Nhà VĐTG cờ chớp Lê Quang Liêm: 'Tôi vẫn còn non lắm'

21/06/2013 19:19 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng lịch sử ở giải thế giới tại nội dung cờ chớp đưa tên tuổi đại kiện tượng Lê Quang Liêm lên tầm cao mới. Hạnh phúc dâng cao khi trở về từ Khanty-Mansiysk, Nga, kỳ thủ số một làng cờ vua Việt Nam cho biết mình còn hành trình rất dài khác để theo kịp những thần tượng như Magnus Carlsen hay Viswanathan Anand.

* Để vô địch cờ chớp thế giới chẳng dễ gì, vậy bí quyết nào giúp anh thành công?

- So với cờ tiêu chuẩn, nội dung cờ chớp, cờ nhanh đòi hỏi tốc độ, nhịp độ các trận đấu nhanh hơn. Một trận đấu cờ chớp diễn ra tối đa 10 phút, khiến các kỳ thủ phải suy nghĩ và đưa ra các nước đi nhanh hơn. Rõ ràng chất lượng không bằng cờ tiêu chuẩn vốn diễn ra sáu, bảy giờ một trận, nhưng cũng đòi hỏi sự tính toán tốc độ hơn từ các kỳ thủ và có sức hấp dẫn riêng.

Tôi xác định rõ là cố gắng cải thiện vị trí thứ bảy so với năm trước, chứ không nghĩ mình vô địch. Song qua ngày đầu tiên thi đấu, tôi đã chiếm vị trí đầu bảng. Dù sau đó thua liên tiếp ở ván 22, 23, tạo điều kiện cho đối thủ cân bằng điểm số, nhưng bảy ván cuối cùng, tôi may mắn tận dụng được thời cơ để vô địch cờ chớp và đứng hạng tư cờ nhanh. Một kết quả nằm ngoài dự đoán của cá nhân tôi khi sang nước Nga dự giải thế giới năm 2013.



Lê Quang Liêm (giữa) liên tiếp gặt hái thành công trên đấu trường quốc tế. Ảnh: chessdom

* Có vẻ cờ vua không đơn thuần là môn thể theo trí tuệ như người ta thường nói?

- Đúng vậy. Cờ vua cũng đòi hỏi thể lực, sức chịu đựng, tâm lý... Thể lực yếu dẫn đến mắc sai sót, nên việc rèn luyện sức khỏe để theo sát những giải đấu dài là yêu cầu bắt buộc. Cá nhân tôi ngoài tập luyện cờ vua, còn tranh thủ chơi cầu lông, chạy bộ, bơi lội để rèn luyện cơ thể.

Tôi từng trải qua ván đấu dài hơn bảy tiếng rưỡi phút tại giải Siêu đại kiện tướng Dortmund (Đức) vào năm 2010, hay giải đấu vừa qua tôi đánh 45 ván đấu cờ chuẩn lẫn cờ nhanh. Thời gian thi đấu kéo dài từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối, cường độ năm trận  mỗi ngày trong ba ngày đấu cờ nhanh. Còn đấu cờ chớp, tôi chơi 16 ván ngày đầu, 14 ván ngày cuối cùng của giải.

Lịch thi đấu dày như thế, thầy trò tôi còn về lụi hụi nấu cơm ăn thêm vì khách sạn chủ yếu đồ Tây không hợp khẩu vị. Thế nên đoạt được chức vô địch càng để lại nhiều kỷ niệm khó quên với tôi, thầy Lâm Minh Châu hay đồng đội Nguyễn Ngọc Trường Sơn. 

* Chiến thắng tại giải thế giới đưa làng cờ vua Việt Nam lên tầm cao mới, anh có nghĩ thế không ?

- Tôi rất vui vì danh hiệu vô địch thế giới cờ chớp giúp bạn bè xung quanh có cái nhìn nể phục hơn với làng cờ vua nước nhà. Nhưng vô địch cờ chớp chưa phải là quá to tát, không được đánh giá cao bằng vô địch cờ tiêu chuẩn, vốn được xem là môn thi chính thống. Dù vô địch cờ chớp song hệ số Elo cờ tiêu chuẩn của tôi vẫn giữ nguyên mức 30 thế giới là 2.712.

Tôi xem nhà vô địch cờ tiêu chuẩn thế giới Viswanathan Anand (Ấn Độ) lẫn siêu đại kiện tướng có Elo cao nhất thế giới 2.868, Magnus Carlsen (Na Uy), là thần tượng để phấn đấu vươn lên. Tôi từng thua Carlsen cả hai ván ở giải cờ chớp thế giới năm 2012. Từ đó, tôi hiểu mình còn "non" lắm, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện bản thân.

* Mục tiêu của anh trong thời gian tới là gì?

- Mong muốn lớn nhất của tôi là chơi thành công ở giải vô địch thế giới cờ tiêu chuẩn, nơi là thước đo cho trình độ, năng lực các kỳ thủ cờ vua. Ngoài ra, tôi hy vọng danh hiệu vô địch thế giới sẽ giúp tôi được ban tổ chức các giải cờ vua siêu hạng mời đích danh tham dự. Có thể kể đến ba giải, Siêu đại kiện tướng tại Dortmund (Đức), SPICE Cup (Mỹ), giải tưởng niệm Capalanca (Cuba), những giải tôi từng tham dự và thi đấu khá tốt. Hy vọng các giải đấu danh giá khác như Tata Steel (Hà Lan), Linares (Tây Ban Nha), giải tưởng niệm Tal (Nga)... sẽ để ý và mời tôi thi đấu. Được mời tham dự các giải siêu hạng như thế hạnh phúc không gì lớn hơn, chứ không chỉ chuyện kiếm tiền.

* Giành hơn 1,2 tỷ đồng sau giải vô địch thế giới vừa qua, mọi người nói vui anh là vận động viên kiếm tiền giỏi nhất làng thể thao Việt Nam?

- Những khoản tiền thưởng có được từ cờ vua, tôi cũng tái đầu tư vào việc nghiên cứu, học tập cho bộ môn cờ. Như trước đó, tôi từng thuê hai chuyên gia người Nga cộng tác để nghiên cứu những phạm vi hẹp trong bộ môn cờ. Tuy nhiên, giá thuê rất đắt. Bản thân họ hoặc cá nhân tôi lại bận thi đấu, tham dự giải nên cũng không dễ để cộng tác.

Nếu có nhiều tiền, mới thuê được cả đội ngũ trợ lý hùng hậu như nhà vô địch thế giới Viswanathan Anand đang làm. Điều đó giúp kỳ thủ tiết kiệm thời gian và chơi hiệu quả hơn, song tiềm lực của tôi có hạn. Cá nhân tôi nghĩ khi vận động viên thể thao sống được bằng nghề mình là điều tốt, chứng tỏ thể thao đã đủ chuyên nghiệp hóa.

* Anh đánh giá sap về đồng đội Trường Sơn?

- Sơn có năng khiếu, lại bước vào làng cờ vua trước cả tôi. Cậu ấy từng được tạo điều kiện hai năm sang Hungary học về cờ. Bước tiến lên đại kiện tướng của Sơn còn nhanh hơn tôi, nhưng vì nhiều lý do có giai đoạn chậm lại thật đáng tiếc. Song giải vừa qua tại Nga, Sơn cũng thi đấu tốt và tôi rất mừng vì điều ấy. Bởi Sơn trở lại chính mình, làng cờ vua Việt Nam có thêm kỳ thủ đủ sức đua tranh danh hiệu tầm thế giới, thì còn gì vui bằng.

* Nếu dừng việc chơi cờ, anh có dự định nào không?

- Song song việc chơi cờ, tôi vẫn theo đuổi việc học như bao bạn bè khác. Tháng 8 tới đây, tôi qua Mỹ du học theo học bổng toàn phần bốn năm tại Đại học Websters, chuyên nghành tài chính-ngân hàng, giống như tôi đang học tại Đại học Sài Gòn. Đó cũng là đam mê khác của tôi bên cạnh cờ vua. Song tôi chẳng bao giờ nghĩ mình thôi chơi cờ vua cả, bởi môn thể thao trí tuệ ấy không bao giờ dừng lại mà phát triển liên tục theo giời gian.

* Anh từng thi đấu cờ vua và thắng siêu máy tính hay chưa?

- Dùng máy tính chơi cờ để hỗ trợ các kỳ thủ trong luyện tập mà thôi. Chứ thời điểm hiện tại, máy tính có thể tính đến mấy triệu nước cờ trong một giây, chuyện kỳ thủ giỏi nhất đánh bại siêu máy tính là cực khó. Tôi cũng chưa bao giờ thắng cả và chỉ dùng máy tính luyện tập nước cờ, chứ cũng khó có hy vọng gây bất ngờ (cười).

* Kế hoạch tương lai của anh ra sao?

- Cuối tháng 6 này, tôi tham dự giải Đại hội thể dục thể thao trong nhà châu Á tại Hàn Quốc, rồi sau đó là dự World Cup cờ chớp thế giới, cùng thời điểm sang Mỹ du học. Cách đây hai năm, tôi chỉ bước đến vòng ba trong bảy vòng của giải đấu. Năm nay giải không có hai siêu đại kiện tướng Anand, Carlsen, song vẫn có nhiều kỳ thủ hàng đầu thế giới. Vô địch giải thể giới vừa qua, tôi sẽ là mục tiêu nhiều đối thủ muốn đánh bại, đó là niềm tự hào và động lực tôi tiến lên trong giai đoạn tới đây.

 * Xin cảm ơn Lê Quang Liêm và chúc anh hoàn thành những mục tiêu đề ra!


Đôi nét về kỳ thủ Lê Quang Liêm

- Sinh ngày 13/3/1991 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có Elo 2.712 đứng vị trí 30 thế giới.

- Vô địch: U14 thế giới 2005, Kolkata (Ấn Độ, 2009), Aeroflot (Nga, 2010, 2011), SPICE Cup (Mỹ, 2011), SEA Games (2011, cờ tưởng, cờ nhanh), HD Bank Cup (2011), cờ chớp châu Á (2013), cờ chớp thế giới (2013).

- Á quân: U10 thế giới 2001, U12 thế giới 2003, SPICE Cup 2012, Siêu đại kiện tướng Dortmund (Đức) 2010, 2011, Capablanca 2011, cờ nhanh ASIAD 2010.    

Mộc Miên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm