Môn võ kì lạ nhất thế giới Kun Bokator sẽ chờ đón HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam

04/05/2023 10:26 GMT+7 | SEA Games 32

Các võ sĩ Việt Nam lần đầu thử sức ở môn Kun Bokator song vẫn tràn đầy cơ hội có thể giành HCV tại SEA Games 32.

Kun Bokator cũng là môn võ thế mạnh truyền thống của chủ nhà Campuchia. Môn võ biểu tượng của văn hoá Khmer này được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2002. Tại SEA Games 32, Campuchia đã tổ chức 32 nội dung (16 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội, 9 nội dung thi đấu đối kháng cá nhân và 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội). Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam sẽ cạnh tranh với các đối thủ gồm chủ nhà Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia.

Để chuẩn bị cho mục tiêu giành 3 HCV ở SEA Games 32, đội tuyển Kun Bokator Việt Nam thành lập với 3 HLV, 1 chuyên gia Campuchia và 15 võ sĩ. Đây là môn thể thao có nhiều điểm tương đồng với võ cổ truyền Việt Nam nên để thích nghi nhanh với tình hình, HLV Lê Công Bút đã tuyển chọn những thành viên tốt nhất của đội võ cổ truyền Việt Nam và tranh tài ở nội dung đối kháng của 9 hạng cân: 50kg, 55kg, 60kg, 65kg và 70kg (của nam) và hạng cân 45kg, 50kg, 55kg và 60kg (của nữ).

Mục tiêu ở SEA Games 32 được đặt trên cơ sở vị trí thứ 2 toàn đoàn ở giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á 2023. Đây là giải đấu hướng tới SEA Games 32 và Việt Nam chỉ xếp sau chủ nhà Campuchia nội dung đối kháng với 3 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ, một thành tích đáng khích lệ với toàn đội tuyển trong bối cảnh các võ sĩ mới làm quen với điều lệ và luật thi đấu. Trong đó, những VĐV kỳ cựu như Nguyễn Thị Hoài Nhi (HCV hạng cân 45kg nữ); Nguyễn Thị Tuyết Mai (HCV hạng cân 55kg nữ )và Ngô Đức Mạnh (HCV hạng cân 70kg nam) là những cái tên được kỳ vọng.  

Khởi tranh môn Kun Bokator: Chờ đón tấm HCV đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam - Ảnh 1.

Các võ sĩ Việt Nam lần đầu thử sức ở môn Kun Bokator song vẫn có cơ hội giành HCV

Theo đánh giá của HLV Lê Công Bút, các VĐV Việt Nam tự tin sẽ gặt hái thành tích trên đất bạn, bởi so với võ cổ truyền thì môn Kun Bokator trang bị nhiều vật dụng lên sàn hơn chút ít, nhưng luật thi đấu khá giống võ cổ truyền. VĐV Kun Bokator sẽ đeo găng hở ngón tay, đội mũ, mặc giáp, mang bọc ống chân, bọc cùi chỏ lên sàn đấu. Mỗi trận đấu sẽ diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút và nghỉ 1 phút giữa các hiệp. Đón đánh được công nhận điểm dựa vào bốn cách tấn công: Đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng gọi là Chorn Tnouk.

Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam bao gồm dàn VĐV kỳ cựu và có không ít cái tên trẻ. Đó cũng là điều tạo nên bất ngờ cho các đối thủ chạm trán họ lần này. Và như đã đề cập, các thành viên đều kỳ vọng sẽ làm nên bất. Trước giờ lên đường, HLV Lê Công Bút cho biết những học trò của ông đều sẵn sàng làm nên chuyện tại SEA Games 32 khi đặt mục tiêu vào chung kết ở mọi hạng cân mình tham dự và ngay trong ngày 4/5, với 6 bộ huy chương được trao ở môn Kun Bokator, hi vọng đang được thắp lên

Trong lịch sử các kỳ SEA Games cũng đã chứng tỏ, thể thao Việt Nam rất mạnh ở các môn võ. Và biết đâu với 32 tấm huy chương ở những nội dung đã được Ban tổ chức SEA Games đặt ra, Kun Botakor sẽ là bất ngờ lớn của Đoàn thể thao Việt Nam ở Campuchia năm nay.

Kun Bokator là một môn võ lạ có nguồn gốc từ Campuchia, được ra đời từ khoảng 1700 năm trước. Đây là môn võ được xếp hàng 10 môn võ bí ẩn nhất thế giới. tên gọi của môn võ này bắt nguồn từ giai thoại rằng, cách nay khoảng 2.000 năm có một con sư tử rất hung dữ tấn công vào một ngôi làng. Khi dân làng không thể tìm ra cách để hóa giải nỗi ác mộng này thì có một chiến binh xuất hiện với chỉ duy nhất con dao trên tay. Người chiến binh này đã chiến đấu với con sư tử và cuối cùng hạ gục nó bằng một cú lên gối. Sau đó, người chiến binh ấy tái hiện lại những chiêu thức mà ông đã dùng để đối phó với con sư tử kia. Dần dần kỹ thuật trên được nhiều người sử dụng để chiến đấu chống lại động vật hoang dã. Và ngày nay đã trở thành một môn võ thuật tiêu biểu của dân tộc Campuchia.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm