'Hoàng Nam không dự Davis Cup vì lý do chuyên môn'

11/02/2014 06:44 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện ồn ào về cây vợt Hoàng Nam vẫn chưa có hồi kết. Đơn vị chủ quản của Hoàng Nam là B.Bình Dương vẫn quyết tâm bảo vệ sản phẩm tâm huyết nhất của mình từ trước đến nay, vì theo lý giải của người trong cuộc, Hoàng Nam không thể đi theo lối mòn của những đàn anh.

* Xin chào ông, đây là lần thứ hai tên tuổi của ông được lên báo trong chưa đầy một tuần, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi là một người kinh doanh nên thú thật, không hề muốn vướng vào báo chí và đặc biệt là những rắc rối như thế này. Nó rất dễ ảnh hưởng đến uy tín của Công ty. Nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ để mọi người hiểu rõ chuyện đang xảy ra.

* B.Bình Dương một mực không nhận lời để Hoàng Nam thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Phải chăng vì Hoàng Nam là đứa con cưng không thể đụng tới của Công ty?

- Tôi xin nhấn mạnh việc Hoàng Nam không lên tập trung ĐTQG dự Davis Cup lần này xuất phát hoàn toàn vì chuyên môn chứ chưa đề cập đến chuyện kinh phí. Chúng tôi làm theo những đề xuất rất xác đáng của HLV Trần Đức Quỳnh.

Tôi xin phân tích kỹ thêm một số điều về chuyên môn mà có thể những người ngoài cuộc chưa biết. Khi nghiên cứu thể trạng con người, người châu Á chúng ta chỉ thực sự trưởng thành về thể chất, tâm sinh lý, tài năng lúc 23-24 tuổi. Còn người châu Âu, họ phát triển sớm hơn, lúc 20 tuổi.

Hoàng Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Điều mà HLV lo ngại nhất là Hoàng Nam còn ít tuổi, dễ nảy sinh tâm lý háo thắng. Điều này khiến Nam phải vận dụng tối đa sức lực cho các trận đấu và nguy cơ chấn thương là rất cao.

Ở Davis Cup, các trận đấu diễn ra 5 set nên càng bào mòn thể lực VĐV. Anh có nhớ rằng, trên thế giới chỉ có 4 giải Grand Slam mới diễn ra theo thể thức này và các VĐV gặp chấn thương khi vận động với cường độ cao là bình thường. Hầu hết nhiều giải đấu chỉ diễn ra theo thể thức 3 set thắng 2.

Hoàng Nam chưa đủ thể lực để chơi theo thể thức 5 set. Thêm nữa, khí hậu ở Đà Lạt là rất khó chịu. Trời lạnh, không khí loãng nên các VĐV có nguy cơ chấn thương cao hơn nữa. Bằng chứng là Quốc Khánh và Hoàng Thiên đang gặp những chấn thương do phải tập nặng. Nếu chấn thương hoài thì sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi, có tỳ vết luôn.

* Vậy khi nào Hoàng Nam mới đủ sức chơi những giải đấu đẳng cấp?

- 23-24 tuổi là khi Hoàng Nam đạt đến độ chín nhưng BHL không muốn chờ đến lúc đó. Khoảng 20 tuổi, Hoàng Nam sẽ xin để thi đấu những giải đấu tầm cỡ Davis Cup nhóm II để tích lũy kinh nghiệm.

Tâm huyết của Becamex muốn làm thương hiệu vươn ra thế giới nhờ Hoàng Nam nhưng chúng tôi không thể đốt cháy giai đoạn. Bài học của VĐV rất tài năng trước đây là Đan Mạch vẫn còn đó.

Đan Mạch là VĐV rất thông minh và có tiềm năng do Becamex đào tạo. Nhưng do nóng vội, chúng tôi đồng ý cho Mạch dự SEA Games và sau đó, em ấy tụt dốc phong độ không phanh.

Nóng vội là điều không tốt với thể thao đỉnh cao. Hoàng Thiên cũng là bài học để chúng tôi không cho Hoàng Nam bước theo. Ngày xưa Hoàng Thiên còn nhỏ tuổi đã dự Men’s Future, tôi nghĩ đó là giải đấu quá sức và ảnh hưởng đến sự phát triển của Thiên sau này.

* Là người có chuyên môn, anh hãy phân tích một chút về Hoàng Nam và Hoàng Thiên?

- Cả 2 đều là những tay vợt có tố chất, ý chí thi đấu, khả năng thiên bẩm… Điểm khác biệt là Hoàng Thiên thường kỵ giơ với Hoàng Nam. Ví dụ như Hoàng Thiên gặp Linh Giang là dễ dàng chiến thắng trong 2 set. Còn Hoàng Nam phải sang set 3 mới thắng nổi Linh Giang.

Hoàng Thiên nổi bật hơn ở khả năng tập luyện và chuyên nghiệp số 1 Việt Nam. Hoàng Thiên khi bị đối phương dồn vào chân tường vẫn có khả năng vươn lên mạnh mẽ. Còn Hoàng Nam có khả năng điềm tĩnh, chắc chắn từ khi bắt đầu đến khi kết thúc trận đấu.

Hoàng Nam có bước phát triển trong sự nghiệp vì BHL đã cân nhắc để chọn lựa được giải đấu phù hợp với cậu ấy. Nam dám đánh những giải trong nhóm 1 ITF, dù rằng các giải trong nhóm 2 cậu ấy vẫn thua nhưng Nam tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Còn Hoàng Thiên khi ở tuổi 17 vẫn dự những giải nhóm 3, nhóm 4 nên khả năng chưa được phát huy hết. Việc lựa chọn giải đấu tham gia để phát triển sự nghiệp cũng rất quan trọng với VĐV. Nhân đây tôi muốn khuyên Hoàng Thiên nên kiên nhẫn để phát triển sự nghiệp của mình.

* Có ý kiến cho rằng HLV Trần Đức Quỳnh giờ đã không đủ trình độ để huấn luyện Hoàng Nam?

- Trước Hoàng Nam, anh Quỳnh đã huấn luyện rất nhiều thế hệ VĐV Việt Nam. Kinh nghiệm của anh ấy là có thừa và rất hữu ích cho Hoàng Nam cũng như Tổng Công ty.

* Cách đây vài ngày, Phó Chủ tịch VTF Nguyễn Quốc Kỳ có hẹn sẽ có buổi làm việc với Tổng Công ty và gia đình Hoàng Nam nhưng buổi gặp này lại bất thành?

- Chúng tôi không nhận được văn bản hẹn gặp nào của anh Kỳ cũng như Tổng cục TDTT. Becamex là Công ty không nhỏ, có bộ phận tiếp nhận và phúc đáp công văn. Nhưng chúng tôi có nhận được gì đâu mà giải quyết.

* Xin cảm ơn ông!

* Một lý do khác để B.Bình Dương quyết không cho Hoàng Nam lên ĐTQG là vì Becamex đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư cho Hoàng Nam?

- Không hề có chuyện này. Cái chúng tôi căn cứ vào là ý kiến hợp lý của HLV Tràn Đức Quỳnh như đã đề cập ở trên. Còn để đầu tư cho Hoàng Nam như anh hỏi, tốn kém cũng không ít đâu.

Từ năm 9 đến 14 tuổi, Hoàng Nam không tốn nhiều tiền để đầu tư. Giai đoạn này chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng từ năm 14 tuổi trở đi, mỗi năm chúng tôi tốn khoảng 30.000-40.000 USD để Hoàng Nam phát triển tài năng.

Mỗi chiếc vé máy bay từ Việt Nam sang Mỹ có giá 1.800 USD, cũng ngần ấy tiền cho Hoàng Nam từ Mỹ sang Mexico. Rồi cũng 1.800 USD từ Mexico sang Venezuela. Chưa kể tiền ở khách sạn khi Hoàng Nam trú chân ở Mỹ, tiền thuê sân thi đấu, tiền HLV hỗ trợ thêm bên nước bạn…

Để đào tạo VĐV chuyên nghiệp, càng lên cao thì chi phí càng cao. Nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội khi hỏi tôi về chi phí để đưa con họ sang nước ngoài thi đấu, nghe báo giá xong họ ngã ngửa bảo thôi.

Tại Việt Nam bây giờ, ngoài Becamex, tôi thấy có 2 trường hợp khác rất tâm huyết với quần vợt là ba mẹ Hoàng Thiên và gia đình Đài Trang. Tôi tin ba của Hoàng Thiên bảo bỏ ra cả triệu đô để đầu tư cho Hoàng Thiên là có thật và xem Hoàng Thiên đạt tới trình độ bây giờ, tôi nghĩ gia đình của Thiên đã tiêu tốn 500.000 USD là ít. Còn gia đình Đài Trang phải bán nhà ở Vũng Tàu để tạo điều kiện hết mức cho con mình cũng có cơ sở.


Việt Hòa (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm