Khởi nghiệp ở Singapore: Sự vào cuộc của Thủ tướng

13/03/2017 20:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Để khích lệ người dân Singapore tham gia khởi nghiệp, đích thân thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã bày tỏ sự yêu thích với các mô hình start up, đặc biệt là Uber.

Thời điểm năm 2010, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Singapore có nền kinh tế tương đối phát triển. Mức sống người dân ở đây được xếp vào loại cao so với khu vực và thế giới. Thế nhưng, kỳ lạ là, đa số người dân lại chọn cách đi làm cho chính phủ hoặc các công ty. Ngay cả những người tài năng, sáng giá cũng không màng đến “khởi nghiệp”. Khởi nghiệp với họ là một cái gì đó khá xa xôi. Điều này trái ngược hoàn toàn với nhận định của các chuyên gia, đó là: những người có xuất thân khá giả hơn có xu hướng khởi nghiệp nhiều hơn bởi họ đã có gia đình làm bệ đỡ vững chắc trong trường hợp thất bại.

Cũng chính vì phong trào khởi nghiệp trước năm 2010 chưa từng xuất hiện ở Singapore nên sau khoảng thời gian này, chính phủ đã ra sức nhấn mạnh tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với nền kinh tế cũng như xóa bỏ quan niệm cũ và kêu gọi người dân tham gia startup.


Thủ tướng Lý Hiển Long là người đặc biệt yêu thích tinh thần khởi nghiệp

Mọi việc không chỉ dừng lại ở kêu gọi của chính phủ, mà ngay cả Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đích thân vào cuộc. Trên Facebook cá nhân, ông có rất nhiều bài viết về startup. Thậm chí, ông cũng không ngần ngại bày tỏ sự yêu thích đặc biệt của mình với dịch vụ Uber. Chính điều này đã dần nhen nhóm ý định khởi nghiệp trong những người trẻ.


Cũng vì yêu thích khởi nghiệp, Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định đưa hàng ngàn sinh viên xuất sắc sang thực tập tại Thung lũng Silicon hay các show truyền hình khuyến khích khởi nghiệp trên kênh của công ty truyền thông do chính phủ sở hữu MediaCorp.

Bất cứ ai quan tâm đến khởi nghiệp có lẽ không nên bỏ qua khu tổng hành dinh của hàng trăm startup công nghệ JTC LaunchPad @ One-North mỗi khi ghé thăm Singapore.


Khu startup công nghệ JTC LaunchPad @ One-North

Từ một khu công nghiệp cũ xuống cấp, chính phủ Singapore đã cải tạo và biến JTC LaunchPad thành một trung tâm khởi nghiệp sôi động bậc nhất nước này. Tận dụng được lợi thế gần gũi các trường đại học nổi tiếng như NUS hay INSEAD, tòa nhà đầu tiên mang tên Block 71 đã phát huy sức mạnh và trở thành nhà của hơn 100 startup.

Bên trong Block 71, các công ty hoạt động hăng say, được miễn phí sử dụng wifi, điện nước, đồ ăn và tham gia các chương trình tổ chức tại đây chỉ với một mức giá thuê ưu đãi. Điều đặc biệt ở Block 71 là ngoài các công ty khởi nghiệp công nghệ, hầu hết các thành tố khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như các nhà đầu tư, sự kiện lớn hay các vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp cũng đều hiện diện tại đây.


Mỗi tháng một lần, Block 71 lại tổ chức một ngày hội "Investor Day" quy tụ khoảng 20-30 nhà đầu tư trong và ngoài nước để các startup có cơ hội thuyết trình gọi vốn cho sản phẩm của mình. Sự sôi động ở đây không chỉ tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn đầu tư và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp mà còn giúp họ dễ dàng chia sẻ, học hỏi kỹ năng và công nghệ với các startup "cùng nhà".

Sau thử nghiệm ban đầu thành công với tòa nhà Block 71, chính phủ Singapore đã quyết định mở rộng JTC Launchpad sang các tòa Block 73 cho những startup non trẻ hơn, Block 79 cho các vườn ươm khởi nghiệp trong lĩnh vực y sinh nhằm thương mại hóa các công trình của trung tâm nghiên cứu A*STAR cách đó không xa.


Dự kiến tới năm 2017, khu vực này sẽ tiếp tục mở thêm các tòa Block 77, Block 75 và Block 81 để trở thành trụ sở của khoảng 750 startup. Rõ ràng, những khu phức hợp như JTC Launchpad đã khiến cho việc đứng ra khởi nghiệp chẳng còn là điều gì quá khó khăn với hàng tá thứ phải lo lắng nữa, và chắc chắn tham vọng của chính phủ Singapore không chỉ dừng lại ở JTC.

Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm