Điều gì làm Messi trở nên bất tử?

12/12/2012 18:54 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Hết kỷ lục này đến kỷ lục khác bị phá. Hết Pele rồi Mueller bị vượt mặt. Lionel Messi đang phá bỏ mọi giới hạn và bắt bóng đá phải quay theo quỹ đạo của riêng anh. Nhưng những gì khiến cái tên Messi trở nên bất tử không phải là những con số thống kê vô cảm, mà là cách anh thực hiện nó và bắt chúng ta phải khóc, cười và thậm chí là đau đớn theo anh.

Pele bảo rằng Messi hãy ghi 1000 bàn thắng, rồi hẵng mơ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhưng trong cái năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời, Vua bóng đá cũng “chỉ” ghi được 75 bàn. Con số 1000 ấy cũng giống một sản phẩm quảng cáo nhiều hơn, vì đa phần các bàn thắng trong đó được ghi ở các trận giao hữu và các chuyến du đấu biểu diễn. Năm 2007, Romario cũng chạm đến cột mốc này, nhưng không ai bảo rằng anh là tiền đạo hay nhất mọi thời. Hai nhân vật khác trong danh sách những cầu thủ đã từng ghi 1000 bàn thắng, Binder Franz của Áo và Arthur Friendenreich của Brazil, thậm chí còn chẳng được mấy người biết đến.

Chính vì thế, mọi thống kê đôi khi chỉ là những con số vô nghĩa. Chúng ta nhớ đến Pele, Mueller, Maradona v.v vì cách họ chơi bóng, và vì những cảm xúc họ mang lại, không phải vì trang Wikipedia đã thống kê rằng họ ghi bao nhiêu bàn, và có bao nhiêu đường kiến tạo. Bây giờ, Messi cũng đã đi vào lịch sử, và kỷ lục thì tốt thôi, nhưng như đã nói, những gì anh đã đem lại cho thế giới bóng đá còn hơn cả những kỷ lục. Chàng trai này đã 25 tuổi và đi đến chặng giữa của sự nghiệp, nhưng mỗi khi ra sân, vẫn biết cách biến các trận đấu thành nơi tạo ra niềm vui, cho chính anh, và cho những ai đang xem anh thi đấu.

Căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng đã được chữa lành từ lâu, nhưng ơn Chúa, tâm hồn của Messi thì vẫn mãi là một đứa trẻ. Thứ Tư tuần trước, anh dính phải chấn thương đầu gối sau một cú vào bóng của hậu vệ Benfica. Nhưng ngay sau khi bộ phận y tế xác định rằng chấn thương ấy không có gì nghiêm trọng, Messi không còn lý do gì để nghỉ ngơi. HLV Tito Vilanova đã can ngăn: “Cậu ấy không cần phải nỗ lực đến vậy để chứng minh rằng mình yêu môn thể thao này đến thế nào”.

Nhưng Messi bỏ ngoài tai lời khuyên ấy. Anh chỉ nghĩ đến chuyến làm khách trên sân Betis sau đó vài ngày. Đó là một đối thủ “kỵ giơ” với Barca, ưa sử dụng lối chơi thể lực và cả những thủ thuật gây ức chế tâm lý. Nhưng Messi không sợ gì cả. Anh ra sân, lập một cú đúp và đi vào lịch sử. Và ngay cả khi những bàn thắng đưa anh vượt qua Gerd Mueller, thì Messi có lẽ cũng chẳng bận tâm gì đến kỷ lục. Đơn giản là anh còn mải chạy theo quả bóng, và vui theo những vòng quay của nó.

Bóng đá đối với Messi không hề thay đổi trong những năm qua, từ khi anh còn là một cậu nhóc chạy lon ton trên các con phố của Rosario, Argentina, cho đến khi đã trở thành siêu sao số một thế giới và đang chờ giành Quả bóng Vàng thứ tư liên tiếp. Tiền đạo người Argentina “đối xử” với quả bóng theo một cách hoàn toàn khác với “kình địch” Cristiano Ronaldo: Messi coi nó như một người bạn, còn Ronaldo, trong những ám ảnh quá lớn về cái tôi, coi đó là một công cụ để khẳng định bản thân bằng mọi giá.

Chính vì thế, vào cái ngày đi vào lịch sử, Messi không vỗ ngực và bảo rằng “tôi là số một, số hai và số ba thế giới”, như những gì Ronaldo đã làm khi nhận Quả bóng Vàng năm 2008. Anh dành thời gian để ca ngợi… Iniesta: “Nếu Bóng Vàng được trao cho Iniesta, thì đó là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng với những gì anh ấy đã thế hiện”. La Masia đã dạy họ ở bên nhau như thế, và nhận thức được rõ ràng rằng mọi chiến thắng cá nhân đều có sự hậu thuẫn của tập thể. Đổi lại, được chơi bóng với Messi cũng là niềm hạnh phúc của Barca, như lời Gerard Pique: “Leo đúng là siêu nhân. Không có giới hạn nào với cậu ấy. Chúng tôi sẽ luôn nhớ tất cả những gì mà cậu ấy mang lại, và tận hưởng từng phút giây được chơi bóng cùng cậu ấy”.

Thế giới cũng sẽ nhớ tất cả những gì Messi đã mang lại, không phải những kỷ lục đã tan nát dưới chân anh, mà là khuôn mặt đầy vẻ đam mê của anh khi bóng quấn lấy chân, nụ cười khi bàn thắng đến, thái độ khiêm tốn trong và ngoài sân cỏ, và tất nhiên, cả những phút giây trái tim như thắt lại khi anh đổ gục xuống sân. Một lần nữa, cảm ơn Chúa, vì đứa trẻ trong trái tim Messi không lớn thêm nữa, và bóng đá với anh chưa bao giờ nhàm chán đi, dù trận gặp Betis vừa qua đã là trận thứ 352 của anh cho Barca, và ghi bàn với anh bắt đầu trở thành một công việc nhàm chán rồi…

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Messi vẫn kém Mueller

Messi đã phá kỷ lục của Gerd Mueller, nhưng không có nghĩa là anh vượt qua được huyền thoại này về hiệu suất săn bàn. Năm 1972, tờ Marca đã giật tít “Cơn lốc xoáy Mueller” để mô tả khả năng ghi bàn khủng khiếp của huyền thoại người Đức. Trong năm ấy, Mueller đã ghi tổng cộng 42 bàn sau 34 trận tại Bundesliga, 7 bàn trong 6 trận ở các giải Cúp, 12 bàn sau 5 trận chơi tại Cúp QG Đức, 10 bàn sau 4 trận chơi ở Cúp C1, 1 bàn sau 4 trận ở Cúp các đội vô địch Cúp QG châu Âu, và 13 bàn sau 7 trận chơi cho đội tuyển Đức. Mueller ghi 85 bàn sau 60 trận, đạt hiệu suất ghi bàn 1,41 bàn/trận.

Trong 86 bàn Messi đã ghi trong năm 2012, có 56 bàn sau 36 trận ở Liga, 3 bàn sau 7 trận ở Cúp Nhà Vua, 2 bàn sau hai trận ở Siêu Cúp TBN, 13 bàn sau 12 trận ở Champions League và 12 bàn sau 9 trận chơi cho đội tuyển Argentina. Mùa này, mới qua gần nửa chặng đường, Messi đã ghi được 23 bàn ở Liga, số lần lập công có thể giúp anh giành danh hiệu Pichichi 26 lần trong lịch sử giải đấu này. Nhưng hiệu suất ghi bàn của Messi “chỉ” là 1,3 bàn/trận.

Trong năm 2012, các bàn thắng của Messi cũng chỉ giúp anh và Barcelona giành được một chức vô địch Cúp Nhà Vua, trong khi 85 pha lập công của Mueller trong năm 1972 đã giúp Bayern vô địch mọi đấu trường từ châu Âu cho đến quốc nội năm ấy.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm