Manchester United: Thay đổi để trường tồn

11/02/2014 19:40 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Không có gì tồn tại vĩnh cửu, trừ một thứ: sự thay đổi (Heraclitus - triết gia Hy lạp).

Trong “Xây dựng để trường tồn” , Jim Collins cho rằng mọi cái đều có thể thay đổi – tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược. Chỉ trừ một thứ không đổi: triết lý thương hiệu. Điều này đã được kiểm chứng với 18 công ty thành công nhất thế giới trong 100 năm qua: trong suốt chiều dài phát triển, họ không bao giờ thay đổi triết lý  của mình.

Tuy nhiên, cái gì cũng sẽ có ngoại lệ.

Đối với các fan của United, lúc này sẽ có nhiều người muốn có sự thay đổi trên hàng ghế huấn luyện viên. Ngay lúc này chứ không phải đợi 3 năm trắng tay. Không đơn giản chỉ là vấn đề danh hiệu. Họ lo sợ rằng, nếu không kịp thay đổi, United sẽ chỉ còn là phần xác vô hồn trong bộ trang phục truyền thống quần trắng áo đỏ quen thuộc.
Manchester United  khác với hầu hết các câu lạc bộ khác về văn hóa không sa thải huấn luyện viên. Trong suốt chiều dài lịch sử, United luôn trung thành với triết lý này. Họ đã nhận được phần thưởng quá tuyệt với trường hợp của Sir Alex Ferguson: đạt được thành công rực rỡ trên phương diện sân cỏ lẫn thương mại nhờ không sa thải ông cho dù trắng tay liên tiếp 3 mùa đầu tiên.

Người kế nhiệm Sir Alex – ông David Moyes đang được “chống lưng” nhờ triết lý này. Cái gậy chống lưng này đến nay xem ra đang rung bần bật vì quá tải. Quá tải vì United mới của Moyes phá kỷ lục thắng của Sir Alex & lập kỷ lục thua nhanh đến chóng mặt. Quá tải vì chưa giai đoạn nào đội hình của United nhiều cầu thủ yếu kém đến thể. Và quá tải vì không những rơi tự do trên sân cỏ, giá trị hình ảnh của United chưa bao giờ bị tổn thương nhiều đến vậy: trước đây ai gặp cũng sợ United , bây giờ United gặp ai cũng sợ.

Bộ máy lãnh đạo United vin vào rất nhiều lý do để bào chữa cho chiếc ghế an toàn của David Moyes: giai đoạn chuyển giao bao giờ cũng cần thời gian để thích nghi; United không phải là Chelsea hay Man City nên huấn luyện viên mới cần chuẩn bịcho thành công bền vững lâu dài chứ không phải để thành công ngay tức thì.

Dài hạn? Tốt thôi. Nhưng về lâu dài hình ảnh thương hiệu cá nhân, tài năng và triết lý cầm quân của David Moyes có thực sự phù hợp với United?

Đến bao giờ David Moyes giành được những thành tựu như Sir Alex?

Đến bao giờ David Moyes giành được những thành tựu như Sir Alex?

United quá quen với áp lực phải duy trì thành tích đỉnh cao (trong & ngoài sân cỏ) liên tục; Ở Everton 8 năm, David Moyes chỉ quen với vị trí quanh quẩn top 10 mùa này sang mùa khác. United có hình ảnh uy quyền và hấp dẫn về hình thức (lỗi chơi sexy, các cá nhân ngôi sao); David Moyes là hình ảnh ông thầy “giáo làng” tận tuỵ, chăm chỉ với khuôn mặt khắc khổ. Về chuyên môn, United quen áp đặt lối chơi của kẻ bề trên, quen với phong cách hoa mỹ nhưng đủ sức mạnh đàn áp đối thủ cho đến phút chót; David Moyes quen nhập cuộc với tư thế cửa dưới chuyên phòng ngự và phá lối chơi các kẻ mạnh. Cách sắp xếp đội hình mùa này của Moyes phản ánh phong cách cầm quân của ông: nghệ sỹ sáng tạo như Kagawa mài đũng quần trên ghế dự bị và công nhân có cái nick “Tom 5mét” xuất phát đội hình chính đều như vắt chanh; "chuyên gia ăn vạ” Asley Young có lối chơi cắm mặt xuống đất tối như đêm 30 hiện diện trên sân chỉ làm người xem thêm ức chế như chơi trò Flappy Bird. Mới được mua về và chơi cho United có 3 trận nhưng giờ này Mata cũng đang tự hỏi tại sao anh bị đẩy ra bám biên và giao vai trò lật bóng như .... Valencia.

Ai cũng cần có sự khởi đầu. Trước khi lên đỉnh, ai cũng bắt đầu từ chân núi. Mourinho trước khi trở thành “người đặc biệt” nổi tiếng cũng từng chỉ là anh phiên dịch cho huấn luyện viên. Nhưng từ còn HLV cho CLB tầm trung Porto ông ta đã thể hiện tư chất và cá tính hấp dẫn của một dị nhân.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu 3 năm tới người dẫn cầu thủ bước ra đường hầm sân Old Traffod vẫn là khuôn mặt khắc khổ  David Moyes và Man United vẫn trắng tay?

Đối với các fan của United, lúc này sẽ có nhiều người muốn có sự thay đổi trên hàng ghế huấn luyện viên. Ngay lúc này chứ không phải đợi 3 năm trắng tay. Không đơn giản chỉ là vấn đề danh hiệu. Họ lo sợ rằng, nếu không kịp thay đổi, United sẽ chỉ còn là phần xác vô hồn trong bộ trang phục truyền thống quần trắng áo đỏ quen thuộc.

Không có gì tồn tại vĩnh cửu, trừ một thứ: sự thay đổi. Và mọi cái đều phải thay đổi, kể  cả đó là triết lý thương hiệu?

Ít nhất thì điều này có vẻ đúng với văn hoá không sa thải huấn luyện viên của Manchester United. Thay đổi khi chưa quá muộn. Vì sự trường tồn về hình ảnh của một thương hiệu dẫn đầu.

Độc giả: Đức Sơn
Richard Moore Associates

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm