Máy bay tàng hình J-31 của Trung Quốc: Chỉ là hổ giấy?

17/11/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hội chợ hàng không Chu Hải ở Trung Quốc luôn là nơi xuất hiện nhiều chuyện gây ngạc nhiên. Năm nay, chiếc máy bay tàng hình J-31 do nước này tự chế đã gây bất ngờ lớn.

Do Trung Quốc nổi tiếng về khả năng giữ bí mật nên Hội chợ Chu Hải luôn là cơ hội hiếm hoi để người ta biết được Trung Quốc tiến xa tới đâu về công nghệ vũ khí.

Hình ảnh "bô trai"...

Năm nay, sự chú ý tập trung vào J-31, chiếc máy bay tàng hình mà cư dân mạng Trung Quốc đã nhiều lần nói tới, với các màn "lộ ảnh" chân dung đình đám.

Giới nghiên cứu quan tâm tới J-31 bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố một chiếc máy bay quân sự mới, khi nó vẫn đang còn trong giai đoạn đầu của hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trước đây, người ta thường phải chờ cho tới khi máy bay đã hoạt động trong Không quân Trung Quốc để được nhận thông tin chính thức về nó.


J-31 là chiếc máy bay đẹp mã, nhưng ẩn chứa khiếm khuyết về thiết kế khí động học

J-31 được thiết kế với hình dáng một chiếc máy bay tàng hình, cùng loại với Máy bay chiến đấu liên hợp F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Đây cũng là mẫu máy bay tàng hình thứ 2 do Trung Quốc tự lực nghiên cứu chế tạo. "Đại ca" của J-31 là chiếc Thành Đô J-20, đã cất cánh lần đầu vào tháng 1/2011, thời điểm trước khi hoạt động phát triển nó bị đưa vào vòng bí mật.

Nhìn bên ngoài, J-31 "trông có vẻ" tàng hình. Các góc cạnh của chiếc máy bay này có một số điểm giống với F-35, như ở phần mũi, cánh và đuôi. Tuy nhiên giới quan sát không thể biết đội thiết kế máy bay ở Thẩm Dương đã thành công tới đâu trong việc chế tạo một chiếc máy bay với tiết diện phản xạ tín hiệu rađa thấp.

Nguyên nhân do người ta không biết họ dùng vật liệu gì, việc động cơ được lắp đặt như thế nào trong máy bay và tín hiệu nhiệt được giảm tới đâu nhờ thiết kế đặc biệt ở khu vực ống xả khí của máy bay.

...Chỉ để che lỗi thiết kế

Giống các máy bay khác của không quân Trung Quốc, J-31 hoạt động nhờ các động cơ phản lực do Nga sản xuất. CNN dẫn lời chuyên gia nói rằng J-31 sử dụng 2 động cơ Klimov RD-93. Đây là phiên bản đặc biệt của cùng mẫu động cơ đã được sử dụng trong những chiếc MiG-29 của cục thiết kế Mikoyan (Nga).

Có tin đồn rằng một nhóm "kỹ sư nổi loạn" từ Mikoyan đã hỗ trợ đội thiết kế Thẩm Dương trong hoạt động phát triển máy bay J-31. Tuy nhiên CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mikoyan khẳng định không có chuyện này và những người Trung Quốc đã hoàn toàn tự lực trong việc thiết kế J-31.


J-31 dường như đã phải kích hoạt chế độ đốt hậu (afterburner) ngay cả khi bay thẳng để tránh mất độ cao

Vị quan chức trên có thể đã nói thật. Một chiếc máy bay nếu được sự hỗ trợ từ Nga trong mặt thiết kế thường sẽ hoạt động khá tốt. Tuy nhiên khi trình diễn ở Hội chợ Chu Hải, J-31 thể hiện rằng nó "chảy máu" quá nhiều năng lượng. Tình trạng chảy máu năng lượng lớn tới mức khi tiến hành đảo hướng, máy bay đã bắt đầu có dấu hiệu mất đần độ cao.

Thậm chí ngay cả khi thực hiện việc bay thẳng, phi công vẫn phải kích hoạt chế độ đốt hậu để giữ cho máy bay không tụt xuống độ cao thấp hơn. Rõ ràng đã có những khiếm khuyết trong thiết kế khí động học của máy bay mà một đội thiết kế của Nga sẽ không mắc phải.

CNN dẫn lời các chuyên gia phương Tây đánh giá mẫu J-31 bay tại Chu Hải là một chiếc máy bay "sạch", có nghĩa nó chưa trang bị vũ khí. Nếu mang theo bom đạn trong một nhiệm vụ thực sự, máy bay sẽ nặng nề hơn và khả năng hoạt động của nó còn tồi hơn những gì người ta đã thấy.

Màn gây ấn tượng thất bại

Vì sao Trung Quốc lại quyết định khoe ra một chiếc máy bay dường như quá nặng nề và yếu ớt như thế? Rất có thể do Hội chợ Chu Hải diễn ra cùng thời điểm các lãnh đạo thế giới, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, tới Bắc Kinh để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi gắm tới Mỹ qua việc khoe J-31 là "chúng tôi mạnh hơn các vị tưởng".

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc khoe "đồ chơi" mới để thể hiện sức mạnh. Hồi tháng 1/2011, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã cho J-20 bay thử lần đầu.

Thật không may, nếu Trung Quốc muốn gây ấn tượng với J-31 thì họ đã không thành công. Các chuyên gia nhận xét rằng họ thấy ấn tượng khi nhìn J-31 trong những bức ảnh tải lên nhiều trang web Trung Quốc hơn việc trực tiếp chứng kiến nó bay ở Chu Hải. Đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa mình, họ nói.

Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm