Khi dòng kịch chính luận trở lại

12/10/2023 08:05 GMT+7 | Văn hoá

Vào tuần lễ đầu tiên của tháng 10, sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần (TP.HCM) đã ra mắt vở Bến lửa lòng (tác giả : Vũ Trần - Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần). Đây là một vở diễn đi theo hướng dòng kịch chính luận, tâm lý tình cảm có chiều sâu tư tưởng, từng rất thành công tại sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần vào thời hoàng kim cách đây hơn 20 năm.

1. Bến lửa lòng là một bi kịch của số phận con người ở vùng quê miền Tây sông nước, mà cụ thể là bến sông buồn của má Bí (NSƯT Tú Sương) nửa điên, nửa tỉnh; và cái lò gạch nung của bà Vàng (Ngọc Duyên), một người đàn bà gai góc.

Ở đó, không chỉ có cái nghèo mà còn cả sự cay nghiệt của số phận dành cho những con người với hai tuyến tính cách trái ngược nhau. Một bên hiền lành, mộc mạc và chân chất còn một bên đầy toan tính. Thế nhưng, tất cả họ đều có một khát khao chung là quẫy đạp tìm kiếm hạnh phúc. Dù vậy, đến khi vãn tuồng, người xem vẫn thấy rằng niềm hạnh phúc với tất cả họ đều là một màn sương khói mơ hồ và xa xăm.

Khi dòng kịch chính luận trở lại - Ảnh 1.

NSƯT Tú Sương trong “Bến lửa lòng”

Thật lạ, cái kết của vở diễn không theo mô-típ có hậu, nhưng người xem không cảm thấy bi thương. Ngược lại, thông điệp mà tác giả và đạo diễn gửi gắm khiến cho người xem tự rút ra rằng để có hạnh phúc chúng ta phải cần những gì. Giữa tiền và tình người điều gì là quan trọng nhất? Câu trả lời của đạo diễn nằm ở phía nhân vật Koi (Quách Ngọc Tuyên) và bé Bông (Gia Linh).

Không chỉ có một câu chuyện đánh mạnh vào cảm xúc, và lối dàn dựng có độ lắng, diễn xuất của diễn viên cũng là một điểm nổi bật của Bến lửa lòng. Nói theo nghĩa nào đó, NSƯT Tú Sương, Ngọc Duyên, Quách Ngọc Tuyên, Gia Linh, Bảo Kun đã chìm đắm trong xúc cảm nhân vật và lan tỏa cảm xúc ấy sang khán giả. Còn tuyến nhân vật phụ của vở cũng tròn trịa và duyên dáng, đủ để xem. Cộng cùng thiết kế sân khấu và âm nhạc tốt, Bến lửa lòng đã trở thành một trong những vở kịch tâm lý xã hội hay nhất của sân khấu 5B vài năm trở lại đây.

"Sau thời gian lèo lái sân khấu 5B Võ Văn Tần với nhiều hướng khác nhau, từ đây, tôi quyết định trở về với thể loại kịch có chiều sâu tâm lý. Đương nhiên, đâu đó vẫn có thấp thoáng một vài màu sắc yêu thích của các bạn trẻ tuổi teen, nhưng trọng tâm vẫn là câu chuyện khiến người xem phải suy nghĩ và suy gẫm" -NSƯT Mỹ Uyên, người dẫn dắt sân khấu 5B Võ Văn Tần, chia sẻ - "Tôi tin rằng sân khấu kịch phía Nam vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thích phong cách này, và rất nhiều nghệ sĩ đang khát khao được hóa thân vào những vở kịch đẹp có chiều sâu. Làm kịch có thể không có nhiều tiền, nhưng chúng tôi có niềm vui từ những khán giả tri âm".

2. Trước đó vài tuần, cuối tháng 9, tại TP.HCM, sân khấu Thiên Đăng cũng ra mắt vở nhạc kịch Giáng Hương (NSƯT Thành Lộc chuyển từ tuồng cải lương Sân khấu về khuya của NSND Năm Châu). Đây là một vở chính kịch tâm lý xã hội không chạy theo mô-típ kịch giải trí, sinh hoạt gây cười kiểu đối đáp quăng bắt theo các xu hướng mạng xã hội - vốn đang chiếm lĩnh thị trường kịch phía Nam.

Khi dòng kịch chính luận trở lại - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở “Giáng Hương”

Tính thẩm mỹ của Giáng Hương tạo cảm xúc rất đẹp cho người xem, và tạo nên sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng những người mê kịch nghệ. Điều này giải đáp cho câu hỏi khó từng được đặt ra: "Ngày nay làm kịch kiểu gì có thể kéo được khán giả đến rạp?". Khán giả yêu mến dòng kịch nghệ nhiều tầng nghĩa, khai thác vẻ đẹp văn hóa hay những góc khuất trong tâm lý con người vẫn luôn chờ đợi vở diễn đúng sở thích. Khi một tác phẩm thật sự hay ra mắt, họ sẽ mua vé. Ngay trong vở Giáng Hương, đạo diễn Thành Lộc đã nhấn mạnh rằng sân khấu là thánh đường. Nơi đó chỉ dành cho những câu chuyện đẹp, tử tế - và không vì bất cứ lý do gì để chạy theo thói quen giải trí rẻ tiền.

Khi dòng kịch chính luận trở lại - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở “Trả lại thia lia”

Trước Giáng Hương của sân khấu Thiên Đăng không lâu, Trả lại lia thia ( đạo diễn Hoàng Thái Thanh, tác giả Nguyễn Thoại - Hoàng Thái Thanh cảm tác từ truyện ngắn Củi mục quay về của Nguyễn Ngọc Tư) cũng tạo nên sự bùng nổ về mặt cảm xúc. Câu chuyện đi sâu vào việc khai thác bi kịch số phận của các nhân vật: Sự giằng xé giữa thiện và ác để đi tìm cái đẹp nhân cách. Trong vở, đạo diễn đã miêu tả nỗi cô đơn của con người một cách xuất sắc qua nhân vật người phụ nữ tàn tật (Kim Huyền) thủ vai.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh trước giờ vẫn thế, chỉ tập trung vào dòng kịch văn học và chính luận. Dẫu còn nhiều khó khăn về tài chính nhưng thương hiệu Hoàng Thái Thanh là biểu tượng cho phong cách kịch nghiêm túc, không chạy theo xu hướng giải trí dễ dãi. Nhờ vậy, sân khấu này luôn có một lượng khán giả trung thành, đủ để ông bà bầu Ái Như - Thành Hội tiếp tục hành trình đầy chông gai của mình.

Trở lại việc sân khấu 5B vừa tiếp lửa cho phong cách kịch chính luận. Có những thông tin rằng sân khấu Idecaf trong thời kỳ mới cũng đang ráo riết chuẩn bị   các kịch bản theo hướng có chất văn học, có sự trăn trở với cuộc sống, rồi hợp tác với  những nghệ sĩ sở trường phong cách này như Thanh Thủy, Trung Dân, Tuyết Thu… Những tín hiệu vui ấy khiến nhiều người hi vọng: Trong tương lai, tại phía Nam sân khấu kịch thể loại chính luận sẽ hồi sinh và góp phần vào sự đa sắc của đời sống kịch nghệ chốn này.

Ngay trong vở Giáng Hương, đạo diễn Thành Lộc đã nhấn mạnh rằng sân khấu là thánh đường. Nơi đó chỉ dành cho những câu chuyện đẹp, tử tế - và không vì bất cứ lý do gì để chạy theo thói quen giải trí rẻ tiền.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm