Lãnh đạo cả nước họp 'Hội nghị Diên Hồng' về du lịch

09/08/2016 18:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – Sáng ngày 9/8, Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch đã diễn ra tại TP. Hội An với sự tham gia Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại biểu đại diện các địa phương, các doanh nghiệp trên cả nước.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Hội nghị lần này như là một "Hội nghị diên hồng" về du lịch, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo các địa phương được giãi bày tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị những giải pháp trước Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc cách mạng về du lịch

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Hội nghị có đông đủ các lãnh đạo địa phương trong cả nước, đặc biệt là bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch các tỉnh thành. Ở Việt Nam ở đâu cũng có thể làm du lịch được ở quy mô khác nhau. Có thể có địa phương lấy du lịch làm mũi nhọn, có địa phương không lấy đó là mũi nhọn nhưng đều phát triển du lịch được, nếu chúng ta quan tâm, biết tổ chức. Có điều là chúng ta có muốn làm không, có quan tâm không, có mở ra những định hướng đầu tư phát triển du lịch dịch vụ hay không.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo Bộ VHTT& DL, thời gian qua, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006-2010 (9,48%  so với 8,95%), hơn 1,57 lần. Trong đó, năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ trên 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa.

Trong 7 tháng của năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2015.

Có thể nói, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm quan trọng đối với du lịch Việt Nam như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, tạo ra động lực cho sự phát triển du lịch của cả vùng.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch hiện nay vẫn còn thiên về số lượng, chưa quan tâm đúng mức chỉ tiêu chất lượng. Bên cạnh đó, một số giá trị văn hóa, lịch sử, nhất là lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc chưa được khai thác hiệu quả.

Kinh doanh lữ hành bất hợp pháp còn diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng cơ sở lưu trú chưa được kiểm soát chặt chẽ, khai thác tài nguyên du lịch thiếu bền vững. Tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép khách, mất cắp hành lý, ăn xin, không đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm; ứng xử của người dân với du khách một số nơi chưa văn minh.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho rằng, hiện nay chiến lược quảng bá du lịch dài hạn chưa có, du lịch Việt Nam cụ thể là du lịch Hà Nội có tiềm năng lớn nhưng du khách không biết đến. Về thủ tục khách quốc tế họ cho rằng cần được miễn visa, bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn rào cản hạn chế về vui chơi giải trí về ban đêm, với quy định không vui chơi quá 24h là vấn đề mà đông đảo du khách và người dân quan tâm, bởi khách nước ngoài họ có múi giờ khác nên cần cân nhắc về vấn đề này. "Sự hấp dẫn của Hà Nội để du khách có thể quay trở lại sau khi đến du lịch là rất yếu", ông Chung thừa nhận.

Khó khăn không chỉ ở Thủ đô, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, du lịch TP HCM hiệu quả kinh tế chưa cao so với tiềm năng vốn có, Năng lực cạnh tranh so với các thành phố khác là rất thấp, còn yếu. Mặc dù quản lý nhà nước về du lịch không ngừng tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Hay du lịch của "thành phố đáng sống" theo như ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP thì vẫn cần có những quy chế, quy định hướng dẫn du khách khi vào Việt Nam du lịch cần tôn trọng văn hóa Việt Nam để đảm bảo môi trường chung, bởi du lịch thành phố này vừa qua có nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến du khách nước ngoài.

Mặc dù thời gian diễn ra Hội nghị giới hạn trong hơn nửa ngày, nhưng đã có 45 ý kiến phát biểu củaa các lãnh đạo đại diện các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Trong khi đó nhiều địa phương đăng ký được trình bày vẫn chưa có cơ hội được diễn giải những vướng mắc của địa phương mình. Điều đó cho thấy, các đại biểu rất quan tâm và kỳ vọng về Hội nghị này. Mong muốn, Hội nghị sẽ như là một cuộc cách mạng cho ngành du lịch Việt Nam thức tỉnh.

Cộng đồng mến khách, sạch sẽ, văn minh, du lịch mới thành công

Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu kết luận Hội nghị trước hàng trăm đại biểu.

Thủ tướng nói: "Có thể chưa có cơ sở vật chất tốt lắm, nhưng mà cộng đồng mến khách, sạch sẽ, văn minh, thì sẽ thành công về du lịch thôi. Còn nếu có cơ sở vật chất tốt, mà chặt chém, cướp giật, bẩn thỉu, nhất là văn minh trật tự đô thị, nhất là bẩn thỉu nhớp nhúa thì không thành công. Hôm nay tôi mời các đồng chí lãnh đạo tới đây cũng vì điều này, để chúng ta quảng bá du lịch cộng đồng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại khu du lịch phố cổ Hội An. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Chúng ta tổ chức tại đây để mọi người thấy rằng một cộng đồng dân cư hiền lành, dễ chịu, mến khách, luôn nở nụ cười trên môi khi ứng xử với du khách gần xa. Dân tộc mình phải làm như vậy, và nhiều nơi làm như vậy, không chỉ ở Hội An mà còn nhiều địa phương khác. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta và đó chính là nguyên nhân của sự thành công. Chặt chém, níu khách, phức tạp làm mất hình ảnh dân tộc nhưng đồng thời du lịch cũng không thành công".

Liên quan đến việc thành lập cảnh sát du lịch mà đại biểu  kiến nghị, Thủ tướng cho biết, giao cho Bộ Công An cụ thể là Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công An (có tham dự Hội nghị) trình đề án lên Chính phủ, Chính phủ xem xét báo cáo Bộ Chính trị.

Về thành lập "Bộ Du lịch", Thủ tướng cho biết, hiện chưa có Bộ Du lịch riêng mà Du lịch nằm trong Bộ VH, TT & DL. Còn khi phát triển du lịch đóng góp được 10-12% GDP rồi thì sẽ tính toán nghiêm túc. Còn trước mắt, những địa phương nào cấp bách, cảm thấy cần phát triển du lịch mạnh mẽ, là mũi nhọn của sự phát triển kinh tế địa phương thì chính phủ, Thủ tướng chính phủ xem xét từng trường hợp cụ thể để xử lý. Nhưng phải có tiêu chí, quy định".

Tại Hội nghị, một số đại biểu đưa ý kiến muốn thành lâp casino tại địa phương nhằm phục vụ khách du lịch bởi lợi nhuận lớn. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không xây Casino tràn lan, phải có quy hoạch, quản lý, rất phức tạp. "Có những điểm casino cho người nước ngoài và những điều kiện cần thiết cho người Việt Nam tham gia nhưng quy hoạch có địa điểm chứ không phải cả nước mở hết casino" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Một du khách có ý định tới Việt Nam nghỉ hè nhưng khi biết chi phí visa thị thực tới Việt Nam bằng 02 đêm ở tại Thái Lan đã quyết định du lịch tại Thái Lan. Người ta nói rằng, giá mà việc cấp thị thực tại cửa khẩu Việt Nam cũng được như Campuchia, điều đó cho thấy rằng, du lịch Việt Nam không chỉ thua Thái Lan, Singapore mà còn thua cả Lào, Campuchia, Myanmar".

Bộ VHTT& DL cho biết, hiện Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 22 nước trong khi so với Thái Lan đã miễn cho 61 nước, vùng lãnh thổ, Singapore miễn cho 158 nước…

Nguồn lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thấp (khoảng 2 triệu USD/năm cho công tác xúc tiến du lịch quốc gia trong khi các nước khác đầu tư khoảng 80-100 triệu USD/năm), du khách quốc tế thiếu thông tin về du lịch Việt Nam.

Trước tình hình đó, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 92, Bộ VHTT&DL cũng đề nghị thành lập Qũy hỗ trợ phát triển du lịch với mức vốn đầu tư ban đầu do Nhà nước cấp là 300 tỷ đồng. Việc hình thành Qũy góp phần thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư nhằm huy động thêm nguồn lực giúp hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch được triển khai chủ động theo kế hoạch dài hạn, hướng tới sự chuyên nghiệp và kịp thời ứng phó với những thách thức, biến động thị trường.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm