Ký sự World Cup: Mơ ước cùng nhau

20/12/2022 07:06 GMT+7 | World Cup 2022

Lời bài hát chính thức của World Cup 2022 có một đoạn nghe hay đến phát mê. Jungkook hát: "Hãy xem chúng ta là ai/Chúng ta là những kẻ mộng mơ/Chúng ta làm được điều đó/Bởi chúng ta tin tưởng". Tất cả những ai yêu bóng đá đều là những kẻ mơ mộng. Mơ đến những bàn thắng, mơ những chiến thắng và toại nguyện như Messi, mơ tạo ra (và trên thực tế đã biến điều đó thành hiện thực) một World Cup trên sa mạc, mơ chứng kiến một giải đấu nhớ mãi suốt đời.

Khi pháo hoa được bắn đỏ rực trên bầu trời sân Lusail lúc trận chung kết khép lại, với màn trao Cúp vàng cho Argentina của một Lionel Messi bất diệt, với những nụ cười trên môi người chiến thắng và những khán đài tràn ngập niềm vui và cả những tiếc nuối, trái tim tôi như thắt lại.

Chúng ta đã chờ 4 năm cho một World Cup, để rồi sau một tháng bóng lăn liên tục không nghỉ dưới bầu trời Qatar, giải đấu đã đóng lại, sau những đêm mất ngủ, những bàn thắng, những tranh cãi, biết bao những bất ngờ, và lại thêm 4 năm nữa cho sự đợi chờ. Tất cả giống như một bữa tiệc vui khi mọi người cùng đến và rồi rời đi khi tiệc tan, cùng ngóng chờ ngày trở lại.

Ký sự World Cup: Mơ ước cùng nhau - Ảnh 1.

World Cup 2022 đã kết thúc, nhưng những dư âm của nó chắc chắn sẽ còn mãi

 World Cup trên sa mạc, World Cup không tưởng

Đấy là một World Cup đặc biệt và kỳ lạ nhất. Nó diễn ra ở vùng Vịnh, trong mùa Đông, ở quốc gia nhỏ bé nhất đã từng đăng cai giải đấu. Và ở giải đấu ấy, trên những sân vận động được xây trên các khu đất trước kia là sa mạc, lần đầu tiên những cuộc vui của giới hâm mộ bằng rượu và bia không tồn tại. Nhưng World Cup ấy đã diễn ra một cách khác biệt nhất. Đấy là một World Cup an toàn, không xô xát, không ẩu đả, không có những cảnh tượng quen thuộc mỗi khi các nhóm cổ động viên quá khích nốc say rượu bia và bắt đầu quậy phá. Mấy ngày trước khi kết thúc giải, có một tít báo khiến tôi bật cười. "World Cup này không có cổ động viên Anh nào bị bắt", dòng tít viết. Nhưng đấy là một điều không tưởng ở những World Cup trước, khi những xung đột giữa cảnh sát và các nhóm cổ động viên cởi trần uống say gây bạo loạn là rất bình thường. Một đất nước Hồi giáo cấm rượu bia và say xỉn ở nơi công cộng ban đầu có vẻ tạo ra những câu chuyện cười liên quan đến việc tại sao người ta có thể cấm những thứ hay ho bậc nhất cuộc đời và chú trọng chuyện cầu nguyện 5 lần một ngày hơn hóa ra có lý. Bóng đá là cho tất cả mọi người, cho đàn ông, hẳn rồi, nhưng cũng cho phụ nữ và trẻ em nữa, nhưng điều đó không bình đẳng với những kẻ phá hoại hoặc mượn niềm vui được uống để làm loạn. Ở World Cup này, phụ nữ và trẻ em thấy mình an toàn trong cuộc vui bóng đá. Những niềm vui vẫn tràn ngập trên các khán đài, các bàn thắng vẫn được ghi, những điều tuyệt vời mà bóng đá đem lại vẫn xuất hiện trên những sân bóng hiện đại, mới mẻ, những con đường cao tốc êm ru, những downtown sầm uất, sạch sẽ và an toàn tuyệt đối, khi bạn có thể để những chiếc túi LV đắt tiền trên ghế ô tô trên phố mà không sợ bị đập kính như vẫn thường xảy ra ở nhiều nước châu Âu.

Còn gì thú vị hơn thế nữa, khi mỗi World Cup là một trải nghiệm hấp dẫn đối với những ai đặt chân đến các quốc gia đăng cai. Những World Cup hiện đại trong 30 năm qua là một hành trình vòng quanh thế giới, như một hành trình văn hóa, lịch sử và con người kết hợp với tình yêu trái bóng tròn. Đó là chuyến đi qua Mỹ năm 1994, Pháp năm 1998, Nhật Bản và Hàn Quốc 2002, Đức 2006, Nam Phi 2010, Brazil 2018, nước Nga rộng lớn năm 2018 và rồi 2022, lần đầu tiên ở một quốc gia Hồi giáo Arab. World Cup ngày càng trở nên không biên giới, san bằng mọi khác biệt về tôn giáo, đến với tất cả mọi người ở mọi ngóc ngách trên thế gian. Ai trong số đó cũng là những kẻ mơ mộng và thích lang thang cùng trái bóng tròn.

Ký sự World Cup: Mơ ước cùng nhau - Ảnh 2.

Một đứa trẻ tô màu lên hình Cúp vàng World Cup ở trung tâm Doha, Qatar

 4 năm nữa, cho một World Cup khác

4 năm sau nữa, những kẻ mơ mộng ấy sẽ thêm 4 tuổi. Ngay từ bây giờ, họ đã bắt đầu mơ đến những hành trình trên đất Bắc Mỹ mênh mông. Sẽ thế nào nhỉ, những roadtrip bằng ô tô tự lái giữa các thành phố của nước Mỹ trong một tháng, với chuyến đi từ bờ Đông sang bờ Tây, hay những chuyến đi chạy từ Bắc xuống Nam, từ Canada chạy thẳng đến Mexico, trong đó có những cung đường đẹp mê hồn đi qua sa mạc Arizona hay đường 66? Đấy không hẳn là World Cup vì bóng đá nữa, mà là World Cup của những hành trình dành cho những kẻ ưa lang thang như tôi. Sẽ có vô số chuyện để nói về World Cup ấy, nhưng vẫn còn xa lắm, hơn nghìn ngày nữa cơ mà.

Rồi người có lẽ cũng sẽ quên những điều đã nói về World Cup này, những tranh cãi, cáo buộc, bê bối, những chỉ trích và cả những thuyết âm mưu được tạo ra để biến giải đấu này thành một sự thất bại, ít nhất là về mặt truyền thông. Nhưng không, trái bóng đã lăn trên những sân cỏ World Cup. Qatar mới thực sự là người vô địch World Cup, dù một scandal mới đang làm ầm ỹ EU những ngày qua và có thể sẽ làm rung chuyển đất nước này trong thời gian tới, liên quan đến những cáo buộc về hối lộ của Qatar với một nữ nghị sĩ xinh đẹp người Hy Lạp là Phó Chủ tịch quốc hội châu Âu. Nhưng đó là chuyện của hậu World Cup, khi trái bóng sẽ lăn trên một sân cỏ khác, ít mơ mộng hơn. Còn giờ là lúc chúng tôi về nhà và mơ cho 4 năm sau…

Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm