ban đầu người ta dự kiến một giai đoạn quá độ (dùng song song 2 hệ để làm quen) đến 2010, và dù thời kỳ tập sự đó đã chấm dứt sớm vào năm 2007 thì người dân vẫn quen dùng các đơn vị cũ cho đến hôm nay. Tình trạng này cũng phổ biến ở Ireland, Canada, Ấn Độ, Malaysia, Úc, New Zealand...


Nhiệt kế Mỹ thời quá độ: 48 độ Celsius hay 118 độ Fahrenheit, ai muốn dùng gì thì tùy

Cách mạng từ Nhà Trắng

Trong thập niên 1970 chính quyền Mỹ phát ra khẩu hiệu: “Từ nay chúng ta tư duy theo hệ mét”, và bỗng dưng trên xa lộ xuất hiện các biển giao thông mới, thay cho mph (dặm/giờ) có cả thông số tương ứng bằng km. Thước kẻ không ghi inch mà chỉ có cm. Trên hộp sữa biến mất đơn vị ounce. Thậm chí dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ ở hai dạng song song là độ C và độ F (cho những người ưa tính nhẩm: Celsius nhân 9  chia 5  cộng 32 bằng Fahrenheit - quá đơn giản, phải không ạ?). Hoa Kỳ đột nhiên có cảm tình với hệ mét! Dường như họ nhượng bộ trước châu Âu cổ hủ. Siêu thị bán Coca trong chai 2 lít. Hiệu thuốc đo thuốc ho bằng cm khối. Ford sản xuất chiếc xe 1,3 lít đầu tiên... Tờ Time tiên đoán, từ nay trở đi hệ đo lường Anh - Mỹ vĩnh viễn đi vào lịch sử.

Những người bị đoán đã chết thường sống lâu. Chỉ 7 năm sau lịch sử đã lật lại trang cũ. Có thể xem lại vụ này trong cuốn sách lý thú Whatever Happened To The Metric System? của tác giả  Bemelmans Marciano. Theo đó, mọi sự bắt đầu sớm hơn ta tưởng, liên quan đến các biến cố chính trị, các cuộc cách mạng, chiến tranh thế giới và chiến tranh lạnh. “Châu Âu giỏi hơn Mỹ ở một số việc nhất định”, tác giả Ludwig Bemelmans nói, “nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng hệ thống mét không nằm trong đó”. Trong hàng ngũ kẻ chiến bại có cả Thomas Jefferson. Từ 1784 đến 1789 ông ở Pháp và chứng kiến cuộc Cách mạng Pháp với một kết quả bên lề là sự thống nhất hóa đơn vị đo lường theo hệ mét. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ông đem thành quả đó về Tân thế giới chỉ là công cốc.


Biển giao thông cho người Mỹ và phần còn lại của thế giới

Nước Mỹ đối mặt châu Âu

Jefferson là người của thời hiện đại. Nhưng cả ông lẫn John Quincy Adams (tổng thống thứ 6), đều thất bại. Các thuộc địa cũ của đế chế Anh, cho dù không yêu mẫu quốc lắm, vẫn thích giữ truyền thống lấy đại lượng (hầu như) bất biến trên cơ thể người làm định hướng trong cuộc tranh cãi vô tận về đơn vị đo lường: foot là độ dài bàn chân, fathom là sải tay, yard là nửa sải... Dù được Viện Hàn lâm khoa học Mỹ ủng hộ và Quốc hội Mỹ chấp thuận hệ mét hồi 1966, người dân vẫn giữ nguyên thói quen cũ - không ai muốn bị châu Âu “thôn tính văn hóa” cả! Đây là cuộc chiến “giữa Tinh thần Khai sáng, Khoa học và Dân chủ” (Jefferson) với “Chủ nghĩa Vô thần và Giá treo cổ” (Marciano).

Chính sách bài Âu của thập niên 1930 đoạn tuyệt với con đường toàn cầu hóa từ những ngày chưa có khái niệm nọ. Chiến tranh lạnh bồi thêm một đòn mới: Hệ thập phân bị coi là “vũ khí của Nga Xô”.

Cũng phải bổ sung một chi tiết là năm 1971 Quốc hội Mỹ cho nghiên cứu theo hướng kinh tế: Mỹ có thể tiết kiệm hàng tỷ dollar nếu dùng hệ mét. Năm 1975 Tổng thống Gerald Ford ký sắc lệnh “Metric Conversion Act” đổi hệ đo lường, tuy nhiên trên cơ sở tự nguyện, với hy vọng sau một thập niên người dân sẽ quen dần. Một thành phố nhỏ tên là Wayne City (bang Michigan) là địa điểm đầu tiên chuyển đổi triệt để, từ đó tên là thành phố mét “Metric City USA”!

Nhưng người ta lạc quan quá sớm. Báo chí còn nhắc đến hệ mét như một âm mưu của chủ nghĩa cộng sản (Reagan) hay thậm chí là đòn công kích của văn hóa Ả Rập. Năm 1982 hệ mét chết một cái chết âm thầm, khi Tổng thống Ronald Reagan chấm dứt ngân khoản dành cho dự án chuyển đổi nọ. Từ đó, Mỹ gần như là ốc đảo lập dị trong thế giới mới, cho dù trong công nghiệp và thương mại vẫn duy trì đơn vị đo của hệ thập phân.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm