'Mở cửa' căn phòng bí mật của Michelangelo

14/11/2023 18:21 GMT+7 | Văn hoá

Một căn phòng bí mật trong nhà nguyện thế kỷ 16 ở Italy, nơi Michelangelo ẩn náu và vẽ trong nhiều tháng, đã lần đầu tiên mở cửa cho công chúng tham quan sau gần nửa thế kỷ được tìm thấy.

Michelangelo được cho là đã thực hiện những bức vẽ hiếm thấy tại đây trong lúc đang lẩn trốn.

Khám phá bất ngờ

Michelangelo nổi tiếng với những tác phẩm khổng lồ, như tượng David, những bức bích họa từ sàn tới trần của nhà nguyện Sistine hay mái vòm của nhà thờ thánh Peter vốn thống trị đường chân trời của Rome. Nhưng một tác phẩm ít khoa trương hơn của ông sắp được trưng bày trước công chúng trong "căn phòng bí mật" của người nghệ sĩ này ở Florence.

Từ lâu, các sách cẩm nang du lịch về thành phố Florence (Italy) đã lưu ý rằng Vương cung Thánh đường San Lorenzo có một căn phòng bí mật được cho là do Michelangelo trang trí khi bậc thầy nổi tiếng thời Phục hưng này đang lẩn trốn trong 2 tháng vào năm 1530. Căn phòng này nằm bên dưới nhà nguyện Medici, phía sau nhà thờ San Lorenzo ở Sagrestia Nuova. Nó hiện là một phần của bảo tàng Nhà nguyện Medici (bản thân bảo tàng lại là một phần của bảo tàng Bargello).

'Mở cửa' căn phòng bí mật của Michelangelo - Ảnh 1.

Chân dung nghệ sĩ bậc thầy Michelangelo do Daniele da Volterra vẽ

"Việc hoàn thành các hạng mục ở lối ra mới và những điều chỉnh để phù hợp với các quy định an toàn, sẽ cho phép mở cửa căn phòng bí mật của Michelangelo - một nơi cực kỳ hấp dẫn và vô cùng tinh tế, nhưng lại là không gian hẹp gắn với những bức tranh vẽ bằng than trên tường cần được bảo vệ" - theo Massimo Osanna, giám đốc điều hành các bảo tàng ở Italy.

Những bức vẽ tuyệt đẹp ở Stanza Segreta - hay căn phòng bí mật - được tái khám phá vào năm 1975. Thời điểm đó, Paolo Dal Poggetto, giám đốc bảo tàng Nhà nguyện Medici khi đó, đang hy vọng có thể mở ra một lối thoát hiểm mới cho du khách tới tham quan. Vô tình, ông lại tìm được một cánh cửa sập, giấu trong tủ quần áo nằm giữa đống đồ nội thất và trang trí không dùng tới nữa. Cửa sập này mở ra cầu thang hẹp, dẫn tới căn phòng hẹp nằm bên dưới khu lăng mộ nhà thờ - vốn cũng được chính Michelangelo thiết kế vào năm 1520. Căn phòng có dạng hành lang, dài khoảng 10 mét, rộng 3 mét và cao 2 mét rưỡi, từng được dùng để chứa than, cho tới khi nó bị đóng cửa vào khoảng 20 năm trước.

'Mở cửa' căn phòng bí mật của Michelangelo - Ảnh 2.

Một góc căn phòng bí mật của Michelangelo

Vị giám đốc đã giao nhiệm vụ cho chuyên gia phục chế Sabino Giovannoni làm sạch các bức tường của căn phòng hẹp này. Nhưng điều Giovannoni tìm thấy đã thay đổi mọi thứ. Lột bỏ 2 lớp tường thạch cao, căn phòng để lộ ra những hình ảnh tuyệt đẹp: Nó được bao phủ bởi hàng chục bức vẽ khổ lớn màu hồng đỏ, vẽ bằng phấn và than chì.

Dal Poggetto tin rằng Michelangelo là nghệ sĩ đứng sau các tác phẩm này. Ông được cho là phác họa chúng khi lẩn trốn năm 1530.

"Khoảnh khắc bước vào căn phòng đó, bạn sẽ không nói nên lời" - Giám đốc Bảo tàng Bargello.

Trải nghiệm không nói nên lời

Nhưng tại sao Michelangelo lại phải lẩn trốn trong không gian dưới hầm này- nơi chỉ có duy nhất một cửa sổ đón nắng từ con phố phía trên?

Chuyện là, khi đó, người từng bảo trợ chính cho danh họa, gia đình Medici, vừa trở về Florence sau vài năm sống lưu vong. Ba năm trước đó, Michelangelo đã tham gia một cuộc nổi dậy của quần chúng, dẫn tới việc gia đình Medici phải rời đi và chính phủ Cộng hòa tạm thời thay thế họ. Ngoài ra, Michelangelo cũng thay mặt chính phủ để giám sát các công sự của thành phố.

'Mở cửa' căn phòng bí mật của Michelangelo - Ảnh 4.

Khi gia đình Medici quay về, giáo hoàng Clement VII - vốn là một thành viên của gia đình - đã kết ánông. Michelangelo đã đi ẩn náu cho tới khi được trở lại nhờ sự khoan hồng của giáo hoàng. Nhà Medici cuối cùng cũng tha thứ cho Michelangelo sau 2 tháng, gỡ bỏ bản án và và cho phép ông rời nơi ẩn náu để tiếp tục công việc xây dựng nhà nguyện Sistine và lăng mộ gia đình Medici.

Một số học giả tỏ ra nghi ngờ vì Michelangelo, người khi đó đã được ca ngợi rộng khắp, lại có thể ẩn náu "ở một nơi tồi tàn như thế". Tuy nhiên, phần đông tin rằng đó ít nhiều chính là tác phẩm của Michelangelo. "Nét vẽ rất nhanh, thể hiện sự tự tin tuyệt vời" - theo giám đốc hiện tại của nhà nguyện Medici, Francesca De Luca.

William Wallace, một học giả về Michelangelo ở Đại học Washington, lại nghĩ rằng chưa tới nửa tá phác họa trong số đó là của Michelangelo. Tuy nhiên, đây vẫn là một bổ sung có giá trị về nghệ thuật Phục hưng, bất kể danh tính nghệ sĩ. "Đó là một vài cái nhìn thoáng qua về văn hóa thời đó" - ông nói - "Những bức vẽ này là một phần công việc thường ngày của một nhóm người phải làm để hoàn thành một công trình phức tạp và quan trọng như nhà nguyện Medici".

'Mở cửa' căn phòng bí mật của Michelangelo - Ảnh 5.

Trong các bức vẽ có các hình ảnh khỏa thân, gương mặt và nghiên cứu các bộ phận cơ thể khác nhau. Một bức vẽ gần lối vào cho thấy khuôn mặt nghiêng và đang nhìn về phía trước, khiến một số chuyên gia tin rằng nó gợi lên tác phẩm Sự phục sinh của Chúa Kitô của Michelangelo. Một bức phác thảo đôi chân khác có vẻ giống một tác phẩm điêu khắc của ông cho lăng mộ ở nhà nguyện. Các chuyên gia cũng cho rằng các bức vẽ khác cho thấy những điểm tương đồng với một nhân vật trong Sự sụp đổ của Phaeton, đôi chân của Giuliano de' Medici, Công tước Nemours, các chi tiết như đầu Laocoon hay thậm chí là cánh tay của bức tượng David đình đám của Michelangelo. Ngoài ra, có một bức phác thảo ở đây được cho là liên quan tới bức Leda và thiên nga - bức tranh ông vẽ cùng năm nhưng nay đã thất lạc.

'Mở cửa' căn phòng bí mật của Michelangelo - Ảnh 6.

Sau quá trình trùng tu dài tốn thời gian, liên tục và đầy nỗ lực, căn phòng hiện sẽ lần đầu mở cửa cho công chúng từ 15/11 này, nhưng chỉ cho phép tham quan hạn chế. Bảo tàng chỉ bán 100 vé với giá 34 USD bao gồm tham quan cả nhà nguyện Medici, với 15 phút tham quan dành cho nhóm 4 người. Giữa mỗi chuyến tham quan có 45 phút nghỉ để hạn chế tác phẩm tiếp xúc với ánh sáng.

"Khoảnh khắc bước vào căn phòng đó, bạn sẽ không nói nên lời" - Paola D'Agostino, giám đốc bảo tàng Bargello, chia sẻ và nói thêm rằng khi người xem bắt đầu thích nghi với ánh sáng yếu "họ bắt đầu thấy nhiều bức vẽ khác nhau và tất cả các lớp màu khác nhau".Bà hy vọng các tác phẩm nghệ thuật phức tạp này sẽ khơi dậy trong khách tham quan cảm giác ngạc nhiên giống như bàtừng gặp.

"Nơi này mang tới cho du khách một trải nghiệm độc đáo. Nó không chỉ cho thấy quá trình sáng tạo của một bậc thầy về nghệ thuật mà còn mang tới nhận thức về sự hình thành những huyền thoại về ông như một nghệ sĩ thần thánh" -bà nói.

Michelangelo - Đỉnh cao của 3 nghệ thuật

Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (6/3/1475 - 18/2/1564) là nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư người Italy và là nhà thơ thời kỳ Phục hưng. Sinh ra ở Florence, các tác phẩm của ông lấy cảm hứng từ các truyền thuyết kinh điển cổ đại và có ảnh hưởng lâu dài tới nghệ thuật phương Tây. Khả năng sáng tạo cùng sự uyên bác trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật mang tới cho ông danh tiếng là nhân vật nổi bật nhất thời Phục hưng, cùng với đối thủ và đàn anh cùng thời Leonardo da Vinci.

Michelangelo sớm nổi tiếng: 2 trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông là Pieta David đều được thực hiện khi chưa tới 30 tuổi. Dù không tự coi mình là một họa sĩ, Michelangelo đã tạo ra 2 trong số những bức bích họa có ảnh hưởng nhất lịch sử nghệ thuật phương Tây: Những cảnh trong Sáng thế ký trên trần nhà nguyện Sistine ở Rome và Sự phán xét cuối cùng trên bức tường nhà thờ. Ở tuổi 71, ông tiếp nối Antonio da Sangallo the Younger trở thành kiến trúc sư vương cung thánh đường Thánh Peter. Michelangelo đã thay đổi kế hoạch, biến phần cuối phía Tây thành thiết kế của ông, cũng như mái vòm và một số sửa đổi khác.

Michelangelo là nghệ sĩ phương Tây đầu tiên có tiểu sử xuất bản khi còn sống. Trên thực tế, có tới 3 cuốn tiểu sử ra mắt trong đời ông. Một trong số đó, do Giorgio Vasari chắp bút, ca ngợi các tác phẩm của Michelangelo vượt xa mọi nghệ sĩ cả còn sống lẫn đã chết, và "đỉnh cao không chỉ ở 1 mà cả 3 nghệ thuât". Khi còn sống, ông cũng thường được gọi là Il Divino (vị thần).

An Bình (tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm