Khai mạc World Cup 2014: Hồn đất nước trong dáng hình 'cây lạ'

13/06/2014 14:31 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Phần 1 chương trình khai mạc World Cup 2014 dành để tái hiện thảm thực vật phong phú của đất nước Brazil. Giữa thảm xanh được trải rộng để hoa lá khoe sắc, xuất hiện vũ công hóa trang những thân cây cao lớn. Truyền thông thế giới gọi nó là “cây lạ”.

Tên đất nước xuất phát từ loài cây

Cây với thân to lớn vươn cao, phía trên cành đâm ra như muốn đón lấy sinh khí của vũ trụ đó có tên Pau-Brasil. Pau là tên gọi thông tục của arvore (nghĩa là cây), còn Brasil là biến thể của từ Brasa trong tiếng Bồ Đào Nha (nghĩa là màu hồng than- màu của gỗ cây). Nó chính là nơi khởi nguồn cho tên của đất nước, là biểu tượng cho sự vĩnh hằng của Brazil.


Hình ảnh biểu tượng của Pau-Brasil trong lễ khai mạc World Cup 2014

Pau Brasil được tìm thấy bởi người Bồ Đào Nha khi họ tới vùng đất Nam Mỹ xâm chiếm thuộc địa những năm 1500. Vào thời điểm đó, loài cây này vô cùng phong phú ở vùng ven biển của Brazil. Nó cung cấp môi trường sống cho hoa lan và các loài ký sinh khác đóng vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế- xã hội của Brazil.

Nhờ nhựa Pau-Brasil mà người dân nơi đây tạo ra loại thuốc nhuộm màu than hồng tuyệt đẹp, khiến ngành may mặc châu Âu mê mệt và biến nó thành sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của thuộc địa mới này. Do đó, người ta gọi nơi đây là “Vùng đất Brasil”, rồi Brazil như ngày nay. Từ năm 1961, Pau-Brasil được chọn là biểu tượng của đất nước bởi Tổng thống Janio Quadros.


Nhựa cây Pau-Brasil từng được sử dụng làm thuốc nhuộm

Linh hồn của cây vĩ cầm

Giữa thế kỷ 19, các nhà khoa học chế tạo được thuốc nhuộm tổng hợp nên người ta không còn quan tâm đến nhựa cây Pau-Brasil nữa. Nhưng nó lại có một công dụng khác khiến thế giới một lần nữa mê mệt. Trong một lần tình cờ khám phá, thợ sản xuất nhạc cụ phát hiện ra rằng gỗ Pau-Brasil nếu dùng để sản xuất cung vĩ cầm, sẽ tạo nên âm thanh du dương hiếm có.

“Một số người nghĩ rằng cung chỉ là gỗ còn dây đàn là mái tóc”, nghệ nhân vĩ cầm Gunter Seifert cho biết. “Nhưng thực tế cung mới là nơi để thể hiện linh hồn của âm nhạc phát ra từ cây vĩ cầm”. Vì lý do này, các dàn nhạc thính phòng, các nghệ sĩ nghiệp dư hay chuyên nghiệp đều muốn sở hữu một chiếc cung làm từ Pau-Brasil. Gỗ cây Pau-Brasil nhanh chóng được chuyển từ Brazil tới châu Âu và Bắc Mỹ, bán cho các hãng sản xuất nhạc cụ.

Quá trình khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch khiến diện tích Pau-Brasil nhanh chóng bị thu hẹp (một phần do người dân địa phương phá rừng để trồng mía, bạch đàn). Gỗ Pau-Brasil dần trở nên khan hiếm. Pau-Brasil được liệt vào danh sách những loài cây bị đe dọa của cơ quan bảo tồn động thực vật hoang dã Brazil (IBAMA). Những cuộc tranh luận về việc bảo tồn loài cây, tiết kiệm trong việc sử dụng gỗ cây đã nổ ra. Những chiến dịch nhằm bảo vệ Pau-Brasil được phát động không chỉ ở Brazil mà trên toàn thế giới.


Là nguyên liệu quý để sản xuất cung đàn vĩ cầm

Chiến dịch toàn cầu để bảo vệ cây thông qua 2 dự án. Một dự án ở Amainan, tổ chức phi chính phủ ở Brazil, nhằm khuyến khích nhận thức về tầm quan trọng của loài cây và việc bảo tồn cho cộng đồng. Dự án thứ 2 tại Margaret Mee Foundation và Vườn Bách thảo Rio, nhằm nghiên cứu sự phân bố, biến dị di truyền và các đặc tính sinh học khác của Pau-Brasil. Các nhà sản xuất nhạc cụ cũng không muốn ngồi im. Họ cùng nhau sáng lập ra tổ chức bảo tồn mang tên IPCI với mục tiêu cứu loài Pau-Brasil và cũng là cứu chính nghề nghiệp của mình.

Ngày nay, Pau-Brasil còn được sử dụng cho mục đích y tế. Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu để xác định xem vỏ cây liệu có thể chế xuất làm thuốc điều trị ung thư. Tháng 6 năm 2007, Pau Brasil đã  có tên trong phụ lục II của Công ước CITES (Công ước về buôn bán các loài nguy cấp), qua đó áp đặt quy đinh thương mại quốc tế liên quan đến loài cây này.

Bên cạnh việc chọn Fuleco làm linh vật, đưa hình ảnh của cây Pau-Brasil vào lễ khai mạc World Cup 2014 là dụng ý hay ho của FIFA và ban tổ chức. Hình ảnh những thân cây cao lớn với tán xòe rộng, mang theo thông điệp bảo vệ Pau-Brasil, bảo vệ thiên nhiên, môi trường thế giới.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm